Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Thẩm Quyền Tha Thứ

Ma-thi-ơ 18:15-18

"Xin tha tội cho chúng con, như chúng con đã tha những người có lỗi với chúng con" (Ma-thi-ơ 6:12).

Câu hỏi suy ngẫm: Nếu một anh chị em mắc lỗi với mình thì phải giải quyết cách nào? Tại sao phải bắt đầu với chính mình trước? Khi nào mới đem vấn đề ra cho người khác cùng góp ý? Có thể nào làm ngơ trước vấn đề và bỏ mặc anh chị em mình không?

Một trong những sai phạm thường thấy nơi nhiều người là khi thấy lầm lỗi cuœa anh chị em mình, thì kể cho nhiều người biết. Dù không nói với ý xấu, thì ma quỷ cũng tận dụng điều đó như một thứ chùm bao ăn lan trước khi chúng ta có thể tha thứ cho họ. Trong 2 Cô-rinh-tô 5:18 Sứ đồ Phao-lô nói: Chúa giao cho chúng ta chức vụ giảng hòa. Con dân Chúa phải gìn giữ sự hiệp một trong Chúa Thánh Linh, một người biết tha thứ nghĩa là biết chấp nhận người khác theo cách Chúa chấp nhận mình (Rô-ma 15:7). Những bước tha thứ cần phải tiến hành theo thứ tự Chúa dạy:

Đầu tiên, sự hòa giải phải bắt đầu chỉ giữa mình và người phạm lỗi. Trong Ma-thi-ơ 5:9 Chúa dạy rằng: "Phước cho những người làm cho người hòa thuận vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời." Sự hòa thuận không tự nhiên đến một cách dễ dàng mà cần phải có một cố gắng lớn trong việc làm hòa. Tội lỗi tạo ra sự rạn nứt, nhưng vấn đề phải đối phó là tội lỗi chứ không phải anh chị em mình, mục đích của sự hòa giải là để "được lại anh chị em mình." Vì "Người nào nói mình ở trong ánh sáng mà ghét anh chị em mình thì vẫn còn ở trong bóng tối" (I Giăng 2:9).

Nếu sự hòa giải không thể đạt được, hãy mời vài ba người cùng đến để "xác lập" lại vấn đề. Lý do cần sự xác lập vì có thể nhận định về sai phạm của anh em mình là do thành kiến, lòng ganh tị, hoặc một vài lý do nào đó không chính đáng ma quỷ lừa dối chăng. Nếu sai phạm đã được khẳng định, người có lỗi vẫn không muốn nhìn nhận thì mới đem ra giữa Hội Thánh phân giải, sự phân giải phải dựa trên căn bản của tình yêu thương. Nếu người sai phạm vẫn cứng lòng không chấp nhận sự hòa giải, lúc đó mới xem người như một người không thuộc về Hội Thánh nữa.

Chúa phán: "Thật, Ta bảo các con, bất cứ điều gì các con buộc ở dưới đất cũng sẽ buộc ở trên trời, điều gì các con mở ở dưới đất, thì sẽ mở ở trên trời," đó là thẩm quyền Chúa ban cho các Cơ Đốc nhân, uy quyền đó phải được sử dụng đúng đắn và gắn liền với trách nhiệm, nếu chúng ta cứ buộc ở dưới đất thì Chúa không thể mở trên trời. Nếu vấn đề tha thứ không được quan tâm, làm anh em mình bị rơi vào con đường tội lỗi thì chính mình là người chịu trách nhiệm về sự bại hoại đó của họ (Ê-xê-chi-ên 33:8). Sự tha tội thuộc về Chúa, song tha thứ là thẩm quyền của mỗi người Cơ Đốc. Khi chúng ta sẵn sàng tha thứ cho người khác minh chứng chúng ta đã nhận được sự tha thứ của Chúa cho bản thân mình.

Bạn có sự cay đắng với một anh chị em nào trong Hội Thánh mình chăng? Bạn đã giải quyết vấn đề theo phương cách Chúa truyền dạy như thế nào?

Chúa ôi, xin dạy con biết tha thứ nhau như Chúa đã tha thứ cho con vậy!

(c) 2024 svtk.net