Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 17

Sự Công Bình Của Đức Chúa Trời Đã Được Bày Tỏ

3:21-22

21 Nhưng hiện bây giờ, sự công bình của Đức Chúa Trời, mà luật pháp và các đấng tiên tri đều làm chứng cho, đã bày tỏ ra ngoài luật pháp: 22 tức là sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi sự tin đến Đức Chúa Giê-xu Christ, cho mọi người nào tin. Chẳng có phân biệt chi hết.

1. Xin xem lại bài 4 và cho biết “sự công bình của Đức Chúa Trời” nói đến điều gì?

2. Dựa vào hai câu trên, xin cho biết ba đặc tính về sự công bình của Đức Chúa Trời.

3. “Luật pháp và các đấng tiên tri” chỉ về gì?

4. “Bày tỏ ra ngoài luật pháp” là bày tỏ như thế nào?

5. Điểm quan trọng nhất trong chương trình cứu rỗi của Chúa là gì?

6. Theo ý Bạn, tin Chúa Giê-xu nghĩa là gì? Nếu tin có ý nghĩa đó, Bạn đã thực sự tin Chúa chưa?

 

Có người đã nói nếu cả Kinh Thánh đều mất hết, chỉ còn lại Rô-ma 3:21-26, chúng ta vẫn có thể biết rõ về Chúa để tin Ngài và được cứu. Câu nói trên cho thấy tầm quan trọng của phân đoạn Kinh Thánh nầy.

Sau khi trình bày tình trạng tội lỗi vô phương tự cứu của con người, Phao-lô cho biết “sự công bình của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ.” Chữ “nhưng” ở đầu câu 21 cho thấy một hy vọng rạng rỡ trước tình trạng tội ác cực độ của nhân loại. Mọi người đều có tội, không thể tự giải thoát NHƯNG sự công bình của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ. “Sự công bình của Đức Chúa Trời” nghĩa là cách Đức Chúa Trời làm cho con người trở thành công bình. Nói khác đi, “sự công bình của Đức Chúa Trời” chính là chương trình cứu rỗi nhân loại của Đức Chúa Trời.

Chương trình cứu rỗi đó bao gồm những đặc tính sau:

1. Luật pháp và các đấng tiên tri đều làm chứng, c. 21. Phao-lô đã nói điều nầy trong chương 1:2 như sau: “Tin Lành xưa kia Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri mà Ngài hứa trong Kinh Thánh.” Điều nầy cho thấy chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời không phải là việc ngẫu nhiên nhưng đã được hoạch định từ trước. “Luật pháp và các đấng tiên tri” là nói đến toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước, như lời Chúa Giê-xu trong Phúc Âm Lu-ca 24:44: “Mọi sự đã chép về ta trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri cùng các Thi thiên phải được ứng nghiệm.” Câu “luật pháp và các đấng tiên tri đều làm chứng cho” (c. 21) có nghĩa là Thánh Kinh Cựu Ước đã loan báo trước và đã xác nhận về chương trình cứu rỗi nhân loại của Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Giê-xu.

2. Bày tỏ ra ngoài luật pháp, c. 21. “Ngoài luật pháp” nghĩa là không nhờ đến luật pháp, đây chỉ về luật pháp Môi-se. Khi nói chương trình cứu rỗi của Chúa không nhờ đến luật pháp, không có nghĩa là Chúa bỏ luật pháp nhưng có nghĩa là con người không thể nhờ giữ luật pháp mà được cứu. Người Do-thái luôn luôn hãnh diện về hệ thống tổ chức tôn giáo của dân tộc họ nhưng Phao-lô cho biết không ai có thể làm theo tất cả các điều luật trong bảng luật Môi-se để được cứu. Chúng ta được cứu chỉ nhờ tin vào Chúa Giê-xu.

3. Bởi sự tin đến Chúa Giê-xu Christ, c. 22. Ở đời ai cũng có một niềm tin và người ta sống cho niềm tin ấy. Nếu không tin vào các đấng thần linh, người ta cũng tin vào một chủ thuyết hay một cá nhân nào đó. Đức tin là điều quan trọng trong cuộc sống, nhưng chúng ta đặt đức tin vào đâu, vào ai là điều quan trọng hơn. Theo lời Thánh Kinh, chỉ một mình Chúa Giê-xu là đối tượng đúng và xứng đáng cho niềm tin của chúng ta, vì chỉ một mình Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi tội và giúp ta sống một cuộc đời ý nghĩa.

Nhìn vào ba đặc điểm trên của Phúc Âm, chúng ta tạ ơn Chúa vì: (1) Sự cứu rỗi của chúng ta đã được Đức Chúa Trời hoạch định từ trước. (2) Chúng ta không phải tu thân hay làm lành để được cứu. (3) Chúng ta chỉ cần tin Chúa Giê-xu để được cứu, vì Ngài là Đức Chúa Trời toàn năng, Đấng duy nhất có thể cứu chúng ta.