Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 58

15:1-20

1 Vừa lúc ban mai, các thầy tế lễ cả bàn luận với các trưởng lão, các thầy thông giáo cùng cả tòa công luận; khi đã trói Đức Chúa Jêsus rồi, thì giải nộp cho Phi-lát. 2 Phi-lát hỏi Ngài rằng: Ấy chính ngươi là Vua dân Giu-đa phải không? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Thật như lời. 3 Các thầy tế lễ cả cáo Ngài nhiều điều. 4 Phi-lát lại tra gạn Ngài, mà rằng: Ngươi chẳng đối đáp chi hết sao? Hãy coi họ cáo tội ngươi biết bao nhiêu! 5 Nhưng Đức Chúa Jêsus chẳng trả lời chi nữa, nên nỗi Phi-lát lấy làm lạ.

6 Vả, hễ đến ngày lễ Vượt Qua, quan vốn quen thói tha cho dân một tên tù, tùy theo dân xin. 7 Bấy giờ có một đứa tên là Ba-ra-ba bị tù với kẻ làm loạn, vì trong khi nổi loạn, chúng nó phạm tội giết người. 8 Đoàn dân đã lên, bèn xin Phi-lát làm cho mình theo như lệ thường. 9 Phi-lát trả lời rằng: Các ngươi muốn ta tha Vua dân Giu-đa cho chăng? 10 Vì người biết rõ các thầy tế lễ cả đã nộp Ngài bởi lòng ghen ghét. 11 Nhưng các thầy tế lễ cả xui dân xin người tha tên Ba-ra-ba cho mình thì hơn. 12 Phi-lát lại cất tiếng hỏi rằng: Vậy thì các ngươi muốn ta dùng cách nào xử người mà các ngươi gọi là Vua dân Giu-đa? 13 Chúng lại kêu lên rằng: Hãy đóng đinh nó vào thập tự giá! 14 Phi-lát nói cùng chúng rằng: Song người nầy đã làm điều ác gì? Chúng lại kêu lớn tiếng hơn rằng: Hãy đóng đinh nó vào thập tự giá! 15 Phi-lát muốn cho đẹp lòng dân, bèn tha tên Ba-ra-ba; và sai đánh đòn Đức Chúa Jêsus, rồi giao Ngài cho chúng đem đóng đinh trên cây thập tự.

16 Lính điệu Đức Chúa Jêsus vào sân trong, tức là trong chỗ trường án; và nhóm cả cơ binh lại đó. 17 Họ choàng cho Ngài một cái áo điều, và đội trên đầu Ngài một cái mão bằng gai họ đã đương, 18 rồi chào Ngài rằng: Kính lạy Vua dân Giu-đa! 19 Lại lấy cây sậy đánh đầu Ngài, nhổ trên Ngài, và quì xuống trước mặt Ngài mà lạy. 20 Khi họ đã nhạo cười Ngài như vậy rồi, thì cổi áo điều ra, mặc áo của Ngài lại cho Ngài, và đem ra để đóng đinh trên cây thập tự.

 

1. Xin đọc Mác 15:1 và đọc thêm Giăng 18:28-32. Quý vị nghĩ gì về thái độ và hành động của các thầy tế lễ cả, các trưởng lão và các thầy thông giáo?

2. Tại sao Phi-lát “lấy làm lạ” (ngạc nhiên) khi Chúa Giê-xu yên lặng trước những lời cáo tội của người khác?

3. Xin cho biết suy nghĩ của quý vị về tiến trình xử án Chúa của Phi-lát:

·         Câu 2-5:

·         Câu 9-15:

4. Xin kể ra những sỉ nhục và thương khó Chúa Giê-xu gánh chịu qua phần Kinh Thánh nầy:

5. Theo phần Kinh Thánh nầy, ai là người chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giê-xu? Ai là người thật sự giết Chúa?

6. Xin cho biết trách nhiệm của Phi-lát trong cái chết của Chúa Giê-xu?

7. Xin cho biết hai điều chúng ta học được qua phân đoạn Kinh Thánh nầy:

          (1)

          (2)

 

Hội Đồng Tôn Giáo Tối Cao của người Do-thái chỉ có quyền phân xử những vấn đề liên quan đến tôn giáo hoặc những vụ kiện tụng nhỏ, riêng bản án tử hình phải được chính quyền La-mã phê chuẩn. Các thầy tế lễ và các trưởng lão giải Chúa Giê-xu đến cho Phi-lát, vì họ muốn xử tử Ngài. Chính quyền La-mã chỉ quan ngại về vấn đề người Do-thái nổi loạn nên hỏi Chúa có phải là vua Do-thái hay không. Trước mặt Phi-lát, ngoại trừ câu trả lời xác nhận Ngài là vua Do-thái, Chúa Giê-xu đã không nói gì thêm vì Ngài biết rằng có nói gì nữa cũng vô ích. Thông thường các bị can lợi dụng dịp này để tự biện hộ, vì vậy Phi-lát ngạc nhiên trước sự yên lặng của Chúa Giê-xu.

Phi-lát biết rõ Chúa Giê-xu vô tội và biết “các thầy tế lễ cả nộp Ngài bởi lòng ghen ghét” (c. 10) nên đã tìm cách tha cho Chúa. Tuy nhiên, các thầy tế lễ đã xui dân chúng xin tha cho Ba-ra-ba là một tên tù phạm tội sát nhân. Dù vậy, Phi-lát vẫn còn muốn tha cho Chúa Giê-xu nên đã hỏi: “Vậy thì các ngươi muốn ta dùng cách nào xử người mà các ngươi gọi là vua dân Giu-đa?” Một lần nữa, vì các thầy tế lễ xúi giục nên đoàn dân đã đòi xử tử Chúa. Phi-lát vẫn chưa chịu thua, ông lý luận với họ: “Song người này đã làm điều ác gì?” (c. 14). Tuy nhiên, vì các thầy tế lễ đã quyết tâm giết Chúa nên họ xúi giục dân chúng đòi giết Chúa cho kỳ được.

Do đó, người thật sự giết Chúa không phải là Phi-lát hay chính quyền La-mã nhưng là giới lãnh đạo Do-thái giáo thời đó. Đúng như lời sứ đồ Giăng đã nói: “Ngài đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy” (Giăng 1:11). Riêng Phi-lát, dù không muốn giết Chúa Giê-xu nhưng vì áp lực của dân chúng, ông đã đành lòng ra lệnh xử tử một người mà ông biết là vô tội.

Câu chuyện Chúa Giê-xu trước tòa án Phi-lát cho thấy lòng dạ thâm độc của giới lãnh đạo tôn giáo, đồng thời cũng cho thấy sự yếu đuối của một người trước áp lực của người khác dù đó là người có quyền hành trong tay. Tưởng niệm cái chết của Chúa, chúng ta hãy sống thế nào để không rơi vào lỗi lầm của người xưa, hành động sai lầm vì lòng thù oán hoặc biết điều phải nhưng không làm vì chiều theo áp lực của người chung quanh.

 

Cảm ơn Chúa đã chịu chết để cứu con. Xin đừng để con trở nên người có lòng ganh ghét và chỉ muốn hại người khác. Xin giúp con biết sống cho Chúa dù bị áp lực của người chung quanh.