Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 41

Lòng Chân Thành Và Cơ Hội Phục Vụ Chúa

12:1-11

1 Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Chúa Jêsus đến thành Bê-tha-ni, nơi La-xa-rơ ở, là người Ngài đã khiến sống lại từ kẻ chết. 2 Người ta đãi tiệc Ngài tại đó, và Ma-thê hầu hạ; La-xa-rơ là một người trong đám ngồi đồng bàn với Ngài. 3 Bấy giờ, Ma-ri lấy một cân dầu cam tùng hương thật, rất quí giá, xức chân Đức Chúa Jêsus, và lấy tóc mình mà lau; cả nhà thơm nức mùi dầu đó. 4 Nhưng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, là một môn đồ về sau phản Ngài, nói rằng: 5 Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đơ-ni-ê đặng bố thí cho kẻ nghèo? - 6 Người nói vậy, chẳng phải lo cho kẻ nghèo đâu, song vì người vốn là tay trộm cắp, và giữ túi bạc, trộm lấy của người ta để ở trong. - 7 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hãy để mặc người, người đã để dành dầu thơm nầy cho ngày chôn xác ta. 8 Vì các ngươi thường có kẻ nghèo ở với mình, còn ta, các ngươi không có ta luôn luôn.

9 Một bọn người Giu-đa nghe Đức Chúa Jêsus có tại đó, bèn đến, chẳng những vì Ngài thôi, lại cũng để xem La-xa-rơ, là người Ngài đã khiến từ kẻ chết sống lại. 10 Các thầy tế lễ cả bèn định giết luôn La-xa-rơ nữa, 11 vì có nhiều người Giu-đa nhân cớ người mà chia rẽ họ và tin theo Đức Chúa Jêsus.

 

1. Xin kể tên các nhân vật chính trong phân đoạn vừa đọc:

2. Chúng ta có thể biết gì về những đặc tính của Ma-ri và Giu-đa Ích ca ri ốt qua câu chuyện nầy?

3. Theo ý Bạn, tại sao bà Ma-ri sẵn sàng sử dụng một số tiền lớn như vậy cho Chúa?

4. Động cơ nào thúc đẩy Giu-đa nói những lời được ghi trong câu 5?

5. Mỗi khi dâng hiến cho Chúa Bạn có tính toán không? Tại sao?

Có người đã đặt tên cho phân đoạn Kinh Thánh nầy là: "Tình Yêu, Nước Hoa và Túi Tiền." Tình yêu của bà Ma-ri dành cho Chúa thể hiện trong việc xức dầu thơm cho Chúa, đối chiếu với Giu-đa là người ham tiền bạc, chỉ nghĩ đến túi tiền của mình. Ba nhân vật chính trong câu chuyện nầy là Chúa Giê-xu, bà Ma-ri và ông Giu-đa. Chúa Giê-xu được anh em nhà La-xa-rơ đãi tiệc, có lẽ để ăn mừng về việc La-xa-rơ sống lại. Một lần nữa, chúng ta lại thấy bà Ma-thê, là người hầu hạ, phục vụ người khác (so sánh với Lu-ca 10:38-42). Ma-ri là người chú ý đến những giá trị tinh thần, lo xức dầu thơm cho Chúa Giê-xu. Hai người cùng yêu Chúa, nhưng thể hiện tình yêu đó bằng hai cách khác nhau. Một người phục vụ với khả năng của mình trong những việc làm thiết thực, người kia dâng hiến cho Chúa những điều quí giá (chai dầu thơm đắt tiền). Trong Lu-ca 10:38-42, Chúa trách Ma-thê vì bà quá chú tâm đến việc ăn uống mà sinh ra bực tức. Chúa Giê-xu không có ý coi thường việc làm của Ma-thê, Chúa chỉ muốn cho bà thấy việc nào quan trọng hơn, nên chú tâm vào nhiều hơn.

Có những buổi họp mặt chỉ chú trọng về việc ăn uống, nhiều người vì quá bận tâm vào việc ăn uống đã xao lãng hoặc mất dịp tiện nghe Lời Chúa. Đó là điều đáng trách. Khi tổ chức những buổi họp mặt bồi linh, chúng ta nên đặt việc ăn uống xuống hàng thứ yếu, và nên chú trọng vào việc làm thế nào để mọi người có dịp nghỉ ngơi, nghe Lời Chúa. Nói như vậy không có nghĩa là Kinh Thánh coi thường những người làm việc chân tay hay những người lo việc vặt. Những người đó đáng trọng và đáng đề cao bằng chứng là Kinh Thánh ghi lại việc bà Ma-thê hầu hạ. Dù ta làm việc gì cho Chúa, nhỏ nhặt đến đâu, Chúa vẫn ghi nhớ và ta không bao giờ mất phần thưởng. Đừng cho rằng mình làm những việc nhỏ bé, không quan trọng mà xao lãng hay không làm hết lòng.

Phần cuối câu 2 cho thấy ông La-xa-rơ là một trong những người ngồi đồng bàn với Chúa. Điều nầy chứng tỏ đây là bữa tiệc mừng La-xa-rơ sống lại. Trong dịp nầy, bà Ma-ri đã sử dụng một lọ nước hoa đắt tiền, xức chân cho Chúa để bày tỏ lòng biết ơn Chúa. Ông Giu-đa cho biết lọ nước hoa đó đáng giá đến 300 đơ-ni-ê (c. 5). Đơ-ni-ê là đơn vị tiền bạc thời đó, tương đương với lương công nhật của một người. Do đó, 300 Đơ-ni-ê là tiền lương của một người làm suốt một năm. Đây có lẽ là số tiền dành dụm cả đời của bà Ma-ri, nhưng bà đã hy sinh tất cả cho Chúa. Bà Ma-ri có lẽ không biết, nhưng Chúa cho thấy việc làm của bà tương tự như việc xức xác trước cho Chúa. Điểm Chúa nhấn mạnh trong việc làm của bà là dịp tiện. Chúa không phủ nhận việc giúp người nghèo (c. 8), nhưng việc làm của bà Ma-ri lúc đó là hợp thời, đúng lúc vì làm trước lúc Chúa chết.

Có những dịp tiện phục vụ Chúa mà chúng ta không nên bỏ qua. Khi dịp tiện qua đi, cố gắng của chúng ta cũng không còn giá trị. Bà Ma-ri đã sử dụng nước hoa cho Chúa lúc Chúa còn sống, về sau, ông Ni-cô-đem cũng đem đến "100 cân một dược hòa với lư hội" (19:39), nhưng lúc đó Chúa đã chết. Việc làm của ông Ni-cô-đem cũng có giá trị nhưng chắc là không giá trị bằng việc bà Ma-ri xức dầu cho Chúa lúc Ngài còn sống. Quí vị đang có trước mắt nhiều dịp tiện để phục vụ Chúa, quí vị có tận dụng những dịp tiện đó không? Quí vị có dâng khả năng, tiền bạc, thì giờ cho Chúa đúng lúc không? Nếu chần chừ, sẽ đến lúc quí vị không còn dịp tiện để phục vụ Chúa nữa.

Đang khi bà Ma-ri yêu Chúa, dâng hiến trọn vẹn cho Chúa, chúng ta thấy hình ảnh của một Giu-đa Ích ca ri ốt giả nhân giả nghĩa, làm ra vẻ thương người, nhưng thật sự ông chỉ muốn bà Ma-ri "cúng" dầu thơm đó cho Chúa để ông có dịp lấy bớt (c. 6). Nếu không cẩn thận, chúng ta cũng dễ mắc phải lỗi lầm của Giu-đa, phê bình chỉ trích người khác khi họ hết lòng dâng hiến và phục vụ Chúa. Chúng ta có thể có những lời nói, hành động làm ra vẻ thương người, hết lòng vì Chúa mà kỳ thực chỉ để thỏa mãn tham vọng cá nhân. Đây là hai lỗi lầm nghiêm trọng mà chúng ta phải nhờ Chúa để tránh xa.

Điểm khác biệt quan trọng giữa bà Ma-ri và ông Giu-đa Ích ca ri ốt trong phân đoạn nầy có thể nói là lòng chân thành và sự giả dối. Bà Ma-ri yêu Chúa, biết ơn Chúa và bà đã bày tỏ lòng kính yêu đó qua hành động chân thành, dâng bình dầu thơm quí giá cho Chúa. Trong khi đó Giu-đa là người giả dối, làm ra vẻ yêu thương người nghèo mà thật sự chỉ muốn tìm lợi riêng cho mình. Hãy xét lòng trước mặt Chúa, xem thử mình là người yêu Chúa chân thành như Ma-ri hay giả dối như Giu-đa.