Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 10

Tiệc Cưới Ca-na

2:1-12

1 Cách ba ngày sau, có đám cưới tại thành Ca-na, trong xứ Ga-li-lê, và mẹ Đức Chúa Jêsus có tại đó. 2 Đức Chúa Jêsus cũng được mời đến dự đám với môn đồ Ngài. 3 Vừa khi thiếu rượu, mẹ Đức Chúa Jêsus nói với Ngài rằng: Người ta không có rượu nữa. 4 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hỡi đàn bà kia, ta với ngươi có sự gì chăng? Giờ ta chưa đến. 5 Mẹ Ngài nói với những kẻ hầu bàn rằng: Người biểu chi, hãy vâng theo cả.

6 Vả, tại đó có sáu cái ché đá, định dùng về sự rửa sạch cho người Giu-đa, mỗi cái chứa hai ba lường nước. 7 Đức Chúa Jêsus biểu họ rằng: Hãy đổ nước đầy những ché nầy; thì họ đổ đầy tới miệng. 8  Ngài bèn phán rằng: Bây giờ hãy múc đi, đem cho kẻ coi tiệc. Họ bèn đem cho. 9 Lúc kẻ coi tiệc nếm nước đã biến thành rượu (vả, người không biết rượu nầy đến bởi đâu, còn những kẻ hầu bàn có múc nước thì biết rõ), bèn gọi chàng rể, 10 mà nói rằng: Mọi người đều đãi rượu ngon trước, sau khi người ta uống nhiều rồi, thì kế đến rượu vừa vừa. Còn ngươi, ngươi lại giữ rượu ngon đến bây giờ.

11 Ấy là tại Ca-na, trong xứ Ga-li-lê, mà Đức Chúa Jêsus làm phép lạ thứ nhất, và tỏ bày sự vinh hiển của mình như vậy; môn đồ bèn tin Ngài. 12 Sau việc đó, Ngài với mẹ, anh em, và môn đồ Ngài đều xuống thành Ca-bê-na-um; và chỉ ở tại đó ít ngày thôi.

 

1. Trong số các môn đệ đầu tiên của Chúa, ai là người quê ở Ca-na? (Giăng 21:2)

2. Phản ứng của mẹ Chúa Giê-xu khi thiếu rượu là phản ứng tự nhiên, tại sao Chúa có vẻ như "nặng lời" đối với mẹ như vậy? (c. 3, 4)

3. Bạn nghĩ gì về lời dặn của mẹ Chúa với những người hầu bàn?

4. Rượu Chúa Giê-xu hóa ra từ nước có đặc điểm gì?

5. Những chữ "tỏ bày sự vinh hiển của mình" (c. 11) nghĩa là gì?

6. Chúng ta học được điều gì qua câu chuyện nầy?

Theo Giăng 21:2, chúng ta biết Ca-na là quê hương của Na-tha-na-ên. Ông Na-tha-na-ên vừa theo Chúa ba ngày trước đó (c. 1) và giờ đây Chúa đến làng của ông để dự tiệc cưới. Cũng trong dịp nầy Chúa thực hiện phép lạ đầu tiên. Mục đích của những phép lạ nầy là để thêm đức tin cho các môn đệ (c. 11b). Như vậy, đọc câu chuyện nầy, chúng ta nhớ rằng đây là cách Chúa dùng để dạy các môn đệ đầu tiên, là những người mới theo Chúa. Chúa không dạy bằng lý thuyết suông nhưng bằng những việc làm cụ thể.

Phúc Âm Giăng ghi lại bảy phép lạ của Chúa, và mỗi phép lạ đều có mục đích dạy dỗ như vậy. Những phép lạ Chúa thực hiện không phải để phô diễn tài nghệ nhưng để minh chứng quyền năng của Ngài. Chữ "phép lạ" dịch đúng hơn là "dấu" tức là một điều gì rõ ràng, cụ thể để chứng minh cho những điều thiêng liêng, trừu tượng. Những "dấu" (phép lạ) Chúa thực hiện là để cho con người biết Chúa chính là Đức Chúa Trời.

Câu chuyện trên cho thấy dù là Con Đức Chúa Trời, Chúa Giê-xu đã hòa mình với loài người. Chúa cùng vui, cùng buồn với mọi người. Việc Chúa và các môn đệ đến dự tiệc cưới cho thấy rõ điều đó. Đám cưới là một dịp vui, và đối với người sống tại vùng Địa Trung Hải, những dịp như vậy không thể thiếu rượu (rượu nho là thức uống thông thường của người vùng nầy). Tiệc cưới mà thiếu rượu là điều xấu hổ cho chủ nhà và trong một cộng đồng nhỏ bé như tại Ca-na, đó cũng sẽ là điều khó chịu lâu dài cho đôi vợ chồng mới cưới.

Đối với người trong tiệc cưới hôm đó, thiếu rượu là một khủng hoảng lớn. Có thể tiệc cưới hôm đó là của người bà con của bà Ma-ri và trong hoàn cảnh đó mẹ của Chúa đã nghĩ đến con của mình là người mà bà biết có quyền năng có thể làm một điều gì đó để cứu vãn tình thế. Câu hỏi của bà là một lời yêu cầu khéo, hàm ý: "Con ơi, người ta hết rượu rồi, con có cách nào giúp không?"

Chúa Giê-xu có vẻ như xẳng giọng với mẹ: Hỡi đàn bà kia, ta với ngươi có sự gì chăng? Giờ ta chưa đến! Thật ra đây không phải là một câu nói vô lễ, chữ "đàn bà kia" là một lối nói của người Do-thái như câu Chúa nói với mẹ khi Ngài bị đóng đinh (Giăng 19:26) hoặc Chúa nói với bà Ma-ri Ma-đơ-len khi Chúa sống lại (Giăng 20:15).

Ta với ngươi có sự gì chăng là một lối nói khác, hàm ý con có những suy nghĩ khác với của mẹ. Bản Diễn Ý dịch câu nầy là: "Thưa mẹ, việc ấy có liên hệ gì đến mẹ và con?" Giờ ta chưa đến nghĩa là "chưa đến lúc hành động."

Câu trả lời của Chúa Giê-xu cho thấy dù là con của bà Ma-ri theo thể xác, Chúa là Con Đức Chúa Trời. Dù kính trọng người mẹ thể xác, nhưng Chúa Giê-xu đến trần gian không phải để làm theo ý mẹ nhưng để thực hiện ý của Cha thiên thượng.

Bà Ma-ri biết rõ Chúa Giê-xu là ai, cho nên dù bị trách, bà vẫn căn dặn những người hầu bàn: Người biểu chi hãy vâng theo cả. Câu nầy hàm ý bà Ma-ri biết Chúa có thể làm những việc siêu nhiên nên bảo những người hầu bàn cứ vâng lời chứ đừng thắc mắc. Biết Chúa là Đấng toàn năng, chúng ta phải vâng lời Ngài tuyệt đối mặc dù có những mệnh lệnh mà có thể chúng ta không hiểu được.

Việc Chúa hóa nước thành rượu xảy ra rất đơn giản: người ta chỉ đổ nước vào bình rồi múc ra thì nước đó đã biến thành rượu. Đặc điểm của rượu nầy là ngon hơn rượu lúc đầu (c. 10). Như vậy, từ một hoàn cảnh rối reng vì thiếu rượu trong một tiệc cưới đã trở thành một cảnh vui tươi, có ý nghĩa, chủ nhà được khen ngợi. Đời sống của chúng ta cũng có lúc ở trong những khó khăn tương tự, nhưng Chúa có thể biến đổi những hoàn cảnh ấy trở nên tốt đẹp.

Mục đích của Chúa Giê-xu khi thực hiện phép lạ nầy là để tỏ bày sự vinh hiển của mình (c. 11). Chữ "vinh hiển" trong Kinh Thánh Tân Ước thường được dùng để chỉ bản tính và sự hiện diện của Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu và những việc làm của Ngài. "Tỏ bày sự vinh hiển mình" nghĩa là bày tỏ "quyền năng siêu nhiên của Ngài" (BDY).

Như vậy, Chúa Giê-xu thực hiện phép lạ nầy là để chứng minh cho các môn đệ biết rằng Ngài chính là Đức Chúa Trời. Nhờ đó, những môn đệ đầu tiên (Anh-rê, Phi-e-rơ, Phi-líp, Na-tha-na-ên) thêm lòng tin nơi Chúa.

Phép lạ hóa nước thành rượu chứa đựng những bài học sau:

1. Đối với Chúa, thời điểm là điều quan trọng. Chúa làm việc đúng lúc của Ngài, chúng ta không thể hối thúc Chúa hoặc làm cho chương trình của Chúa bị đình trệ.

2. Chúa có thể biến đổi một hoàn cảnh buồn ra vui, xao xuyến trở nên an bình. Một hoàn cảnh với những điều bực bội khó chịu nhất đã trở thành một hoàn cảnh vui vẻ, có ý nghĩa.

3. Chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng đã đặt ra những định luật thiên nhiên, trong số đó có các định luật hóa học, mới có thể biến nước thành rượu ngon. Phép lạ nầy khẳng định cho chúng ta thấy Chúa Giê-xu thật là Đức Chúa Trời.

Lạy Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời trong thân xác con người, xin nhắc con nhớ rằng Chúa là Đấng có thể làm được mọi việc để con hết lòng tin nơi Chúa và chờ đợi đúng lúc để Chúa giải quyết những nan đề trong cuộc sống của con và biến những nan đề đó thành những điều vui tươi, hy vọng.