Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 28

Im Lặng

Mác 8:38; Lu-ca 19:40; Lu-ca 23:8-9

"... Hễ ai hổ thẹn về Ta và Đạo Ta, thì Con Người sẽ hổ thẹn về người ấy, khi ngự trong sự vinh hiển của Cha Ngài mà đến với các thiên sứ thánh" (Mác 8:38).

Câu hỏi suy ngẫm: Im lặng có nghĩa là gì? Theo bạn im lặng tốt hay xấu? Khi nào thì im lặng là một "tội né tránh" hay "thiếu trách nhiệm"? Bạn có dễ vi phạm điều này không?

Theo Lu-ca 23:8-9, khi Chúa Giê-xu bị giải qua cho Vua Hê-rốt, Ngài đã im lặng, vì nếu Ngài trả lời cho Vua Hê-rốt thì cũng không giúp gì cho tình cảnh của Ngài mà chỉ tạo thêm lòng kiêu ngạo cho Vua Hê-rốt, vì sự tra hỏi của ông chỉ như trò đùa. Nhiều lúc im lặng rất cần thiết, nhưng phải cẩn trọng vì lắm lúc im lặng lại rất nguy hại.

Trong những năm sôi động của lịch sử Hoa kỳ khi người da đen tranh đấu đòi quyền bình đẳng, Mục sư Martin Luther King đã có một câu nói bất huœ: "Đến cuối cùng, chúng ta sẽ không nhớ đến những lời nói độc ác của kẻ thù, nhưng sẽ nhớ đến sự im lặng của những bằng hữu chúng ta." Ông đang đề cập đến những người ủng hộ lý tưởng bình đẳng của người da đen, nhưng vì lý do này, lý do nọ, họ chỉ im lặng không lên tiếng ủng hộ hay bày tỏ bằng hành động cụ thể. Khi được mời ra tòa làm nhân chứng, chúng ta phải tuyên thệ sẽ nói lên những gì mình đã thấy, không được im lặng vì im lặng chính là đồng lõa với tội lỗi, điều ác. Chúa Giê-xu phán: "Nhưng khi Chúa Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về Ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất" (Công-vụ Các Sứ-đồ 1:8). Từ "làm chứng" chỉ về việc nói với người khác những gì mình biết về Chúa Giê-xu. Đây là một mệnh lệnh, không phải là một đề nghị, một ý kiến, muốn làm thì làm, không làm cũng không sao. Chúa Giê-xu cũng nói, nếu chúng ta hổ thẹn về Ngài và đạo của Ngài, thì Ngài cũng sẽ hổ thẹn về người đó trong ngày cuối cùng (Mác 8:38). Chúng ta thường hay vấp phạm trong lãnh vực này. Chúa muốn chúng ta mạnh mẽ làm chứng (nói về Ngài), không hổ thẹn về Ngài, nhưng chúng ta lại nhút nhát, ngại ngùng, e dè, rụt rè, sợ hãi. Như thế, im lặng trong những trường hợp này chính là phạm tội "né tránh" hay "thiếu trách nhiệm".

Làm sao chúng ta có thể mạnh dạn nói về Chúa? Trước hết, chúng ta nên sống một đời sống tin kính, nếu không lời nói chúng ta sẽ trở nên bất nhất, nói một đàng làm một nẻo. Kế tiếp, chúng ta nên luôn ở trong tư thế sẵn sàng làm chứng về Chúa (I Phi-e-rơ 3:15). Sau đó, khi có cơ hội, hãy nói ngay, đừng chần chờ, do dự mà đánh mất cơ hội Chúa ban cho. Nếu chúng ta im lặng, Chúa sẽ dùng người khác, cách khác nói thế chúng ta (Lu-ca 19:40), và ma quỷ sẽ dùng sự do dự làm chúng ta chùn bước một lần, nhiều lần, dần dần trở thành thói quen.

Có những lúc Chúa muốn chúng ta nói lên những sai trái, bất công nhưng chúng ta lại cầu an không dám nói; cũng có những lúc Chúa muốn chúng ta im lặng trước những điều mà nói ra sẽ không có lợi cho Chúa và cho anh em mình nhưng chúng ta lại cứ nói. Làm sao để bạn biết lúc nào cần im lặng, lúc nào cần phải nói?

Lạy Chúa Thánh Linh, xin ban cho con sự khôn ngoan để con biết lúc nào cần nói, lúc nào im lặng.

(c) 2024 svtk.net