Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 39

Vật chất

Đọc lại bài giảng trên núi của Chúa Giê-xu cách đây hơn 2000 năm, người ta nhận thấy vẫn hợp với thời đại này, vì con người có lẽ tiến bộ về nhiều mặt, nhưng nhu cầu vật chất cũng vẫn căn bản chỉ có vậy.

Khi bàn về đề tài vật chất, Chúa Giê-xu dùng các hình ảnh con mắt, thân thể, sáng và tối.

Ma-thi-ơ 6:22,23 ghi: "Con mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt con sáng sủa thì cả thân thể sẽ được sáng láng; nhưng nếu mắt con xấu, thì cả thân thể sẽ tối tăm. Vậy nếu sự sáng trong con chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm nầy sẽ lớn biết là dường bao!"

Trong bài học này, Chúa bảo mắt là đèn của tâm, hồn và linh. Ta để ý mắt không phải là ánh sáng, mà chỉ là ngọn đèn. Một ngọn đèn tự nó không có năng lực tạo ra ánh sáng, cũng không thể làm gì để trừ bóng tối. Con mắt chỉ thấy được những gì đã tồn tại, hiện hữu, đã được tạo ra và truyền ánh sáng đó cho toàn thân.

Chúa Giê-xu, Đấng dạy những lời này, mới là ánh sáng. Chúa tự xưng là Ánh Sáng của Trần Gian. Chúng ta chỉ là những ngọn đèn, được thắp sáng, phản chiếu ánh sáng mà thôi.

Chúa Giê-xu dạy: "Nếu mắt các con sáng sủa" trong nguyên văn câu này là: "Nếu mắt các con đơn thuần". Chữ đơn thuần này có thể dịch là lành mạnh, nghĩa là nhìn thấy sự vật rõ ràng chứ không có hai ba hình chồng lên nhau. Trong văn chương Do-thái, từ này được dùng để nói về một vật nào hoàn toàn để riêng ra để dùng vào mục đích mà vật đó đã được tạo ra. Chúa Giê-xu như nói rằng: Ta là ánh sáng, tâm trí con là mắt hay là đèn. Nếu tâm trí của ta là tâm trí của Chúa Cứu Thế Giê-xu, nghĩa là hoàn toàn, trọn vẹn tập trung vào Chúa Giê-xu, như người trong gánh xiếc bước đi trên sợi giây căng thẳng trên cao, lúc nào cũng nhìn thẳng về phía trước, không nhìn ngang nhìn ngửa để bị chóng mặt và ngã xuống, nhưng cứ thẳng một mực tiến đến hướng Chúa đã kêu gọi mình.

Nếu chuyên chú vào Chúa như vậy trọn đời mình, ta sẽ thấy Ánh Sáng và Ánh Sáng ấy sẽ tràn ngập tâm, hồn và linh ta. Như thế toàn diện con người của ta sẽ được tương giao với Chúa và truyền ánh sáng của Chúa cho những người còn sống trong bóng tối, tức là chưa biết Chúa.

Nhưng Chúa Giê-xu nói thêm: "Nếu mắt con xấu thì cả thân thể sẽ tối tăm." Nếu chữ đơn thuần chỉ về lành mạnh, hay thánh thiện thì chữ xấu mang nghĩa tham muốn hay ganh tỵ. Chữ này dùng để nói về một người thèm muốn những gì mà người hàng xóm có, người thường tủi thân vì không may mắn, không được như người khác. Điều này được diễn nghĩa rõ trong câu Châm Ngôn 28:22 "Người nào có mắt tham, vội ham kiếm của cải..." Con mắt xấu là con mắt đã nhiễm bệnh, bác sĩ gọi là loạn thị. Nói theo kỹ thuật thì đây là một tật của mắt do những đường cong không đều trên những chỗ vỡ bề mặt của giác mạc và thủy tinh thể của mắt, làm cho ánh sáng bị khuếch tán tạo ra hình ảnh mờ, chung quanh có viền và hai hình chồng lên nhau.

Y sĩ vĩ đại không gọi bệnh đó là loạn thị, nhưng gọi là tội. Đó là tật tập trung tầm nhìn vào lợi vật chất, vào chủ nghĩa vị vật chất.

Một họa sĩ nổi danh nói rằng: "Nhìn sai tệ hơn là mù. Một người mắt mờ quá không phân biệt được con đường với bờ mương có thể tửơng mương là đường, đường là mương, nhưng nếu anh ta tưởng là đường mà hóa ra mương, và mương hóa ra đường, thì anh ta sẽ đi ra làm sao?" Một người sống trong cái mương mà vẫn bảo là mình đi trên đường chính là người loạn thị.

Chúa Giê-xu kết luận rằng: "Nếu sự sáng trong con chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm này sẽ lớn biết là dường bao."

Sự tối tăm sẽ kinh khủng biết bao nếu xưa nay ta vẫn gọi nó là ánh sáng? Ta hãy xem cách mà những con người loạn thị đã đối xử với Chúa Giê-xu. Hãy nhìn vào cuộc đời này. Hãy nhìn vào Hội Thánh với đôi mắt đơn thuần, hãy bỏ cái nhìn méo mó sự vật, hướng về vật chất, ta sẽ thấy một Hội Thánh đầy tình thương, thu hút thế giới vô đạo hơn. Nhiều người sẽ chịu bước lên trên đường về thiên quốc hơn là cứ cảm thấy mình đang đi trên đường nhưng thực ra đang bước trong mương nhơ bẩn, không đưa đến đâu cả.

Chúng ta cũng cần nhớ rằng, Chúa Giê-xu không chống lại việc có nhiều của cải, Chúa chỉ chống lại lối sống tập trung vào của cải và không còn thấy gì khác nữa.

Sau khi đã nói cho môn đệ biết nguy hại của một con mắt không lành mạnh hay là tật loạn thị tâm linh, Chúa bảo: "Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người này mà yêu người kia, hoặc trọng người này mà khinh người kia." Chữ 'làm tôi' ở đây có nghĩa là làm nô lệ. Nghĩa là hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của một ông chủ. Không có nô lệ nào lại có hai ông chủ. Điều này rất có ý nghĩa đối với môn đệ của Chúa thời ấy, vì nô lệ khi ấy như một món hàng, chứ không phải một người. Một kẻ nô lệ không có quyền gì cả. Một người nô lệ không thể làm việc cho chủ ban ngày, rồi đến tối nói rằng: "Tối nay tôi đi đến đền thờ hay là về nhà với gia đình...." Người nô lệ không có giờ nào dành riêng cho mình cả. Cả buổi tối cũng thuộc về người chủ. Khi nào người ấy được làm điều gì đó cho riêng mình thì đó là đặc ân chủ cho mà thôi. Đối với việc tôn thờ Chúa cũng vậy. Tôn thờ Chúa thì chỉ một mình Chúa làm chủ mà thôi, không thể có ai khác thêm vào đó được.

Nếu ta tôn thờ Chúa thì phải ghét các thần tượng giả trá khác.

Chúa Giê-xu nói thêm: "Người không thể vừa làm tôi Đức Chúa Trời lại vừa làm tôi Ma-môn nữa." Ma-môn ở đây là của cải vật chất.

Ta cần nhớ rằng, theo điều răn của Chúa, ta chỉ thờ một Chân Thần, không có ai khác đáng tôn thờ nữa.

Chúa Giê-xu không phải là một chủ nô độc ác, bắt người theo Chúa phải phục dịch khổ sở. Chúa dường như bảo người theo Chúa rằng: "Hãy để ta làm chủ con, như thế ta có thể dẫn dắt con, hướng dẫn con. Hãy để ta quyết định nơi nào và cách nào con sẽ sử dụng điều ta ban cho con. Nếu con không dành trọn thời giờ cho ta, ta không thể nào nói gì với con được. Ta không thể đưa con vào một tương giao thật. Con không thể nào làm tôi hai chủ. Con chỉ có thể tôn thờ một mình ta."

Câu hỏi đặt ra là: Ngày nay chúng ta áp dụng lời dạy đó ra sao?

Xin đặt ra các câu hỏi sau đây, mời bạn đọc kỹ và tự trả lời. Khi bạn trả lời, là bạn đã áp dụng lời dạy của Chúa cho riêng mình.

Câu hỏi thứ nhất: Có bao nhiêu tình bạn của tôi đặt căn bản trên kinh tế, nghĩa là cùng sống sung túc như tôi? Tôi có những người bạn nghèo hay thật giàu không? Có lẽ không mấy người nghèo quá, đa số cũng như tôi và vài người giàu hơn. Những người là bạn của tôi có phải vì họ giàu không? Nếu họ mất hết tài sản, trở thành tay trắng, có còn là bạn tôi nữa không?

Câu hỏi thứ hai: Nếu tôi liệt kê ra tất cả những nan đề trong gia đình tôi trong khoảng năm năm qua, nghĩa là các cuộc cãi cọ, hiểu lầm và tương tự như thế, thì bao nhiêu vụ là về vấn đề tài chính, về đồ vật về vật chất?

Câu hỏi thứ ba: Có bao nhiêu nhà thờ hay nhóm tôn giáo mà tôi biết đã bị chia rẽ, tan vỡ vì vấn đề tài chính, vì cách tiêu tiền bạc hay là cách quyên góp tiền?

Câu hỏi thứ tư: Bao nhiêu thì giờ tôi đã bỏ ra để suy nghĩ tính toan về tiền bạc, của cải. Nào là mua hay bán vì mục đích sinh lợi hay là để khoe khoang. Có bao nhiêu nan đề về tài chính bận tâm tôi làm tôi không ngủ được?

Bạn thân mến, hãy nghe tiếng con chim nhỏ đang hót ngoài kia. Nó hồn nhiên sống không lo thức ăn từ đâu đến hay là mua bán những gì, hoặc là nợ nần trong đời. Bạn có muốn được như nó không?

Chúa Giê-xu dạy ta phải biết quản trị thì giờ, tiền bạc, nhưng Chúa mong mỗi chúng ta biết kính yêu Chúa hết lòng, tôn thờ Chúa và chỉ một mình Ngài mà thôi.

Bạn có thể đặt thêm nhiều câu hỏi khác để áp dụng bài học hôm nay sau khi bạn cùng tôi nhắc lại hai câu Kinh Thánh Phúc Âm Ma-thi-ơ 6:22-23:

"Con mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt con sáng sủa thì cả thân thể con sẽ được sáng láng; nhưng nếu mắt con xấu, thì cả thân thể sẽ tối tăm. Vậy nếu sự sáng trong con chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm nầy sẽ lớn biết là dường bao!"