Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 15

Những điều Chúa tạo nên, những điều Chúa ban cho, những gì Chúa đang làm

Bài này chúng ta sẽ nghiên cưú Truyền Đạo 3:11-15

Phàm vật Đức Chúa Trời đã làm nên đều là tốt lành trong thì nó. Lại, Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người; dầu vậy, công việc Đức Chúa Trời làm từ ban đầu đến cuối cùng, người không thế hiểu được. 12 Vậy, ta nhìn biết chẳng có điều gì tốt cho loài người hơn là vui vẻ, và làm lành trọn đời mình. 13 Lại, ai nấy phải ăn, uống, và hưởng lấy phước của công lao mình, ấy cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời. 14 Ta biết rằng mọi việc Đức Chúa Trời làm nên còn có đời đời: người ta chẳng thêm gì được, cũng không bớt chi đặng; Đức Chúa Trời làm như thế, để loài người kính sợ trước mặt Ngài. 15 Điều chi hiện có, đã có ngày xưa; điều gì sẽ xảy đến, đã xảy đến từ lâu rồi: Đức Chúa Trời lại tìm kiếm việc gì đã qua.

Sa-lô-môn là một người đã đặt ra lắm chương trình và theo đuổi nhiều cuộc nghiên cứu sưu tầm, nhưng địa hạt nào ông ta cũng nhận thấy là không đem lại thỏa mãn thật. Đời sống với Sa-lô-môn thật chán chường, vô nghĩa, cho đến khi ông bắt gặp một tia mục đích trong mỗi khía cạnh của cuộc sống. Việc đó xẩy ra khi Sa-lô-môn vượt lên khỏi cuộc sống "dưới ánh mặt trời" bên trên trần gian này, và bắt được ánh sáng từ Thượng Đế. Đó là một chuyển đoạn trong tư tưởng và lối sống của Sa-lô-môn, hay người Truyền đạo. Những câu ta nghiên cứu hôm nay dù ngắn, nhưng chứa đựng nhiều điều mới lạ mà Sa-lô-môn tìm được.

Trong các câu này Sa-lô-môn nói đến ba điều:

1. Thứ nhất là những gì Chúa tạo dựng nên:

Phàm vật Đức Chúa Trời đã làm nên đều là tốt lành trong thì nó. Lại, Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người; dầu vậy, công việc Đức Chúa Trời làm từ ban đầu đến cuối cùng, người không thế hiểu được.

Câu này thật ra không kể ra những gì Chúa tạo dựng nên, nhưng nói đến phẩm chất của những gì Chúa đã làm. Có hai điều được đề cập đến.

Thứ nhất là: Tất cả những gì Chúa tạo nên đều là tốt lành trong thời của nó. Đây là một huyền nhiệm về Chúa. Chúa không làm nên điều gì thừa hay vô dụng. Tất cả đều có mục đích và đã hoặc sẽ được sử dụng đúng lúc, đúng thời, và được gọi là tốt. Chúa là Đấng Thiện Lành, vì thế không điều gì Ngài làm ra lại là xấu hay hư hỏng. Châm ngôn có ghi: Chúa đã tạo dựng nên muôn vật để dùng cho Ngài; đến nỗi kẻ ác cũng vậy, để dành cho ngày tai họa.

Trong Rô-ma 8:28 có ghi:

Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.

Chữ cần lưu ý trong câu này là chữ hiệp lại hay hợp lại. Câu này hàm ý là các sự việc đều mang ý nghĩa và tạo hữu ích nào đó cho người thuộc về Chúa, nhưng ta phải chờ đợi. Ta cần kiên nhẫn cho đến khi toàn cảnh của bức tranh hiện ra, lúc đó ta mới hiểu rõ được.

Thứ hai là: Chúa đã đặt vĩnh cửu trong lòng người. Chúng ta có thể diễn dịch là, Chúa đã tạo nên trong mỗi con người chúng ta tính tò mò về ngày mai, bên kia cái hiện tại này. Chính vì có ý niệm về hằng cửu mà con người mới dụng tâm sáng chế, phát minh và đặt ra những chương trình hành động, duy trì được nhân sinh qua nhiều thế hệ. Chính vì ý niệm hằng cửu mà đời người dù ngắn, vẫn thấy như đang tổ chức cho một cuộc đời vô tận. Đó là điều huyền nhiệm Chúa đặt trong lòng người.

Qua hai tính chất nói trên, chúng ta thấy Chúa thật cao cả. Ngài đã tạo dựng mọi vật đúng thời, đúng nhiệm vụ, Ngài lại cho con người ý niệm về vĩnh hằng để có thể sống được và luôn luôn tìm hiểu những gì có mặt chung quanh mình. Đời sống như vậy trở nên lý thú hơn. Một điểm quan trọng khi ta nhận xét như thế là: Chỉ có Đấng Vĩnh Cửu mới đặt tính chất vĩnh cửu trong tâm trí con người chúng ta được. Con người không thể nào tiến hóa từ một con vật, hóa ra người rồi do may rủi sao đó có được ý niệm về hằng cửu. Không, con người do Đức Chúa Trời sáng tạo và ý niệm hằng cửu co chính Chúa đặt vào tâm trí mỗi người.

Truyền đạo 3:12,13 ghi:

12 Vậy, ta nhìn biết chẳng có điều gì tốt cho loài người hơn là vui vẻ, và làm lành trọn đời mình. 13 Lại, ai nấy phải ăn, uống, và hưởng lấy phước của công lao mình, ấy cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời.

Trong các câu này ta nhận thấy mấy điểm sau đây:

1. Khả năng vui hưởng đời sống.

Niềm vui là sức sống của con người. Cuộc đời này nếu không có niềm vui, chúng ta chỉ là gỗ đá hay những sinh vật lúc nào cũng chờ cơ hội để làm hại nhau. Chính niềm vui làm chúng ta có thể kéo dài đời sống, tạo hứng thú trong lao động, trong phát minh và sáng tạo. Thiếu niềm vui, thì dù mùa xuân hoa nở đẹp đến mấy, chim hót hay đến đâu chúng ta vẫn không cảm nhận được. Hôm nay, nếu bạn được vui trong tâm hồn, hãy nhớ rằng đó là khả năng Chúa đã ban cho bạn.

2. Khả năng làm việc thiện lành trong đời.

Nhân chi sơ, tính bản thiện. Tính thiện đây là khả năng làm việc lành. Ta nên nhớ rằng đây là khả năng làm việc lành chứ không phải con người sinh ra chỉ biết làm việc lành đâu. Trong mỗi chúng ta có khả năng làm điều tốt lành. Vì thế mỗi khi làm được điều gì tốt, hữu ích cho người khác, chúng ta thấy rất bằng lòng. Khả năng này thật quý hóa, vì nếu không biết làm điều thiện lành cho nhau thì nhân loại đã bị diệt chủng từ lâu rồi. Chúng ta cần nhớ rằng một ân phúc Chúa ban cho mỗi người là khả năng làm việc thiện lành. Vì vậy ai không hay làm việc lành là bỏ mất một khả năng Chúa cho.

3. Ý niệm về làm việc.

Điều thứ ba Chúa ban cho đời người là ý niệm về lao động. Người là con vật lao động. Loài người thích làm việc chứ không phải bị làm việc như loài vật. Cuộc đời hoạt động, làm việc là cuộc đời thú vị và có ý nghĩa. Điều này cũng là khả năng Chúa ban cho. Vì vậy sống lười biếng là chống lại Chúa và nhân loại.

Chúng ta vừa nói đến những điều Chúa tạo nên, những điều Chúa ban cho, bây giờ hãy bàn đến những gì Chúa đang làm. Đây là những tính chất của việc Chúa làm thì đúng hơn. Câu 14 ghi:

14 Ta biết rằng mọi việc Đức Chúa Trời làm nên còn có đời đời: người ta chẳng thêm gì được, cũng không bớt chi đặng; Đức Chúa Trời làm như thế, để loài người kính sợ trước mặt Ngài.

Tính chất công việc Chúa làm là trường tồn, vĩnh cửu, vững chắc không biến đổi. Công việc của Chúa trong câu này chính là các nguyên lý Chúa ấn định trong vũ trụ vạn vật.

Phần thứ hai của câu này nói rằng: Người ta chẳng thêm gì cũng chẳng bớt gì đi được. Định luật Chúa đặt ra để duy trì và bảo tồn vũ thụ hoàn toàn đến nỗi con người không thể thêm bớt gì được. Đây là điều mà khoa học gia phải công nhận. Chúa thật vĩ đại và cao cả, không ai thấu hiểu các công việc và các nguyên lý của Ngài.

Cuối cùng, câu này bảo: Mục đích Chúa tạo nên mọi sự vật trong vũ trụ là để cho loài người kính sợ Ngài. Đây là một thực sự. Vì khi bước ra vũ trụ, con người tự nhiên thấy mình thật là nhỏ bé, và công nhận Đấng Tạo Hóa vô cùng vĩ đại.

Câu 15 ghi:

15 Điều chi hiện có, đã có ngày xưa; điều gì sẽ xảy đến, đã xảy đến từ lâu rồi: Đức Chúa Trời lại tìm kiếm việc gì đã qua.

Chúa có chủ ý cho sự việc tái diễn nhiều lần để con người có thể học được. Các sự việc trong thiên nhiên, trong lịch sử, trong đời người vẫn trở đi trở lại. Ai khôn ngoan sẽ thu nhận được những bài học quý. Chúa không để cho loài người quên hay cố tình khỏa lấp đi. Chúa có nhiều phương cách để loài người nhớ và có cơ hội hoán cải.

Hai bài học chúng ta có thể rút ra từ mấy câu Kinh-thánh này:

1. Đời sống đến từ bên ngoài thiên hà này, thái dương hệ này. Đời sống không phát xuất từ trái đất. Đây là điều hiển nhiên vì Đấng vô biên, vô cùng đã sáng tạo nên con người với ý niệm về vĩnh hằng.

2. Quyền năng của Chúa không phải loại quyền năng chỉ có giá trị lúc sáng tạo vũ trụ vạn vật nhiều triệu năm về trước, nhưng là loại quyền năng biến đổi tiếp tục mỗi ngày. Biến tối ra sáng, hoán cải mỗi cuộc đời và sẵn sàng đến với tâm hồn nào thành tâm tin nhận.