Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 60

Ai Tưởng Mình Đứng Hãy Giữ Kẻo Ngã

18:12-27

12 Bấy giờ, cả cơ binh, người quản cơ và những kẻ sai của dân Giu-đa bắt Đức Chúa Jêsus trói lại. 13 Trước hết chúng giải Ngài đến An-ne; vì người nầy là ông gia Cai-phe làm thầy cả thượng phẩm đương niên. 14 Vả, Cai-phe là người đã bàn với dân Giu-đa rằng: Thà một người chết vì dân thì ích hơn.

15 Si-môn Phi-e-rơ với một môn đồ khác theo sau Đức Chúa Jêsus. Môn đồ đó có quen với thầy cả thượng phẩm, nên vào với Đức Chúa Jêsus trong sân thầy cả thượng phẩm. 16 Song Phi-e-rơ đứng ngoài, gần bên cửa. Môn đồ kia, tức là người quen với thầy cả thượng phẩm, đi ra nói cùng người đàn bà canh cửa, rồi đem Phi-e-rơ vào. 17 Bấy giờ, con đòi đó, tức là người canh cửa, nói cùng Phi-e-rơ rằng: Còn ngươi, cũng là môn đồ của người đó, phải chăng? Người trả lời rằng: Ta chẳng phải. 18 Các đầy tớ và kẻ sai vì trời lạnh, nhúm một đống lửa, rồi đứng gần một bên mà sưởi. Phi-e-rơ đứng với họ, và cũng sưởi.

19 Vậy, thầy cả thượng phẩm gạn hỏi Đức Chúa Jêsus về môn đồ Ngài và đạo giáo Ngài. 20 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta từng nói rõ ràng cùng thiên hạ; ta thường dạy dỗ trong nhà hội và đền thờ, là nơi hết thảy dân Giu-đa nhóm lại, chớ ta chẳng từng nói kín giấu điều gì. 21 Cớ sao ngươi gạn hỏi ta? Hãy hỏi những kẻ đã nghe ta nói điều chi với họ; những kẻ đó biết điều ta đã nói. 22 Ngài đương phán như vậy, có một người trong những kẻ sai có mặt tại đó, cho Ngài một vả, mà rằng: Ngươi dám đối đáp cùng thầy cả thượng phẩm dường ấy sao? 23 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ví thử ta nói quấy, hãy chỉ chỗ quấy cho ta xem; nhược bằng ta nói phải, làm sao ngươi đánh ta? 24 An-ne bèn sai giải Đức Chúa Jêsus vẫn bị trói đến Cai-phe là thầy cả thượng phẩm.

25 Vả lại, Si-môn Phi-e-rơ đương đứng sưởi đằng kia, thì có kẻ hỏi người rằng: Còn ngươi, ngươi cũng là môn đồ người phải không? Người chối đi mà trả lời rằng: Ta không phải. 26 Một người đầy tớ của thầy cả thượng phẩm, bà con với người mà Phi-e-rơ chém đứt tai, nói rằng: Ta há chẳng từng thấy ngươi ở trong vườn với người sao? 27 Phi-e-rơ lại chối một lần nữa; tức thì gà gáy.

 

1. Tại sao Cai-phe là thầy cả thượng phẩm nhưng người ta lại giải Chúa đến cho An-ne?

2. Hai điều thầy cả thượng phẩm gạn hỏi Chúa là gì? Tại sao người ta lại hỏi Chúa về hai vấn đề nầy?

3. Theo ý Bạn, điều gì trong câu trả lời của Chúa khiến cho người ta vả vào mặt Chúa (c. 22)?

4. Tại sao lúc ở trong vườn Phi-e-rơ can đảm tuốt gươm ra bênh vực Chúa trước đoàn quân đông đảo còn bây giờ chỉ với người canh cửa và vài người khác, Phi-e-rơ lại sợ, không dám nhận mình là môn đồ của Chúa?

So sánh với các sách Phúc Âm khác, từ lúc bị bắt đến lúc chịu chết trên cây thập tự, Chúa Giê-xu phải trình diện trước những người sau:

(1) An-ne, ông gia của Cai-phe (Giăng 18:13).

(2) Hội Đồng Tối Cao - Tòa Công Luận (Lu-ca 22:66-71).

(3) Tổng đốc Phi-lát, lần thứ nhất (Lu-ca 23:1-6; Giăng 18:28-40).

(4) Vua Hê-rốt (Lu-ca 23:8-12).

(5) Tổng đốc Phi-lát, lần thứ hai (Lu-ca 23:13-25).

Thường các tội nhân khi bị bắt vì những tội liên quan đến giáo lý, bị can được giải đến thầy tế lễ thượng phẩm hoặc là tòa Công Luận. Trong trường hợp nầy, Chúa Giê-xu được giải đến cho An-ne là ông gia của thầy cả thượng phẩm. An-ne đã làm thầy cả thượng phẩm trước kia và những người nối tiếp ông đều là con và rể của ông nên dù không còn giữ chức vụ đó, ông giữ vai trò cố vấn. Chính vì vậy, người ta đã giải Chúa đến cho ông trước.

Tại đây cũng có mặt cả thầy cả thượng phẩm và hai điều ông gạn hỏi Chúa là môn đệ của Chúa và đạo giáo của Ngài. Người ta gạn hỏi Chúa hai điều nầy là vì nếu số môn đệ của Chúa đông, họ có thể dựa vào đó để buộc Chúa vào tội có mưu phản loạn. Họ gạn hỏi về đạo giáo vì họ cũng có thể dựa vào đó để biết chủ trương của Chúa và tìm lý do để buộc tội. Câu trả lời của Chúa cho thấy Chúa không có điều gì để che giấu, tuy nhiên câu trả lời nầy đã làm cho một số người tức giận và tát vào mặt Chúa. Lý do khiến cho người nầy làm điều đó có lẽ vì ông nầy ngạc nhiên, vì từ trước đến nay, chắc ai cũng khúm núm trước mặt thầy cả thượng phẩm mà Chúa Giê-xu thì không. Có thể chỉ vì một thái độ nịnh bợ mà người nầy làm như vậy. Dù gì đi nữa, việc Chúa Giê-xu bị giải đến trước mặt An-ne và bị gạn hỏi như vậy là điều sai với luật lệ. Luật thời đó không cho phép tòa họp lại ban đêm và cũng không để cho phạm nhân trả lời nhưng phải dựa vào lời khai của nhân chứng. Câu trả lời của Chúa Giê-xu cho thầy cả thượng phẩm hàm ý bảo ông rằng ông đã làm sai, lẽ ra ông phải hỏi những nhân chứng thay vì hỏi Chúa. Chúa Giê-xu không mong người ta thi hành công lý vì Chúa biết rõ người ta chỉ mong giết Chúa nhưng Chúa đã nói với người đã đánh Chúa để người ấy biết là mình sai.

Ngày nay, có khi chúng ta cũng thấy luật lệ và công lý bị lạm dụng và người ta cũng sửa đổi theo ý riêng của họ như vậy. Bài học chúng ta ghi nhận ở đây là thái độ can trường và khẳng khái của Chúa Giê-xu. Như đã nói trong bài trước, dù Chúa Giê-xu là người yêu thương, nhân từ, nhưng không phải vì vậy mà Chúa yên lặng chịu luồn cúi người khác. Khi sự việc xảy ra không đúng với luật lệ, Chúa mạnh dạn phản đối để người khác thấy rõ sai lầm của họ. Chúng ta phải nhẫn nhục chịu đựng trong những hoàn cảnh khó nhưng cần phải phân biệt giữa nhẫn nhục chịu đựng với thái độ ươn hèn, không lên tiếng trước những sai lầm và bất công trong xã hội.

Phân đoạn Kinh Thánh trong bài học nầy có hai phần rõ ràng:

(1) Câu 12-14 và câu 19-24: nói về việc Chúa trước mặt An-ne và thầy cả thượng phẩm.

(2) Câu 15-18 và câu 25-57: nói về việc ông Phi-e-rơ chối Chúa.

Trong bài học trước, chúng ta thấy Phi-e-rơ thật can đảm dù hành động không đúng lúc khi rút gươm ra bênh vực cho Chúa (18:10), nhưng trong bài học nầy, chúng ta lại thấy Phi-e-rơ thật yếu đuối, không dám nhận mình là môn đệ của Chúa dù trước mặt một người tớ gái. Thật ra, trong cả hai trường hợp, chúng ta đều thấy con người thật của Phi-e-rơ. Đọc trong các sách Phúc Âm, chúng ta thấy rõ Phi-e-rơ là người nóng tính, hăng hái nhưng cũng dễ buông xuôi. Một người có lúc tinh thần lên thật cao nhưng có lúc cũng xuống thật thấp. Đó là bản tính của Phi-e-rơ. Thật ra, ở đây chúng ta phải khâm phục Phi-e-rơ vì đang khi các môn đệ khác đều bỏ Chúa chạy trốn (Mác 14:33), ông đã can đảm theo Chúa vào tận sân của dinh thầy cả thượng phẩm. Đó là một hành động can đảm vì ông có thể gặp khó khăn khi theo Chúa đến đó. Điểm chúng ta học nơi Phi-e-rơ ở đây là ông không biết rõ con người của mình. Ông nghĩ mình có đủ sức chịu đựng, ông không ngờ ông bị rơi vào bẫy của ma quỉ lúc nào không biết. Điểm đáng trách của Phi-e-rơ không phải là hèn nhát, chối Chúa, nhưng mà là không lường sức của mình và không nhờ vào sức của Chúa. Chúa thì biết rõ nên đã cảnh cáo trước cho Phi-e-rơ (13:38).

Ngày nay học lại bài học về Phi-e-rơ, chúng ta cần tự nhắc mình cần phải nhờ vào sức Chúa để sống và chiến đấu với ma quỉ, tội lỗi. Cả lần vung gươm ra cứu Chúa và lần cúi đầu xuống chối Chúa, Phi-e-rơ đều sai lầm ở chỗ là ở nơi không đúng, làm việc không đúng. Nếu Phi-e-rơ biết rõ sự yếu đuối của mình, ông đã không đến chỗ có thể bị rơi vào cám dỗ để dễ dàng chối Chúa. Mỗi chúng ta cần lường sức mình trước mặt Chúa và xin Chúa giúp sức để chiến thắng tội lỗi và đừng bao giờ tự đặt mình vào những hoàn cảnh dễ bị rơi vào cạm bẫy của ma quỉ. Kinh Thánh đã nghiêm trọng cảnh cáo chúng ta: "Ai tuởng mình đứng, hãy giữ, kẻo ngã!" (I Cô-rinh-tô 10:12).