Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 13

Tinh thần phù phiếm

Một điều ảnh hưởng rất mạnh tới đức tính của người tin Chúa là bị cám dỗ chạy theo tinh thần phù phiếm hay đời sống phù phiếm. Có hai khúc Kinh-thánh nói đến lối sống phù phiếm này.

Thứ nhất là Truyền Đạo 2:1,2 Ta lại nói trong lòng rằng: Hè! hãy thử điều vui sướng và nếm sự khoái lạc: kìa, điều đó cũng là sự hư không. Ta nói: Cười là điên; vui sướng mà làm chi?

Thứ hai là TĐ 7:1-6: Danh tiếng hơn dầu quí giá; ngày chết hơn ngày sanh. Đi đến nhà tang chế hơn là đến nhà yến tiệc; vì tại đó thấy sự cuối cùng của mọi người; và người sống để vào lòng. Buồn rầu hơn vui vẻ; vì nhờ mặt buồn, lòng được vui. Lòng người khôn ngoan ở trong nhà tang chế, còn lòng kẻ ngu muội ở tại nhà vui sướng. Thà nghe lời quở trách của người khôn ngoan, còn hơn là câu hát của kẻ ngu muội. Vì tiếng cười của kẻ ngu muội giống như tiếng gai nhọn nổ dưới nồi. Điều đó cũng là sự hư không.

Nhà Truyền Đạo muốn mô tả cách thức người ta sống ở đời. Khi thì yến tiệc vui vẻ, lúc thì khóc than tang chế. Cuộc đời có là gì chăng nữa cuối cùng cũng vẫn là tiếng khóc đau buồn. Tác giả đã từng trải qua tất cả mọi thú vui, mọi khoái lạc trong đời, này nhìn vào cuộc sống phù phiếm, yến tiệc, vui chơi, đàn hát, thấy thật vô nghĩa và trống rỗng. Những bữa tiệc trở thành vô vị và những tiếng cười nghe thật ngây ngô. Tác giả không có ý bài bác hưởng thú vui hoặc là không giải trí vui chơi, cũng không đề cập đến niềm thỏa mãn trong tâm hồn, nhưng vạch ra tính giả tạo của cái vui mà người đời tìm đến qua chén rượu, bữa tiệc, tiếng đàn tiếng ca, nghĩa là những thứ phù phiếm. Nếp sống như thế thể hiện qua tư tưởng của một người được Phúc Âm Lu-ca kể lại. Đó là một phú nông kia đầy đủ mọi thứ nhưng vẫn không toại ý thỏa lòng, nên ngồi toan tính phá cái vựa này, xây nhà kho kia và cấy thêm nhiều ruộng. Anh ta mường tượng ra cái cảnh giàu sang tột bực mà mình sẽ nhìn thấy rồi sung sướng nhủ thầm: Lúc ấy ta sẽ nói với hồn mình rằng, hồn ta hỡi của cải này sẽ tiêu dùng trong nhiều năm, hãy nghỉ ngơi ăn uống và vui chơi cho thỏa thích. Đó chính là thái độ mà tác giả phê bình.

Có bốn đìều tác giả nêu lên trong nếp sống phù phiếm:

1. Nếp sống phù phiếm không nhất thiết phải là vô luân hay tội lỗi và nụ cười vui cũng không có gì sai lầm. Đời người cũng cần giải trí, vui với bè bạn với thân thích. Nhưng nếp sống phù phiếm trở thành nguy hiểm khi nào nó là mục đích của cuộc đời người nào. Hay nói khác đi, đi tìm hạnh phúc trong nếp sống này. Thật ra là tinh thần phù phiếm mới đúng. Tinh thần này là tinh thần bị buộc chặt vào những cuộc giải trí, những thú vui, những gì làm cho ta cảm khoái và thỏa mãn thèm khát của mình. Có thể là âm nhạc, phim ảnh, v.v. Khi đắm mình trong những cuộc giải trí như thế con người quên hết bổn phận, không còn quan tâm đến ai, quên cả niềm tin và mục đích của cuộc đời. Khi ấy ta rất ích kỷ và dễ phạm tội.

2. Tinh thần phù phiếm đưa người ta đến chỗ mơ hồ, không thực tế. Người ta vẫn bảo rằng ai có máu nghệ sĩ thường chẳng tập trung tư tưởng được. Người có tinh thần phù phiếm thì tâm hồn bay bổng tận đâu đâu, không bao giờ tập trung tư tưởng và cũng chẳng có thời gian mà xét đến chính mình nữa. Người ấy không biết mình mà cũng chẳng cần sửa đổi những thói hư tật xấu, vì lúc nào cũng chạy theo những cái bóng mà chẳng bao giờ bắt được. Tư tưởng chỉ loanh quanh với những ý nghĩ vụn vặt. Thế giới của những người này không phải là xã hội có nhiều nan đề và nhiều người đau khổ cần được yêu thương cứu giúp. Thế giới của anh ta đầy cảm xúc và dục vọng.

3. Về giá trị thì tinh thần phù phiếm không tồn tại lâu được. Tác giả bảo rằng ông đã thử tất cả và thấy rằng đó là lối sống đìên dại. Những cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm khi tỉnh ra sẽ vô cùng chán chường. Giá trị của nó chỉ trong lúc vui chơi, sau đó tâm hồn lại đâu hoàn đó. Không khác nào ta mua một món đồ thật quý, như về đến nhà mở ra xem thì nó biến ra mây khói bay tan mất. Cuộc vui chơi phù phiếm trong đời cũng như thế thôi.

4. Làm thế nào để tránh phù phiếm? Tác giả bảo rằng, hãy nghĩ đến phút cuối cùng của đời mình, đến ý nghĩa của cuộc sống này, và tận cùng của nó. Tại chỗ than khóc u buồn đó, người ta thấy đau xót cho cuộc đời ngắn ngủi. Vì đời người phải có hướng đi, có mục đích, và đó là thái độ khôn ngoan. Muốn thoát tinh thần phù phiếm cần bình tâm suy nghĩ. Hãy nhìn vào tuổi tác, vào cuộc đời mình và thành thật hối lỗi, than khóc về những lỗi lầm. Hãy ăn hăn, làm lại những gì đã đổ vỡ. Chúa Giê-xu dạy: Phước cho những kẻ than khóc vì sẽ được an ủi. Con đường thoát khỏi phù phiếm và những thú vui tạm bợ trong đời này là trở về ngay với Chúa.

Bạn thân mến, trong cuộc sống có biết bao người cần đến bạn, chúng ta hãy sống cho thực tế, đừng mơ mộng, đừng phí phạm thời giờ, vì cơ hội phục vụ, làm điều tốt cho nhiều người đang trong tầm tay ta. Một ngày nào đó khi cuối con đường đã hiện ra, ta liệu có thời gian nhìn lại cuộc đời mình và mỉm cười sung sướng vì đã không sống vô ích trong phù phiếm.