Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 53

Thái Độ Đối Với Người Khác

12:14-21

14 Hãy chúc phước cho kẻ bắt bớ anh em; hãy chúc phước, chớ nguyền rủa. 15 Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc. 16 Trong vòng anh em phải ở cho hiệp ý nhau; đừng ước ao sự cao sang, nhưng phải ưa thích sự khiêm nhượng. Chớ cho mình là khôn ngoan. 17 Chớ lấy ác trả ác cho ai; phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người. 18 Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người. 19 Hỡi kẻ rất yêu dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng.  20 Vậy nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống; vì làm như vậy, khác nào mình lấy than lửa đỏ mà chất trên đầu người. 21 Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác.

1. Phân đoạn nầy gồm một loạt lời khuyên hay mạng lệnh. So sánh với những lời khuyên hay mạng lệnh trong phần từ câu 9 đến 13, chúng ta thấy có gì giống và khác nhau?

2. Dựa vào các lời khuyên trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, xin kể ra 5 nguyên tắc chúng ta có thể áp dụng trong việc đối xử với người chung quanh.

3. Trong câu 18, Phao-lô nói: “NẾU CÓ THỂ ĐƯỢC, hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người.” Có phải câu nầy hàm ý rằng nếu không được thì thôi, không sống hòa thuận với người khác không? Nếu không phải ý đó thì “nếu có thể được” nghĩa là gì?

4. “Lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu người” nghĩa là gì?

5. Xin nhắc lại một nguyên tắc hay một mạng lệnh trong phân đoạn nầy mà Bạn thấy mình cần phải vâng theo.

 

Hầu hết những lời khuyên của Phao-lô trong phần từ câu 9 đến 13 nói về cách đối xử của chúng ta đối với người cùng đức tin. Các câu từ 14 đến 21 nêu lên những nguyên tắc mà người tin Chúa cần áp dụng khi giao tiếp với người chung quanh, đặc biệt là người ngoài hội thánh. Những nguyên tắc đó gồm có:

1. Chúc phước cho kẻ bắt bớ (c. 14). Lời khuyên nầy đặt căn bản trên lời dạy của Chúa Giê-xu trong Bài Giảng Trên Núi. Chúa dạy: “Hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:44).

2. Vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc (c. 15). Những người không có tình yêu của Chúa không thể nào thật sự thông cảm và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người khác, trái lại thường ganh tức khi thấy người khác sung sướng và hạnh phúc, hả hê khi thấy người khác thất bại hoặc gặp chuyện đau buồn. Là con cái của Chúa, chúng ta phải thật sự thông cảm và hòa cảm (có cùng một cảm nghĩ, cảm xúc) với niềm vui và nỗi buồn của những người ở trong những hoàn cảnh khác nhau.

3. Phải ở cho hiệp ý nhau (c. 16). Đây là thái độ chúng ta phải có đối với người trong Chúa. “Hiệp ý nhau” có thể hiểu là cùng một chí hướng, cùng lo tưởng một công việc, một mục đích hoặc cũng có thể hiểu là “đối xử với mọi người giống như nhau” (Bản Diễn Ý). Để có thể sống trong đoàn kết, một lòng một ý với các tín hữu khác, chúng ta cần áp dụng hai nguyên tắc căn bản: “Đừng có ước vọng cao sang” và: “Đừng cho mình là khôn ngoan.” Bản Diễn Ý dịch là: “Chớ có tư tưởng kiêu kỳ, nhưng phải khiêm tốn hòa mình với những người tầm thường. Đừng cho mình là khôn ngoan.”

4. Chớ lấy ác trả ác cho ai (c. 17a). Thực thi công bằng, công lý là quyền của Chúa, chúng ta không thể làm hại người khác để bù đắp lại những điều người khác đã làm để hại chúng ta. Chúa bảo chúng ta đừng trả thù vì Ngài phán: “Sự báo thù thuộc về ta” (Phục 32:35).

5. Phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người (c. 17b). Phao-lô không chỉ khuyên chúng ta có thái độ tiêu cực đối với người làm hại chúng ta, ông cũng bảo chúng ta phải có thái độ tích cực, tức là không những không làm điều ác để trả thù nhưng còn phải làm điều thiện. “Điều thiện trước mặt mọi người” không có nghĩa là chỉ làm khi có người khác nhìn thấy nhưng nghĩa là những điều cao đẹp, tốt lành mà mọi người đều chấp nhận.

Để kết luận những điều vừa trình bày, Phao-lô đưa ra một lời khuyên tổng quát. Ông nói: “Nếu có thể được hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người” (c. 18). “Nếu có thể được” nghĩa là riêng về phần anh em, riêng về phần chúng ta. Phao-lô muốn nói rằng có thể người ta không muốn sống hòa thuận với anh em, nhưng về phần anh em, hãy cố gắng hết sức để sống hòa thuận với mọi người.

Những nguyên tắc sống đạo sứ đồ Phao-lô vừa nêu không phải là điều dễ áp dụng. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhất quyết cố gắng thực hành, đồng thời cầu xin Chúa giúp sức mỗi ngày, chắc chắn chúng ta sẽ áp dụng được những lời khuyên trên để xứng đáng là con của Chúa.

Câu 19 bắt đầu như sau: “Hỡi kẻ rất yêu dấu của tôi ơi!” Câu nầy cho thấy tâm tình của Phao-lô, ông tha thiết ước mong mọi người sẽ nghe và làm theo lời khuyên của ông. Lời khuyên đó là: “Chớ trả thù, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời” (c. 19). “Nhường cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời” nghĩa là chúng ta hãy để việc trả thù cho Đức Chúa Trời như Lời Chúa dạy trong Phục truyền luật lệ ký 32:35: “Sự báo thù sẽ thuộc về Ta, phần đối trả sẽ qui về Ta.”

Người thật sự sống trong tình yêu thương sẽ luôn luôn bày tỏ lòng thương xót thay vì trả thù hay ăn thua với người làm hại mình. Do đó, nếu người làm hại chúng ta gặp hoạn nạn, chúng ta nên giúp đỡ tử tế. Phao-lô viết: “Nếu kẻ thù có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống.” “Vì làm như vậy khác nào lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu người” (c. 20b) có nghĩa là hành động tử tế của chúng ta sẽ khiến kẻ thù xấu hổ. Ngày xưa, theo tục lệ của người Ai-cập, khi một người có lỗi muốn được tha thứ hoặc muốn chuộc lỗi, người ấy phải đội trên đầu một đĩa tro, với những cục than cháy đỏ. Phao-lô có lẽ đã trích lại câu nầy từ Châm ngôn 25:21-22. Nguyên tắc Phao-lô muốn mọi người noi theo là: “Đừng trả thù nhưng đối xử tử tế với người hại mình, làm như thế kẻ thù sẽ được cảm hóa và sẽ không làm hại chúng ta.” Có người đã nói: “Cách tốt nhất để triệt hạ kẻ thù là biến người ấy thành bạn của chúng ta!”

Để kết luận về những nguyên tắc giao tiếp trong đạo Chúa, Phao-lô nêu lên một nguyên tắc chung, cũng là phương châm cho chúng ta noi theo trong mọi trường hợp, đối với tất cả mọi người. Phương châm đó là: “Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác.”