Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 58

Cây và Quả

Trong bài nghiên cứu về Ma-thi-ơ 7:15-20 chúng ta đã thấy Chúa nhấn mạnh về việc đề phòng tiên tri giả. Đối với nhiều người thì đây là một việc làm khó, vì Chúa vừa dạy là không nên xét đoán để khỏi bị xét đoán. Nhưng đây chính là lời của Chúa Giê-xu. Chỗ khác Chúa còn gọi những tiên tri giả đương thời là "những mồ mả tô trắng". Đây không phải là xét đoán, nhưng là vạch ra những thành phần làm hại cho Hội Thánh hơn là xây dựng.

Chúa dạy thêm: "Các con nhờ quả trái mà biết cây. Nào ai có hái trái nho nơi bụi gai, hay là trái vả nơi bụi tật lê? Vậy hễ cây nào tốt thì sinh quả trái tốt, nhưng cây nào xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt chẳng sinh được trái xấu, mà cây xấu cũng không sinh được trái tốt. Hễ cây nào chẳng sinh trái tốt thì phải đốn mà bỏ vào lửa. Ấy vậy các con nhờ quả trái mà biết cây."

Ta để ý thì thấy rằng Chúa mở đầu và kết thúc bằng câu này: "Các con nhờ quả trái mà biết cây."

Trước tiên chúng ta phải định nghĩa rõ "xấu" là gì. Chúa dạy: "Cây nào tốt thì sinh trái tốt, nhưng cây nào xấu thì sinh trái xấu." "Xấu" đây không có nghĩa là hư thối vì một cây đã chết thì không khi nào ra trái được. Điểm này rất quan trọng, vì Chúa lưu ý ta về việc quan sát bề ngoài của cây và quả trái mà cây ấy sinh ra. Cây cối trông bề ngoài đều như nhau cả nhưng cây trông bình thường, không có gì xấu kia, không nhất thiết sinh ra cùng một loại trái. Cây này có thể sinh trái tốt, cây khác sinh trái xấu. Ngay khi nói trái xấu đây cũng không hàm nghĩa trái hư thối, mà chỉ có nghĩa là không ngon, không ngọt mà thôi. Dẫn chứng của Chúa Giê-xu là so sánh hai loại cây khi nhìn bên ngoài dường như giống nhau, nhưng khi xét đến quả trái mà mỗi cây sinh ra mới thấy khác biệt nhiều. Một loại trái ăn được, loại trái kia thì không. Tính chất của trái là biểu tượng của đời sống, hành vi và thái độ.

Tuy nhiên trước khi vào chi tiết, ta phải chú trọng vào nguyên tắc mà Chúa đưa ra ở đây. Đó là, làm một người tin Chúa Giê-xu không phải chỉ là tên gọi, nhưng có liên quan đến cá tính, đến lẽ sống, đến căn bản. Hình ảnh về tính chất, bản sắc của những cây này và quả trái mà nó sinh ra nói lên tư cách của một người tin Chúa thật hay không thật. Đây cũng chính là điểm để xét mình hay xét người. Chúa muốn ta đừng bị lừa vì hình sắc bề ngoài. Cũng như các tiên tri giả vốn là muông sói mà đội lốt chiên. Nói khác đi, đây là lời cảnh cáo về cái bề ngoài làm ra vẻ người tin Chúa, nhưng thực sự không phải. Ta đã thấy loại người giả hiệu này khi phân tích về giáo lý và cách giảng dạy của họ. Một người có thể trông dường như đang giảng truyền Phúc âm, nhưng khi trắc nghiệm cẩn thận mới thấy là không phải như thế. Trong cách sống và hành vi cũng vậy. Mối nguy ở đây là cố trở thành người tin Chúa bằng cách thêm vào cuộc đời mình một số điều, thay vì trở thành một con người mới hoàn toàn, thay vì nhận được sự sống mới từ bên trong, thay vì bản sắc được đổi thay theo hình ảnh Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Chúa chú trọng vào chính con người ở đây. Một người có thể nói theo đúng cách, có vẻ như sống đúng đường, tuy nhiên, theo Chúa Giê-xu người ấy vẫn có thể là một kẻ giả mạo hay một tiên tri giả. Người ấy có thể có bề ngoài như tín đồ của Chúa, nhưng thực sự thì không. Đây cũng chính là nguồn gốc của mọi khó khăn và nguy hại trong lịch sử dài của Hội Thánh. Chúa Giê-xu cảnh cáo ngay từ ban đầu để chúng ta nắm lấy nguyên tắc này, đó là, trở thành tín đồ của Chúa Giê-xu là một sự thay đổi toàn diện đời sống và bản chất của một con người. Đây là giáo lý về tái sinh. Nếu không có cuộc thay đổi trong bản sắc, thì dù có làm việc gì đi nữa, con người mạo vẫn là mạo xưng. Vì Chúa Giê-xu nhấn mạnh rằng: "Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? Nhân danh Chúa mà trừ quỷ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao?" Ta có thể nhìn thấy một người làm rất nhiều việc trong đời, nhưng chính con người của người ấy không thay đổi. Dù người ấy có nói hay, nói đúng đến đâu vẫn chẳng có giá trị gì.

Điều này có thể xẩy ra đối với đời sống và hành vi. Cơ-đốc-giáo khác hẳn các tôn giáo khác trong điểm này, vì tâm hồn phải được đổi mới. Trong Kinh-thánh, tấm lòng hay tâm hồn không phải chỉ là tình cảm, nhưng là trung tâm của con người.

Một chỗ khác trong Phúc Âm ghi lại câu chuyện người thuộc Do-thái giáo phê bình môn đệ Chúa là không giữ lễ rửa tay trước khi ăn theo truyền thống, Chúa bảo họ: "Điều làm nhơ bẩn người là từ trong lòng mà ra." Nghĩa là không phải những gì ta làm bên ngoài như rửa tay, rửa chén đĩa, không phải những gì ở ngoài vào làm nhơ bẩn, mà những gì ở trong ra. Tức là con người mới chính là chỗ nên chú trọng. Chúa muốn nói rằng, hễ trong lòng có gì thì hãy phát biểu như thế. Phát biểu đúng điều mình tin, mình sống và dạy.

Giả như về giáo lý, ta có thể phân biệt tiên tri giả khi họ không đề cập đến một số giáo lý căn bản. Trong đời sống và hành vi của một người cũng vậy, ta có thể thấy được một người giả mạo nhờ các nguyên tắc sau đây:

Nguyên tắc thứ nhất là: niềm tin và đời sống phải kết chặt không thể rời bỏ. Khi một người quan niệm như thế nào thì đời dống người ấy cũng như vậy. Nghĩa là con người của mình phải phù hợp với điều mình tin nhận. Đây không phải là một cuộc trình diễn đời sống cho ra vẻ phù hợp với niềm tin, nhưng khi ta tin điều gì thật sự thì ta sẽ tự nhiên sống như thế. Ta không thể nào hái nho trong bụi gai, hay hái trái vả trong bụi tật lê; vì cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt. Ta không nhìn bên ngoài mà xét vào tận tính chất của đời sống.

Ta có thể bị đánh lừa một thời gian, nhưng không lâu. Người Thanh Giáo ngày xưa rất thích giao dịch với những người mà họ gọi là Tín đồ tạm thời. Đó là những người chịu ảnh hưởng của Phúc Âm, trông ra vẻ chân thật và thay đổi. Những người như thế nói những điều rất đúng và có những thay đổi trong dời sống. Nhưng người Thanh Giáo vẫn gọi họ là Tín đồ tạm thời vì sau đó có các bằng cớ là họ chưa bao giờ thực sự là người tin Chúa. Các trường hợp như thế thường xảy ra trong những cuộc truyền giảng Phúc âm hay phục hưng. Nơi nào có cuộc thức tỉnh hay có những việc Chúa làm, thì cũng thường xuất hiện những người theo dòng nước cuốn đi. Những người ấy không thực sự biết có gì đang xảy ra, nhưng chỉ thấy xúc động nhất thời rồi sau đó tàn lụi đi.

Nhiều khi ta phải đợi mới thấy bằng chứng chân thật. Chúa lại thấy ngay từ ban đầu. Con người thật trước sau cũng lộ nguyên hình. Con người ấy lộ ra khi nói năng, giảng dạy, và cũng lộ ra trong lối sống nữa. Đó là điều không thể tránh được. đó cũng là ý nghĩa của câu: "Nào có ai hái trái nho nơi bụi gai, hay trái vả nơi bụi tật lê?" Bên trong ra sao thì trước sau cũng lộ ra vẻ ngoài. Chú trọng vào quả trái bao giờ cũng sẽ thấy được sự thật.

Chúng ta hãy xét chi tiết về bản sắc và tính chất của quả tốt. Chúng ta phải tìm quả tốt trong chính mình và trong người khác. Ta cần cẩn thận, vì sẽ có kẻ đứng bên ngoài đường chật và cổng hẹp mà bảo rằng: "Anh không cần làm như thế, Đây là con đường này!" và ta có thể bị họ dẫn đi lạc. Vì vậy ta cần học cách phân biệt. Khi nghiên cứu về trái, ta phải để ý đến chi tiết tế nhị này. Có những mẫu đời sống trông hệt như tin Chúa thật, nhưng rất là nguy hiểm. Kẻ thù nguy hiểm nhất của đạo Chúa không phải là những thế lực bên ngoài, nhưng lại chính là những kẻ giả mạo bên trong.

Trong Phúc Âm Ma-thi-ơ 7:15-20 Chúa Giê-xu dạy:

Chúng ta đã nghiên cứu qua phần tiên tri giả, và đã phân tích việc xem quả mà biết cây, tức là phân biệt người tin Chúa thật và giả. Hôm nay xin tiếp tục phần thử nghiệm giữa thật và giả.

Nhiều khi chúng ta qua quan tâm về tình trạng băng hoại của xã hội bên ngoài mà bỏ qua những hư hỏng bên trong giáo hội. Giáo hội đang bị đời xâm nhập nhiều hơn là đời bị giáo hội xâm nhập. Người ta đem đời vào đạo thay vì đạo vào đời. Chính vì vậy mà có những người tín đồ giả hiệu của đời lồng vào đạo. Đây là một nan đề tế nhị cần phải thí nghiệm bằng nhiều phương cách mới tìm ra được.

Thí nghiệm có thể vừa tổng quát, lại vừa chuyên biệt cho từng trường hợp.

Trước tiên, chúng ta nhìn vào một người tự xưng là người tin Chúa. Người ấy không nói điều gì sai lạc với giáo lý và có vẻ sống một cuộc sống tin Chúa tốt. Làm sao có thể thí nghiệm xem người ấy có thật tin Chúa hay không? Ta nên nhớ rằng có những người sống tốt, đạo đức, không làm điều gì tai hại, giống y như người tin Chúa, nhưng vẫn có thể không tin Chúa. Ta có thể đặt các câu hỏi trắc nghiệm sau đây:

Tại sao người ấy sống cuộc đời như vậy? Có nhiều lý do, có thể là vì bẩm sinh tính tình người ấy như thế. Người ấy có tính tốt, không ồn ào, không có những tính hư tật xấu. Đây là một loại người tốt cả về thể chất lẫn tinh thần.

Câu hỏi thứ hai, người này sống cuộc đời như vậy vì có một niềm tin nào đó hay là có theo một hệ thống luân lý đạo đức nào không? Có những người đọc sách, theo một số triết lý sống đông phương cương kỷ, lành mạnh và sống rất thánh thiện, đến nỗi có khi người ta bảo rằng, không có đạo mà còn hơn có đạo nữa. Nhưng có đời sống đạo đức cũng không quan hệ gì đến việc có tin Chúa thật hay không. Các triết gia Hi-lạp thời xưa đã có những lối sống rất sâu nhiệm và dạy về các nguyên tắc luân lý đạo đức trước khi Chúa Giê-xu vào đời nữa, nhưng đối với tin mừng cứu rỗi của Chúa Giê-xu, nhiều khi các triết gia này lại là những người chống đối cực kỳ mãnh liệt. Chính họ là những người gọi việc giảng thập tự giá là điên dại.

Câu hỏi thứ ba, Người ấy sống cuộc đời tốt lành như vậy có phải tư khi người ấy tin Chúa và theo lời Chúa mà áp dụng vào cuộc đời mình hay không? Nếu không phải vì niềm tin nơi Chúa mà người ấy sống đời thiện lành như vậy thì không có giá trị gì cả. Nếu người ấy tự xưng là người tin Chúa chỉ vì bẩm sinh đã là người có tính hiền tốt, thì chỉ là một loại quả trái mà Chúa gọi là xấu mà thôi. Ta nên nhớ rằng lời Chúa dạy rằng: Tất cả những công đức thánh thiện của loài người chúng ta chỉ là những giẻ rách hôi hám trước Chúa toàn thánh, toàn thiện. Vì nếp sống thánh thiện theo mắt người đời là những con người tội lỗi thật là đáng khen, nhưng so với tiêu chuẩn của Chúa vẫn còn thiếu hụt, chưa hội đủ tiêu chuẩn vinh quang của Chúa. Vì chỉ con người tin Chúa thật, được Chúa tha tội và ban cho bản tính mới mới thật sự có giá trị trước mắt Chúa mà thôi.

Đó là những trắc nghiệm tổng quát. Ta hãy xem thử một vài trắc nghiệm chuyên biệt. Trắc nghiệm này không phải chỉ để phán xét người nào khác, nhưng cũng là để nghiệm xét chính mình chúng ta nữa, vì vậy nên cẩn thận. Trắc nghiệm này vừa tiêu cực lại vừa tích cực.

Tiêu cực nghĩa là, nếu một người không phải là một tín đồ thật của Chúa, nếu người ấy không tin giáo lý căn bản chân chính, thì chắc chắn chúng ta trước sau cũng sẽ thấy trong đời sống người ấy có một khuyết điểm, hay một thất bại nào đó trong việc tuân giữ đúng bản chất của người tin Chúa thật. Người ấy có thể không phạm lỗi gì trắng trợn như say sưa, trộm cắp hay giết người chẳng hạn, nhưng nếu người ấy không thực sự tin vào những giáo lý căn bản Chúa dạy, thì trước sau cũng sẽ thấy có vi phạm luật Chúa. Nếu một người không biết hay không quan tâm đến đức thánh thiện tuyệt đối của Chúa và tình trạng vô hi vọng của tội, nếu người ấy không thấy rõ rằng sứ điệp thập tự giá là mọi công đức đạo đức của con người đều vô giá trị và tự nhận rằng người ấy là một tội nhân nhơ bẩn hoàn toàn bất lực trong việc tự cứu lấy mình, thì người ấy sẽ chứng tỏ rõ như vậy trong đời sống. Mặc dù người ấy có sống theo đúng tiêu chuẩn luân lý đạo đức chăng nữa. Vì người không công nhận giáo lý cao vời vợi về cứu rỗi này, trước sau sẽ không bước nổi trên đường hẹp, và ít nhiều sống phù hợp với đời và tiêu chuẩn của con đường rộng. Lối sống người ấy trông không khác gì người tin Chúa cho lắm, nhưng nếu quan sát kỹ vào từng chi tiết, ta sẽ thấy đó là một cuộc đời thất bại. Đây là điểm khó nói rõ từng chi tiết, nhưng tổng quát là, có người thấy không có gì sai lạc cả, tuy nhiên ta cảm thấy đời sống người ấy không hoàn toàn đúng. Dù không thấy gì để tố cáo, nhưng cảm thấy lối sống của người ấy có vẻ rất đời và không thiêng liêng gì cả.

Về phương diện tích cực, ta tìm người tín đồ thật là người sống với các bằng chứng về phước lành Chúa dạy trong chương năm của Phúc Âm Ma-thi-ơ mà chúng ta đã học. Trắc nghiệm về quả trái này không tiêu cực, nhưng tích cực. Có những quả xoài trong coq vẻ ngon ngọt, nhưng khi ăn mới thấy là rất chua. Một người tin Chúa thật phải là người phản ánh những phước lành của bài giảng trên núi. Vì cây tốt tất nhiên sinh trái tốt. Một người khi có bản chất thiêng liêng thì tất nhiên phát sinh quả trái mô tả trong tám phước lành. Người ấy sẽ có tâm hồn nghèo khó, than khóc về tội, nhu mì, đói khát về thánh thiện công nghĩa, làm người giải hòa, có lòng trong sạch v.v.

Trên đây chỉ là một vài trắc nghiệm để loại ra những người tín đồ giả hiệu. Vì các trắc nghiệm này đụng đến con người thật. Ta cũng có thể dùng trái của Thánh Linh trong Ga-la-ti để chứng nghiệm. Vì quả tốt sẽ phải có các đặc tính là yêu thương, mừng vui, an bình nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ. Những điều này không thể nào tìm thấy trong một người chỉ có đời sống đạo đức tốt theo tiêu chuẩn của đời. Đây cũng chính là quả tốt mà cây tốt sinh ra. Một người thực sự tin vào đức thánh khiết của Chúa, biết chính tình trạng tội phạm của mình, sự đóan phạt của Chúa, hỏa ngục và đau khổ đời đời, một người tin rằng mình thực sự là người xấu xa, vô hi vọng và không có ai khác hơn là Chúa Giê-xu từ trời xuống để cứu mình, Chúa đã chịu bao hổ nhục đau thương và chết để cốt đem ta trở lại với Đức Chúa Trời, nếu ý thức như vậy và tin như thế, người ấy sẽ chứng tỏ ra trong cuộc sống.

Một trong những thánh tính của người tin Chúa lhật là đức khiêm nhường hạ mình. Người nào không có đức tính này thì có thể đặt nghi vấn. Người ấy không phải chỉ đóng kịch khiêm nhường, nhưng thực sự nhu mì khiêm nhường. Con người tin Chúa tiêu biểu nhất là hạ mình trước Chúa và khiêm nhường trước mọi người. Người ấy tràn niềm vui trong Chúa, nhưng không sống bừa bãi, vô kỉ luật. Ngay đến cách ăn mặc, nói năng, cư xử cũng phản ánh đức khiêm nhường, hạ mình, chịu đựng, như thế mới chứng nghiệm cho lòng tin thật. Người khiêm nhường thường không biểu diễn bên ngoài những gì thuộc về mình, cũng không muốn tạo ấn tượng tốt về bản thân, nhưng lúc nào cũng tôn cao Chúa, và tôn trọng người khác. Đây cũng là trắc nghiệm cuối cùng để phân biệt tín đồ thật của Chúa.

Tuy nhiên dù có trắc nghiệm hay đến đâu, chỉ có Chúa mới là Đấng biết rõ tâm hồn người và định giá đúng về tình trạng của mỗi người. Ta cũng nên dùng các trắc nghiệm này để xem thử mình có thật là người tin Chúa không. Nếu tin Chúa, ta có thật sự đang sinh ra trái tốt cho Chúa hay không?

Mỗi chúng ta cần đến với Chúa mỗi ngày để xin Chúa cho mình sống thật với Chúa và có được quả trái ngon ngọt cho trần gian tội lỗi này nếm biết được và nhiều người được thu hút vào tình thương của Chúa.