Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 29

Cầu Nguyện (1)

Chúng ta sẽ học về cầu nguyện trong bài này.

Phúc Âm Ma-thi-ơ 6:5-8 là dẫn chứng thứ hai để giải thích lời dạy của Chúa liên quan đến lòng tin trong áp dụng hay là nếp sống của một đời đạo hạnh. Chúa dạy tổng quát trong câu đầu tiên: Hãy giữ, đừng làm những việc tốt lành trước thiên hạ cho họ thấy, vì các anh sẽ không được phần thưởng nào do từ Cha trên trời. Chúa đã nói đến việc bố thí cho người nghèo, bây giờ Chúa sang dẫn chứng về cầu nguyện, hay là mối tương quan, liên lạc với Đức Chúa Trời.

Thường khi đọc khúc Kinh Thánh này, chúng ta hay nghĩ đến hình ảnh người tu sĩ dòng Pha-ri-si thời đó, vì những người này sống giả hình, chỉ phô trương bề ngoài. Nhưng như vậy là chưa rõ lời dạy của Chúa. Chúa muốn dạy ta về một hình thức hậu quả của tội ác trong linh hồn người, đó là tội tự mãn và kiêu ngạo.

Chúa cho thấy rằng, tội là một điều luôn theo đuổi chúng ta, ngay cả trong lúc có Chúa hiện diện nữa. Tội không phải là một điều gì tiến công và làm hại chúng ta khi chúng ta xa Chúa, xa cộng đồng tin Chúa. Nhưng tội là một điều kinh khủng, không những theo ta đến tận cửa thiên đàng, và nếu có thể được, nó còn vào cả thiên đàng nữa. Tội không phải phát sinh từ đất. Trước khi con người trên đất sa ngã, thì một thiên sứ trên trời đã sa ngã. Thiên sứ ấy là Sa-tan, kẻ đã cám dỗ con người đầu tiên.

Một điều khác nữa ta cần nhắc lại, đó là đừng nghĩ đến tội trong hành động mà thôi, nhưng phải nguyên gốc của nó. Lời dạy của Kinh-thánh về tội là một điều thuộc về tư tưởng, đó là tình trạng của tấm lòng. Ta có thể định nghĩa ngắn gọn tội là tự tôn thờ, tự đưa mình lên. Thành ra nhiều khi ta làm việc gì nói là cho Chúa, nhưng trong sâu kín lại chính là để tạo chỗ đứng, tiếng tăm và lợi lộc cho riêng mình. Chúa Giê-xu lên án thái độ như vậy.

Hình ảnh đẹp nhất của một người tin Chúa là khi người ấy quỳ gối cầu nguyện. Cầu nguyện là một việc làm quý trọng nhất, tốt đẹp nhất, vì lúc ấy Chúa được tôn cao. Tuy nhiên, theo lời dạy của Chúa trong chương 6, tội là một điều ảnh hưởng đến chúng ta sâu xa, kinh khủng, đến nỗi ngay trong việc cầu nguyện, nó cũng không chừa.

Chúng ta thường nghĩ đến tội khi nhìn vào những chỗ rác rến, hư hoại trong đời. Như khi thấy một người say rượu, một người trác táng, ta nói: đó là kết quả của tội, đó là hình ảnh tội. Nhưng đó không phải là tinh chất của tội. Muốn có một hình ảnh đúng về tội, ta phải nhìn vào một thánh nhân, một người đạo hạnh chân thật. Nhìn người ấy trong tư thế quỳ gối cầu nguyện trước mặt Chúa. Ngay chỗ ấy, bản ngã cũng len lỏi vào, và cuộc cám dỗ là làm cho người ấy chỉ nghĩ về chính mình, thích thú nghĩ về mình và thực sự tôn thờ mình hơn là Chúa. Đó mới chính là hình ảnh thật của tội. Hình ảnh kia tội ác, rất đúng, nhưng ta không thấy được tinh chất của nó. Nói cách khác, nếu ta muốn hiểu rõ bản chất của Sa-tan và hoạt động của nó, đừng để ý đến những cặn bã rác rến của đời, mà phải nhìn vào đồng hoang, nơi Chúa Giê-xu đã ở suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm. Đó chính là hình ảnh Sa-tan khi nó cám dỗ con Đức Chúa Trời.

Lời dạy của Chúa ở đây dành riêng cho những người đã tin Chúa thật, nghĩa là đã được tái sinh đổi mới hoàn toàn. Chúng ta được dạy là phải cẩn thận khi cầu nguyện, vì không chừng, ngay chỗ ta đến với Chúa mà ma quỷ còn làm ta ngã quỵ.

Có hai cách cầu nguyện, một cách đúng, một cách sai.

Cách cầu nguyện sai có nan đề là ngay tính cách cầu nguyện đã sai. Lỗi lầm chính là tập trung vào việc cầu nguyện mà thôi. Tập trung vào người đang cầu nguyện hơn là đối tượng của sự cầu nguyện là Chúa. Chúa Giê-xu dạy: Khi các anh cầu nguyện, đừng làm như bọn giả hình: vì họ ưa đứng trong nhà hội và các góc đường phố, để được mọi người trông thấy. Ta nhớ câu chuyện Chúa dạy về hai người lên đền thờ cầu nguyện. Người dòng tu Pha-ri-si tiến lên chỗ mọi người thấy rõ nhất và cầu nguyện. Trong khi đó, người thu thuế quá hổ thẹn và hối hận, đã đứng tận đằng xa, không dám ngước mắt lên nhìn, nhưng kêu khóc: Xin Chúa tha cho con là kẻ có tội. Trong bài học này, Chúa cũng mô tả cách cầu nguyện của người Pha-ri-si như vậy, và Chúa thêm: Họ đã có phần thưởng của họ rồi.

Theo Chúa thì lý do người ta cầu nguyện nơi góc phố là người Pha-ri-si muốn cho người khác có cái cảm tưởng rằng mình thánh thiện và thành tâm, muốn cầu nguyện quá đến nỗi phải đứng ngoài đường mà cầu nguyện, chứ không thể chờ cho đến khi vào đền thờ. Cũng cùng lý do đó khi người ấy tìm một chỗ nào dễ thấy nhất trong đền thờ.

Điều thứ hai Chúa dạy ở đây là: Khi các anh cầu nguyện, đừng nên dài dòng, nhắc đi nhắc lại mãi một câu, vì nghĩ rằng, nói nhiều thì được nhậm lời. Hai hình ảnh kể trên cho thấy hai cách cầu nguyện sai lầm. Thứ nhất là việc chú trọng của tôi. Tôi có giống người Pha-ri-si trong khi cầu nguyện hay không?, nghĩa là chỉ nghĩ đến mình trong lúc cầu nguyện. Thứ hai là, tôi có cảm thấy lời cầu nguyện hiệu nghiệm của tôi phụ thuộc vào số những lời cầu nguyện hay là thái độ cầu nguyện đặc biệt?

Ta sẽ phân tích từng nan đề một.

Nan đề thứ nhất là: Nguy hiểm của việc chú trọng đến chính mình trong lúc cầu nguyện. Người cầu nguyện trong lúc ấy chỉ muốn được người khác biết mình là người đạo hạnh. Đó là điểm sai lầm. Vì cầu nguyện mà chú trọng đến mình như vậy là không xứng đáng. Thái độ này làm hỏng cuộc cầu nguyện của ta, và việc cầu nguyện sẽ không đạt.

Người Pha-ri-si muốn cho người ta cái cảm nghĩ rằng không thể đợi cho đến khi vào đền thờ, nên phải cầu nguyện ngay ngoài đường phố, ngay trước mắt mọi người. Thật ra, nếu người ấy cần cầu nguyện ngay thì tại sao không vừa đi vừa cầu nguyện? Chúa dạy, nên vào phòng kín mà cầu nguyện. Nhưng cũng có người phô trương bằng cách cho người ta biết mình hay cầu nguyện trong phòng kín. Mọi người cũng lại có ấn tượng rằng anh ta là một bậc thánh nhân vì dành nhiều thì giờ cầu nguyện. Vì có thể lắm, tôi vào phòng kín cầu nguyện, nhưng tâm trí tôi vẫn nghĩ đến những người khâm phục tôi vì tôi đạo hạnh, tôi thiêng liêng, năng cầu nguyện. Như thế, chính yếu không phải nơi chốn cầu nguyện, nhưng là cách tập trung tư tưởng khi cầu nguyện.

Một người nổi danh về việc tham dự một hội nghị tôn giáo, nhưng ngay sau phiên họp là lên một chỗ núi đá để cầu nguyện. Tất nhiên không ai dám phán xét là ông ta làm như thế để khoe khoang, nhưng nếu chỗ núi đá đó làm ông ta nổi danh là người cầu nguyện, thì ông ta phần nào cũng là người phô trương. Tại sao tạo ra hình ảnh một người sốt sắng cầu nguyện như vậy? Tại sao không cầu nguyện kín đáo hơn đến nỗi không ai thấy?

Một hình thức cầu nguyện sai rất tế nhị nữa, còn đang được bàn cãi, đó là có người cho rằng, khi cầu nguyện, phải lựa những lời hay đẹp để trình dâng lên Chúa. Nhiều người khi cầu nguyện trước công chúng còn phải viết cẩn thận lời cầu nguyện ra nữa. Nhưng trên thực tế, cầu nguyện là đến với Cha, thưa trình những điều cần Cha nghe và cứu giúp, chắc văn hoa không cần thiết lắm, mà chỉ cần đi thẳng vào vấn đề mà thôi. Vì nhiều người mới tin Chúa, nghe các tín hữu cầu nguyện hay quá, đã sợ không dám cầu nguyện.

Nan đề thứ hai liên quan đến thái độ cầu nguyện sai là tập trung quá nhiều vào hình thức của lời cầu nguyện hay là bài cầu nguyện dài hay là thời gian cầu nguyện. Chúa dạy: Khi các anh cầu nguyện, đừng dùng những lời lặp đi lặp lại vô ích, như người ngoại giáo: vì họ nghĩ rằng nhiều lời thì được nhậm.

Nhiều người nhầm cầu nguyện với đọc kinh. Người ta tin rằng hễ đọc nhiều kinh thì được nhiều phước. Thật ra cầu nguyện khác hẳn đọc kinh. Cầu nguyện là nói tự đáy lòng những gì mình muốn thưa trình với Chúa là Cha, và xin Chúa ban ân lành, cũng như phép lạ giải quyết vấn đề.

Người khác chú trọng vào thì giờ cầu nguyện. Thông thường người ta thấy các thánh nhân cầu nguyện lâu, nên nghĩ rằng phải cầu nguyện cho lâu để được thành thánh nhân. Thật ra, cầu nguyện như vậy là chú trọng vào chiếc đồng hồ và cũng để tự thỏa mãn đòi hỏi được chấp nhận là thánh nhân. Thánh nhân cầu nguyện lâu vì họ sống trước hiện diện của Chúa và say mê chiêm ngưỡng Chúa đến nỗi không muốn rời. Vì vậy, ấn định thì giờ cầu nguyện trong bao lâu cũng là một cách chú trọng về hình thức.

Người Hồi-giáo mỗi ngày phải cầu nguyện sáu lần, nên cứ đúng giờ là quỳ gối hướng về Mecca là thánh địa mà cầu nguyện, có khi tức giận vì không được theo đúng ý mình. Nhưng đó chỉ là hình thức cầu nguyện.

Chúa Giê-xu nói về những người chú trọng về hình thức cầu nguyện rằng: Họ đã được phần thưởng rồi. Họ muốn được người đời ca ngợi, và thật sự được như vậy.

Đó là lối cầu nguyện sai.

Cầu nguyện đúng cách là làm gì?

Chúa dạy: Khi các anh cầu nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, cầu nguyện với Cha ở nơi đó, và Cha là Đấng thấy ngay cả trong chỗ kín giấu, sẽ thưởng cho các anh. Nhưng khi cầu nguyện đừng dùng những lời lặp lại vô ích như dân ngoại thường làm: họ nghĩ rằng nhiều lời thì được nhậm. Các anh đừng làm như họ: vì Cha các anh biết rõ những gì các anh cần trước khi các anh cầu xin Ngài. Nói về nguyên tắc cầu nguyện, thì câu này có thể tóm tắt là: Một điều quan trọng trong việc cầu nguyện là dù cầu nguyện ở đâu, cũng phải ý thức là ta gặp và thưa chuyện với Chúa là Cha. Đó là điểm chủ yếu ta cần ghi nhớ.

Cầu nguyện đúng cách là phải biết loại bỏ. Khi nhận thức rằng tôi đang đến tiếp xúc với Chúa, tôi phải loại bỏ một số điều. Tôi phải vào chỗ kín giấu.

Nhiều người nói rằng không thích đi cầu nguyện chung, vì Chúa dạy phải vào phòng riêng cầu nguyện kín giấu. Nói như thế là cực đoan, và quên rằng Chúa dạy phải hợp chung cầu nguyện.

Điểm chủ yếu trong lúc cầu nguyện là ở riêng với Chúa và quên tất cả mọi người đang có mặt. Thế rồi ở riêng với Chúa, chú trọng vào Chúa, quên hẳn cả chính mình. Thái độ cầu nguyện như thế có thể thực hành ngay khi ta đi ngoài đường phố, đang đi trên xe, tàu, hay ngồi trong nhà. Ta có lẽ không làm gì có phòng riêng cho mình, nhưng khi nào ta ở riêng được với Chúa, chỉ một mình Chúa và ta, tức là ta đã có giây phút cầu nguyện quý giá. Vì tôi có thể thực sự vào một phòng riêng, khóa cửa lại thật, nhưng tâm trí tôi vẫn chẳng tập trung vào Chúa, và như thế cũng vô ích.

Tôi có thể đang đứng trước công chúng, nhưng tôi vẫn vào chỗ riêng cầu nguyện với Chúa mà không ai biết.

Sau khi vào phòng riêng, đóng cửa lại ta sang bước thứ hai là nhận định. Nhận định gì? Nhận định rằng mình đang ở trước mắt nhìn của Chúa. Nghĩa là nhận định Chúa là ai. Trước khi ta cầu nguyện, phải nhận định Chúa là đấng quyền năng, vĩ đại, vĩnh hằng, nhưng Chúa cũng là Cha thương yêu. Đứa con đến với Cha thưa trình mọi việc và chuyện trò cùng Cha. Chúng ta đến với Cha nhờ Chúa Giê-xu. Cha biết tất cả mọi điều về con, và việc thưa trình với Cha chỉ là để xác nhận lòng tin và tình quý mến Cha. Cha thấy ta cần gì hơn cả và Ngài sẵn lòng ban cho.

Phao-lô về sau dạy rằng: Ngài sẽ làm trổi hơn vô cùng mọi điều chúng ta cầu xin và suy tưởng.

Sau cùng, ta phải có lòng tin quyết. Ta phải đến với Cha trong niềm tin đơn thành như một đứa bé. Ta không cần phải tụng kinh nhiều. Chúa dạy ta: Đói khát thánh thiện công nghĩa thì sẽ được. Cầu nguyện đừng mỏi mệt; cầu nguyện không ngưng nghỉ v.v." Nhưng như vậy không phải là lặp lại những lời vô ích. Nhưng chỉ có nghĩa là ta cần tin quyết rằng Chúa vẫn là Cha của mình, Ngài muốn ban phúc lành cho ta, Ngài sẵn sàng ban cho ta những gì ta cần.

Như vậy, cầu nguyện đúng cách là: loại bỏ những gì chung quanh ta, nhận định về Chúa, và hết lòng tin. Sau đó ta có thể thưa trình điều gì ta cần với Chúa.

Cầu xin Chúa cho quý vị biết phải cầu nguyện như thế nào. Bí quyết của cuộc đời tin kính Chúa thành công là biết cầu nguyện. Quý vị biết cầu nguyện chưa?