Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 59

Giúp Đỡ Và Chấp Nhận Nhau

15:1-13

1 Vậy chúng ta là kẻ mạnh, phải gánh vác sự yếu đuối cho những kẻ kém sức, chớ làm cho đẹp lòng mình. 2 Mỗi người trong chúng ta nên làm đẹp lòng kẻ lân cận mình, đặng làm điều ích và nên gương tốt. 3 Vì Đấng Christ cũng không làm cho đẹp lòng mình, như có chép rằng: Lời của những kẻ nguyền rủa Chúa đã đổ trên mình tôi. 4 Vả, mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn nhục và sự yên ủi của Kinh Thánh dạy mà chúng ta được sự trông cậy. 5 Xin Đức Chúa Trời hay nhịn nhục và yên ủi ban cho anh em được đồng lòng ở với nhau theo Đức Chúa Giê-xu Christ; 6 để anh em lấy một lòng một miệng mà ngợi khen Đức Chúa Trời, là Cha của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta.

7 Vậy thì, anh em hãy tiếp lấy nhau, cũng như Đấng Christ đã tiếp anh em, để Đức Chúa Trời được vinh hiển. 8 Vả, tôi nói rằng Đức Chúa Giê-xu Christ đã làm chức vụ mình nơi người chịu cắt bì, đặng tỏ bày sự thành tín của Đức Chúa Trời, và làm quả quyết lời hứa cùng các tổ phụ chúng ta, 9 lại khiến dân ngoại khen ngợi Đức Chúa Trời vì sự thương xót của Ngài, như có chép rằng: Bởi đó tôi sẽ ngợi khen Chúa giữa các dân ngoại, và ca tụng danh Ngài.  10 Lại có chép rằng: Hỡi dân ngoại, hãy đồng vui cùng dân Chúa.  11 Lại rằng: Hỡi hết thảy dân ngoại, hãy khen ngợi Chúa, muôn dân nên ngợi khen Ngài.  12 Ê-sai cũng nói rằng: Từ cội rễ Gie-sê sẽ nứt lên cái chồi cai trị dân ngoại, dân ngoại sẽ trông cậy chồi ấy.  13 Vậy xin Đức Chúa Trời của sự trông cậy, làm cho anh em đầy dẫy mọi điều vui vẻ và mọi điều bình an trong đức tin, hầu cho anh em nhờ quyền phép Đức Thánh Linh được dư dật sự trông cậy!

1. Câu 1 nói về hai hạng người, “kẻ mạnh” và “kẻ kém sức.” Xin cho biết “mạnh” và “kém sức” trong câu nầy nói về điều gì?

2. Theo câu 1, người mạnh nên làm điều gì? “Gánh vác sự yếu đuối cho những kẻ kém sức” là làm gì?

3. Theo câu 2, tại sao chúng ta nên làm đẹp lòng kẻ lân cận mình?

4. Tại sao người tin Chúa không nên sống ích kỷ?

5. “Mọi sự đã chép từ xưa” là những điều gì? Tại sao dựa vào đó chúng ta được trông cậy?

6. Phân đoạn Kinh Thánh nầy bắt đầu bằng một lời khuyên (c. 1) kèm theo một gương tốt (c. 2). Xin kể ra một vài điều chúng ta có thể làm để thực hành lời khuyên nầy và theo gương Chúa Giê-xu.

7. Chúa đã “tiếp” chúng ta như thế nào (c. 7)? Chúng ta làm gì để tiếp lấy nhau?

 

Trong các Chương 12-14, sứ đồ Phao-lô nêu lên những nguyên tắc sống đạo để giải quyết những nan đề trong Hội Thánh lúc bấy giờ. Trong Chương 15, ông nêu lên một nguyên tắc chung, tóm tắt những điều ông đã khuyên ở trên. Nguyên tắc đó là: “Chúng ta là kẻ mạnh, phải gánh vác sự yếu đuối cho những kẻ kém sức” (c. 1).

“Kẻ mạnh” chỉ về những người chủ trương đời sống người tin Chúa là đời sống tự do, không còn ràng buộc với những luật lệ xưa cũ. Đây là những người có đức tin mạnh hơn người khác nên muốn sống cách tự do thoải mái trong Chúa. Phao-lô khuyên những người có đức tin mạnh không nên chỉ sống cho mình nhưng phải quan tâm đến người khác. Họ phải “gánh vác” sự yếu đuối của kẻ khác, nghĩa là phải kiên nhẫn, chịu đựng để hòa hợp với những người yếu đức tin hơn. Mục đích của người tin Chúa là “làm đẹp lòng kẻ lân cận mình, đặng làm điều ích và nên gương tốt” (c. 2). Bản Diễn Ý dịch câu nầy: “Mỗi người chúng ta phải làm vui lòng anh em mình, vì lợi ích và xây dựng cho họ.” Đây là điều chúng ta vẫn thường được nhắc nhở nhưng ít khi áp dụng. Bản tính tự nhiên của mỗi người là nghĩ đến mình và lo cho mình trước, sau đó mới nghĩ đến những người có quan hệ ruột thịt. Còn những người khác, dù là anh chị em trong cùng hội thánh, chúng ta ít quan tâm đến. Phao-lô biết rõ nhược điểm nầy nên đã khuyên chúng ta noi gương Chúa Giê-xu, vì “chính Ngài cũng không làm cho đẹp lòng mình” (c. 3). Xin Chúa giúp chúng ta, noi gương Chúa, vâng lời Chúa dạy để biết nghĩ đến người khác và nâng đỡ họ, nhất là những người còn yếu trong đời sống đức tin.

Việc Chúa Giê-xu sẵn sàng chịu khổ để sống vì người khác đã được nói đến từ trước, trong Cựu Ước (c. 3). Phao-lô cho thấy Kinh Thánh Cựu Ước đã được viết ra để dạy chúng ta kiên nhẫn và để khích lệ chúng ta (c. 4). Đây cũng là nguyên tắc để hiểu Cựu Ước: Cựu Ước ghi lại những gương xấu để chúng ta tránh, gương tốt để chúng ta làm theo và lời hứa để chúng ta được an ủi.

Lời cầu xin của sứ đồ Phao-lô cho các tín hữu tại La-mã ngày xưa, cũng là lời cầu xin cho tất cả chúng ta hôm nay: “Cầu xin Đức Chúa Trời Kiên nhẫn và An ủi ban cho anh em tinh thần hợp nhất theo gương Chúa Cứu Thế Giê-xu, để anh em một lòng một miệng ca ngợi Đức Chúa Trời là Cha Đấng Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta (c. 5-6, Bản Diễn Ý).

Hội thánh tại La-mã là một Hội Thánh có cả người Do-thái lẫn những người không phải là Do-thái (Dân Ngoại). Vì vậy, các tín hữu trong hội thánh có những tiêu chuẩn khác nhau về cách ăn uống và cách giữ các ngày lễ tôn giáo. Sau khi nêu những lý do thiết thực để khuyên các tín hữu trong Hội Thánh gạt bỏ những khác biệt ấy để sống hòa hợp với nhau trong tinh thần phục vụ Chúa, một lần nữa Phao-lô lại khuyên các tín hữu hãy đoàn kết để sống cho Chúa. Nếu đọc lại từ câu 1, chúng ta sẽ thấy lời khuyên trong câu 7 là lời khuyên dành cho những “người mạnh” trong đức tin. Phao-lô bảo họ hãy “tiếp lấy” những người khác nghĩa là hãy tiếp nhận, chấp nhận họ và mời họ vào Hội Thánh. Theo Phao-lô, người có đức tin vững vàng phải tiếp nhận những người yếu đuối hơn vì chính Chúa Giê-xu cũng đã tiếp nhận mọi người không phân biệt ai. Chúa đã chết để cứu người Do-thái lẫn Dân Ngoại. Ông nói: “Đức Chúa Giê-xu Christ đã làm chức vụ mình nơi người chịu cắt bì (Do-thái)... lại khiến dân ngoại (không phải Do-thái) khen ngợi Đức Chúa Trời vì sự thương xót của Ngài” (c. 8-9).

Nếu Chúa Giê-xu đã hi sinh để cứu tất cả mọi người, không phân biệt dòng giống, chủng tộc, màu da... thì không có lý do gì, chúng ta, những người đã được cứu lại chia rẽ nhau vì những vấn đề nhỏ nhặt. Phao-lô nhắc lại ý nầy trong lá thư gởi cho Hội Thánh tại Ga-la-ti như sau: “Sự chia rẽ kỳ thị giữa Do-thái và các nước ngoài, giữa nô lệ và tự do, giữa nam và nữ đã chấm dứt, vì chúng ta đều hợp nhất trong Chúa Cứu Thế Giê-xu” (Ga-la-ti 3:28, Bản Diễn Ý). Để tránh sự chia rẽ trong hội thánh ngày nay, chúng ta cần làm theo lời khuyên của sứ đồ Phao-lô. Trong hội thánh không nên phân biệt người mới đến với người đã sinh hoạt với hội thánh từ lâu, người mới tin với người đã tin Chúa nhiều năm. Chúng ta cũng không nên phân biệt người Bắc, người Trung hoặc người Nam, người làm nghề nầy nghề kia... Tất cả những sự phân biệt đó sẽ làm Hội Thánh bị chia rẽ, nhóm người nầy nghi kỵ, chỉ trích nhóm người kia, Hội Thánh sẽ không phát triển và không đem lại kết quả tốt đẹp cho Chúa.

Phao-lô kết thúc những lời trong Chương 15 bằng một lời chúc phước (c. 13). Lời chúc phước nầy lấy ý từ câu 12, trích trong Ê-sai 11:10. “Cái Chồi sẽ cai trị dân ngoại” chỉ về Chúa Giê-xu. Ngài là “cái chồi” của Dân Ngoại, nghĩa là Ngài là niềm hy vọng cho những dân tộc không phải là Do-thái. “Cầu xin Đức Chúa Trời Hy vọng cho anh em tràn ngập vui mừng và bình an khi anh em tin cậy Ngài, nhờ đó lòng anh em chứa chan hy vọng do quyền năng của Chúa Thánh Linh” (BDY). Ước mong lời chúc nầy cũng trở thành sự thật đối với chúng ta, những người đã đặt niềm tin nơi Chúa. Đó là đời sống chúng ta sẽ tràn đầy bình an và vui mừng để khi người chung quanh nhìn thấy, họ cũng muốn đến với Chúa để có một đời sống bình an, thỏa mãn như chúng ta.