Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 11

Luật Pháp Và Lương Tâm

2:12-16

12 Phàm những kẻ không luật pháp mà phạm tội, cũng sẽ không luật pháp mà hư mất; còn những kẻ có luật pháp mà phạm tội, thì sẽ bị luật pháp đoán xét; 13 vì chẳng phải kẻ nghe đọc luật pháp là người công bình trước mặt Đức Chúa Trời, bèn là kẻ làm theo luật pháp được xưng công bình vậy. 14 Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình. 15 Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình. 16 Ấy là điều sẽ hiện ra trong ngày Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Giê-xu Christ mà xét đoán những việc kín nhiệm của loài người, y theo Tin Lành tôi.

1. “Luật pháp” nói đến trong phân đoạn nầy là luật gì?

2. “Không luật pháp mà phạm tội” nghĩa là gì? Xin cho một ví dụ.

3. “Kẻ không luật pháp” và “kẻ có luật pháp” chỉ về hai nhóm người nào?

4. Không cần tin Chúa, chỉ sống theo lương tâm có được không? Tại sao?

5. Nếu người chung quanh chúng ta không tin Chúa vì chúng ta không nói về Chúa cho họ, Chúa sẽ xử họ như thế nào? Chúa sẽ xử chúng ta như thế nào?

6. Câu 13 dạy chúng ta điều gì về việc thực hành Lời Chúa?

 

Phân đoạn Thánh Kinh nầy giải đáp thắc mắc của một số người về việc thưởng phạt đối với người chưa bao giờ được nghe nói về Chúa, Phao-lô cho biết, đối với những người sống trong thời xa xưa, hoặc sống trong rừng sâu hẻo lánh, không bao giờ được nghe về đạo Chúa, Chúa sẽ dựa vào lương tâm của họ để xét xử (c. 15-16). Tất cả mọi người, dù sống ở đâu, trong thời đại nào, sâu kín trong lòng đều có một ý niệm về đạo đức và về một Đức Chúa Trời vô hình. Người không tin Chúa vẫn có tiếng nói lương tâm hướng dẫn và Chúa sẽ xét xử họ dựa trên căn bản họ có làm theo tiếng nói của lương tâm hay không. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là chúng ta chỉ cần sống theo lương tâm là đủ, vì điều nầy chỉ áp dụng cho những người tuyệt đối không bao giờ được nghe về Phúc Âm mà thôi. Tất cả mọi người trong thời đại chúng ta, qua hình thức nầy hoặc hình thức khác, đều đã ít nhất một, hai lần được nghe về Chúa. Vì thế, Chúa sẽ không dựa vào lương tâm của họ để xét xử, nhưng dựa vào việc họ đã đáp ứng như thế nào trước tiếng gọi của Ngài. Điều nầy cũng nhắc chúng ta, những người đã tin Chúa, nhớ trách nhiệm truyền giáo mà Chúa đã giao phó, để hăng hái hơn trong việc nói về Chúa cho người khác, cũng như trình bày Phúc Âm thật rõ ràng, đầy đủ, để người nghe có thể hiểu rõ và tin nhận Chúa. Nếu người chung quanh không tin Chúa vì chúng ta không nói về Chúa cho họ, chúng ta cũng có phần trách nhiệm về số phận đời đời của những người ấy (Ê-xê-chi-ên 33:8).

Phần Thánh Kinh nầy cũng nhắc chúng ta vâng lời Chúa và thực hành lời Chúa dạy vì nếu không, chúng ta sẽ bị hình phạt như bao nhiêu người khác: “Chẳng phải kẻ nghe đọc luật pháp là người công bình trước mặt Đức Chúa Trời, bèn là kẻ LÀM THEO luật pháp.” Nguyên tắc Phao-lô nêu lên ở đây là: Chúa không thưởng phạt tùy theo kiến thức của con người nhưng tùy theo hành động của con người về những điều mình biết. Điều quan trọng không phải là chúng ta biết về Chúa bao nhiêu, nhưng là chúng ta có làm theo những điều mình biết hay không.

Câu: “Những kẻ không luật pháp mà phạm tội, cũng sẽ không luật pháp mà hư mất” có nghĩa là những người không biết luật pháp Môi-se, nếu phạm tội sẽ không bị hình phạt theo bộ luật Môi-se. Nói khác đi, Chúa không chiếu theo bộ luật Môi-se để xét xử những người không biết bộ luật đó. Chúa sẽ theo “luật lương tâm,” tức là ý thức đạo đức mà Chúa đã đặt vào lòng mỗi người. Hai câu 15-16, Bản Diễn Ý dịch lại như sau:

Việc nầy chứng tỏ các nguyên tắc luật pháp đã được ghi vào lòng họ; lương tâm cũng làm chứng khi lên tiếng buộc tội hay biện hộ. Theo Phúc Âm tôi truyền giảng, đến ngày Đức Chúa Trời đã định, Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ xét xử mọi tư tưởng, hành động kín đáo của loài người.