Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 51

Thái Độ Đối Với Bản Thân

12:3-8

3 Vậy, nhờ ơn đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm tình tầm thường, y theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã phú cho từng người. 4 Vả, như trong một thân chúng ta có nhiều chi thể, và các chi thể không làm một việc giống nhau, 5 thì cũng vậy, chúng ta là nhiều người mà hiệp nên một thân trong Đấng Christ, và hết thảy chúng ta đều là các phần chi thể của nhau. 6 Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta, ai được ban cho nói tiên tri, hãy tập nói theo lượng đức tin; 7 ai được gọi đến làm chức vụ, hãy buộc mình vào chức vụ; ai dạy dỗ, hãy chăm mà dạy dỗ; 8 ai gánh việc khuyên bảo, hãy khuyên bảo; ai bố thí, hãy lấy lòng rộng rãi mà bố thí; ai cai trị, hãy siêng năng mà cai trị; ai làm sự thương xót, hãy lấy lòng vui mà làm.

1. Lời khuyên của Phao-lô trong câu 3 là gì? Tại sao Phao-lô lại khuyên như vậy?

2. “Lượng đức tin” Phao-lô nói trong câu 3 là gì?

3. Theo câu 4 và 5, Phao-lô dùng hình ảnh gì để mô tả hội thánh của Chúa? Hình ảnh nầy có ý nghĩa gì?

4. Có bao nhiêu “sự ban cho” hay “ân tứ” Phao-lô liệt kê trong câu 6-8? Xin cho biết ý nghĩa của mỗi ân tứ.

5. Theo sau mỗi ân tứ là một lời khuyên. Xin cho biết ý nghĩa của những lời khuyên đó.

6. Trong số 7 ân tứ Phao-lô đã liệt kê, Bạn nghĩ rằng mình có ân tứ nào? Bạn đã sử dụng ân tứ đó như thế nào? Bạn sẽ làm gì để phát triển ân tứ đó?

 

Phân đoạn nầy nói về “ân tứ thuộc linh.” Vì mỗi người được Chúa ban cho những khả năng khác nhau để phục vụ Chúa nên Phao-lô khuyên mọi người hãy tận dụng khả năng trong môi trường của mình chứ không nên huênh hoang tự đắc khi thấy mình có khả năng hơn người. Vì ân tứ Chúa ban cho mỗi người khác nhau nên “lượng đức tin” của mỗi người cũng khác nhau. Đây không phải là đức tin để được cứu nhưng là đức tin để sử dụng khả năng Chúa ban cho chúng ta. Ý của Phao-lô là chúng ta không nên kiêu ngạo khi thấy mình có những khả năng hay là tài năng đặc biệt, vì tất cả những tài năng đó đều đến từ Chúa.

Phao-lô dùng hình ảnh thân thể để mô tả hội thánh của Chúa. Điểm Phao-lô muốn nhấn mạnh là: tuy thân thể có nhiều phần khác nhau, làm những công việc khác nhau nhưng tất cả đều nhắm vào một mục đích, đó là đem lợi ích cho toàn thân. Đây cũng là nguyên tắc áp dụng cho những sinh hoạt trong hội thánh. Trong hội thánh, mỗi người được Chúa ban cho một ơn khác nhau, vì thế có những tài năng và công việc khác nhau nhưng chúng ta không làm việc riêng rẽ hay rời rạc, cũng không làm việc để cạnh tranh với nhau. Trái lại, chúng ta làm vì lợi ích chung của toàn thân, tức là cho hội thánh của Chúa. Một thân thể có nhiều phần và nhiều công việc khác nhau: tay làm việc, chân đi đứng, tai nghe, mắt nhìn, miệng tiếp nhận thức ăn để nuôi cơ thể... mỗi phần có một nhiệm vụ khác nhau nhưng tất cả đều phục vụ cho toàn thân. Cũng vậy, là con cái Chúa trong hội thánh, mỗi người một việc khác nhau nhưng chúng ta làm chung với nhau để xây dựng hội thánh.

Các câu 6-8 cho thấy trong hội thánh thường có những ân tứ sau:

1. Nói tiên tri. Không nhất thiết là nói trước những việc xảy ra trong tương lai, nhưng là nói theo lời Chúa dạy để hướng dẫn và khuyên răn người khác. Đây là ân tứ của những người rao giảng lời Chúa.

2. Làm chức vụ. Đây nói về việc làm của các “chấp sự” là những người lo việc xã hội và những vấn đề liên quan đến tiền bạc, tài sản trong hội thánh.

3. Dạy dỗ. Khả năng giải thích Kinh Thánh để giúp người khác hiểu và thực hành lời Chúa dạy.

4. Khuyên bảo. Khuyến khích và khuyến cáo. Có những người không có tài nói trước đám đông nhưng có thể khuyên lơn hoặc khích lệ riêng từng người trong hội thánh.

5. Bố thí. Có lòng thương người và sẵn sàng chia xẻ những điều mình có.

6. Cai trị. Có khả năng lãnh đạo, tổ chức.

7. Làm sự thương xót. Có khả năng an ủi những người gặp hoạn nạn.

Chúa ban cho các tín hữu trong hội thánh những ân tứ khác nhau để mọi người đều có thể đóng góp những ân tứ đó vào hội thánh để phục vụ Chúa và nâng đỡ người khác. Chúng ta cần cầu nguyện để biết mình có ân tứ nào, để đóng góp ân tứ đó vào trong các sinh hoạt của hội thánh. Biết rõ ân tứ Chúa ban sẽ giúp ta nhìn thấy giới hạn của mình và tôn trọng tài năng của người khác. Trong gia đình của Chúa, không ai quan trọng hơn ai, nhưng tất cả mọi người đều quan trọng và đều cần đến nhau. “Trong Chúa Cứu Thế tất cả chúng ta họp làm một thân thể và các chi thể đều tùy thuộc lẫn nhau (c. 5, Bản Diễn Ý).