Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 5

Đức Thánh Linh

1.  Đức Thánh Linh là ai?

Đức Thánh Linh là Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời.  Ngài đồng đẳng và đồng quyền với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.

2.  Xin giải thích xem Ngài bình đẳng với Đức Chúa Cha và Đức

      Chúa Con như thế nào?

      Ngài ngang hàng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con trong mọi phương diện.  Sau đây chỉ là một vài điểm cơ bản để chỉ về sự bình đẳng của Ngài.

1)       Ngài là Đấng Tạo Hóa

Thần (Đức Thánh Linh) của Đức Chúa Trời đã dựng       nên tôi,

Hơi thở của Đấng Toàn Năng đã ban cho tôi sự sống.

(Gióp 33:4).

2)       Ngài là Đấng Toàn Năng

Thiên sứ đáp cùng nàng,Đức Thánh Linh sẽ ngự xuống trên cô, và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ bao phủ trên cô.  Cho nên Con Thánh sinh ra sẽ được gọi là Con Đức Chúa Trời.”

(Lu-ca 1:35).

3)       Ngài là Đấng Toàn Tri

             Vì Đức Thánh Linh thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu nhiệm

             của Đức Chúa Trời. (1 Cô-rinh-tô 2:10).

4)       Ngài là Đấng Toàn Tại

Con có thể đi đâu cho khỏi Thần Linh Ngài?

Con có thể trốn đâu cho khỏi mặt Ngài?

Nếu con lên trời, có Ngài đang ngự tại đó;

Nếu con xuống âm phủ, kìa, Ngài cũng hiện diện ở   đó.

Nếu con lấy cánh bình minh,

Bay đến những nơi ở tận chân trời góc bể,

Tại đó, tay Ngài sẽ dẫn dắt con;

Tay phải Ngài sẽ nắm lấy con.

Nếu con nói, "Chắc bóng tối sẽ che khuất con,

Khi ánh sáng chung quanh con trở nên đêm tối,"

Nhưng đối với Ngài, bóng tối chẳng tối tăm gì cả,

Ban đêm sáng rõ như ban ngày;

Bóng tối hay ánh sáng đều như nhau trước mặt Ngài.

(Thánh Thi 139:7-12).

5)       Ngài là Đấng Đời Đời

...thì huyết của Chúa Cứu Thế, Đấng nhờ Đức Thánh Linh đời đời, dâng chính Ngài làm một con vật hiến tế không tì vết lên Đức Chúa Trời, sẽ tẩy sạch những việc chết khỏi lương tâm chúng ta để chúng ta phụng sự Đức Chúa Trời hằng sống, thật có hiệu lực đến mực nào. (Hê-bơ-rơ 9:14). 

2.  Có người cho rằng Đức Thánh Linh chỉ là một mãnh lực vô tính;  

      điều đó có đúng không?

Không.  Đức Thánh Linh là một thân vị (một người), mặc dù Ngài không có thân xác, vì Ngài là thần linh.  Kinh Thánh cho chúng ta biết Ngài làm mọi sự như một người. 

3.  Xin hãy đơn cử một vài trường hợp chứng tỏ Đức Thánh Linh

      hành động như một người.

1)       Ngài cáo trách con người về tội lỗi họ

Ta nói với các ngươi chân lý nầy: Ta đi là ích lợi cho các ngươi.  Vì nếu Ta không đi, Đấng An Uỉ sẽ không đến với các ngươi, nhưng nếu Ta đi, thì Ta sẽ phái Ngài đến.  Khi Ngài đến, Ngài sẽ cáo trách thế gian về tội lỗi, về sự công chính, và về sự phán xét.

(Giăng 16:7-8).

2)       Ngài làm cho chúng ta được tái sinh và đổi mới   

Ngài cứu chúng ta, không phải vì những việc công chính chúng ta làm, nhưng vì lòng thương xót của Ngài, qua phép thanh tẩy của sự tái sinh và sự đổi mới của Đức Thánh Linh. (Tít 3:5).

3)       Ngài dẫn dắt chúng ta trong bước đường tin kính

Vì tất cả những ai được Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời dẫn dắt đều là con của Đức Chúa Trời. (Rô-ma 8:14).

Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dẫn các ngươi vào mọi chân lý.  (Giăng 16:3).

4)       Ngài sẽ dạy dỗ chúng ta

Nhưng khi Đấng An Uỉ, tức là Đức Thánh Linh, Đấng Cha sẽ nhân danh Ta sai đến, chính Ngài sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự.  Ngài sẽ làm cho các ngươi nhớ lại tất cả những điều Ta đã nói với các ngươi.  (Giăng 14:26).

5)       Ngài kêu gọi chúng ta vào chức vụ hầu việc Chúa và sai phái chúng ta đi

Đang khi họ thờ phượng Chúa và kiêng ăn, Đức Thánh Linh phán với họ, “Hãy biệt riêng Ba-na-ba và Sau-lơ ra cho Ta, để họ làm công việc Ta đã kêu gọi họ.” (Công vụ 13:2)

6)       Ngài ban cho chúng ta quyền năng để phục vụ Chúa

... nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lãnh quyền năng và làm những nhân chứng của Ta tại Giê-ru-sa-lem, cả miền Giu-đê, miền Sa-ma-ri, và cho đến tận cùng trái đất.  (Công vụ 1:8).

7)       Ngài cầu thay cho chúng ta

Cũng vậy, Đức Thánh Linh giúp đỡ chúng ta trong khi chúng ta yếu đuối, vì chúng ta không biết mình cần điều gì mà cầu xin cho đúng, nhưng có Đức Thánh Linh cầu thay cho chúng ta, bằng những tiếng thở than không thể nói thành lời.  (Rô-ma 8:26).

8)       Ngoài ra, Đức Thánh Linh cũng biết yêu, biết buồn, biết ghen, v.v.

... vì tình yêu của Đức Thánh Linh, tôi nài xin anh chị em hãy cùng chiến đấu với tôi trong khi cầu nguyện trước mặt Đức Chúa Trời.  (Rô-ma 15:30).

Xin anh chị em đừng làm buồn Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài mà anh chị em được đóng dấu niêm phong cho ngày cứu chuộc. (Ê-phê-sô 4:30).

Đức Thánh Linh, Đấng Ngài đặt trong chúng ta, yêu thương chúng ta quá đến độ ghen tương. (Gia-cơ 4:5).

4.  Đức Thánh Linh còn làm gì cho chúng ta nữa không?

Có.  Đức Thánh Linh ban cho chúng ta những ân tứ thuộc linh và làm cho đời sống chúng ta sinh ra những trái thuộc linh.

5.  Ân tứ thuộc linh là gì?

Đó là những khả năng đặc biệt do Đức Thánh Linh ban cho.  Đó là những quà tặng của Ngài cho những người tin thờ Chúa, để họ dùng mà gây dựng hội thánh và làm vinh hiển Ba Ngôi Đức Chúa Trời.

6.  Xin kể ra một vài ân tứ thuộc linh.

Các ân tứ thuộc linh đó là: ơn làm sứ đồ, ơn làm nhà tiên tri, ơn làm nhà truyền giảng Tin Mừng, ơn làm mục sư và giáo sư, ơn có lời nói khôn ngoan, ơn có lời nói tri thức, ơn có đức tin đặc biệt, ơn chữa bịnh, ơn làm phép lạ, ơn nói tiên tri, ơn phân biệt các linh, ơn nói tiếng lạ, ơn thông giải tiếng lạ, ơn phục vụ, ơn dạy dỗ, ơn khích lệ, ơn ban cho, ơn lãnh đạo, ơn thương xót, v.v. (Ê-phê-sô 4:11; 1 Cô-rinh-tô 12:8-10; Rô-ma 12:6-8). 

Tuỳ theo nhu cầu của mỗi cộng đồng con dân Chúa ở từng địa phương, từng hoàn cảnh, từng thời đại, mà Đức Thánh Linh có thể ban cho tôi con Ngài những ân tứ khác nhau hoặc những ân tứ mới, không được liệt kê ở trên, nhằm đáp ứng nhu cầu của công việc Chúa lúc bấy giờ.

7.  Còn những trái thuộc linh là gì?

Đó là những kết quả tốt đẹp của đời sống một người thuận phục theo sự dẫn dắt và dạy dỗ của Đức Thánh Linh và lời Kinh Thánh.

8.  Xin kể ra những trái của Đức Thánh Linh.

Nhưng trái của Đức Thánh Linh là yêu thương, vui vẻ, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm tốn, tiết độ.  Không có luật pháp nào cấm các điều đó.  (Ga-la-ti 5:22-23).

9.  Có người nói về “phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh.”  Vậy

      “báp-têm bằng Đức Thánh Linh” là gì?

Phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh là sự thanh tẩy tội lỗi một cách siêu nhiên và vô hình do Đức Thánh Linh thực hiện trong lòng những ai quyết định tin thờ Chúa.  Đây là việc Đức Thánh Linh làm để hiện thực hóa mầu nhiệm vượt thời gian và không gian về việc chúng ta đồng chết và đồng sống lại với Chúa Cứu Thế (Rô-ma 6:1-10) và kết hiệp chúng ta vào Hội Thánh, tức thân thể thiêng liêng của Ngài (1 Cô-rinh-tô 12:13).

Người thọ lễ đôi khi được kinh nghiệm đặc biệt như xuất thần nói tiếng lạ để ca ngợi Đức Chúa Trời ngay lúc đó (Công Vụ 19:1-7).  Mặc dù tất cả những người thành tâm tin thờ Chúa đều nhận được phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh, nhưng hầu hết đều không có kinh nghiệm đột xuất nói tiếng lạ đặc biệt ấy.  Không có ơn nói tiếng lạ không có nghĩa là không được báp-têm bằng Đức Thánh Linh.

Phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh thường xảy ra (thường xảy ra, chứ không phải lúc nào cũng xảy ra) trước phép báp-têm bằng nước.  Phép báp-têm bằng nước thấy được là hình bóng của phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh không thấy được.

10.  Thế còn “đầy dẫy Đức Thánh Linh” là sao?

Đây là cụm từ chỉ về một người tin thờ Chúa, để lòng mình hoàn toàn cho Đức Thánh Linh chiếm hữu và sử dụng.  Đức Thánh Linh sẽ điều khiển tấm lòng và trí tuệ người ấy, để người ấy sẽ mặc lấy quyền năng và khôn ngoan thiên thượng, thực hiện một cách phi thường những công việc Đức Chúa Trời giao phó. 

Kinh Thánh và kinh nghiệm theo Chúa cho thấy, thường thường khi có một tác động gì đó bên ngoài, thì Đức Thánh Linh đang ở trong chúng ta, muốn chiếm hữu chúng ta hoàn toàn hầu ban cho chúng ta sự khôn ngoan thiên thượng và khả năng phi thường để thực hiện hoặc đối phó với tình thế ấy.  Tuy nhiên, vấn đề còn tùy thuộc rất nhiều nơi chúng ta, chúng ta có muốn để cho Ngài sử dụng mình hay không.  Lắm người vì không muốn bị phiền phức khi được Chúa sử dụng, nên đã đè nén sự giục giã hay dập tắt sự bùng cháy của Đức Thánh Linh (1 Thê-sa. 5:19).  Điều đó còn có thể hiểu được, nhưng nguy hiểm hơn cả là phạm tội trọng khi nhục mạ Đức Thánh Linh (Hê-bơ-rơ 10:29; Ma-thi-ơ 12:31).

Đầy dẫy Đức Thánh Linh phải là khát vọng cao quý của những người tin thờ Chúa, vì hiện nay chúng ta đang sống trong thời kỳ của Đức Thánh Linh hoạt động.  

11.  Xin đơn cử một vài trường hợp của một người đầy dẫy Đức

      Thánh Linh, xem người ấy sẽ làm gì.

      Khi một người được đầy dẫy Đức Thánh Linh, người ấy sẽ...

1)       Ca ngợi Đức Chúa Trời

             Xa-cha-ri ca ngợi Chúa (Lu-ca 1:67)

      Các môn đồ trong Lễ Ngũ Tuần ca ngợi những việc quyền năng

      diệu kỳ của Đức Chúa Trời (Công Vụ 2:11)

 

2)       Khen ngợi người hiến thân phụng sự Chúa

Bà Ê-li-sa-bét chúc mừng cô Ma-ry vì cô Ma-ry đã tin cậy Chúa và vâng lời Ngài.  Số là cô Ma-ry đã hy sinh danh dự và hạnh phúc cá nhân để Đức Chúa Trời dùng cô mang Chúa Cứu Thế vào đời. (Lu-ca 1:41-45).

3)       Dạn dĩ rao truyền Đạo Chúa

Phi-rơ dạn dĩ rao giảng Đạo Chúa cho những người có quyền thế.

Bấy giờ Phi-rơ được đầy dẫy Đức Thánh Linh và nói với họ: “Kính thưa quý vị lãnh đạo của dân, kính thưa quý vị trưởng lão: Nếu ngày nay chúng tôi bị hạch hỏi vì một việc tốt đã làm cho một người tật nguyền rằng thể nào mà người ấy được lành mạnh thì xin tất cả mọi người trong quý vị và toàn dân I-sơ-ra-ên hãy biết rằng: nhờ danh của Chúa Cứu Thế Giê-su, người Na-xa-rét, Đấng quý vị đã đóng đinh trên thập tự giá, Đấng Đức Chúa Trời đã làm cho từ cõi chết sống lại, chính là nhờ danh Ngài mà người nầy được mạnh khỏe và đứng trước mặt quý vị đây..” (Công Vụ 4:8-10).

 

Tôi con Chúa dạn dĩ rao giảng Đạo Chúa cho mọi người.

Khi họ cầu nguyện xong, nơi họ đang nhóm họp rúng động; họ được đầy dẫy Đức Thánh Linh, và rao giảng Đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ. (Công Vụ 4:31).

4)       Phụ gánh vác công việc nhà Chúa

Vậy thưa anh chị em, xin hãy chọn trong vòng anh chị em bảy người có tiếng tốt, đầy dẫy Đức Thánh Linh, và khôn ngoan, để chúng tôi sẽ trao nhiệm vụ nầy cho họ.  Còn chúng tôi, chúng tôi phải chuyên tâm vào sự cầu nguyện và chức vụ giảng dạy Lời Chúa.  (Công Vụ 6:3-4).

5)       Cương quyết đương đầu với những người chống đối Đạo Chúa và ngăn trở người ta tin Chúa

Phao-lô đương đầu với thầy pháp Ê-ly-ma và nhân danh Chúa phạt ông ấy bị mù, vì ông ta cố tình ngăn trở người ta tin thờ Chúa. (Công vụ 13:8-11)

12.  Chúng ta có cần có Đức Thánh Linh trong đời sống không?

Chúng ta rất cần Đức Thánh Linh hiên diện trong đời sống; vì Kinh Thánh dạy rằng, chúng ta phải sống theo sự dạy dỗ và hướng dẫn của Đức Thánh Linh và phải lìa bỏ, hay làm chết đi bản ngã xác thịt.  Hơn nữa, nếu Đức Thánh Linh không ngự trị trong đời sống thì chúng ta chưa phải là người thuộc về Chúa.

Anh chị em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời và Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời đang ngự trong anh chị em sao? (1 Cô-rinh-tô 3:16).

Ai không có Đức Thánh Linh của Chúa Cứu-thế thì người ấy không thuộc về Ngài. (Rô-ma 8:9).

Là một môn đồ của Đức Chúa Giê-su chúng ta phải cầu nguyện với Đức Thánh Linh thường xuyên, xin Ngài dẫn dắt mọi bước đường, mọi quyết định của đời sống chúng ta.  Sống tương giao mật thiết với Đức Thánh Linh là một phước hạnh thiêng liêng tuyệt vời.  Tiếc thay, đây là một huyền nhiệm thuộc linh vô cùng quý báu mà ít người chịu chú tâm đến và kinh nghiệm.

13.  Thế chúng ta cũng có thể cầu nguyện với Đức Thánh Linh sao?

Đúng vậy.  Chúng ta có thể cầu nguyện trực tiếp với Đức Thánh Linh cũng như chúng ta có thể cầu nguyện trực tiếp với Đức Chúa Cha hay với Đức Chúa Con.  Cầu nguyện với Đức Thánh Linh hoặc cầu nguyện với Đức Chúa Giê-su cũng là cầu nguyện với Đức Chúa Trời.

14.  Có bằng chứng gì cho biết sự tương giao với Đức Thánh Linh

      đem lại một đời sống kết quả phước hạnh chăng?

Có.  Tất cả những thánh nhân được nhắc đến trong Tân Ước đã thành công trong đời sống, tên tuổi vẫn còn được nhắc nhở ngày nay, vốn là những người bình thường như bao nhiêu người khác, nhưng vì họ đã biết chọn sống trong mối tương giao mật thiết với Đức Thánh Linh, quyết vâng theo sự hướng dẫn của Ngài, nên những người bình thường đó đã làm được những việc phi thường, và họ vốn từ những tội nhân đã trở thành những thánh nhân. 

Hội Thánh của Chúa tồn tại và phát triển đến ngày nay phần lớn đều do công của những người chọn sống trong mối tương giao mật thiết với Đức Thánh Linh và vâng phục Ngài như vậy.  Bạn cũng có thể trở thành một người như thế.