Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 52

Thái Độ Đối Với Người Khác

12:9-13

9 Lòng yêu thương phải cho thành thật. Hãy gớm sự dữ mà mến sự lành. 10 Hãy lấy lòng yêu thương mềm mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính nhường nhau. 11 Hãy siêng năng mà chớ làm biếng; phải có lòng sốt sắng; phải hầu việc Chúa. 12 Hãy vui mừng trong sự trông cậy, nhịn nhục trong sự hoạn nạn, bền lòng mà cầu nguyện. 13 Hãy cung cấp sự cần dùng cho các thánh đồ; hãy ân cần tiếp khách.

1. Xin đọc thêm I Cô-rinh-tô 12:27-31 và so sánh với Rô-ma 12:4-8. Cả hai phần Kinh Thánh đều nói về “sự ban cho” hay các ân tứ thuộc linh. Tiếp theo mỗi phân đoạn đó, Phao-lô đều nói về yêu thương. Tại sao Phao-lô lại nói về yêu thương tiếp theo sau phần nói về các ân tứ?

2. Xin cho biết một ví dụ về yêu thương không thành thật? Làm thế nào để tránh thái độ thiếu thành thật trong sự yêu thương?

3. Xin kể ra những mạng lệnh bắt đầu bằng chữ “hãy” hay “phải” trong câu 9-13 và cho biết ý nghĩa của mỗi mạng lệnh.

4. Xin kể ra một hành động cụ thể Bạn có thể làm để thực hành một trong các mạng lệnh trên.

 

Sau khi trình bày các ân tứ khác nhau trong hội thánh, sứ đồ Phao-lô cho biết điều quan trọng nhất và căn bản nhất trong đời sống người tin Chúa là lòng yêu thương. Lòng yêu thương của người tin Chúa không phải là tình cảm nhất thời hay những cảm xúc trong chốc lát nhưng là một tình cảm chân thành và lâu bền. Theo Phao-lô khi một người có lòng yêu thương chân thành đối với Chúa và tha nhân, lòng yêu thương ấy sẽ biểu lộ qua những hành động cụ thể như những hành động liệt kê từ câu 9-13.

1. Gớm sự dữ, mến sự lành (c. 9). Người có lòng yêu thương thành thật sẽ kinh tởm, ghét bỏ và tránh xa tội lỗi nhưng yêu thích và theo đuổi những việc tốt lành.

2. Yêu nhau như anh em, kính nhường nhau (c. 10). Tình yêu thương thành thật sẽ thể hiện qua lòng yêu thương người chung quanh như anh em ruột. Bản Diễn Ý dịch là: “Yêu thương nhau tha thiết như anh em ruột.” Không những chỉ yêu thương như người ruột thịt, chúng ta cũng kính trọng nhau. “Kính nhường” hay “kính trọng” hàm ý tôn trọng lợi ích của người khác hơn là lợi ích của chính mình, tìm mọi cách để tôn cao người khác. Bản tính tự nhiên của con người là chỉ nghĩ đến chính mình và chỉ muốn đề cao cái tôi của mình. Tuy nhiên, là con của Chúa, nếu chúng ta thật sự để Chúa đổi mới tâm trí và thật sự dâng thân thể cho Chúa, Chúa sẽ giúp chúng ta sống vượt lên trên bản tính ích kỷ đó.

3. Siêng năng, sốt sắng hầu việc Chúa (c. 11). Đây nói về tinh thần hăng hái phục vụ Chúa và người chung quanh. Nếu một người để lòng yêu thương chân thành làm chủ cuộc sống, người ấy sẽ xem việc phục vụ Chúa và giúp đỡ người chung quanh là một hành động tự nhiên, vì thế người ấy không bao giờ thiếu tinh thần hăng hái phục vụ.

4. Vui mừng trong hi vọng, nhịn nhục trong hoạn nạn, kiên trì cầu nguyện (c. 12). Người có lòng yêu thương thành thật sẽ không buồn than, chán nản, nhưng luôn vui vẻ và kiên nhẫn cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh.

5. Cung cấp sự cần dùng cho các thánh đồ (c. 13a). Chia xẻ ơn phước vật chất với các tín hữu khác. Vì kể anh em trong Chúa như người ruột thịt nên người tin Chúa có lòng yêu thương, chân thành lo lắng và sẵn sàng nhường cơm xẻ áo cho nhau. Bản Diễn Ý dịch là: “Chia cơm xẻ áo cho các tín hữu.” Đây là điều các tín hữu trong hội thánh đầu tiên đã áp dụng (Công-vụ 4:34-35).

6. Ân cần tiếp khách (c. 13b). Chữ “khách” ở đây không có nghĩa là những người chúng ta quen biết và mời đến nhà, nhưng là người lạ, người ta chưa quen. Đây nói đến các tín hữu di chuyển từ nơi nầy đến nơi khác cần nơi ăn chỗ ở tạm.

Những điều sứ đồ Phao-lô khuyên trong phân đoạn Thánh Kinh nầy khó áp dụng đối với những người ích kỷ và thiếu lòng yêu thương. Tuy nhiên đối với những người đã thuộc về Chúa và để Chúa làm Chủ đời sống, những điều trên là những điều tự nhiên, phát xuất từ tấm lòng yêu thương chân thành.