Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 36

Chiên Ta Nghe Tiếng Ta

10:19-30

19 Nhân những lời đó, người Giu-đa lại chia phe ra nữa. 20 Phần nhiều trong đám họ nói rằng: Người bị quỉ ám, người là điên; sao các ngươi nghe làm chi? 21 Kẻ khác nói rằng: Ấy đó chẳng phải là lời nói của một kẻ bị quỉ ám. Quỉ há có thể mở mắt kẻ mù được sao?

22 Tại thành Giê-ru-sa-lem có giữ lễ Khánh thành đền thờ. Bấy giờ là mùa đông; 23 Đức Chúa Jêsus đi dạo trong đền thờ, dưới hiên cửa Sa-lô-môn. 24 Người Giu-đa nhóm xung quanh Ngài mà nói rằng: Thầy để chúng tôi nghĩ vơ vẩn mãi cho đến khi nào? Nếu thầy là Đấng Christ, hãy nói rõ cho chúng tôi. 25 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta đã bảo các ngươi, mà các ngươi không tin; những việc ta nhân danh Cha ta mà làm đều làm chứng cho ta. 26 Nhưng các ngươi không tin ta, vì các ngươi chẳng phải là chiên của ta. 27 Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta. 28 Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta. 29 Cha ta là Đấng lớn hơn hết đã cho ta chiên đó, và chẳng ai cướp nổi chiên đó khỏi tay Cha. 30 Ta với Cha là một.

 

1. Lễ Khánh Thành Đền Thờ là Lễ gì? Cử hành vào dịp nào? Có ý nghĩa gì?

2. Xin đọc thêm Công vụ 3:11 và 5:12 và cho biết hiên cửa Sa-lô-môn ở đâu? Dùng để làm gì?

3. Theo ý Bạn, những điểm nào trong lời dạy của Chúa làm cho người Do-thái nghĩ rằng Chúa điên và bị quỉ ám (c. 20)?

4. Câu hỏi của người Do-thái trong câu 24 hàm ý gì?

5. Tại sao Chúa Giê-xu không trả lời trực tiếp câu hỏi của người Do-thái? (c. 25 30).

Lời dạy của Chúa Giê-xu về chiên và người chăn đã làm cho một số người cho rằng Chúa điên và bị quỉ ám. Họ đi đến kết luận trên có lẽ là vì:

(1) Chúa khiển trách họ, gọi họ là trộm cướp, người lạ và kẻ chăn thuê (c. 1, 8, 10a, 12-13).

(2) Chúa nói về việc hy sinh tính mạng, tình nguyện chịu chết (c. 11, 15, 17).

(3) Chúa gọi Đức Chúa Trời là Cha (c. 15, 17-18).

Nếu không phải Đức Chúa Trời thì người tuyên bố những lời nầy dễ bị coi là điên khùng. Nhưng Chúa Giê-xu minh chứng cho thấy Ngài là Đức Chúa Trời, chẳng những qua lời phán nhưng cũng bằng hành động. Chính vì vậy mà một số khác tin Chúa, họ nói: "Quỉ há có thể mở mắt kẻ mù được sao?" (c. 21b).

Ngày nay, người ta cũng chỉ có thể có một trong hai phản ứng trên đối với Chúa Giê-xu: hoặc cho Chúa là người khùng điên; hoặc nhận Chúa thật là Con Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu đã tuyên bố những lời mà người đời có thể cho là quá đáng. Chẳng hạn Chúa nói Ngài là con đường duy nhất dẫn đến Đức Chúa Trời (14:6). Thật ra Chúa không nói gì quá đáng mà chỉ nói lên sự thật. Nhận Ngài là Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ có thể hiểu ngay những lời đó. Ngược lại, nếu không nhận Chúa là Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ đi đến kết luận như những người Do-thái ngày xưa, cho Chúa là điên khùng mà thôi!

Lễ Khánh Thành Đền Thờ còn được gọi là Lễ Ánh Sáng (Hanukkah), kỷ niệm ngày đền thờ Giê-ru-sa-lem được thanh tẩy và tái cung hiến cho Chúa sau khi bị vua Sy-ri làm ô uế. Vào năm 170 trước công nguyên, vua Sy-ri là Antiochus tấn công Giê-ru-sa-lem, giết hại 80 ngàn người và bắt khoảng 80 ngàn người khác làm nô lệ. Nhà vua hủy bỏ hoàn toàn các việc thờ tự của người Do-thái và thay thế vào bằng văn hóa và tôn giáo Hy-lạp. Nhà vua biến những phòng của đền thờ thành những ổ mãi dâm và bàn thờ dâng của lễ thiêu thành bàn thờ thần Jupiter. Nhà vua còn làm chuyện ghê tởm là dâng con heo trên bàn thờ đó! Người Do-thái rất căm phẫn trước những hành động phạm thượng đó, nên một người tên Giu-đa Ma-ca-bê đã kết nạp anh em, khởi nghĩa chống lại vua Sy-ri. Sau ba năm họ chiếm lại thành Giê-ru-sa-lem, thanh tẩy đền thờ và Lễ Khánh Thành bắt đầu có từ đó. Lễ nầy được cử hành hàng năm vào ngày 25 tháng Kít-lơ, tương đương với tháng Chạp dương lịch.

Địa điểm của câu chuyện là "Hiên cửa Sa-lô-môn." Đây là dãy hành lang dài có mái che, nằm về phía đông đền thờ, nhìn ra thung lũng Kít-rôn. Dãy hành lang có mái che nầy giúp cho người đến đền thờ tránh được nắng mùa hè và mưa lạnh vào mùa đông. Chúa Giê-xu dùng nơi nầy để dạy dỗ vì trong đền thờ lúc nào cũng có người dự lễ. Về sau, những người theo Chúa cũng thường tụ họp ở đây (Công vụ 3:11; 5:12). Dãy hành lang nầy có tên Sa-lô-môn vì các sách lịch sử ghi rằng trước kia, vua Sa-lô-môn cũng có cất một hành lang tương tự.

Chúng ta biết rằng người Do-thái lúc bấy giờ đang ở dưới quyền của người La-mã và họ đang mong chờ một vị cứu tinh đến giải phóng họ ra khỏi ách nô lệ. Vị cứu tinh đó họ gọi là "Đấng Christ" hay "Đấng Mê-si-a." Người Do-thái lúc bấy giờ chỉ hiểu vị cứu tinh là một lãnh tụ chính trị, như vua Đa vít ngày xưa hoặc một tiên tri có tài làm phép lạ. Họ đã chứng kiến những phép lạ của Chúa. Họ cũng đã nghe những lời dạy đầy uy quyền của Ngài nhưng chưa lần nào Chúa tuyên bố rõ ràng Ngài là Chúa Cứu Thế, là Đấng Mê-si-a. Họ muốn Chúa tuyên bố rõ ràng để theo Chúa lật đổ chính quyền La-mã, hoặc đi tìm một lãnh tụ khác. Chúa thật sự là Đấng Mê-si-a, nhưng không phải là Đấng Mê-si-a theo quan điểm của họ nên họ không tin và tiếp tục tra vấn Chúa. Dù không trả lời trực tiếp câu hỏi của họ, Chúa Giê-xu cho thấy những việc làm của Chúa đã đủ để minh chứng Ngài thật là Chúa Cứu Thế. Sở dĩ họ không thấy chỉ vì họ không tin mà thôi. Lý do khiến họ không tin là vì họ không phải là chiên của Chúa (c. 26). Đặc tính của chiên của Chúa là nghe được tiếng Chúa (c. 27). Những người nầy không tin vì họ không đáp ứng lại tiếng mời gọi của Chúa. Riêng những người thuộc về Chúa (chiên của Chúa) đáp ứng lại tiếng gọi của Chúa, theo Chúa và được Chúa bảo vệ (c. 27, 28).

Chúa Giê-xu kết luận phần nầy bằng câu: "Ta với Cha là một." Thật ra đây chỉ là câu tóm tắt điều Chúa nói trong hai câu 28 và 29. Trong câu 28, Chúa nói: "Chẳng ai cướp nó khỏi tay TA". Trong câu 29, Chúa lại nói: "Chẳng ai cướp nổi chiên đó khỏi tay CHA". "Chẳng ai cướp nó khỏi tay TA" cho thấy Chúa Giê-xu là người bảo vệ chiên. "Chẳng ai cướp nổi chiên đó khỏi tay CHA" cho thấy Đức Chúa Cha là người bảo vệ chiên. Như vậy, Chúa Giê-xu và Đức Chúa Cha chỉ là một trong sức mạnh, trong quyền năng, trong bản chất: được Chúa Giê-xu bảo vệ cũng có nghĩa là được Đức Chúa Cha bảo vệ.

ÁP DỤNG

(1) Quí vị có nhận định gì về Chúa Giê-xu? Quí vị thật lòng tin Chúa, suy tôn Chúa là vua hay còn nghi ngờ? Hãy nhớ, chúng ta chỉ có thể hoặc tin nhận Chúa hoặc phủ nhận Ngài, không có con đường nào khác.

(2) Đối với quí vị, Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế trong ý nghĩa nào: Ngài là người giải phóng tâm linh quí vị hay quí vị chỉ mong chờ Chúa cứu giúp quí vị qua những cảnh khốn cùng mà thôi?

(3) Quí vị có biết Chúa? Có nghe được tiếng Chúa? Có đáp ứng lại tiếng gọi của Chúa không? Quí vị có phải là chiên của Chúa không?

(4) Quí vị có biết mình được Chúa bảo vệ và chăm sóc mỗi ngày không?