Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 2

Kinh Nghiệm và Khôn Ngoan

Thông thường người ta nghĩ rằng một cách đi tìm hạnh phúc là thu góp, tiếp nhận khôn ngoan, hiểu biết trong đời này. Người Truyền Đạo nói ngay rằng việc theo đuổi tri thức loài người cũng là chuyện hư không. Ông ta đã đem kinh nghiệm bản thân ra để minh chứng điểm này. Ông nói: Ta chuyên lòng lấy khôn ngoan mà tra khảo mọi việc làm ra dưới trời..

Chữ "lòng" trong câu này theo nguyên nghĩa là khả năng tinh thần của cá nhân, vì vật có thể hiểu là tâm trí. Nói khác đi, tác giả đã quyết định, đặt mục tiêu của đời mình là theo đuổi tri thức về đời. Tác giả nói đến cái khôn ngoan của trần thế. Ông ta nói đến cuộc đời không có Chúa, khôn ngoan không đặt cơ sở trên ý chỉ và mục đích của Chúa. Vì chuyên lòng học hỏi, ông ta tự phụ là người khôn ngoan hơn tất cả những bậc tiên bối từng sống tại Giê-ru-sa-lem.

Khôn ngoan là dụng cụ của tác giả để thử nghiệm tất cả. Chúng ta cũng cần nhớ rằng, khôn ngoan trần thế là điều cao nhất mà con người có thể đạt đến được. Nghĩa là tri thức hay nhất, lý luận giỏi nhất. Tất cả những điều đó đều thực hiện dưới ánh mặt trời, nghĩa là trong cái khung cảnh hạn hẹp của đời người trên mảnh đất mà con người từng sa ngã và mọi sự vật đã nhuốm màu tội ác.

Tác giả muốn cho thấy rằng, khi cố gắng giải quyết các vấn đề của nhân sinh bằng suy tư, ý nghĩ của con người tội lỗi thì hậu quả sẽ ra như thế nào.

Ta nói đến niềm khao khát tri thức của con người.

Con người không bao giờ thỏa mãn trong lĩnh vực tri thức và người Truyền Đạo nói rằng: Đó là một việc lao khổ mà Chúa đã giao cho loài người để lo làm. Nghĩa là khát khao tri thức là điều Chúa đã đặt vào đời sống của mỗi chúng ta. Mặc dù nhiều người không biết Chúa là ai, nhưng tất cả mọi người đều vẫn có một thúc đẩy sâu xa trong việc đi tìm chân lý. Con người không bao giờ chịu an nghỉ, luôn luôn tò mò tìm kiếm và chính Đấng Tạo Hóa đã đưa đặc tính ấy và trong con người. Việc theo đuổi tri thức không phải là đơn giản, và việc tìm kiếm khôn ngoan tri thức không có gì là sai lầm. Nhưng tìm kiếm khôn ngoan mà loại bỏ Chúa là sai lầm.

Người ta thất vọng chán chường là vì hướng đi đã không đặt đúng. Hay nói khác đi, có câu hỏi đúng, nhưng đặt ra với những đối tượng không trả lời được. Tìm chân lý bằng những dụng cụ không thích hợp. Người Truyền Đạo khẳng định: lòng khao khát khôn ngoan sẽ không bao giờ thỏa mãn nếu loại bỏ Chúa.

Điểm thứ hai ta cần nói đến là: Con người không thể thay đổi được điều gì trong đời sống.

Người Truyền Đạo nói rằng: Mặc dù con người có thỏa mãn cơn khát khao khôn ngoan đi chăng nữa, thì cái khôn ngoan của con người cũng không cung cấp cho khả năng thay đổi đời sống. Chương 1 câu 15 ghi:

Vật chi đã cong vẹo không thể ngay lại được, và vật gì thiếu không thể đếm được.

Trong chương 7 câu 13, 14 ghi:

Hãy xem xét công việc của Đức Chúa Trời, vì vật gì Ngài đã đánh cong, ai có thể làm ngay lại được? Trong ngày thới thạnh hãy vui mừng, trong ngày tai nạn hãy coi chừng; vì Đức Chúa Trời đặt ngày này đối với ngày kia, hầu cho người đời chẳng thấy trước được đều gì sẽ xẩy ra sau mình.

Đọc những câu này chúng ta thấy trước mắt mình một con người không có thể thay đổi điều gì trong đời sống mặc dù đầy đủ khôn ngoan. Chúng ta không thể thay đổi hoàn cảnh, thay đổi bất công. Không thể nào tạo ra cái gì toàn hảo từ trong cái bất toàn của tâm trí giới hạn. Tự con người không thể nào sửa đổi được bệnh hoạn và những thảm kịch của cuộc đời. Vì thế giới này là cả một cõi đau khổ đầy nước mắt. Nơi nào cũng có bât an, thiếu thốn, đau lòng, khó khăn và sợ hãi. Con người không tài nào giải quyết các vấn đề này. Nói cho đúng ra, tri thức trong trần gian chỉ tìm ra thêm nhiều nan đề, mà không giải quyết gì được cả.

Chúng ta thường hay bất mãn vì những chuyện bất công, hay là những điều độc ác xảy ra trong xã hội. Chúng ta nên nhớ rằng Chúa vẫn là Đấng Chủ Tể và các đều ác hay điều thiện đều có thể nằm trong chương trình của Ngài. Nhà Truyền Đạo nói: Trong ngày thới thạnh hãy vui mừng, trong ngày tai nạn hãy coi chừng, vì Chúa đặt ngày này đối với ngày kia hầu cho người đời chẳng thấy trước được điều gì sẽ xẩy ra sau mình.

Sứ đồ Phao-lô về sau cũng dạy: Chúng ta biết rằng mọi việc hợp lại đều có ích cho người yêu mến Chúa. Mọi việc nghĩa là cả tốt lẫn xấu. Chúa không bao giờ bị giới hạn bởi những lỗi lầm của con người. Ngài cũng không bao giờ bị giới hạn bởi những đợt tấn công của Sa-tăng. Thiện hay ác, tốt hay xấu Ngài đều sử dụng được cả.

Không có Thượng Đế hay loại bỏ Thượng Đế thì đời sống hoàn toàn vô lý và cuộc đời thật là vô hi vọng. Khi chúng ta nhìn đời qua lý luận của con người, chúng ta thấy rằng đời quá vô nghĩa. Nhưng khi nhìn đời theo quan điểm của Chúa, thì mọi sự việc trong đời này đâu sẽ vào đấy cả. Thượng Đế vẫn dùng những thuận cảnh, nghịch cảnh, ngày tốt, ngày xấu để thực hiện ý định của Ngài. Ta cũng nên nhớ rằng Chúa không phải là tác giả của điều ác. Sứ đồ Gia-cơ đã minh định rằng Thượng Đế không làm điều gì sai trái và chẳng bao giờ cám dỗ ai.

Điều ác và tội phạm hoàn toàn là do Sa-tan đưa đến trong nhân gian. Nhưng Chúa không bao giờ bị điều ác cản trở, Ngài luôn luôn hành động để đạt đến mục đích của Ngài.

Theo Truyền Đạo, dù khôn ngoan đến đâu, con người cũng thấy mình không thể nào thay đổi được tình trạng của cuộc đời này. Khôn ngoan mà chúng ta thu nhận được trong cuộc đời sẽ thật hữu ích và có ý nghĩa nếu chúng ta bằng lòng tôn thờ Chúa và để cho Ngài hướng dẫn. Mỗi người cần đặt mục tiêu tìm hiểu Thượng Đế như là điểm chính yếu của cuộc đi tìm khôn ngoan, vì Chúa là nguồn gốc của tất cả những gì ta muốn tìm kiếm.