Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 32

Cầu Nguyện (4)

Chúng ta đang học về bài giảng trên núi của Chúa Giê-xu, và đang phân tích bài cầu nguyện mẫu Chúa dạy cho các môn đệ của Ngài. Xin đọc lại bài cầu nguyện này:

Lạy Cha chúng con ở trên trời, Danh Cha được tôn thánh, Nước Cha mau đến, ý Cha được nên ở đất như trời. Hôm nay xin cho chúng con đồ ăn đủ dùng, xin tha tội lỗi cho chúng con, như chúng con tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con. xin chớ để chúng con bị cám dỗ, nhưng xin cứu chúng con khỏi điều ác, vì ngôi nước, uy quyền và vinh quang đều thuộc về Cha đời đời vô cùng A-men.

Chúng ta đã có dịp phân tích phần đầu của bài cầu nguyện, là phần cầu xin quan hệ tới Chúa. Bài này xin sang phần thứ hai nói về cầu xin cho nhu cầu của mình.

Trước tiên ta cần nhớ rằng các lời cầu xin này bao gồm tổng quát tất cả mọi nhu cầu về đời sống của chúng ta. Đó là nhu cầu về thể chất, nhu cầu về linh hồn và nhu cầu về tâm linh.

Tất cả các hoạt động đang diễn ra trên đời ngay trong giây phút này, nào là việc tổ chức, hoạch định, thiết lập thể chế và mọi thứ khác, hầu hết đều không trực tiếp thì gián tiếp để cung ứng nhu cầu cho thân xác, đời sống sự tồn tại của con người. Một lĩnh vực khác, là lĩnh vực tiếp xúc, giao lưu- đó là phần linh hồn, là phần mà nhờ đó con người mới có thể tiếp cận với người khác, cũng là phương tiện để trao đổi với nhau trong đời sống xã hội. Rồi trên tất cả, chúng ta có phần tâm linh là phần tiếp xúc với Đức Chúa Trời. Con người đã được cấu tạo nên như vậy, và Chúa cũng dạy ta cầu nguyện để xin cung ứng các nhu cầu của ba lĩnh vực này.

Chúng ta cần đến với Chúa chi tiết hơn, nhưng đây là ba lời cầu xin tổng quát, bao gồm mọi nhu cầu chính của chúng ta.

Đều nhận xét thứ hai trước khi phân tích các lời dạy cầu xin cho nhu cầu của mình là: thứ tự của các lời cầu xin này. Có khi nào bạn để ý đến thứ tự của bài cầu nguyện Chúa dạy không? Theo như ta nghĩ, sau khi đã cầu nguyện về phương diện của Chúa, ta phải đề cập đến nhu cầu tâm linh trước, sau đó mới là linh hồn và sau cùng là thân xác. Nhưng Chúa Giê-xu sau khi dạy cầu nguyện về phương diện của Chúa, đã đề cập ngay đến nhu cầu của thân xác: "Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ dùng." Chúa khởi đầu với nhu cầu của thân xác. Đó là căn bản để duy trì đời sống. Chúng ta cần phải sống và phải được duy trì sự sống. Đây chính là điều chúng ta cần nhớ: Chúa muốn chúng ta duy trì đời sống trên đất, chứ không muốn đưa chúng ta về sống với Chúa càng sớm càng tốt. Nhiều người tin Chúa, gặp nhiều khổ cực, chỉ mong được về ở với Chúa, hay nói khác đi là mong được chết, nhưng mong ước như thế là sai, vì Chúa muốn ta duy trì đời sống trên mặt đất này.

Sau khi cầu xin về nhu cầu của thể chất Chúa dạy cầu xin về nhu cầu thanh tẩy những hoen ố về tội ác trong linh hồn và sau cùng nhu cầu được bảo vệ khỏi phạm tội và thoát khỏi quyền lực của tội. Đây là cái nhìn rất đúng về cuộc đời con người. Tôi phải sống và được bảo vệ sự sống. Nhưng tôi cũng lo lắng về phạm tội và sự bất khiết và cảm thấy cần được thanh tẩy. Rồi tôi nghĩ về tương lai và nhận thấy rằng tôi cần được giải thoát khỏi một số điều tôi đang đối diện.

Một phương diện khác, đời sống theo nghĩa vật lý hay sinh học là căn bản của tất cả, vì vậy tôi phải cầu nguyện cho sự tồn tại của đời sống. Nhưng khi tôi cầu nguyện như vậy, tôi nhận ngay rằng thể chất mới chỉ là một phần của đời sống tôi. Tôi nhớ lời Chúa Giê-xu nói: "Sự sống đời đời là nhận biết Cha có một và chân thật và Chúa Cứu thế Giê-xu mà Cha đã sai đến." Chúa Giê-xu cũng từng nói rằng: "Ta đến cho chiên được sống và sống dư dật." Như vậy đời sống còn là cuộc bước đi mỗi ngày với Chúa, tương giao và trao đổi với Chúa nữa.

Theo Sứ-đồ Giăng thì mặc dù đời sống có nhiều mâu thuẫn và khó khăn, nghĩa là vô số điều xô ta xuống thấp, nhưng Giăng viết thư của ông với mục đích cho "niềm vui của người đọc được đầy trọn". Làm sao niềm vui được trọn trong một thế giới như hiện nay? Niềm vui của mỗi chúng ta được đầy trọn khi nào chúng ta có được mối tương giao với Chúa Giê-xu, đấng giải cứu chúng ta và Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta. Đó là sự sống thật. Nhưng khi tôi nhận định như vậy, tôi nhận thấy có những điều thường làm gián đoạn mối tương giao của tôi với Chúa. Tôi phạm tội, vì vậy tôi cần xin được tha tội để tôi có thể hưởng đời sống an vui trong Chúa. Khi đời sống tương giao của tôi với Chúa được tái tạo, tôi chỉ còn một nhu cầu là làm sao tiếp tục sống trong mối tương giao đó không bị một thứ gì ngăn cách giữa tôi và Chúa.

Đó là thứ tự của lời cầu nguyện cho nhu cầu riêng của mình. Đó là xin lương thực, xin tha tội, xin được bảo vệ khỏi tội và được giải cứu khỏi những gì chống lại đời sống đích thực và giá trị của tôi.

Đó là cái nhìn tổng quát về ba lời cầu xin này. Chúng ta sẽ đi sâu vào từng lời cầu xin một.

Trước tiên là: "Đồ ăn đủ ngày", nguyên văn là "Bánh của chúng con hằng ngày" hay "Lương thực hằng ngày" Đây là lời cầu nguyện cho nhu cầu thiết thực nhất, lương thực. Cầu nguyện cho lương thực có đủ hằng ngày cũng có quan hệ với những lời cầu xin trước về Danh Cha, Nước Cha và Ý Cha. Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất xứng đáng gọi là vĩ đại lại bằng lòng nghe lời cầu xin ban lương thực hằng ngày cho một con người hoàn toàn vô nghĩa. Nhưng đó chính là lời dạy của Chúa Giê-xu. Chúa từng nói rằng, con chim sẻ nhỏ bé không giá trị gì, nhưng nếu không theo ý Cha thì không một con nào rơi xuống đất được, các con quan trọng hơn chim sẻ là dường bao. Tóc trên đầu các con cũng đã đếm hết rồi." Những chi tiết nhỏ nhất thuộc cuộc đời mỗi chúng ta đều được trình bầy tỏ tường trước ngôi Chúa vinh quang. Từ lời cầu xin "Ý Cha được nên, ở đất như trời" chuyển ngay sang "Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ dùng" không có một câu nối nào cả. Đó chính là huyền nhiệm của Chúa. Huyền nhiệm còn đi xa đến chỗ Chúa bằng lòng vào đời chỉ để cứu vớt con người nhỏ nhoi hư hoại như chúng ta.

Một điều đáng lưu ý ở đây là Chúa dạy ta cầu xin cho nhu cầu căn bản. Nghĩa là xin những gì ta CẦN chứ không phải những gì ta MUỐN. Chúa cung ứng những gì cần và đủ chứ không sang trọng, hào nháng để ta có thể khoe khoang. Chúa hứa ban cho những gì ta xin, nhưng nên nhớ, chỉ vừa đủ để ta duy trì sự sống. Tất nhiên ơn Chúa nhiều khi vô bờ bến, nhưng cầu xin vẫn phải giới hạn trong thực tế.

Một vấn đề nhiều người đặt ra, mà chính Chúa cũng đã nêu trong câu 8, đó là: Vậy các con đừng như họ, vì Cha các con biết các con cần sự gì trước khi chưa xin Ngài. Câu hỏi là: Nếu Chúa biết hết tất cả những gì tôi cần, thì tại sao tôi còn phải cầu xin nữa? Ta nên nhớ rằng khi cầu nguyện ta không đến nói cho Chúa biết những gì Chúa chưa biết. Nhưng cầu nguyện là cuộc tiếp xúc giữa con và Cha, và giá trị của cầu nguyện là giúp ta duy trì tương quan đó.

Có người giải thích như sau: Nhiều người hay nghĩ rằng Đức Chúa Trời là Cha chúng ta đã ban cho chúng ta ân sủng như một món quà lớn, một lần đầy đủ tất cả, và khi nhận được, chúng ta cứ việc sống trong ân sủng đó. Nhưng thật ra không phải như vậy. Vì nếu thế, chúng ta nhận quà một lần rồi quên hẳn cả người cho là Đức Chúa Trời. dù chúng ta không hiểu được, nhưng rõ ràng là Đức Chúa Trời muốn trao đổi trò chuyện với chúng ta như Cha với con. Cũng y như đứa con được cha cho một số tiền lớn, nhưng không trao cho con, mà để trong ngân hàng, khi nào con cần bao nhiêu, cứ việc lấy chi phiếu ra viết và đưa đến ngân hàng để lấy tiền ra. Đây cũng phần nào diễn tả cách làm việc của Cha trên trời đối với chúng ta. Chúa biết chúng ta cần những gì và Chúa cũng sẵn sàng ban cho chúng ta mọi điều, nhưng chúng ta phải cầu xin Chúa mỗi lần. Và điều ấy đẹp lòng Chúa.

Một điều ta cần biết là Chúa rất muốn gặp gỡ chuyện trò với chúng ta. Chúa muốn chúng ta trò chuyện với Ngài, và Chúa sẵn sàng nghe chúng ta. Đức Chúa Trời của vũ trụ, của trời đất, bằng lòng nghe tiếng tôi kêu cầu cùng Ngài. Đó là điều khó hiểu nhưng là sự thật.

Một điều khác ta cần nhận thức là chúng ta phải nương nhờ phụ thuộc vào Chúa hoàn toàn. Ngay cả vấn đề cơm áo hằng ngày. Chúa có thể ngăn ảnh hưởng của mặt trời, chận mưa, làm cho đất cằn cỗi đến nỗi dù văn minh đến đâu con người cũng không làm sao cho cây lúa mọc lên được. Chúa cũng có thể làm cho mùa màng trở thành trấu rác, không mang một bông lúa nào, như mùa lúa của Nhật Bản trong một năm nọ. Chúng ta hoàn toàn nằm trong tay Chúa và các nguyên tắc của Ngài. Nhiều người vì tìm được vài quy luật của Chúa trong tự nhiên, đã vội cho rằng mình hoàn toàn độc lập đối với Đức Chúa Trời, không cần đến Đức Chúa Trời nữa. Nhưng đó là một lầm lỡ không tha thứ được. Chúng ta không thể sống ngày nào mà không nương nhờ hoàn toàn vào Chúa. Đời sống này không thể tiếp tục nếu Chúa không bảo vệ và duy trì.

Đó là bài học thứ nhất liên quan đến lời cầu xin cho nhu cầu của chúng ta. Bài học này giúp ta nhận thấy rằng đạo Chúa không mơ hồ, không mê tín như từng bị kẻ vô thần gán ép. Chúa Giê-xu rất thực tế, Chúa không bảo môn đệ của Chúa đọc những bài kinh khó hiểu, nhưng dạy cầu nguyện rất thiết thực. Nhu cầu đời sống cần trình dâng lên Chúa và xin cứu giúp, chu cấp. Cha thương yêu trên trời chắc chắn nghe lời cầu xin vì nhu cầu thiết yếu của chúng ta, vì chính Chúa Giê-xu đã dạy ta cầu nguyện như vậy.

Bạn đang có nhu cầu nào Chúa đều biết rõ, nhưng Chúa muốn bạn hạ mình đến với Chúa trình thưa với Ngài. Làm việc đó phần lợi chắc chắn là thuộc về bạn, như vậy tại sao bạn không cầu nguyện?

Ngay sau bài học này, mời bạn dành giây phút cầu nguyện với Chúa, trình dâng lên Chúa mọi nhu cầu của mình, chắc chắn Chúa sẽ cứu giúp và cung ứng đầy đủ.