Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Nơi Nương Cậy Đời Đời

Thi-thiên 27:1-14

"Đức Giê-hô-va là ánh sáng và là sự cứu rỗi tôi: Tôi sẽ sợ ai? Đức Giê-hô-va là đồn lũy của mạng sống tôi: Tôi sẽ hãi hùng ai?" (câu 1).

Câu hỏi suy ngẫm: Hãy tóm lược những nghịch cảnh, những kẻ thù mà ông Đa-vít phải đối đầu. Ông Đa-vít bày tỏ đức tin nơi Đức Chúa Trời như thế nào? Ông nguyện cầu điều gì? Bạn học được gì từ ông Đa-vít khi ông bị chống đối, công kích? Bạn áp dụng thế nào?

Ông Đa-vít tiếp tục đặt lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời là Đấng giải cứu. Đối với ông, Ngài là đồn lũy của mạng sống mình, có nghĩa là nơi trú ẩn an toàn của ông. Khi bị kẻ thù tấn công, mắt ông Đa-vít không chú nhìn vào họ nhưng nhìn vào Đức Chúa Trời. Cũng vậy, chúng ta đừng nhìn vào nghịch cảnh, hoặc những người tìm cách tấn công mình, hãy ngước mắt lên, nhìn vào Đức Chúa Trời, Đấng kiểm soát mọi hoàn cảnh. Ngài là Đấng Cứu Chuộc, là đồn lũy vững bền cho mạng sống chúng ta.

Ông Đa-vít nguyện cầu được ở trong nhà Đức Chúa Trời trọn đời (câu 4). Ý của ông là luôn được thông công với Đức Chúa Trời để chiêm ngưỡng sự vinh hiển và tốt lành của Ngài. Chỉ ở trong Đức Chúa Trời, ông Đa-vít mới thật sự được an toàn. Đền thờ là biểu tượng về sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Ở trong nhà Đức Chúa Trời, hay ở trong đền thờ, là ở trong sự hiện diện của Ngài. Tuy nhiên, không chỉ ở trong nhà thờ, nhà nguyện, chúng ta mới có thể bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời, đấy chỉ là nền tảng cho chúng ta luôn luôn bước vào sự hiện diện của Chúa ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào qua sự cầu nguyện. Một trong những mục tiêu lớn mà chúng ta phải theo đuổi là cứ ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời và trong sự dẫn dắt của Thánh Linh Ngài trọn đời.

Sau khi bày tỏ sự tin cậy hết lòng vào Đức Chúa Trời, giờ đây ông Đa-vít cầu xin Ngài che chở ông khỏi những người thù nghịch. Ông Đa-vít biết sự yếu đuối của mình nên ông không tin cậy vào chính mình, nhưng tin cậy vào Đức Chúa Trời. Là con người, chúng ta cần hiểu sự yếu đuối của bản thân mình. Đức tin và tâm trạng của ông Đa-vít thường thay đổi: khi vững tin, khi hoài nghi, lúc vui, lúc buồn. Tương tự, chúng ta cũng dao động giữa đức tin và sự sợ hãi, đây là lý do tại sao những kinh nghiệm của ông Đa-vít thật gần gũi với chúng ta.

Có lẽ ít khi chúng ta bị chống đối và bị bức hại dữ dội như ông Đa-vít. Tuy nhiên, chúng ta không thể tránh bị chống đối hoặc bị công kích bằng lời nói. Khi điều này xảy ra, chúng ta không nên đáp trả theo cách của những người chống nghịch mình. Tốt hơn hết là đem sự thể trình bày với Đức Chúa Trời để Ngài giúp đỡ và bảo vệ chúng ta.

Nếu bị chống đối vô cớ, bạn sẽ làm gì?

Tạ ơn Chúa vì Ngài luôn luôn là nơi nương náu của con. Con mong ước được ở trong sự hiện diện của Ngài trọn đời như ông Đa-vít.

(c) 2024 svtk.net