Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 66

Bây Giờ Tôi Tin

20:19-31

19 Buổi chiều nội ngày đó, là ngày thứ nhứt trong tuần lễ, những cửa nơi các môn đồ ở đều đương đóng lại, vì sợ dân Giu-đa, Đức Chúa Jêsus đến đứng chính giữa các môn đồ mà phán rằng: Bình an cho các ngươi! 20 Nói đoạn, Ngài giơ tay và sườn mình cho môn đồ xem. Các môn đồ vừa thấy Chúa thì đầy sự mừng rỡ. 21 Ngài lại phán cùng môn đồ rằng: Bình an cho các ngươi! Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy. 22 Khi Ngài phán điều đó rồi, thì hà hơi trên môn đồ mà rằng: Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh. 23 Kẻ nào mà các ngươi tha tội cho, thì tội sẽ được tha; còn kẻ nào các ngươi cầm tội lại, thì sẽ bị cầm cho kẻ đó.

24 Vả, lúc Đức Chúa Jêsus đến, thì Thô-ma, tức Đi-đim, là một người trong mười hai sứ đồ, không có ở đó với các môn đồ. 25 Các môn đồ khác nói với người rằng: Chúng ta đã thấy Chúa. Nhưng người trả lời rằng: Nếu ta không thấy dấu đinh trong bàn tay Ngài, nếu ta không đặt ngón tay vào chỗ dấu đinh, và nếu ta không đặt bàn tay nơi sườn Ngài, thì ta không tin. 26 Cách tám ngày, các môn đồ lại nhóm nhau trong nhà, có Thô-ma ở với. Khi cửa đương đóng, Đức Chúa Jêsus đến, đứng chính giữa môn đồ mà phán rằng: Bình an cho các ngươi! 27 Đoạn, Ngài phán cùng Thô-ma rằng: Hãy đặt ngón tay ngươi vào đây, và xem bàn tay ta; cũng hãy giơ bàn tay ngươi ra và đặt vào sườn ta, chớ cứng lòng, song hãy tin! 28 Thô-ma thưa rằng: Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi! 29 Đức Chúa Jêsus phán: Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!

30 Đức Chúa Jêsus đã làm trước mặt môn đồ Ngài nhiều phép lạ khác nữa, mà không chép trong sách nầy. 31 Nhưng các việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống.

 

1. Xin so sánh và cho biết sự khác nhau giữa hai lần hiện ra của Chúa Giê-xu trong phân đoạn nầy.

2. Chúa Giê-xu cho biết rằng sứ mạng của chúng ta trên trần gian nầy cũng giống như sứ mạng Đức Chúa Cha giao cho Ngài (c. 21). Theo ý Bạn, sứ mạng đó là gì?

3. Câu 23 chỉ áp dụng cho các môn đệ của Chúa ngày xưa hay cho cả chúng ta hôm nay nữa? Nếu áp dụng cho chúng ta thì áp dụng như thế nào?

4. Theo ý Bạn, ông Thô-ma là người đáng trách hay đáng khen? Tại sao?

5. Mục đích của Phúc Âm Giăng là để độc giả tin rằng Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế (c. 31). Nếu chưa tin Chúa, khi đọc đến đây Bạn có tin rằng Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế không? Nếu đã tin Chúa, xin kể ra vài điều mới về Chúa Giê-xu mà Bạn học được qua loạt bài nầy.

Cũng trong ngày Chúa Nhật Phục Sinh đầu tiên, Chúa Giê-xu hiện ra cho các môn đệ của Ngài. Câu 19 cho thấy, sau khi sống lại Chúa có một thân xác đặc biệt, không bị giới hạn với thời gian và không gian. Đây cũng là thân xác chúng ta sẽ có sau khi sống lại (I Cô. 15:35-54; II Cô. 5:1-2). Vì vậy, Chúa Giê-xu có thể vào nơi các môn đệ đang hội họp dù các cửa đang đóng.

Lời chào của Chúa là lời chào thông thường của người Do-thái: "Bình an cho các ngươi." Tuy nhiên, Chúa cũng hàm ý đem lại bình an cho các môn đệ vì họ đang lo âu, sợ hãi. Sau lời chào, Chúa Giê-xu cho họ biết rằng Chúa có một sứ mạng cho họ. Sứ mạng đó tương tự như sứ mạng Đức Chúa Cha đã giao cho Ngài: "Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy." Đức Chúa Cha đã sai Chúa Giê-xu đến trần gian để thể hiện Đức Chúa Cha cho mọi người biết (1:18); để chịu chết và chuộc tội cho nhân loại (3:16); để rao truyền lời của Đức Chúa Trời (3:34). Chúa muốn chúng ta cũng làm những điều tương tự. Dĩ nhiên, chúng ta không thể chịu chết để đền tội cho nhân loại vì Chúa Giê-xu đã làm tất cả rồi, nhưng Chúa dạy chúng ta phải sẵn sàng hy sinh mạng sống vì người khác (15:13); làm chứng về Chúa (15:27); tiếp tục làm việc Chúa làm và làm việc lớn hơn (14:12). Nếu người ta đã biết Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu, họ cũng phải tiếp tục biết Đức Chúa Trời qua chúng ta.

Việc Chúa Giê-xu hà hơi và bảo các môn đệ nhận lãnh Thánh Linh trong câu 22 có tính chất biểu tượng và tiên tri vì các môn đệ thật sự nhận được Chúa Thánh Linh trong ngày lễ Ngũ Tuần (Công vụ 2). Câu 23 thường được một số người cho rằng chỉ có những người kế vị các sứ đồ ngày xưa mới có quyền tha tội. Tuy nhiên, nếu xét kỹ, chúng ta thấy rằng câu nầy áp dụng cho hết thảy mọi người. Điểm Chúa Giê-xu dạy ở đây không phải là quyền tha tội nhưng là quyền công bố một người được tha tội hay không. Lời dạy của Chúa ở đây hàm ý rằng khi một người ăn năn tội và tin nhận Chúa, dựa vào lời dạy của Chúa, chúng ta có thể công bố cho người đó biết rằng tội của người ấy đã được tha. Ngược lại, một người không tin Chúa, chúng ta có thể cho người ấy biết chắc chắn rằng người ấy vẫn còn mang tội. Chúng ta chỉ là người tuyên bố tha tội hay mắc tội. Chỉ có một mình Chúa mới có quyền tha tội hay buộc tội con người.

Trong các môn đệ của Chúa, Thô-ma có lẽ là người thường phát biểu ý kiến nhất, sau Phi-e-rơ (11:16; 14:5). Chúng ta thấy rõ Thô-ma là một con người thành thật, muốn có bằng chứng rõ ràng mới tin. Lời thỉnh cầu của ông đã được toại nguyện. Thô-ma đáng trách vì lòng không tin nhưng đáng khen vì thái độ thành thật. Ông đã chấp nhận sự kiện Chúa sống lại bằng một lời suy tôn: "Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!." Chúa không có ý trách Thô-ma trong câu 29, nhưng cho chúng ta thấy rằng khi chúng ta chấp nhận sự việc Chúa sống lại bằng đức tin, dù chính mắt chúng ta không trông thấy, chúng ta được kể là người có phước hơn Thô-ma.

Những bài học chúng ta ghi nhận trong phân đoạn nầy là:

(1) Chúa đã sống lại, bảo đảm cho chúng ta sự bình an, hy vọng. Chúng ta phải ghi nhớ điều đó để luôn luôn có được bình an trong Chúa.

(2) Chúng ta phải theo gương Chúa để phục vụ tha nhân trên trần gian nầy, nhất là sống thể nào để mọi người biết Chúa qua chúng ta.

(3) Khi có những nghi ngờ về tình yêu hay sự hiện diện của Chúa trong đời sống, hãy nhớ lại câu chuyện Thô-ma và xin Chúa giúp chúng ta có thêm đức tin để "đứng vững như thấy Đấng không thấy được" (Hê-bơ-rơ 11:27).