Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 18

Người Bệnh Bên Ao Bế-tết-sa

5:1-18

1 Kế đó, có một ngày lễ của dân Giu-đa, Đức Chúa Jêsus lên thành Giê-ru-sa-lem. 2 Số là, tại thành Giê-ru-sa-lem, gần cửa Chiên, có một cái ao, tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Bê-tết-đa, xung quanh ao có năm cái vòm cửa. 3 những kẻ đau ốm, mù quáng, tàn tật, bại xuội nằm tại đó rất đông, [chờ khi nước động; 4 vì một thiên sứ thỉnh thoảng giáng xuống trong ao, làm cho nước động; lúc nước đã động rồi, ai xuống ao trước hết, bất kỳ mắc bịnh gì, cũng được lành].

5 Nơi đó, có một người bị bịnh đã được ba mươi tám năm. 6 Đức Chúa Jêsus thấy người nằm, biết rằng đau đã lâu ngày thì phán: Ngươi có muốn lành chăng? 7 Người bịnh thưa rằng: Lạy Chúa, tôi chẳng có ai để quăng tôi xuống ao trong khi nước động; lúc tôi đi đến, thì kẻ khác đã xuống ao trước tôi rồi. 8 Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy đứng dậy, vác giường ngươi và đi. 9 Tức thì người ấy được lành, vác giường mình và đi. Vả, bấy giờ là ngày Sa-bát.

10 Các người Giu-đa bèn nói với kẻ được chữa lành rằng: Nay là ngày Sa-bát, ngươi không phép mang giường mình đi. 11 Người trả lời rằng: Chính người đã chữa tôi được lành biểu tôi rằng: Hãy vác giường ngươi và đi. 12 Họ hỏi rằng: Người đã biểu ngươi: Hãy vác giường và đi, là ai? 13 Nhưng người đã được chữa lành không biết là ai: vì Đức Chúa Jêsus đã lẫn trong đám đông tại chỗ đó. 14 Sau lại, Đức Chúa Jêsus gặp người đó trong đền thờ, bèn phán rằng: Kìa, ngươi đã lành rồi, đừng phạm tội nữa, e có sự gì càng xấu xa xảy đến cho ngươi chăng.

15 Người đó đi nói với các người Giu-đa rằng ấy là Đức Chúa Jêsus đã chữa lành cho mình. 16 Nhơn đó dân Giu-đa bắt bớ Đức Chúa Jêsus, vì cớ Ngài làm những sự ấy trong ngày Sa-bát. 17 Nhưng Ngài phán cùng họ rằng: Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy. 18 Bởi cớ đó, dân Giu-đa càng kiếm cách nữa để giết Ngài, chẳng những vì Ngài phạm ngày Sa-bát thôi, mà lại vì Ngài gọi Đức Chúa Trời là Thân phụ mình, làm ra mình bằng Đức Chúa Trời.

 

1. Người bệnh nằm ở bờ ao Bê-tết-đa bị đau bao nhiêu năm?

2. Tại sao Chúa Giê-xu lại hỏi người đó: "Ngươi có muốn lành chăng"?

3. Câu trả lời của người ấy hàm ý gì?

4. Chúa Giê-xu chữa lành người ấy bằng cách nào?

5. Bao lâu sau thì người bệnh được chữa lành?

6. Ngày Sa-bát là ngày gì?

7. Câu: "Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy" nghĩa là gì?

8. Hai điều người Giu-đa bắt bẻ Chúa là gì?

Từ vùng Ga-li-lê ở phía Bắc, Chúa Giê-xu trở về Giê-ru-sa-lem ở phía Nam, nhân một ngày lễ của người Do-thái. Tại Giê-ru-sa-lem có một nơi gọi là ao Bê-tết-đa. Người thời đó tin rằng ao nầy có thể giúp cho người ta lành bệnh nên tụ tập đông đảo ở đó.

Người bệnh trong câu chuyện nằm ở đó đã ba mươi tám năm. Có lẽ ông đã than thở điều nầy với mọi người nên ai cũng biết. Dù biết người nầy bị bệnh đã lâu năm, nhưng Chúa Giê-xu vẫn hỏi ông: "Ngươi có muốn được lành chăng?" Đây là câu hỏi để khích động ý chí của ông, đồng thời cũng để cho ông thấy rõ quyền năng của Chúa, khác hẳn với điều tin tưởng của người đương thời. Câu trả lời của người ấy hàm ý: "Tôi muốn được lành lắm chứ, nhưng làm sao lành được khi không có người ném tôi xuống ao?" Đối với người ấy, phương pháp duy nhất để được chữa lành là xuống ao trước mọi người. Câu trả lời nói lên nỗi tuyệt vọng của ông. Vì vậy, câu hỏi của Chúa cũng giúp cho ông có hy vọng. Chúa muốn cho ông thấy rằng xuống ao trước mọi người không nhất thiết là cách để được chữa lành. Và rồi chỉ với một lời phán, ông đã được chữa lành ngay tức khắc.

Việc Chúa Giê-xu chữa lành người bại cho ta thấy:

1. Dưới cái nhìn và theo phương cách của loài người ta không có hy vọng, nhưng đức tin nơi Chúa bao giờ cũng đem lại hy vọng.

2. Bệnh tật hay nan đề của chúng ta có thể đã kéo dài rất lâu, nhưng với sức mạnh của Chúa, Ngài có thể giải quyết vấn đề ngay tức khắc.

3. Nếu quí vị thấy như không còn hy vọng gì, hãy nhìn lên Chúa, đặt niềm tin vào Chúa. Nếu quí vị thấy như mình không còn hy vọng gì nữa vì vấn đề đã kéo dài quá lâu, hãy nhớ Chúa Giê-xu có thể giải quyết vấn đề ngay tức khắc, miễn là quí vị có lòng tin nơi Ngài.

Câu chuyện Chúa chữa lành cho người bệnh bên ao Bê-tết-đa kết thúc bằng câu: Bấy giờ là ngày Sa-bát. Sa-bát là ngày nghỉ của người Do-thái, nhằm thứ bảy mỗi tuần. Đây là ngày nghỉ theo luật của Chúa, nhưng về sau, người Do-thái thêm vào nhiều chi tiết khắt khe và cho rằng làm theo những điều ấy mới là giữ luật. Luật Chúa dạy: "Trong ngày đó... chớ làm công việc chi hết" (Xuất Ê-díp-tô ký 20:10) thì người Do-thái đặt thêm một số luật để xác định những điều nào là "công việc." Đối với họ, "mang một vật nặng" trong người là làm việc. Từ đó họ lại định nghĩa thế nào là nặng: một em bé thì không "nặng" nhưng một cây kim thì bị kể là "nặng." Do đó, bồng một em bé thì không bị kể là làm việc trong ngày Sa-bát, nhưng mặc áo trong túi có cây kim thì bị kể là mang vật nặng, là làm việc, là phạm ngày Sa-bát! Chính vì vậy mà khi thấy người được chữa lành vác giường đi, họ buộc người ấy vào tội "làm việc" trong ngày Sa-bát!

Khi biết Chúa Giê-xu chính là người đã bảo người nầy vác giường đi, người Do-thái quay sang bắt bẻ Chúa. Chúa Giê-xu đã trả lời họ như sau: "Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy" (c. 17). Câu trả lời nầy cho thấy việc Chúa Giê-xu chữa bệnh trong ngày Sa-bát là việc làm của Đức Chúa Trời, không tùy thuộc vào luật lệ do con người đặt ra. Cha ta làm việc cho đến bây giờ nghĩa là công việc của Đức Chúa Trời không bao giờ ngưng cả. Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục điều hành vũ trụ, chăm sóc và bảo vệ con người. Việc Chúa Giê-xu chữa bệnh cho người bại cũng là một phần công việc của Đức Chúa Trời, không thể bị giới hạn vì luật lệ của con người đặt ra.

Câu trả lời nầy đã làm cho người Do-thái thêm tức giận vì tuyên bố như vậy tức là nhận mình chính là Đức Chúa Trời. Theo cái nhìn của người thời đó, Chúa Giê-xu là người: (1) Không giữ ngày Sa-bát. (2) Phạm thượng vì cho rằng mình là Đức Chúa Trời.

Trong phần còn lại của chương 5, Chúa Giê-xu chứng minh cho những người nầy thấy tại sao Chúa xưng Ngài là Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ phân tích trong bài sau. Riêng phần từ câu 10 đến 18 cho chúng ta thấy:

1. Tinh thần tôn trọng luật lệ quan trọng hơn việc giữ luật theo bề ngoài.

2. Đức Chúa Trời không bao giờ ngưng làm việc: Ngài luôn luôn điều hành vũ trụ, bảo vệ, chăm sóc chúng ta.

3. Việc làm của Chúa không thể bị giới hạn vì luật lệ của con người.