Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 63

Người Đã Bị Kể Vào Hàng Kẻ Dữ

19:17-27

17 Đức Chúa Jêsus vác thập tự giá mình, đi đến ngoài thành, tại nơi gọi là cái Sọ, tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Gô-gô-tha. 18 Ấy đó là chỗ họ đóng đinh Ngài, lại có hai người khác với Ngài, mỗi bên một người, còn Đức Chúa Jêsus ở chính giữa.

19 Phi-lát cũng sai làm một tấm bảng, rồi treo lên trên thập tự giá. Trên bảng đó, có đề chữ rằng: Jêsus người Na-xa-rét, là Vua dân Giu-đa. 20 Vì nơi Đức Chúa Jêsus bị đóng đinh ở gần thành, và chữ đề trên bảng đó viết bằng chữ Hê-bơ-rơ, chữ La-tinh và chữ Gờ-réc, nên có nhiều người Giu-đa đọc đến. 21 Các thầy tế lễ cả của dân Giu-đa bèn nói với Phi-lát rằng: Xin đừng viết: Vua dân Giu-đa; nhưng viết rằng, người nói: Ta là Vua dân Giu-đa. 22 Phi-lát trả lời rằng: Lời ta đã viết, thì ta đã viết rồi.

23 Quân lính đã đóng đinh Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá rồi, bèn lấy áo xống của Ngài chia làm bốn phần, mỗi tên lính chiếm một phần. Họ cũng lấy áo dài của Ngài, nhưng áo dài đó không có đường may, nguyên một tấm vải dệt ra, từ trên chí dưới. 24 Vậy, họ nói với nhau rằng: Đừng xé áo nầy ra, song chúng ta hãy bắt thăm, ai trúng nấy được. Ấy để cho được ứng nghiệm lời Kinh thánh nầy:

Chúng đã chia nhau áo xống của ta,

Lại bắt thăm lấy áo dài ta.

Đó là việc quân lính làm.

25 Tại một bên thập tự giá của Đức Chúa Jêsus, có mẹ Ngài đứng đó, với chị mẹ Ngài và Ma-ri vợ Cơ-lê-ô-ba, và Ma-ri Ma-đơ-len nữa. 26 Đức Chúa Jêsus thấy mẹ mình, và một môn đồ Ngài yêu đứng gần người, thì nói cùng mẹ rằng: Hỡi đàn bà kia, đó là con của ngươi! 27 Đoạn, Ngài lại phán cùng người môn đồ rằng: Đó là mẹ ngươi! Bắt đầu từ bấy giờ, môn đồ ấy rước người về nhà mình.

 

1. Tấm bảng Phi-lát treo trên cây thập tự của Chúa và tấm bảng mà các thầy tế lễ cả đề nghị Phi-lát viết có gì khác nhau? Tại sao các thầy tề lễ cả lại yêu cầu thay đổi nội dung của tấm bảng như vậy?

2. Tại sao Phi-lát không chịu thay đổi nội dung của tấm bảng theo lời yêu cầu của các thầy tế lễ cả?

3. Bạn nghĩ gì về bọn lính chia nhau y phục của Chúa và bắt thăm về áo dài của Chúa?

4. Xin cho biết cảm tưởng của Bạn về cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-xu với mẹ của Ngài và sứ đồ Giăng trong 25-27.

5. Nếu Bạn là người đứng trước mặt cây thập tự của Chúa Giê-xu trong giờ Ngài chịu chết, Bạn sẽ thưa với Chúa điều gì?

Đóng đinh có lẽ là hình thức xử tử đau đớn và tàn ác nhất từ trước đến nay. Cây trụ đứng thường có sẵn ở pháp trường, nạn nhân thường chỉ phải vác thanh ngang để rồi chịu đóng đinh vào thanh gỗ đó. Theo cách đóng đinh của người La-mã, nạn nhân bị đóng đinh xuyên qua bàn tay hoặc cổ tay và hai bàn chân. Người ta cũng thường dùng dây cột nạn nhân vào thanh gỗ để nạn nhân không ngã người về phía trước khi đã mất sức. Nạn nhân bị lột hết áo quần để cho người ta chế nhạo và chịu nắng gắt ban ngày cũng như cái lạnh ghê gớm về đêm (ở Giê-ru-sa-lem vào mùa đó, ban đêm hàn thử biểu có thể xuống đến 5 hay 10 độ bách phân). Thường nạn nhân không chết ngay và có người bị treo như vậy đến cả tuần lễ mới chết.

Đóng đinh trên cây thập tự là lối xử tử của người Ba-tư vì họ cho rằng đất là thánh, không nên để cho thân xác của những tử tội làm ô uế. Họ để cho nạn nhân chết trên cây thập tự như vậy rồi đợi chim chóc đến ăn cho hết thịt, để họ khỏi phải chôn cất. Người Carthage học lối xử tử nầy nơi người Ba-tư rồi người La-mã học theo người Carthage. Mặc dù học lối xử tử nầy nhưng người La-mã chỉ áp dụng hình thức đóng đinh cho các tỉnh và đặc biệt chỉ áp dụng cho nô lệ mà thôi. Bị đóng đinh trên cây thập tự vì vậy là chịu cái chết đau đớn nhất tủi nhục nhất. Sứ đồ Giăng cũng cho biết Chúa Giê-xu bị đóng đinh chung với hai người khác là hai tên trộm cướp (Mat. 27:38), ứng nghiệm lời tiên tri: "Người... đã bị kể vào hàng kẻ dữ" (Ê-sai 53:12).

Bản án của Chúa Giê-xu, theo lời mô tả của Phi-lát là: "Giê-xu người Na-xa-rét, là vua dân Giu-đa." Bản án của Phi-lát hàm ý làm nhục người Do-thái, cho thấy rằng vua của họ nhưng bị chính quyền La-mã giết như một tử tội. Các thầy tế lể cả không muốn bị nhục như vậy nên đã yêu cầu sửa lại, nói rằng Chúa Giê-xu xưng Ngài là vua chứ Ngài không thực sự là vua. Phi-lát đã bị áp lực nhiều lần trong vụ án nầy (18:28-19:16) nên ông không muốn nhân nhượng nữa, vì vậy ông không chịu thay đổi tấm bảng nói về "tội trạng" của Chúa.

Giới lãnh đạo tôn giáo thời đó không muốn nhận Chúa Giê-xu là Vua. Phi-lát thì coi việc Chúa Giê-xu là vua là một hình thức phản loạn đối với người La-mã, nhưng Chúa Giê-xu thật sự là Vua. "Vua của mọi vua, Chúa của mọi chúa." Chúng ta phải tôn xưng và công nhận Ngài là Vua của đời sống chúng ta.

Bản án của Chúa được viết bằng ba thứ tiếng vì Hê-bơ-rơ là tiếng của người địa phương: La-tinh là ngôn ngữ chính thức dùng trên giấy tờ, còn Gờ-réc (Hy-lạp) là ngôn ngữ phổ thông lúc bấy giờ.

Dựa vào hai câu 23 và 24, chúng ta biết rằng số lính chịu trách nhiệm trong việc xử tử Chúa gồm có bốn người, trong khi đó y phục của người Do-thái thường gồm năm phần: khăn đội trên đầu, áo ngoài, cái thắt lưng, dép và một miếng vải dài, dùng như áo lót bên trong.

Bốn món đầu, những người lính đã chia nhau, mỗi người lấy một vật, riêng miếng vải dài nếu xé ra làm bốn thì không dùng vào được việc gì nên họ đã bắt thăm để lấy cái áo, hay nói đúng hơn là tấm vải đó. Chúng ta hãy tưởng tượng, bên trên là một nạn nhân đang quằn quại gần chết, bên dưới là những người lính thản nhiên chơi đùa, cờ bạc. Thái độ nầy cho thấy sự thản nhiên của những người lính nầy có lẽ vì họ đã chứng kiến quá nhiều vụ xử tử như vậy. Nhưng điều nầy cũng cho thấy lòng người có thể trở nên chai đá, không một chút bận tâm đến cái đau khổ và cái chết của người khác. Chúng ta hãy tự hỏi mình, ngày nay, nghĩ đến cái chết của Chúa ta còn có cảm xúc gì không hay có thể ta vẫn thản nhiên sống theo ý riêng, không biết cái đau khổ và cái chết Chúa đã chịu là vì chúng ta!

Việc quân lính chia nhau y phục Chúa và bắt thăm về áo dài của Chúa đã ứng nghiệm lời tiên tri trong Cựu Ước từng lời, từng tiếng (Thi thiên 22:18). Điều nầy cho thấy cái chết của Chúa không phải là cái chết tự nhiên, nhưng nằm trong kế hoạch muôn đời của Đức Chúa Trời để cứu chuộc loài người.

Câu 26 và 27 ghi lại một trong bảy lời nói sau cùng của Chúa Giê-xu trên cây thập tự. Đây cũng là những lời gởi gắm người mẹ hiền lại cho môn đệ thân tín là sứ đồ Giăng. Điều nầy cho thấy dù trong sự nghiệp vĩ đại là cứu rỗi nhân loại, Chúa Giê-xu không quên lo lắng cho người thân yêu, đặc biệt là mẹ của Ngài. Điều nầy ngược lại với chủ trương của giới lãnh đạo tôn giáo thời đó, họ lợi dụng việc phục vụ Chúa để không ngó ngàng gì đến gia-đình (Mat. 15:3-6). Sứ đồ Phao-lô về sau cũng dạy: "Ai không săn sóc đến bà con mình, nhất là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa" (I Ti-mô-thê 5:8).

Chứng kiến cảnh con mình chịu chết đau thương, những lời của Si-mê-ôn hẳn đã hiện ra rõ ràng trong trí óc bà Ma-ri: "Còn phần ngươi, có một thanh gươm sẽ đâm thấu qua lòng ngươi" (Lu-ca 2:35). Tâm hồn của bà Ma-ri hẳn đã quặn thắt, đau đớn vô cùng trước cái chết đau khổ và nhục nhã của người con yêu dấu. Là người theo Chúa, nếu cái chết của Chúa không còn ý nghĩa gì đối với chúng ta, không còn làm cho tâm hồn ta rúng động, ta nên ôn lại, suy nghĩ lại và nhớ rằng Chúa đã chịu tất cả khổ đau vì ta. Hãy xác định lại mối liên quan giữa ta với Chúa, hãy làm điều đó bằng một lời cầu nguyện giờ nầy.