Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 2

Tuyển Dân Đức Chúa Trời và Lời Tiên Tri

Sáng-thế Ký 12:1-3; Ô-sê 9:17

"Đức Chúa Trời ta sẽ bỏ chúng nó, vì chúng nó không nghe Ngài; và chúng nó sẽ đi dông dài trong các nước" (Ô-sê 9:17).

Câu hỏi suy ngẫm: Qua Sáng Thế Ký 12:1-3, Chúa hứa từ ông Áp-ra-ham sẽ ra một tuyển dân cho Ngài, bạn thấy lời hứa này được ứng nghiệm thế nào qua dân tộc Ít-ra-ên? Vì sao là tuyển dân của Chúa mà dân tộc Ít-ra-ên gặp nhiều hoạn nạn như vậy? Bạn học và áp dụng điều gì qua bài học này mỗi ngày?

Nước Do Thái đóng vai trò quan trọng trong những biến cố tương lai. Nhiều lời tiên tri về Do Thái hằng ngàn năm trước đang được ứng nghiệm. Do Thái có vai trò đặc biệt trong lời tiên tri không phải vì họ xứng đáng, nhưng vì Đức Chúa Trời thực hiện lời hứa của Ngài đối với ông Áp-ra-ham, tổ phụ của họ. Bạn có biết luật pháp hầu hết các quốc gia trên thế giới đến từ bảng luật pháp Đức Chúa Trời trao để ông Môi-se ban bố cho người Do Thái?

Qua Sáng Thế 17:7-8, Đức Chúa Trời lập giao ước với ông Áp-ra-ham là sẽ ban cho ông vùng đất Ca-na-an và dòng dõi ông sẽ chinh phục vùng đất ấy.

Kinh Thánh cho biết khi ở xứ Ca-na-an, ông Áp-ra-ham sinh ông Y-sác, ông Y-sác sinh ông Gia-cốp, ông Gia-cốp sinh ông Giô-sép. Ông Giô-sép bị bán sang Ai Cập làm nô lệ. Tại đây, ông được Pha-ra-ôn của Ai Cập trọng dụng. Khi nạn đói xảy ra, ông Gia-cốp và các anh của ông Giô-sép từ Ca-na-an di dân sang Ai Cập tránh đói. Họ ở đó 400 năm và trở thành một đoàn dân đông đến nỗi Pha-ra-ôn cưỡng bức họ làm nô lệ rất nặng nề và ra luật giết tất cả con trai của họ để chế ngự đà tăng dân số. Trong sự tể trị của Đức Chúa Trời, một bé trai Do Thái sinh ra, được công chúa Pha-ra-ôn cứu, nhận làm con nuôi và đặt tên là Môi-se. Ông Môi-se lớn lên trong cung Pha-ra-ôn, được nuôi dưỡng, giáo dục và có hy vọng nối ngôi Pha-ra-ôn. Nhưng vì bênh vực một người Do Thái nên ông phải rời bỏ cung điện, trốn tránh Pha-ra-ôn cho đến khi Đức Chúa Trời sai ông trở lại gặp Pha-ra-ôn, đòi cho người Do Thái rời khỏi Ai Cập. Ông Môi-se qua đời sau 40 năm dẫn người Ít-ra-ên đến biên giới Đất Hứa. Ông Giô-suê tiếp tục lãnh đạo, đưa tuyển dân vào chiếm Đất Hứa - lời hứa của Đức Chúa Trời cho ông Áp-ra-ham được ứng nghiệm.

Tuy nhiên, khi đã vào Đất Hứa, thế hệ người Do Thái sau đó đã bỏ Đức Chúa Trời. Họ bắt chước những dân tộc chung quanh thờ hình tượng. Đức Chúa Trời đã dùng các tiên tri của Ngài cảnh cáo, kêu gọi họ từ bỏ sự thờ lạy các thần tượng thế gian, nhưng họ cứng lòng, không vâng lời. Vì vậy, Đức Chúa Trời để Vua Nê-bu-cát-nết-sa đánh và bắt họ đem về Ba-by-lôn làm phu tù trong 70 năm. Sau 70 năm lưu đày, người Do Thái trở về quê hương. Nhưng họ vẫn cứng lòng, không tôn thờ, không vâng giữ giao ước với Đức Chúa Trời.

Vào thời đế quốc La Mã bành trướng, Do Thái bị chiếm đóng và là thuộc địa của La Mã. Trong chương trình cứu rỗi nhân loại, Đức Chúa Trời sai Con Ngài, Chúa Giê-xu, chính là Đấng Mết-si-a xuống thế để cứu rỗi loài người, nhưng họ không nhận Ngài mà giết Ngài trên cây thập tự. Hành động chối bỏ Đức Chúa Trời ấy dẫn đến sự sụp đổ của thành Giê-ru-sa-lem, ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa khi Hoàng đế La Mã Titus đem quân xâm lăng Do Thái. Một lần nữa người Do Thái tản lạc khắp thế giới như lời nói trước của ông Môi-se: "Đức Giê-hô-va sẽ tản lạc các ngươi trong các nước" (Phục Truyền 4:27), và Tiên tri Ô-sê: "Đức Chúa Trời ta sẽ bỏ chúng nó, vì chúng nó không nghe Ngài; và chúng nó sẽ đi dông dài trong các nước" (Ô-sê 9:17).

Không có dân tộc nào chịu nhiều đau khổ như người Do Thái. Trong thế chiến thứ hai, Đức Quốc Xã tập trung người Do Thái bắt họ lao động khổ sai và giết khoảng 6 triệu người. Đúng như lời tiên tri được viết trong Phục Truyền 28:65.

Ôn lại lịch sử dân tộc Do Thái, điều nào tác động vào đời sống bạn?

Lạy Chúa, Đấng luôn giữ lời hứa với ông Áp-ra-ham, và con cũng biết Ngài không dung thứ nếu dân Chúa từ bỏ Ngài. Dù vậy, Ngài là Đức Chúa Trời nhân từ thương xót, xin giúp con luôn biết kính sợ Ngài, ở trong Ngài.

(c) 2024 svtk.net