Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 42

Lo Lắng

Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-xu bắt đầu một phần mới ở chương 6 câu 25. Đây là một phân đoạn trong chủ đề lớn của chương sáu. Chủ đề đó là: Cách sống của người tin Chúa trong trần gian và trong tương quan với Cha trên trời.

Có hai khía cạnh chính ta cần phải xét, đó là người tin Chúa trong đời sống riêng ra sao và trước mắt mọi người ra sao. Tới đây ta mới thấy bài giảng trên núi thực tiễn như thế nào. Bài giảng này không phải là những giáo huấn xưa cổ, nặng phần lý thuyết, mà rất là thực tiễn cho mỗi người, như tất cả hành động của tôi, cách tôi cầu nguyện, ý định muốn làm việc nghĩa, kiêng ăn, lòng sùng mộ của tôi, cách nuôi dưỡng và chăm sóc đời sống tâm linh.

Tuy nhiên, nếu chỉ có thế, nếu chỉ chú trọng vào những việc hoàn toàn tâm linh như vậy, thì chắc phải đi tu lánh đời. Nhưng không, tôi còn sống trên đời, còn tham dự vào việc đời, với bao nhiêu nan đề áp lực trên tôi. Trên tất cả, Chúa nhắc chúng ta trong phân đoạn thứ hai, bắt đầu từ câu 19 rằng, vấn đề to lớn luôn ở trước mặt chúng ta là thế tục, vấn đề này luôn luôn ở đó và luôn luôn tấn công chúng ta. Đó cũng chính là chủ đề của phân đoạn từ câu 19 đến hết.

Chúng ta đã có dịp phân tích từ câu 19 đến 24. Bài này xin phân tích từ câu 25 trở đi.

Phân đoạn này cũng cùng một chủ đề, đó là: Cái nguy của thế tục, cái nguy của ma-môn hay tiền tài, cái nguy của việc bị lý trí đánh bại, cái nhìn về thế giới hiện đại.

Có lẽ có hai cách nhìn vào cái khác biệt giữa phân đoạn từ câu 19-25 và phân đoạn sau cùng này. Một cách là, nói rằng trong phần đầu, Chúa nhấn mạnh về nguy cơ chất chứa của cải dưới đất, thu nhặt, dồn chứa và sống chỉ với mục đích đó. Phân đoạn thứ hai Chúa nói về thái độ lo lắng đối với tiến của. Hai việc này hoàn toàn khác nhau.

Nhiều người có lẽ không mắc tội về việc chất chứa của cải dưới đất, nhưng có thể mắc tội về tính theo thế tục, vì những người ấy luôn luôn nghĩ về các điều này, lo lắng về các điều ấy và thường xuyên sống trong các quan tâm đó. Đây cũng là điểm khác biệc căn bản của hai phần Kinh-thánh ngắn này.

Tuy nhiên còn một cách nhìn thứ hai nữa.

Có người nói rằng phân đoạn từ câu 19-24 Chúa dạy cho những kẻ giàu, dư dật của cải, chỉ lo sở hữu và dồn chứa. Còn phân đoạn sau đó, Chúa nói với những người nghèo hay là không có nhiều tiền của, mà chỉ vừa đủ sống, những người phải đối diện với việc kiếm ăn và duy trì đời sống trong nghĩa vật chất. Đối với những người như vậy, mối nguy chính không phải là chất chứa của cải hay tôn thờ tiền tài theo hình thức nào đó, nhưng chính là thiếu thốn tiền bạc, cơm áo và lo lắng về chuyện đó.

Dù theo cách nhìn nào, ta thấy cũng đúng cả. Nhưng vấn đề ở đây không phụ thuộc vào người giàu hay nghèo, mà là thái độ đối với vật chất nói chung. Chất chứa tồn trữ vì dư thừa hay thiếu thốn cũng đều liên quan đến lo lắng cả. Nghĩa là con người bị áp lực và ám ảnh bởi những gì thấy được trước mắt, những gì phụ thuộc vào thời gian và chỉ hữu ích trong trần gian.

Tại đây chúng ta một lần nữa lại được nhắc về phương cách quỷ quyệt tế nhị của Sa-tan và tội lỗi. Đối với Sa-tan, hình thức tội không mấy quan trọng, miễn sao nó đạt đến mục tiêu của nó thì thôi. Đối với nó, dù ta chất chứa của cải dưới đất hay lo lắng thiếu thốn cũng không quan hệ, nó chỉ nhắm một mục đích là làm sao tâm trí ta hướng hẳn về vật chất, của cải, cơm áo chứ không còn hướng về Chúa nữa, là được rồi. Nó tìm đủ cách tấn công ta chỉ vì mục đích này. Ta tưởng rằng mình đã thắng nó trận lớn khi nó đến đằng trước cửa và nói với ta về việc chất chứa của cải ở dưới đất. Nhưng ta không ngờ lại gặp nó ở cửa sau và khiến ta lo âu về những vật chất, tiền của đó. Nó vẫn khiến ta nhìn vào của cải vật chất thôi là nó bằng lòng rồi. Nó có thể biến ra "thiên sứ sáng láng" hay thiên hình vạn trạng khác, cốt sao xui khiến tâm trí ta tập trung vào vật chất chứ không suy nghĩ đến Chúa, và nó cố giữ chặt tâm trí ta ở vị thế đó.

May thay cho chúng ta, chúng ta được hướng dẫn bởi một Đấng biết rõ Sa-tan và mọi xảo kế của nó, ta lại có thể cùng với Phao-lô nói rằng: "Không phải chúng ta không biết các cơ mưu của nó," vì chúng ta đã được Chúa dạy rất rõ. Nó đã từng xảo quyệt đưa ra lời cám dỗ có ba mặt với cùng một tiêu đề là: Nếu anh là Con Chân Thần. Chúng ta cũng bị cám dỗ tương tự như thế, nhưng cám ơn Chúa, Ngài đã căn dặn chúng ta trước, lời dạy của Chúa thật đơn giản, dễ hiểu.

Chúa Giê xu cảnh cáo cẩn thận. Ngài biết chúng ta yếu ớt dường nào, Ngài cũng biết sức mạnh của Sa-tan và xảo kế của nó, nên Chúa đi vào tận chi tiết vấn đề.

Tại đây chúng ta cũng sẽ thấy Chúa không phải chỉ nêu lên các nguyên tắc hoặc là ra một chỉ thị hoặc giáo huấn. Chúa cho chúng ta cả những lý luận và những lý do nữa, Ngài bảo chúng ta hãy dùng suy luận thông thường mà xét vấn đề. Chúa thật sự đặt chân lý vào tâm trí chúng ta. Chúa không phải chỉ tạo ra một không khí xúc động tình cảm nào đó, Ngài lý luận với chúng ta. Chúa bảo: "Vì vậy ta nói cùng các con..."

Chúa tiếp tục cùng một loại lý luận, nhưng diễn tả hơi khác hơn. Tất nhiên là vẫn phải có con mắt đơn thuần, tập trung tầm nhìn vào một thứ mà thôi. Ta thấy Chúa nhắc lại câu: "Nhưng trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời." Nói như thế cũng như bảo rằng, phải có con mắt đơn thuần, và thờ Chân Thần chứ đừng thờ Thần Tài. Với giá nào chúng ta cũng phải thực hành điểm này. Sau đó Chúa nói ba lần chữ: Vậy nên...

"Vậy nên, ta nói cùng các con: đừng vì sự sống mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân thể mà lo đồ mặc. Sự sống không quý hơn đồ ăn sao, thân thể không quý hơn quần áo sao?"

Rồi câu 31:

"Vậy nên (hay Ấy vậy) các con chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? Uống gì? Mặc gì?"

Sang câu 34, Chúa lại nói:

"Vậy nên (hay Vậy), chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy."

Nghệ thuật dạy của Chúa Giê-xu thật siêu việt. Thầy giỏi đều biết nhắc lại là phương pháp dạy tốt nhất. Chúa nhắc lại ba lần, nhưng mỗi lần một hình thức khác nhau.

Trước tiên chúng ta xem thử câu "Chớ lo lắng." có nghĩa gì. Ta thấy Phao-lô trong thư Phi-líp 4:6,7 có nói đến ý lo lắng này: "Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng sự cầu nguyện, nài xin và tạ ơn mà trình mọi thỉnh cầu lên Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt quá mọi hiểu biết của anh em, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Chúa Cứu Thế Giê-xu." Ta để ý thì thấy rằng Chúa cũng như Phao-lô không dạy đừng lo, nghĩa là đừng làm gì cả, hay cứ làm biếng. Nhưng trong Việt ngữ ta thấy có thể phần biệt giữa: lo, lo lắng và lo phiền. Lo có nghĩa là tính toan, dự định trước, làm việc chuẩn bị. Lo lắng có nghĩa là sợ việc xẩy ra không êm xuôi, không tốt đẹp. Lo phiền có nghĩa là lo lắng âu sầu.

Chúa nêu lên nguy hại của việc lo lắng. Đây là một điều mọi người dễ mắc phải. Không có gì dễ hơn là lo lắng, nặng lòng và ưu tư. Đa số phụ nữ mắc phải tật lo lắng này, nhất là những người ở nhà lo cho gia đình. Nhưng có thể nói ai cũng lo lắng cả. Chúa Giê-xu nhấn mạnh đến ba lần: "Chớ lo lắng..."

Lần thứ nhất Chúa bảo: "

"Vậy nên các con đừng vì sự sống mà lo đồ ăn uống, cũng đừng vì thân thể mà lo đồ mặc." Chúa Giê-xu áp dụng cùng một lối dạy như phần trên, Chúa đưa ra một lời tuyên bố tổng quát, và sau đó là huấn thị. Chúa đưa ra nguyên tắc và cách áp dụng nguyên tắc đó.

Dường như Chúa bảo rằng: "Đừng vội lo lắng, hãy suy xét kỹ đã. Sự sống của con không quý hơn thức ăn sao? Và thân thể chẳng quý hơn áo quần sao?" Sự sống mà con hay lo lắng đó từ đâu mà có?" Tất nhiên cuâu trả lời là: Từ Chúa. Người không tạo ra sự sống, nhưng nhận sự sống từ Chúa. Không có ai đã lựa chọn tự sinh ra đời này, và ngay thực sự là chúng ta đang sống trong giây phút này hoàn toàn là do ý muốn của Chúa và Chúa quyết định. Đời sống là một tặng phẩm, tặng phẩm từ Thiên Chúa. Chúa tạo ra đời sống thì Chúa duy trì đời sống đó. Chúa có phương cách của Chúa, ta không phải lo lắng về việc đó. Tất nhiên tôi vẫn phải cày, gieo, gặt và đem lúa vào kho. Tôi phải làm những gì Chúa ấn định cho con người sinh ra trên mặt đất phải làm. Tôi cũng phải đi làm để có tiền lương mà sống. Nhưng Chúa bảo rằng, tôi không cần phải lo rằng bỗng nhiên một ngày nào đó tôi không còn gì để duy trì sự sống nữa. Điều này không thể xảy ra được. vì nếu Chúa đã cho tôi sự sống, Chúa cũng sẽ lo cho sự sống ấy được tồn tại, duy trì. Nhưng điểm quan trọng ở đây là Chúa không nói đến cách Chúa thực hiện việc duy trì sự sống đó. Chúa chỉ nói rằng, việc ấy Chúa sẽ lo.

Khi học Kinh Thánh, chúng ta thấy lời dạy đừng lo lắng, hãy tin cậy vào Chúa, Chúa sẽ lo liệu, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Ta có thể đơn cử Rô-ma 8:32: "Ngài đã không tiếc chính con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với con ấy cho chúng ta sao?" Điều hiển nhiên Chúa dạy ở đây là, nhiệm vụ của Chúa, Chúa sẽ chu toàn, riêng ta, ta không phải lo Chúa không làm, mà chỉ tin là đủ. Chúa sinh ra loài chim, Chúa cũng cung cấp lương thực cho chúng, chúng chỉ cần đi thu nhặt lương thực là có thể sống. Chúng không cần ngồi rầu rĩ lo lắng.

Thân xác cũng vậy, thân xác là tặng phẩm từ Chúa ban, vì vậy, chúng ta có thể an tâm rằng, Chúa đã cho thân xác, thì Chúa cũng cung cấp y phục. Điều mà con người thường quên là nguồn gốc của mình. Hơn nữa, Chúa quan tâm đến từng cá nhân một. Chúa không bỏ một người nào. Nắm được nguyên tắc của Chúa, ta có thể an tâm mà sống và không còn lo lắng bối rối nữa.

Đức Chúa Trời tạo ra sinh vật và mỗi đời sống đều có một mục đích. Đức Chúa Trời không bao giờ bỏ giở một công trình nào của Ngài. Mỗi chúng ta là một công trình Chúa tạo ra với một mục đích, và Chúa sẽ hoàn thành mục đích ấy nếu ta bằng lòng để Chúa làm việc ấy mà không cản trở hay theo ý mình làm hư hỏng kế họach.

Ta cũng cần nhớ rằng mình không ngẫu nhiên hay do một tai nạn nào đó mà sinh ra đời này. Khi đi tàu, đi xe đừng lo sợ là tàu hay xe sẽ gặp tai nạn, dù rằng trước đó tàu bay đã từng rơi và xe đã từng bị lật. Mối lo như thế không cần thiết nếu ta ý thức rằng đời sống là một tặng phẩm và chính thân xác chúng ta cũng vậy. Thà rằng những lúc đi xe đi tàu ta nghĩ về Chúa và quyền năng của Ngài, thưởng thức những gì tốt đẹp trước mắt và vui hưởng phút giây Chúa cho mình sống.

Trong bài học sau, chúng ta sẽ có dịp nói về việc Chúa chăm sóc loài chim và hoa cỏ.

Mời bạn cúi đầu cảm tạ Chúa về sự sống Chúa ban và hết lòng tin cậy Chúa về việc Chúa sẽ tiếp trợ nhu cầu vật chất, tinh thần cho mình để đời sống hoàn thành mục đích Chúa đã định cho.