Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 53

13:28-37

28 Hãy nghe lời thí dụ về cây vả. Vừa khi nhánh nó trở nên non và nứt lộc, thì biết mùa hạ gần tới. 29 Cũng một lẽ ấy, khi các ngươi thấy các điều đó xảy đến, hãy biết Con Người đã tới gần, ở nơi cửa. 30 Quả thật, ta nói cùng các ngươi, dòng dõi nầy chẳng qua trước khi mọi sự kia xảy tới. 31 Trời đất sẽ qua đi, song lời ta không bao giờ qua đâu. 32 về ngày và giờ đó, chẳng ai biết chi hết, các thiên sứ trên trời, hay là Con cũng chẳng biết nữa; song chỉ Cha mà thôi. 33 Hãy giữ mình, tỉnh thức; vì các ngươi chẳng biết kỳ đó đến khi nào. 34 Ấy cũng như một người kia đi đường xa, bỏ nhà, giao cho đầy tớ mỗi đứa cai quản một việc, và cũng biểu đứa canh cửa thức canh. 35 Vậy, các ngươi hãy thức canh, vì không biết chủ nhà về lúc nào, hoặc chiều tối, nửa đêm, lúc gà gáy, hay là sớm mai, 36 cho người về thình lình, gặp các ngươi ngủ chăng. 37 Điều mà ta nói cùng các ngươi, ta cũng nói cho mọi người: Hãy tỉnh thức!

 

1. Xin cho biết ví dụ về cây vả tương đương với việc Chúa Giê-xu trở lại như thế nào?

2. “Các điều đó” (c. 29) chỉ về điều gì?

3. “Dòng dõi nầy” (c. 30) là dòng dõi nào?

4. Câu 31 cho chúng ta thấy đặc tính gì về lời phán dạy của Chúa?

5. Câu 32 cho thấy đặc điểm gì về ngày Chúa trở lại?

6. Ví dụ trong câu 34-36 nói đến yếu tố gì trong việc Chúa trở lại? Chúng ta cần phải làm gì?

7. Xin cho một ví dụ về tỉnh thức.

 

Cây vả nứt lộc là dấu hiệu mùa hạ gần tới. Đây là điều thông thường tại Palestine, một hình ảnh ai cũng biết. Chúa Giê-xu dùng hình ảnh nầy để nói về việc Chúa tái lâm và việc Giê-ru-sa-lem bị tàn phá vào năm 70. Cây vả nứt lộc là dấu hiệu mùa hạ gần tới thể nào thì khi “các điều đó xảy đến,” ngày Chúa trở lại cũng gần như vậy.

Ví dụ về cây vả nói đến: (1) Việc thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá vào năm 70 và: (2) Việc Chúa Giê-xu trở lại. Chữ “Con Người” (c. 29) không có trong nguyên ngữ, cho nên câu 29b có thể có hai nghĩa:

(1) “Ngài (Chúa Giê-xu) đã tới gần, ở nơi cửa.”

(2) “Nó (ngày ấy) đã tới gần, ở nơi cửa.”

Hiểu câu nầy theo nghĩa thứ hai (“ngày ấy đã tới gần”) thì có thể áp dụng cho cả hai trường hợp: (1) Đối với các môn đệ của Chúa, khi thấy những sự việc được mô tả trong các câu 5-23 xảy ra, họ biết ngày Giê-ru-sa-lem bị tàn phá sắp xảy ra. (2) Đối với chúng ta thì khi chứng kiến những sự việc tương tự xảy ra (c. 5-23), chúng ta biết ngày Chúa trở lại đã gần (Lu-ca dùng thành ngữ “nước Đức Chúa Trời gần đến” để mô tả sự việc nầy, Lu-ca 21:31).

“Dòng dõi nầy” (c. 30) nói về những người sống trong thời Chúa Giê-xu nên “mọi sự kia” trong câu nầy là nói đến những điều được mô tả trong câu 5-23 đã xảy ra trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá. Câu 30 vì vậy trước hết nói về việc thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy vào năm 70. Nhưng “mọi sự kia” (c. 30) và “các điều đó” (c. 29) tức là những điều được mô tả trong câu 5-23 cũng là những điều sẽ xảy ra trước ngày Chúa Giê-xu quang lâm. Đây là điều chắc chắn (c. 31).

Việc Chúa đến là chắc chắn, tuy nhiên về ngày giờ, không ai biết cả. Chính vì vậy chúng ta phải thức tỉnh. Chúa Giê-xu  dùng ví dụ về người chủ đi xa, giao cho đầy tớ các công việc khác nhau. Mỗi đầy tớ phải làm việc chủ giao để không bị quở trách. Chúng ta cũng phải có thái độ trông chờ Chúa trở lại như người đầy tớ trung tín trông đợi chủ.

Chi tiết về ngày Chúa trở lại là điều ai cũng muốn biết, dù có nhiều điều khó hiểu. Qua Phúc Âm chương 13, chúng ta biết được những điều sau:

·      Việc Chúa trở lại là điều chắc chắn.

·      Trước ngày Chúa trở lại sẽ có những hiện tượng đặc biệt, siêu nhiên, khác hẳn ngày thường (c. 24-26).

·      Ngày giờ Chúa trở lại là điều không ai biết (c. 32). Chúng ta phải luôn luôn thức tỉnh, vì Chúa có thể trở lại bất cứ lúc nào.

·      Chúng ta phải cẩn thận đối với những người mạo danh Chúa (c. 6; 21-23).

·      Đừng để chiến tranh, động đất, đói kém và những biến chuyển khác trên thế giới làm chúng ta xao xuyến, bối rối (c. 7-8).

·      Việc những người theo Chúa bị bách hại là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Khi bị bách hại, chúng ta không nên lo lắng về những điều phải nói vì chính Chúa sẽ giúp chúng ta biết nên nói những gì (c. 11-13).

 

Cảm ơn Chúa đã cho con biết trước về những điều sẽ xảy ra trước khi Chúa trở lại, xin giúp con biết làm theo những lời này để sẵn sàng nghênh đón Chúa.