Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 57

Các Tiên Tri Giả

Trong câu 15, 16 cho đến cuối chương 7, Chúa Giê-xu chỉ nói đến một nguyên tắc lớn, đây cũng là một bài học quan trọng. Chúa nhấn mạnh vào một điểm, đó là việc vào cửa hẹp và bảo đảm là chúng ta thực sự đi trên đường hẹp đó. Nói khác đi, đây là phần hỗ trợ cho các câu 13 và 14. Trong phần này Chúa đặt vấn đề dưới hình thức một lời mời gọi hay là khuyên giục chúng ta khi vào cửa hẹp hãy đi trên đường hẹp và tiếp tục đi mãi trên con đường ấy. Chúa giải thích rõ hơn trong phần này.

Chúa vạch ra một số những nguy nan, trở ngại và vật cản mà người nào vào đường hẹp cũng sẽ gặp. Một phương diện, Chúa cho thấy rằng Phúc âm hay tin mừng không phải chỉ để nghe hay là để tán thưởng khen ngợi, nhưng luôn luôn là để áp dụng. Cũng như Gia-cơ đã dạy, điều nguy hiểm là nhìn vào gương rồi sau đó quên ngay tức khắc những gì mình vừa thấy, thay vì nhìn vào gương của luật lệ Chúa, ghi nhớ lấy và thực hành.

Đây cũng chính là đề tài Chúa tiếp tục nhấn mạnh cho đến cuối bài giảng. Trước tiên Chúa nêu lên hai điều nguy hiểm đặc biệt mà chúng ta sẽ gặp. Chúa chỉ cho cách nhận dạng hai điều ấy, và khi đã nhận dạng được, phải đối đầu như thế nào. Rồi sau khi đa biết đối đầu với hai nguy cơ này, Chúa nêu lên hình ảnh hai ngôi nhà. Một xây dựng trên đá và một xây dựng trên cát. Nhưng chủ đề từ đầu đến cuối chung cho cả ba phân đoạn là lời cảnh cáo về việc phán xét. Phán xét cũng là chủ đề chính của toàn chương 7. Ta cần nắm vững điểm này, nếu không sẽ gặp nhiều khó khăn và nan đề.

Bỏ qua chủ đề phán xét cũng là động cơ đưa đến lối truyền bá Phúc âm đơn giản và sơ thiển ngày nay. Cũng là nguyên nhân đưa đến đời sống thiếu thánh khiết mà chúng ta thường thấy. Điều đơn giản mà nhiều người thường quên là lúc nào mắt Chúa cũng nhìn thấy ta cả, và tất cả chúng ta đều đang tiến thẳng đến chỗ phán xét sau cùng.

Chúa tiếp tục nhắc lại điều ấy. Chúa trình bầy dưới các hình thức khác, nhưng lúc nào cũng nhấn mạnh về thực sự phán xét và đặc tính của cuộc phán xét. Đây không phải là phán xét phiến diện bên ngoài, nhưng là cuộc thẩm xét tâm hồn, một cuộc khảo sát toàn diện bản chất. Chúa nhấn mạnh vào cuộc phán xét tuyệt đối sau cùng và các hậu quả theo sau cuộc phán xét đó.

Trong câu 13, 14 Chúa đã bảo chúng ta tại sao chúng ta nên vào cửa hẹp. Lý do là cửa kia rộng đưa đến hủy diệt, đó là hủy diệt theo sau cuộc phán xét sau cùng đối với kẻ vô đạo. Vì quan trọng nên Chúa nhắc đi nhắc lại. Nhắc đi nhắc lại cũng chính là phương pháp giáo dục tốt, vì Chúa biết chúng ta thường chai lì, chậm chạp, và cứ cho là mình đã biết một điều nào đó mà thực sự mình chưa biết, và cần được nhắc lại cho nhớ thường xuyên về cùng một sự việc. Chúng ta cũng phải nhận rằng rất khó nhớ những nguyên tắc căn bản này. Trong quá khứ, người ta thường có nhiều phương cách để giúp nhau ghi nhớ các lời dạy của Chúa. Chẳng hạn như tổ chức học thuộc lòng nhiều đoạn Kinh-thánh hay là viết những câu Kinh-thánh quan trọng bằng chữ lớn, đóng khung treo trên tường.

Chúa Giê-xu nhắc lại cho chúng ta nhớ các điều này bằng cách đặt trước chúng ta hai lời cảnh cáo. Lời cảnh cáo thứ nhấ là về các tiên tri giả. "Hãy coi chừng các tiên tri giả, là những kẻ đến với các con trong lốt chiên, nhưng bên trong là muông sói dữ tợn." Hình ảnh mà ta nên ghi nhớ là: chúng ta đang đứng bên ngoài cửa hẹp, chúng ta đã nghe lời Chúa dạy, và quyết định làm theo. Tới đó, Chúa bảo: "Tới điểm này, một trong những điều các con phải cảnh giác nhất là nguy cơ nghe theo lời các tiên tri giả. Những kẻ này luôn luôn hiện diện, luôn luôn có mặt ở bên ngoài cửa hẹp. Đó cũng chính là chỗ họ thích nhất. Nếu các con nghe lời những kẻ ấy là hoàn toàn dại dột, vì họ ở đó chỉ cố thuyết phục các con đừng chọn cửa hẹp và đừng vào đường chật. Họ sẽ cố làm cho các con không nghe được lời ta dạy bảo."

Câu hỏi mà chúng ta đặt ngay ra là: những tiên tri giả đó là những người nào? Làm sao nhận diện họ? Các câu hỏi này không đơn giản, và lời giải thích cũng rất hay và đáng chú ý.

Chúa Giê-xu cho biết đặc điểm thứ nhất của các tiên tri giả là: mang lốt chiên, nhưng bên trong là muông sói dữ tợn. Nghĩa là thoạt tiên ta không bao giờ nghĩ rằng người ấy là tiên tri giả. Những người ấy rất tế nhị đến nỗi người tin Chúa không nhận ra ngay. Trông họ như những người thánh thiện và không ai nghi ngờ họ là giả trá. Chính vì khéo ngụy trang như vậy nên họ thật nguy hiểm.

Xin nói rõ, theo các lời giải thích, ta không thể nào cho rằng đây ám chỉ những kẻ tà giáo, cũng không phải những người thuộc giáo hội khác với Tin Lành. Đây không phải nói về cử chỉ, hành vi bên ngoài.

Tiên tri giả là những người đến với chúng ta lúc đầu có tất cả các vẻ đáng được ưa thích. Những người ấy tử tế, vui vẻ và dễ mến. Trông như tín đồ thật của Chúa và dường như nói những lời chân thật. Lời dạy của người ấy tổng quát là đúng và dùng nhiều từ thường được các người dạy lời Chúa chân chính dùng. Người ấy nói về Đức Chúa Trời, về Chúa Giê-xu, về thập giá, nhấn mạnh về tình thương, và nói y như bất cứ người tin Chúa nào khác nói. Người ấy trông như chiên hiền lành và lối sống cũng phù hợp. Vì vậy ta không có gì nghi ngờ. Một người như vậy có gì sai lạc đâu? Nếu là người giả mạo, sẽ có hai điều tất yếu xảy ra, thứ nhất là người ấy sẽ dạy sai giáo lý, và thứ hai là người ấy sẽ có lối sống sai với lời Chúa dạy. Hai điều ấy sẽ xuất hiện, và Chúa dạy: xem quả thì biết cây. Lời dạy và sống đạo không thể nào tách rời.

Làm sao ta có thể mô tả những người như vậy? Lời dạy của họ sai ở chỗ nào? Cách hay nhất để trả lời câu hỏi này là: lối dạy của những người giả mạo không có tính chất "cửa hẹp và đường chật" trong đó. Các lời dạy đều hay, đều tốt cả, nhưng không thấy nói về đường hẹp. Phương cách ở đây là tìm ra những gì người ấy không nói để biết là giả mạo. Đây cũng chính là điểm nhiều người bị lừa. Chúng ta dễ nhận ra những người nói năng sai lạc, nhưng ít ai nghĩ đến những lời nói hay nhưng bỏ ra những điều căn bản. Chúng ta thường cho là sai lầm khi người nào trắng trợn phát biểu điều không đúng, nhưng chúng ta dường như thường không hiểu người nguy hiểm hơn cả là người không nhấn mạnh về những điều chân thật.

Đây là cách duy nhất đánh giá tiên tri giả. Tiên tri giả là người nào không nói đến "cửa hẹp" hay "đường chật" trong lời dạy của người ấy. Người ấy không có gì làm xúc phạm đến con người bẩm sinh cả; người ấy làm vừa lòng mọi người. Mang lốt chiên, hấp dẫn, duyên dáng, dễ mến. Bài giảng của người ấy hay và nghe rất thoải mái. Người ấy làm vừa lòng mọi người và mọi người nói hay về người ấy. Lời giảng của người ấy không bao giờ bị ai bắt bẻ hay làm khó dễ cả. Người ấy được những kẻ vô thần ca ngợi, và người tin Chúa cũng khen. Nghĩa là dường như vừa lòng mọi người; không thấy có con đường hẹp nào trong đời người ấy, cũng không có điểm nào gọi là gây xúc phạm của thập giá cả.

Nếu đó là mô tả về tiên tri giả một cách tổng quát, chúng ta hãy nêu câu hỏi này: Nhưng "cửa hẹp" và "đường chật" nghĩa là gì? Còn nói rằng người ấy không có điểm nào gây xúc phạm trong lời giảng là sao? Chúng ta có thể trả lời bằng cách dùng các phần trích dẫn từ Kinh-thánh Cựu Ước. Phi-e-rơ trong thư thứ hai có nói rằng: "Có tiên tri giả trong dân chúng (tức là con dân Chúa trong thời Cựu ước), và hiện nay cũng có tiên tri giả ở giữa các anh em." Như vậy ta cần trở lại với Cựu Ước để xem đã ghi gì về tiên tri giả, vì loại người này thời nào cũng mang các tính chất như vậy.

Thời nào khi có các nhà tiên tri chân chính như Giê-rê-mi, thì cũng có các tiên tri giả xuất hiện. Các tiên tri giả lúc ấy chất vấn Giê-rê-mi, chống đối ông, phủ nhận ông và nhạo cười ông. Nhưng họ là những người nào? Những tiên tri giả thời Giê-rê-mi đượng mô tả là: "Chúng băng bó các vết thương của con gái dân ta sơ sài, nói rằng, cứ an tâm, an tâm, nhưng làm gì có an bình." Tiên tri giả thường là thầy giảng trấn an. Nghe lời họ ta tưởng chừng không có gì sai lạc, hư hỏng cả. Họ dĩ nhiên nhận là có chút đỉnh, không bao giờ lại bảo là không có gì tai hại. Nhưng bảo rằng, tất cả đều sẽ đâu vào đấy hết. Họ nói: "cứ an tâm, cứ an tâm, đừng nghe lời những người như Giê-rê-mi."

Những "vết thương của dân ta" ngày xưa chính là những nỗi khốn khổ trong tâm linh của con dân Chúa ngày nay. Những người đang bị tội lỗi xâu xé, cần được nghe lời chân xác của Chúa để nhận ra con đường mình đang đi là xa chân lý là đang đưa đến chỗ huỷ diệt sau cùng, và tâm hồn đang bất an vì không tìm thấy thoả mãn trong đời sống sai trái của mình. Các tiên tri giả thời nay cũng bảo: "Cứ đi nhà thờ, cứ cầu nguyện, cứ dâng tiền là Chúa sẽ ban phước cho, đừng có sợ gì cả, mọi sự rồi sẽ đâu vào đó hết, để tôi lo cho." Không khác gì "băng bó vết thương" sâu trong tâm hồn bằng những loại giẻ rách nhơ nhớp, chỉ làm vết thương thối tha, đau đớn hơn.

Trên thực tế tiên tri giả hành động ra sao? Những người có thể bị mang nhãn hiệu tiên tri giả là những người không dạy giáo lý trong bài giảng. Bài giảng nói về nhiều chuyện bâng quơ và tổng quát, không bao giờ đi sâu vào chi tiết giáo lý căn bản. Hay nói đúng hơn, không nói gì đến con đường hẹp. Những người ấy không bao giờ đề cập đến sự thánh khiết, sự công chính, cơn thịnh nộ của Chúa, mà lúc nào cũng nói về tình thương của Chúa. Nhưng người ấy không bao giờ làm cho người ta run sợ khi nghĩ đến việc đối diện với Đấng toàn thánh, toàn thiện mà mọi người đếu phải gặp. Những người ấy không nói là họ không tin những điều này, nhưng chỉ không đề cập tới mà thôi. Điều mà những người ấy nhấn mạnh về Chúa chỉ là tình thương, không có gì khác nữa. Những người này không cho rằng các thánh tính của Chúa đều giá trị ngang nhau. Nhiều điều những người ấy không nói là sai, nhưng cũng chẳng bao giờ nói những gì là chân thật và cần tuân giữ. Đó là những tính chất của tiên tri giả. Vì che giấu sự thật cũng nguy hại không khác gì tuyên truyền tà giáo. Vì vậy nên Chúa mới gọi họ là muông sói dữ tợn trong lốt chiên hiền lành. Những người ấy thật tốt, thật dễ thương, nhưng đưa người ta vào chỗ huỷ diệt vì không bao giờ cho người ta biết về sự thánh khiết, sự công chính và cơn thịnh nộ đoán phạt của Chúa đối với tội nhân.

Một giáo lý khác mà tiên tri giả không bao giờ nhắc tới là cuộc phán xét sau cùng và số phận diệt vong của kẻ có tội. Tiên tri giả không bao giờ đề cập đến các lời dạy trong thư Phi-e-rơ thứ hai. Những người ấy cố tránh vì không hợp với chủ trương của họ. Nhiều khi những người thuộc tiên tri giả còn cho là các chương sách nói về cuộc đoán phạt của Chúa không nên đưa vào Kinh Thánh nữa. Trong các thư như Giu-đe, thư thứ nhất của Giăng và ngay trong bài giảng trên núi, đều đề cập đến những hạng người gọi là tiên tri giả này.

Tiên tri giả cũng là những người không nhấn mạnh về tình trạng tội lỗi và tính bất lực của con người về số phận của mình. Về một phương diện, những người này không thực sự cho là có tội lỗi, và cũng không nói về bản chất độc hại của tội. Họ không nói rằng chúng ta đếu là những người vô tội, nhưng chỉ nói rằng tội không có gì đáng quan tâm lắm. Nói đúng hơn, họ không nói về tội ác, mà chỉ nói về tội cá nhân hay tội đặc biệt nào đó mà thôi. Họ không nói đến bản chất sa ngã của con người, và con người hoàn toàn bị xa cách với Chúa là Nguồn Sống. Cũng không đề cập đến việc toàn thể nhân loại đồng lòng phạm tội và nhất là tất cả chúng ta đã phạm tội hụt mất vinh quang của Đức Chúa Trời. Họ không nói đến tình trạng phạm tội quá đầy tràn mà Tân Ước nói đến, hay là con người thực sự đã chết trong tội, và hoàn toàn không có phương cách nào giải cứu và tuyệt vọng. Vấn đề là những tiên tri giả khôn nói đến các việc này, và người tin họ cứ tưởng rằng họ cũng tin như vậy. Thật ra họ không nói ra những điều mà họ không tin. Vì nếu tin, họ bắt buộc đã phải nói ra rồi.

Các tiên tri giả có thể cũng nói về Chúa Giê-xu, về thập giá và cái chết của Chúa. Nhưng quan trọng hơn cả là quan niệm của họ về cái chết ấy như thế nào? Vì có nhiều quan niệm hoàn toàn sai lạc về cái chết của Chúa và hoàn toàn ngược lại với niềm tin chân chính mà Kinh Tân Ước dạy. Ta có thể trắc nghiệm quan niệm về cái chết của Chúa bằng câu hỏi này:

Quan niệm ấy có công nhận rằng Chúa Giê-xu phải chết trên thập giá vì đó là cách duy nhất để chuộc tội và đền tội cho nhân loại hay không? Người tiên tri giả ấy có tin rằng Chúa hi sinh trên thập giá là để thay thế cho chính ông ta và Ngài chịu treo trên cây gỗ là vì tội phạm và sự trừng phạt tội của chính ông ta hay không? Ông ta có tin rằng nếu Đức Chúa Trời không trừng phạt tội của ông ta trên thân xác Chúa Giê-xu, thì Ngài cũng không tha thứ tội cho ông ta được hay không? Ta thấy rằng nếu chỉ nói không về Chúa Giê-xu, về cái chết của Chúa và về thập giá thì chưa đủ. Người tiên tri giả sẽ không nói về giáo lý chuộc tội như vừa kể trên đây. Người ấy sẽ chỉ nói về thập tự, về những người đứng quanh cây thập tự và tỏ vẻ thương hại Chúa. Người ấy không có tinh thần truyền giảng về thập tự như Phao lô, nghĩa là nói đến sự xúc phạm đến thập giá, lời giảng của người ấy không được người Hi-lạp coi là điên dại và người Do-thái cho là vật cản.

Người tiên tri giả cũng là người không nhấn mạnh về việc ăn năn trong nghĩa chân thật nhất. Ăn năn chân thật nghĩa là nhận mình là một tội nhân xấu xa nhất trước hiện diện của Chúa, chỉ đáng bị trừng phạt và xuống hỏa ngục của Chúa dành cho kẻ phạm tội và ma quỷ. Ăn năn thật là tự nhận thấy có tội trong mình, mong muốn tẩy rửa, từ bỏ, quay lưng lại dưới mọi hình thức. Từ chối trần gian với bất cứ giá nào, từ chối cả chính mình để vác thập giá theo Chúa. Những người thân nhất trong gia đình hay họ hàng có thể chê ta là điên cuồng hay là say đạo. Ta có thể bị nghèo thiếu, mất việc nhưng không màng. Đó chính là ăn năn thật. Tiên tri giả không nhấn mạnh ăn năn như thế, mà chỉ hối thúc đến với Chúa, theo Chúa, tin Chúa đi, một cách rất mơ hồ.

Sau cùng, tiên tri giả không nhấn mạnh về việc cần thiết phải vào cửa hẹp và đường chật cũng không bảo ta phải thực hành Bài Giảng Trên Núi

Trên đây chỉ là một ít nét về tiên tri giả. Những người này thường nói đến tính cách dễ dàng của một cuộc cứu rỗi, một đời sống thoải mái an bình. Nhưng không nói đến vấn đề tự xét mình, mà chỉ khuyên cứ nhìn lên Chúa.

Nhiều người ngày nay không thích nghe loại bài phân tích về tiên tri giả như thế này, vì nghĩ rằng đạo nào cũng tốt. Những người cùng nói về Chúa phải hòa thuận với nhau và không nên khích bác nhau. Nhưng ta nên nhớ lời Chúa dạy: "Hãy coi chừng các tiên tri giả." Dĩ nhiên đây là lời căn dặn về những người sai lạc giả dối, chứ không phải để phân biệt các giáo phái với nhau.

Tại sao hội thánh trở thành yếu nhược và kém hiệu năng? Có lẽ chỉ vì người giảng truyền lời Chúa chưa trung thực và người nghe lời Chúa chưa chịu thực hành.

Tuy nhiên cũng phần lớn vì hội thánh bị pha trộn nhiều loại người chỉ trục lợi chứ không quan tâm về con đường hẹp và lối sống gương mẫu ở đời.

Tuy nhiên mỗi chúng ta cần đến với Chúa hằng ngày, xin Chúa tha tội và ban cho một đời sống an nghỉ trong Chúa, nghĩa là không còn tìm những thức ngon vật lạ nữa, nhưng bằng lòng với lời Chúa dạy và đứng vững trong lời đó luôn luôn.

Cầu xin chúa cho chúng ta thấu triệt lời Chúa để khỏi bị những tiên tri giả dẫn dụ hay chính mình trở thành tiên tri giả.