Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 29

Được Buông Tha Khỏi Luật Pháp

7:1-6 

1 Hỡi anh em (vì tôi nói với những kẻ biết luật pháp), vậy anh em há chẳng biết rằng luật pháp chỉ cai trị người ta khi còn sống hay sao? 2 Cho nên, đàn bà có chồng, hễ chồng còn sống bao lâu, thì luật pháp buộc phải theo chồng bấy lâu; nhưng nếu chồng chết, thì người vợ được thoát khỏi luật pháp đã buộc mình với chồng. 3 Vậy nếu đương lúc chồng còn sống, mà vợ đi lấy người khác, thì phải bị kêu là đàn bà ngoại tình; nhưng nếu chồng chết, thì vợ được buông tha khỏi luật pháp, dầu lấy người khác cũng chẳng phải là đàn bà ngoại tình vậy. 4 Hỡi anh em ta, anh em cũng như vậy, bởi thân thể của Đấng Christ, anh em đã chết về luật pháp, đặng thuộc về người khác, tức là người đã từ kẻ chết sống lại, hầu cho chúng ta được kết quả cho Đức Chúa Trời. 5 Vì khi chúng ta còn sống theo xác thịt, thì các tình dục xấu xa bị luật pháp xui khiến, hành động trong chi thể chúng ta và kết quả cho sự chết. 6 Nhưng bây giờ chúng ta đã chết về luật pháp, là điều bắt buộc mình, thì được buông tha khỏi luật pháp đặng hầu việc Đức Chúa Trời theo cách mới của Thánh Linh, chớ không theo cách cũ của văn tự. 

1. Trong hai câu 2 và 3, Phao-lô nói về một luật lệ trong hôn nhân. Điểm ông muốn nhấn mạnh trong luật nầy là gì? 

2. Điểm nầy áp dụng như thế nào cho người tin Chúa trong mối quan hệ với luật pháp? 

3. Tại sao Phao-lô cho rằng “sống theo luật pháp” tương đương với “sống theo xác thịt”? 

4. Xin cho biết đặc điểm của người sống theo xác thịt (c. 5). 

5. “Văn tự” Phao-lô nói trong câu 6 là gì? 

6. Hình ảnh hôn nhân trong phân đoạn nầy giúp chúng ta điều gì trong thái độ đối với đời sống tội lỗi cũ? 

 

Chúng ta đã học qua sáu chương đầu của thư Rô-ma. Những vấn đề chính được sứ đồ Phao-lô đề cập đến trong các chương đó là:

1. Tình trạng tội lỗi của con người: 1:1-3:20 

2. Phương pháp cứu rỗi của Đức Chúa Trời: 3:21-31 

3. Tầm quan trọng của đức tin: 4:1-25 

4. Kết quả của đức tin: 5:1-21 

5. Nếp sống mới của người tin Chúa: 6:1-23 

Trong các vấn đề nêu trên, Phao-lô đặc biệt nhấn mạnh về vai trò của đức tin, vì đó là yếu tố căn bản để con người nhận được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Phao-lô biết rằng, khi nhấn mạnh nhiều về đức tin như vậy, ông sẽ bị một số người Do-thái phản đối, vì họ vốn tôn sùng luật pháp Môi-se và vẫn chủ trương rằng nếu người nào không vâng giữ luật Môi-se thì sẽ không được cứu. Vì thế, trong phần tiếp theo của lá thư (Chương 7 và 8), Phao-lô trình bày về quan hệ của người tin Chúa đối với luật pháp Môi-se. Sau đó, trong các Chương 9-11 ông đề cập đến chỗ đứng của người Do-thái trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời. 

Trong phân đoạn 7:1-6, sứ đồ Phao-lô dùng những luật lệ về hôn nhân để so sánh với mối liên hệ của người tin Chúa đối với luật pháp. Lý luận của Phao-lô như sau: Trong hôn nhân, khi người chồng chết, người vợ không còn bị ràng buộc nhưng được tự do lấy chồng khác. Tương tự như vậy, khi một người tin Chúa, đối với luật pháp Môi-se, người ấy kể như đã chết, vì thế luật pháp không còn quyền gì trên người ấy nữa. Phao-lô không có ý đả phá luật pháp, nhưng chỉ muốn độc giả thấy rằng người tin Chúa không còn phải sống theo luật pháp nhưng sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. 

Theo Phao-lô, người sống theo luật pháp và người sống theo Thánh Linh rất khác nhau. Sự khác biệt đó mô tả trong câu 5 và 6 như sau:

1. Sống theo luật pháp. Người sống theo luật pháp còn gọi là người “sống theo xác thịt,” nghĩa là sống theo bản tính cũ. Người đó bị “các tình dục xấu xa... hành động trong chi thể” (c. 5). “Tình dục xấu xa” là những ham muốn tội lỗi của thân xác. Phao-lô cũng cho biết những tình dục đó “bị luật pháp xui khiến” (c. 5). Tại sao luật pháp lại có thể xui khiến người ta phạm tội? Thắc mắc nầy được giải thích trong phần kế tiếp (c. 7-13). Theo ý trong câu 5, kết quả của đời sống tội lỗi là sự chết, như Phao-lô đã nói trong chương 6 câu 20-21: “Khi còn làm nô lệ cho tội lỗi, đối với lẽ công chính, anh em được tự do. Như thế, anh em nhận được kết quả gì? Chỉ có những kết quả nhuốc nhơ mà ngày nay anh em còn hổ thẹn. Vì kết cuộc của mọi điều ấy chỉ là cái chết” (Bản Diễn Ý). 

2. Sống theo Thánh Linh. Người sống theo Thánh Linh là người “đã CHẾT về luật pháp” (c. 4). “Chết về luật pháp” nghĩa là đối với luật pháp, người ấy kể như đã chết, luật pháp không có quyền gì trên người ấy nữa. Theo cách diễn tả của Phao-lô, ta có thể nói, khi một người tin Chúa, cuộc hôn nhân giữa người ấy với luật pháp không còn nữa. Chúng ta được kể là chết về luật pháp “bởi thân xác của Đấng Christ” nghĩa là nhờ cái chết của Đấng Christ. Nói khác đi, chính nhờ cái chết của Chúa Giê-xu trên cây thập tự mà chúng ta được kể như đã chết đối với luật pháp. Vì “hôn nhân” giữa chúng ta với luật pháp không còn nữa nên chúng ta thuộc về người khác, người đó là Chúa Giê-xu, Đấng đã từ kẻ chết sống lại (c. 4). Điểm khác nhau giữa người thuộc về Chúa và người thuộc về luật pháp là kết quả của cuộc đời người ấy. Kết quả của người thuộc về luật pháp là sự chết (c. 5), còn kết quả của người thuộc về Chúa là “kết quả cho Đức Chúa Trời” (c. 4). 

Phao-lô đối chiếu việc phục vụ Chúa theo “cách mới của Thánh Linh” và “cách cũ của văn tự” trong câu 6. “Văn tự” đây là nói đến luật pháp viết thành văn, ghi ra rõ ràng. Trong thời đại của chúng ta, lời tiên tri trong Giê-rê-mi 31:33-34 đã thành sự thật. Chúng ta không cần “văn tự” để làm theo ý Chúa, nhưng chúng ta sẽ tự nhiên, theo sự hướng dẫn của Thánh Linh mà phục vụ Ngài. Đó là sự khác nhau giữa “hầu việc Đức Chúa Trời theo cách mới của Thánh Linh, chớ không theo cách cũ của văn tự” (c. 6). 

Những điều Phao-lô trình bày trong phân đoạn Kinh Thánh nầy nhắc nhở về thái độ của chúng ta đối với cuộc sống mỗi ngày. Chúng ta đã thật sự dứt khoát với đời sống tội lỗi cũ để sống cho Chúa chưa? Hãy nhớ “người chồng cũ” là luật pháp không còn quyền gì để ràng buộc chúng ta với nếp sống cũ, vì đối với “người chồng ấy” chúng ta đã chết rồi. Mỗi khi bị tội lỗi hay những thói hư tật xấu cũ tấn công, chúng ta hãy nói với chính mình: “Con người cũ của tôi đã chết rồi! Tôi sống đây là sống cho Chúa để đem kết quả vinh quang cho Ngài.