Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 48

Nguyên nhân và cách chữa lo lắng (1)

Trong Ma-thi-ơ 6:34 Chúa Giê-xu đã đến một kết luận trong đề tài mà Ngài đang bàn đến trong suốt phần này của Bài Giảng Trên Núi, đó là nan đề của chúng ta trong quan hệ với các sự việc trong trần gian này. Đây là nan đề mà mỗi chúng ta đều gặp cả, và trong nhiều khía cạnh khác nhau như chúng ta đã phân tích. Một số người hay bị những của cải ở trần gian này chế ngự vì những người ấy muốn có thật nhiều của cải. Những người khác gặp nan đề lo lắng về của cải vật chất, không phải vì có nhiều sợ mất, nhưng vì không có và thiếu thốn.. Nhưng chung quy, theo Chúa Giê-xu vẫn chỉ có một nan đề, đó là nan đề của việc chúng ta quan hệ với sự việc của trần gian này, và của cuộc đời này. Chúa Giê-xu đã dài dòng lý luận về nan đề này. Chúa nói về cả hai phương diện và cũng phân tích rõ cả hai.

Trong câu Kinh-thánh Ma-thi-ơ 6:34 Chúa kết thúc phần lý luận về nan đề của đời sống trong một hình thức khá đặc biệt. Chúa đã dùng câu: chớ lo lắng mấy lần. Sau khi nói rằng: Nhưng trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa. Chúa lại nói thêm: Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy.

Đây không phải là một câu nhắc lại những gì đã nói, nhưng chính là một câu tóm tắt. Ngoài ra Chúa còn thêm một điều dạy khác ở đây. Chúa đã xét vấn đề lo lắng của chúng ta trong hiện tại, nay Chúa nói sang tương lai. Tức ra Chúa mở rộng và áp dụng cho toàn thể cuộc đời của chúng ta. Câu nói này chứng tỏ Chúa hiểu biết rất sâu xa về bản chất của con người và những nan đề chúng ta gặp phải trong cuộc đời. Mọi người đều phải đồng ý rằng không ai có thể tìm thấy ở đâu trong bất cứ sách giáo khoa nào có phần phân tích đầy đủ về lo lắng, ưu tư và những nỗi sợ từng giết chết con người trong đời này hơn là trong phân đoạn Kinh-thánh mà chúng ta đang phân tích.

Lo lắng là một thực thể, một sức mạnh, một quyền năng. Chúng ta không thể nào hiểu được lo lắng cho đến khi nào nhận ra trong lo lắng có một sức mạnh. Chúng ta thường có thói quen nghĩ rằng tình trạng lo lắng là tiêu cực, là một thất bại của chúng ta vì không thể làm được một số việc nào đó. Đúng như vậy, đó là thất bại trong việc áp dụng đức tin vào cuộc đời. Nhưng điều mà chúng ta phải chú trọng ở đây là lo lắng là một điều tích cực đến và bắt lấy chúng ta, chế ngự chúng ta. Đó là một sức mạnh quyền năng, một lực lượng hoạt động, nếu không nhận thức rõ như thế, chúng ta chắc chắn sẽ thua nó. Nếu lo lắng không có khả năng làm chúng ta ưu tư, nặng nề và bị đè xuống vì hoàn cảnh và điều kiện của mọi sự việc đang đối diện với mình, nó sẽ tiến thêm bước này, nó sẽ đi vào tương lai.

Chúng ta phải tìm ra điều này trong chính chúng ta, hay có lẽ là khi chúng ta cố gắng giúp cho người nào đó đang khổ sở vì lo lắng. Thoạt tiên là một việc nào đó đem ưu lư lo lắng đến cho bạn, bạn đưa ra những câu trả lời và chứng minh lo lắng là không cần thiết. Tuy nhiên bạn sẽ nhận thấy gần như lúc nào lo lắng cũng vẫn ở đó và nói rằng: "Phải, nhưng mà..." Đó là tiêu biểu của lo lắng, nó luôn luôn cho ta cái cảm tưởng rằng mình không thật sự được giải thóat khỏi nó. Nạn nhân muốn được giải thoát, nhưng lo lắng không muốn ra đi; chúng ta cần thấy rõ điểm này. Chúa Giê-xu khi nói về "ngày mai sẽ lo về việc ngày mai" là Ngài đã nhân cách hóa lo lắng. Chúa coi nó như một sức mạnh, như một người nắm chặt lấy ta, nói hết việc này sang việc kia. Nó đưa đến một tình trạng tiến thoái lưỡng nan, ta gần như không muốn được giải thóat hay giải cứu.

Khi bạn lý luận với một người lo lắng, đưa ra đủ mọi câu trả lời và giải thích, người đó có thể nói: "Vâng, đúng lắm, bây giờ thì đúng là như vậy; nhưng ngày mai thì sao? tuần sau thì sao? sang năm thì sao?" Và cứ như thế tiếp tục nghĩ về tương lai. Lo lắng là một sự tưởng tượng rất linh hoạt và đưa ra đủ loại sự việc khả dĩ xẩy ra. Nó có thể hình dung ra những sự việc lạ lùng với sức mạnh và hoạt động có thể đưa ta sâu vào tương lai và đến một hoàn cảnh chưa xẩy ra. Tại đó ta thấy mình lo lắng và bất an cũng như tuyệt vọng bởi một sự việc nào đó hoàn toàn tưởng tượng.

Chúng ta cần đi xa hơn nữa, vì chúng ta đều biết rõ lo lắng ưu tư kiểu này. Nhưng căn bản để hiểu được cách giải quyết vấn đề là phải nhận ra rằng chúng ta đang đối diện với một sức mạnh rất tai hại. Chúng ta không quá quan trọng hóa vấn đề đâu, nhưng lo lắng đúng là hoạt động của ma quỷ. Chúng ta phải nhận thức rằng kẻ thù của chúng ta là ma quỷ sử dụng nhiều phương cách làm hại ta, nó có thể làm cho điều kiện thể chất ta yếu đuối, cũng có thể làm ta quá lo lắng, và như thế sức mạnh tàn ác của nó có thể hoạt động. Chúng ta phải nhớ rằng chống với lo lắng là chiến đấu với một sức mạnh ghê gớm, một kẻ thù lợi hại.

Chúng ta xem thử Chúa giải quyết vấn đề lo lắng và ưu tư về tương lai như thế nào?

Điều đầu tiên ta cần nhớ là lời Chúa dạy trong câu này cũng trong bối cảnh của các câu trước đó. Không nên lấy câu này ra khỏi bối cảnh. Chúa dạy rằng lo lắng là dại dột và Ngài dường như hỏi rằng: Tại sao các ngươi để cho các ngươi lo lắng như vậy về tương lai? "Ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy." nghĩa là nếu hiện tại đã tệ như vậy, sao còn kéo tệ trạng sang tương lai? Sống mỗi ngày đã quá đủ rồi, hãy bằng lòng từng ngày một như thế. Nhưng không phải chỉ có vậy. Lo lắng về tương lai là vô ích và không làm được nên điều gì cả. Chúng ta thường chậm nhận ra như vậy; nhưng đó là sự thật. Ta có thể đi xa hơn nữa mà quả quyết rằng lo lắng không có một giá trị nào cả. Điều này càng rõ hơn khi ta phải đối diện với tương lai. Ngoài tất cả những điều tai hại, lo lắng là một việc phí năng sức, vì dù có lo lắng bao nhiêu chăng nữa, ta cũng không thể làm gì được cả. Trong hoàn cảnh nào, những nguy cơ đe dọa ta chỉ là tưởng tượng; không có gì chắc chắn cả, không có gì bảo đảm là chúng sẽ xẩy ra.

Chúa dạy rằng, trong một phương diện, ta làm chết tương lai bằng cách lo lắng về tương lai trong hiện tại. Hậu quả của việc lo lắng về tương lai là làm cho mình thiệt hại trong hiện tại; làm mất hiệu năng đối với ngày nay, và như vậy làm giảm toàn thể hiệu năng đối với tương lai mà ta sắp phải đối diện. Nói một cách khác, lo lắng là một cái gì thuộc về một thất bại hoàn toàn trong việc hiểu biết tính chất của đời sống trong trần gian này.

Hậu quả của cuộc sa ngã của tổ tông loài người và tội lỗi là đời sống luôn luôn có nan đề. Khi con người phạm tội, con người đã được bảo cho biết rằng: phải đổ mồ hôi trán mới có mà ăn. Con người không sống trong Vườn Phước Lạc nữa, không còn ăn quả trái ngon ngọt và sống cuộc đời dễ dãi vui thú nữa. Kết quả của tội ác, cuộc đời trên trần gian là một công tác phải làm. Con người phải lao động và phải gặp mọi thử thách và khó khăn. Chúng ta đều biết rõ như vậy, vì tất cả chúng ta đều phải chịu cùng những thử thách và khổ cực.

Câu hỏi quan trọng là: chúng ta đối đầu với các khó khăn đó như thế nào?

Theo Chúa Giê-xu thì điều căn bản không phải là sống mỗi ngày của đời mình thêm vào tổng số mọi sự việc xẩy ra trong toàn cuộc sống của mình trên trần gian. Vì nếu làm như vậy, ta sẽ chết. Ta phải suy nghĩ như thế này: Trong đời sống có những nan đề dành đủ cho từng ngày ta sống. Mỗi ngày đều có nan đề của nó; một số nan đề xẩy ra đều đều như nhau từ ngày này sang ngày kia, một số khác mỗi ngày xẩy ra khác nhau. Nhưng ta cần nhận thức rằng mỗi ngày phải được sống như một đơn vị biệt lập. Đó là chỉ tiêu cho mỗi ngày. Như thế chúng ta sẽ đối đầu với nan đề của từng ngày, và theo như cách Chúa đã dạy. Ta đừng tiếp tục tiến tới và lo cho chỉ tiêu của ngày mai bằng chỉ tiêu của hôm nay, vì như thế sẽ nhiều quá, làm sao làm nổi. Ta phải làm xong việc mỗi ngày. Ta nhớ cách Chúa phản ứng các môn đệ của Ngài khi họ cố ngăn cản Chúa đừng trở lại vùng Giu-đê, nơi La-xa-rơ vừa chết, vì vùng đó chống đối Chúa không? Họ vạch ra rằng nếu Chúa về vùng đó, sẽ có các hậu quả bất lợi và Ngài có thể bị giết chết. Câu trả lời của Chúa là: "Một ngày không phải có 12 giờ hay sao?" Nghĩa là, ta chỉ có 12 giờ mỗi ngày để sống. Đó là chỉ tiêu mỗi ngày, vì vậy hãy sống và đối diện với từng ấy thời giờ là đủ. Đừng lo về ngày mai. Vì ngày mai lại có chỉ tiêu của ngày mai, ta sẽ lo ngày mai trong chỉ tiêu đó.

Đây là phương pháp làm việc theo tâm lý. Không phải là tâm lý hiện đại, nhưng là tâm lý cổ truyền của đời sống đã được nhân loại thực hành ngay từ ban đầu. Tâm lý này rất sâu xa, vì đó là yếu tính của lương tri và khôn ngoan, hoàn toàn trong tầm mức của loài người. Nếu ta muốn sống cuộc đời không bị hụt hẫng và nặng nề hoặc mất sức lực hay mất sự kiểm soát mạch sống của mình, thì phải theo những nguyên tắc chính. Đừng mang ngày hôm qua và ngày mai theo với ta. Hãy sống hôm nay, trong khoảng 12 tiếng đồng hồ mà ta được sống. Tiểu sử của nhiều người đã thất bại chứng minh điều này. Đa số người thành công trong đời sống là vì có khả năng bỏ qua quá khứ. Họ đã phạm các lỗi lầm, nhưng họ nói: "Tôi đã phạm lỗi, nhưng không làm sao sửa lại được. Nếu tôi cứ nghĩ mãi về lỗi lầm của tôi trong suốt đời sống, thì có hơn gì đâu. Tôi không dại gì làm như vậy, tôi sẽ để cho quá khứ chết hẳn trong quá khứ." Người khác không nghĩ như vậy. Người ấy lúc nào cũng tự dằn vặt mình: "Tại sao ta làm như vậy?" Thế rồi làm cho năng lực mình mềm yếu, mỗi đêm thức dậy mệt mỏi khó chịu. Hậu quả là người ấy phạm thêm các lỗi lầm khác, thêm lo lắng hơn nữa khi nghĩ rằng: "Nếu bây giờ ta lại phạm các lỗi lầm này nữa, tuần sau thì sao?" Người ấy thật sự đã bị đè nặng xuống và tuyệt vọng.

Chúa trả lời rằng: Đừng dại dột, đừng phí sức, đừng bỏ thì giờ lo lắng về những gì đã qua, hay về tương lai; hôm nay đang ở trước mặt, hãy sống cho trọn hôm nay đã. Dĩ nhiên là chúng ta không ngừng ở cấp độ đó. Vì Chúa cũng không dạy như thế mà thôi. Chúng ta phải đặt lời dạy này trong toàn bộ bối cảnh của bài dạy. Chúng ta không những chỉ tin cậy Chúa trong tổng quát, nghĩa là tìm đến nước Chúa và sự công chính của Ngài, nhưng còn tin cậy Chúa trong từng chi tiết của cuộc đời ta nữa. Chúa là Đấng giúp ta trong ngày hôm nay, cũng vẫn là Đấng sẽ giúp ta ngày mai, vì Chúa không thay đổi.

Đây có lẽ là bài học mà nhiều người cần phải học, đó là không những chúng ta phải học chia đời sống mình trong trần gian ra thành những giai đoạn 12 hay 24 tiếng, nhưng chúng ta cũng phải chia việc tương giao của ta với Chúa cùng một phương cách như thế. Nguy cơ là trong khi ta tin Chúa trong tổng quá, cho toàn thể cuộc đời mình, ta lại không chịu tin Chúa trong những khoảng ngắn của cuộc đời ấy. Vì vậy mà nhiều người đi sai lạc. Chúng ta cần học tập đem mọi việc trình ngay với Chúa khi chúng xẩy ra. Nhiều người không làm như vậy, vì lúc nào cũng cứ đoán trước về Chúa. Họ thường tự hỏi: "Tôi không hiểu ngày mai Chúa sẽ bảo tôi làm gì, hoặc là tuần tới hay năm tới? Chúa muốn tôi làm gì?" Hỏi như vậy là sai. Đừng bao giờ đoán định trước về Chúa. Khi ta không đoán định được tương lai của chính mình, ta cũng đừng đoán định tương lai của Chúa dành cho mình. Cứ sống từng ngày, vâng phục Chúa mỗi ngày, làm điều Chúa dạy mỗi ngày. Việc ngày mai ta sẽ lo sau, cốt sao ngày hôm nay cho tròn nhiệm vụ là đủ rồi.