Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 52

Cái Rác vàø Cây Đàø (2)

Chúa Giê-xu dạy: Đừng đoán xét ai để các ngươi khỏi bị đoán xét. Lý do thứ nhất là để khỏi bị Chúa đoán xét, như chúng ta đã học trong bài trước. Lý do thứ hai được nói đến trong chương 7 câu 2: "Vì các ngươi đoán xét người ta thể nào, thì họ cũng đoán xét lại thể ấy; các ngươi lường cho người ta mực nào, thì họ cũng lường lại cho mực ấy." Theo như câu này, lý do thứ hai ta không nên đoán xét là, làm như vậy không những ta bị đoán xét mà còn tự đặt ra tiêu chuẩn để đoán xét mình nữa. "Các ngươi lường cho người ta mực nào, thì họ cũng lường lại cho mực ấy." Những người thường cẩn thận soi mói chỉ trích người khác và nói về những lỗi nhỏ nhặt của người ta, thường ngỡ ngàng khi bị chính những người ấy phán xét lại. Nghĩa là gậy ông lại đập lưng ông.

Nhưng không phải chỉ có thế, vì Kinh-thánh đi xa hơn nữa. Chúa Giê-xu dạy rằng chính Đức Chúa Cha là quan án sẽ phán xét mọi việc theo tiêu chuẩn của ta. Ta có thể đọc trong Phúc Âm Lu-ca 12:47,48 sẽ rõ: "Đầy tớ nầy đã biết ý chủ mình, mà không sửa soạn theo ý ấy, thì sẽ bị đòn nhiều. Song đầy tớ không biết ý chủ mà làm việc đáng phạt, thì bị đòn ít. Vì ai đã được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều; vì ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn." đó là tiêu chuẩn để Chúa phán xét. Trong Rô-ma 2:1 cũng ghi: "Vậy, hỡi người kia, ngươi là ai mặc lòng, hễ đóan xét kẻ khác thì không thể chữa mình được; vì trong khi đoán xét họ, ngươi cũng lên án cho chính mình ngươi nữa, vì ngươi đoán xét họ, mà cũng làm các việc như họ." Như vậy Phao-lô dạy rằng: Khi phán xét kẻ khác, ta tự chứng rằng mình biết điều đúng, điều phải; vì thế nếu không làm điều đúng, điều phải thì ta tự kết tội mình.

Gia-cơ 3:1 ghi: "Hỡi anh em, trong vòng anh em chớ có nhiều người tự lập làm thầy, vì biết như vậy, mình sẽ phải chịu xét đoán càng nghiêm hơn." Nói khác đi, nếu ta tự coi mình là có thẩm quyền, nếu ta muốn làm thầy kẻ khác, thì nên nhớ rằng ta sẽ bị phán xét bởi chính thẩm quyền của mình; những gì ta tuyên bố, lại lên án chính ta.

Tôi tự coi mình là biết nhiều Kinh-thánh chăng? Tôi sẽ bị phán xét tuỳ theo những gì tôi biết. Tôi bảo rằng tôi là một đầy tớ thực sự biết rõ ý chủ chăng? Như thế tôi đừng ngạc nhiên khi bị chủ đánh đòn nhiều, vì không làm trọn bổn phận. như vậy ta phải cẩn thận khi biểu lộ. Khi tôi phán xét người khác, tôi không có gì để phàn nàn khi bị người ta phán xét lại.

Lý do thứ ba tại sao ta không nên phán xét kẻ khác được ghi trong câu 3-5 như sau: "Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em mình, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? Sao người dám nói với anh em rằng: để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ giả hình! trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được."

Nguyên tắc thứ ba Chúa nêu ra về việc không nên đóan xét là chúng ta không có khả năng đoán xét. Chúng ta không thể xét đoán. Vì không thể xét đoán đúng, nên không nên xét đoán gì cả là hơn. Không những chúng ta phải nhớ rằng mình sẽ bị Chúa xét đoán, và rằng chính mình đã định ra tiêu chuẩn xét đoán mình, nhưng Chúa dạy: Hãy dừng lại, ngươi không thể xét đoán ai được vì ngươi không có khả năng làm việc đó.

Chúa Giê-xu phân tích như thế này: Chúng ta không quan tâm gì đến sự công nghĩa và sự phán xét chân chính gì cả, vì nếu vậy, chúng ta đã tự xử lấy mình rồi. Chúng ta ưa tự bảo mình rằng chúng ta thực sự quan tâm về sự thực và điều công chính, và đó là quan tâm chính của chúng ta. Chúng ta nói rằng mình không thích bất công đối với ai, không thích chỉ trích ai, chỉ quan tâm đến sự thật mà thôi. Chúa dạy, nếu ngươi thật sự quan tâm đến sự thật, thì người đang tự xét đoán mình rồi. Như thế người thật sự có quan tâm về sự thật đâu? Nghĩa là nếu một người chỉ quan tâm về sự thật và sự công chính chứ không nghĩ đến con người nào, thì người ấy phê phán mình cũng y như phê phán kẻ khác.

Nghệ sĩ lớn là người luôn luôn phê bình mình gắt gao. Dù người ấy là nhạc sĩ, họa sĩ hay kịch sĩ hay ngành nghề nào khác, người nghệ sĩ tài danh bao giờ cũng là người chỉ trích phê bình mình như thể đứng trước công chúng, có

khi còn gắt gao hơn nữa, vì bao giờ những người ấy cũng phải khách quan. Các anh không ưa gì sự thật và điều công chính vì nếu không anh đã chẳng bỏ qua chính mình mà chỉ phê bình chỉ trích kẻ khác.

Ta có thể giải thích lời dạy của Chúa xa hơn nữa khi nói rằng, những người chỉ trích, lên án kẻ khác là không quan tâm đến các nguyên tắc mà chỉ chú trọng đến cá nhân người ta. Chúng ta thường để ý đến cá nhân người mình chỉ trích chứ không phải một đề tài nào hay theo nguyên tắc nào. Nghĩa là ta thực sự muốn lên án con người đó hơn là loại bỏ điều sai hỏng trong con người đó. Như thế chứng tỏ là ta không có khả năng xét đoán. Nếu có sự thiên vị, nếu do cảm xúc riêng và sự chống đối cá nhân, thì ta không thể là người phán xét chân thật. Ngay trong luật người ta cũng công nhận điểm này. Trong các tòa án, nếu một hội thẩm viên có quan hệ bà con hay quen thuộc với bị cáo, thì người ấy không đủ tiêu chuẩn làm hội thẩm viên. Nghĩa là người phán xét phải vô tư và không có thành kiến nào cả. Như thế khi ta ghét một người nào, ta không có quyền xét đoán hành vi của người ấy. Vì việc phán xét phải vô tư, không thành kiến và khách quan.

Chúa Giê-xu dạy tiếp trong câu 4: "Sao ngươi dám nói với anh em rằng: 'để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình?'" Đây là cách nói mỉa mai nhất. Ý Chúa muốn bảo rằng: anh không có một tư cách nào mà giúp gì cho ai cả được, vì chính anh đang có nan đề quá to lớn như cái xà nhà, mà lại không lo, đi lo cái bụi trong mắt người khác.

Chúng ta thường rất quan tâm đến người khác và các lỗi lầm của họ, nhưng chúng ta thường cho người ta cái cảm tưởng là mình chỉ vì lợi ích của những người ấy mà thôi. Chúng ta nói rằng chúng ta rất khó chịu về các khuyết điểm trong người khác và mong ước các khuyết điểm ấy được bỏ đi. Nhưng theo Chúa Giê-xu thì chúng ta không thể làm việc ấy được vì rất tế nhị. Một chiếc xà nhà, xà ngang đang nằm ngay trước mắt chúng ta, khiến chúng ta không thể làm việc lấy cái bụi trong mắt người khác được.

Chúa Giê-xu gọi việc đòi lấy bụi ra khỏi mắt của người khác mà mắt mình có chiếc xà nhà che khuất là việc làm của kẻ giả hình. Chúa nói: "Hỡi kẻ giả hình! Trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được." Chúa bảo rằng làm việc xét đoán là giả hình, vì ta thực sự không muốn giúp người có khuyết điểm, mà chỉ thích lên án người ấy mà thôi. Chúng ta thường ưa tìm ra tật xấu của người khác, và làm như rất khó chịu khi tìm ra như vậy. Thực sự thì chúng ta rất thích thú khi tìm ra tật xấu hay khuyết điểm của người ta. Đó chính là thái độ giả hình. Chúa dạy chúng ta rằng, nếu chúng ta thực sự muốn giúp ai, nếu chúng ta thành thực như vậy, thì trước hết chúng ta phải xét mình trước đã. Chúa bảo, trước tiên phải bỏ cái xà ngang đang chắn trước mắt mình đã., như thế mới thấy rõ mà giúp cho người khác.

Nói rõ hơn, nếu chúng ta thực sự muốn giúp người nào loại bỏ những khuyết điểm, những điều sai lầm, thì trước tiên phải nhận định rằng thái độ mình đang có là sai lầm to lớn. Tinh thần lên án và nặng lời chỉ trích người khác chính là một chiếc xà ngang to lớn so với khuyết điểm nhỏ như bụi trong mắt người khác. Chúa dường như bảo rằng: Tội phán xét người khác to lớn hơn bất cứ khuyết điểm nào.