Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 58

Hiệp Nhất Trong Chúa

17:20-26

20 Ấy chẳng những vì họ mà Con cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa, 21 để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta, đặng thế gian tin rằng chính Cha đã sai Con đến. 22 Con đã ban cho họ sự vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để hiệp làm một cũng như chúng ta vẫn là một: 23 Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để cho họ toàn vẹn hiệp làm một, và cho thế gian biết chính Cha đã sai Con đến, và Cha đã yêu thương họ cũng như Cha đã yêu thương Con. 24 Cha ôi, Con muốn Con ở đâu thì những kẻ Cha đã giao cho Con cũng ở đó với Con, để họ ngắm xem sự vinh hiển của Con, là vinh hiển Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu Con trước khi sáng thế. 25 Hỡi Cha công bình, thế gian chẳng từng nhận biết Cha; song Con đã nhận biết Cha, và những kẻ nầy nhận rằng chính Cha đã sai Con đến. 26 Con đã tỏ danh Cha ra cho họ, Con lại sẽ tỏ ra nữa, để cho tình yêu thương của Cha dùng yêu thương Con ở trong họ, và chính mình Con cũng ở trong họ nữa.

 

1. Yếu tố nào khiến Chúa Giê-xu quan tâm đến vấn đề hợp nhất và cầu nguyện cho vấn đề nầy: "Để cho ai nấy hiệp làm một" (c. 20)?

2. Câu: "Đặng thế gian tin rằng chính Cha đã sai Con đến" (c. 21. 23) cho thấy mối quan tâm của Chúa Giê-xu là gì?

3. Sự vinh hiển Chúa Giê-xu ban cho các môn đệ của Ngài được nhắc đến trong câu 22 là gì?

4. Ước muốn của Chúa Giê-xu trong câu 24 là gì? Xin giải thích.

5. Lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu trong phân đoạn nầy cho chúng ta thấy những bản tính nào của Đức Chúa Trời?

Đây là phần Chúa Giê-xu cầu nguyện cho những người sẽ tin Chúa qua các môn đệ của Ngài. Chúa gọi họ là "kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa." Cái nhìn của Chúa Giê-xu không phải là cái nhìn hạn hẹp với đám môn đệ bé nhỏ, nhưng Chúa nhìn thấy xa hơn. Chúa biết và cũng mong muốn các môn đệ làm những "việc lớn hơn" (14:12). Do đó Chúa nghĩ đến những người sẽ tin Chúa qua các môn đệ của Ngài, trong số có cả chúng ta hôm nay.

Như vậy, có thể nói, đây là phần Chúa Giê-xu cầu nguyện cho chúng ta. Noi gương Chúa, khi cầu nguyện chúng ta nên có cái nhìn xa hơn thường tình, đừng chỉ cầu nguyện cho chính mình, cho gia đình hay cho hội thánh của mình nhưng hãy nghĩ đến những nhu cầu của nhiều người ở khắp nơi mà cầu nguyện. Khi cầu nguyện, chúng ta cũng cần có khải tượng, nghĩ đến những người sẽ tin Chúa qua ta hoặc qua hội thánh của ta mà cầu nguyện cho họ.

Mối quan tâm của Chúa ở đây là vấn đề hợp nhất. Chúa cầu nguyện: "Để cho ai nấy hiệp làm một." Đây cũng là cái nhìn xa của Chúa. Trong hiện tại, chỉ với mười hai người mà Chúa đã thấy những ganh tị, tranh giành ảnh hưởng nên Chúa đã cảnh cáo trước, bảo họ hãy yêu thương nhau để mọi người biết họ là môn đệ của Chúa (13:35). Trong tương lai, khi có nhiều người tin Chúa, vấn đề còn phức tạp nhiều hơn nữa, sẽ có nhiều chủng tộc, nhiều tính khí, nhiều phong tục khác nhau. Nhưng dù gì đi nữa, mối quan tâm của Chúa là làm thế nào để tất cả những người nầy đều hợp làm một và mẫu mực hợp nhất là mối quan hệ giữa Chúa với Đức Chúa Cha.

Chúa Giê-xu và Đức Chúa Cha là hai cá thể khác biệt nhưng đã hòa làm một và Chúa muốn những người theo Chúa cũng có được sự hợp nhất đó. Sứ đồ Phao-lô về sau đã dùng hình ảnh của thân thể để nói lên sự hợp nhất của những người trong Chúa (I Cô-rinh-tô 12:12-13). Mối quan tâm của Chúa Giê-xu ngày xưa cũng là mối quan tâm của chúng ta ngày nay. Hợp nhất là dấu hiệu của những người theo Chúa nhưng chia rẽ lại là một trong những điều hay xảy ra trong hội thánh của Chúa nhất. Điều nầy xảy ra là vì chúng ta quên đi sự hợp nhất tuyệt vời giữa Chúa Giê-xu và Đức Chúa Cha. Nhìn vào gương của Chúa, nhìn vào sự hợp nhất đó, chúng ta phải sống hợp nhất với nhau. Đó cũng là ước vọng của Chúa: "Lại để cho họ cũng ở trong chúng ta." Sự hợp nhất giữa chúng ta với nhau giống như sự hợp nhất giữa Chúa với Đức Chúa Cha và đó cũng phải là sự hợp nhất giữa chúng ta với Chúa.

Chúa Giê-xu quan tâm đến sự hợp nhất và cầu nguyện cho vấn đề hợp nhất là vì Chúa quan tâm đến lời chứng của chúng ta cho người đời. Hai lần Chúa cầu nguyện: "Đặng thế gian tin rằng chính Cha đã sai Con đến" (c. 21, 23). Chúa Giê-xu không quan tâm về sự vinh hiển của Chúa nhưng về sự vinh hiển của Đức Chúa Cha và nhất là để cho người đời không có lý do để hiểu lầm sự mặc khải của Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu. Ngày nay, người đời biết đến Chúa hay không là tùy nơi cách sống của chúng ta, nhất là việc chúng ta có đoàn kết và hợp nhất với nhau hay không. Tính cách cao cả, vĩ đại và hợp nhất của Đức Chúa Trời phải được thể hiện qua chúng ta là những đại diện của Chúa trên trần gian nầy.

Ở đầu bài cầu nguyện, Chúa Giê-xu đã nói về sự vinh hiển (c. 1, 5), bây giờ Chúa nhắc lại sự vinh hiển đó và cho biết Chúa đã ban cho các môn đệ sự vinh hiển Đức Chúa Cha ban cho Ngài. Sự vinh hiển Đức Chúa Cha ban cho Ngài là đại diện Đức Chúa Cha trên trần gian, cho trần gian biết về Đức Chúa Trời. Giờ đây, Chúa Giê-xu giao công tác đó lại cho những người theo Ngài: đại diện cho Chúa và trình bày về Chúa cho người khác trên trần gian nầy. Đây thật là một đặc ân và vinh hiển của chúng ta. Chúng ta cần ghi nhớ điều nầy để sống làm rạng Chúa mỗi ngày.

Lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu cho thấy Chúa yêu các môn đệ thật tha thiết. Chúa từ giã họ nhưng không muốn xa họ. Ước muốn của Chúa là Chúa ở đâu thì các môn đệ cũng ở đó với Chúa (c. 24). Đây chẳng những là ước muốn không muốn xa họ nhưng cũng là ước muốn cho họ kinh nghiệm được vinh quang tuyệt diệu của Ngài: "Để họ ngắm xem sự vinh hiển của con." Các môn đệ của Chúa lúc đó biết Chúa là Đức Chúa Trời nhưng họ chưa bao giờ biết Đức Chúa Trời như thế nào trong vinh quang thật của Ngài.

Ước muốn của Chúa ở đây là cho các môn đệ được kinh nghiệm đó. Sứ đồ Giăng về sau vẫn trông mong đến điều nầy khi ông viết: "Khi Ngài hiện đến chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy" (1 Giăng 3:2). Chúa Giê-xu sẽ về trời, nhưng Ngài không chỉ lo cho Ngài nhưng Ngài nghĩ đến các môn đệ và Ngài muốn họ chia xẻ những kinh nghiệm tuyệt diệu với Ngài. Điều nầy cho thấy tình thương vô bờ bến Chúa dành cho những người theo Chúa và cũng nhắc chúng ta mỗi khi hưởng được điều gì vui vẻ, sung sướng, hãy nghĩ đến người khác và chia xẻ với họ.

Lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu trong phân đoạn nầy cho thấy tính cách hợp nhất của Đức Chúa Trời (c. 21. 22). Chúa là Đấng yêu thương (c. 23, 26) và công bình (c. 25). Lời cầu nguyện nầy cũng cho thấy Chúa thật yêu thương và quan tâm đến chúng ta. Hãy tưởng tượng gần hai ngàn năm trước Chúa đã cầu nguyện cho chúng ta và quan tâm đến chúng ta, chúng ta không bao giờ cô đơn cả!