Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 14

Lửa Thử Vàng, Gian Nan Thử Sức

I Sa-mu-ên 21:1-15

"Trong ngày đó, Đa-vít lên đường trốn khỏi Sau-lơ. Ông đến gặp A-kích, vua thành Gát" (câu 10 BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Đa-vít đến thành Nóp để làm gì? Vì sao ông bỏ thành Nóp chạy đến thành Gát? Hoàn cảnh của ông ở thành Gát ra sao? Chúa để cho ông Đa-vít lâm vào những hoàn cảnh như vậy với mục đích gì?

Sau khi từ biệt Hoàng tử Giô-na-than, ông Đa-vít đến thành Nóp, nơi đặt hòm giao ước, vừa để tìm thức ăn (câu 3), vũ khí (câu 8), vừa để tìm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời (I Sa-mu-ên 22:10), bởi ông A-hi-mê-léc, thầy tế lễ của Nóp giữ ê-phót, U-rim và Thu-min. Có thể ông hy vọng ẩn náu ở thành Nóp một thời gian dưới sự che chở của thầy tế lễ. Tuy nhiên, khi nhìn thấy thái độ lo lắng của Thầy Tế lễ A-hi-mê-léc, ông Đa-vít cảm nhận rằng thành Nóp không phải là chỗ an toàn và trong tình thế đó ông không thể làm gì khác hơn là tiếp tục chạy trốn.

Từ thành Nóp, ông Đa-vít đến thành Gát là thành phố của người Phi-li-tin. Đi sâu vào vùng đất của kẻ thù dân tộc khiến ông Đa-vít gặp nhiều nguy hiểm hơn ở đất nước của ông, vì ông đã giết người khổng lồ Gô-li-át của người Phi-li-tin. Ông Đa-vít tưởng không ai nhận ra ông và có thể sống lưu vong tại thành Gát. Nhưng khi các quan chức của Vua A-kích mô tả ông Đa-vít là "vua của xứ ấy" (câu 11), ông nhận biết tính mạng của ông đang bị đe dọa và ông phải giả điên, giả dại để thoát thân.

Đối với thầy tế lễ thành Nóp và vua Phi-li-tin, ông Đa-vít tỏ ra thiếu chân thành và lừa dối họ bằng nhiều cách. Dù trong hoàn cảnh của ông Đa-vít, đi từ tuyệt vọng này đến tuyệt vọng khác, nhưng đối với Đức Chúa Trời, việc nói dối là điều không thể chấp nhận được. Nhiều người dùng những tình huống đặc biệt để biện minh cho việc bắt buộc phải nói dối nhưng đạo đức Cơ Đốc không chấp nhận dùng một biện pháp sai để đạt mục đích đúng. Ví dụ một mục sư không thể nói rằng vì tôi phải đi giảng gấp nên tôi phải vượt đèn đỏ; hoặc vì tôi muốn có tiền để xây nhà thờ nên phải mua vé số. Khi Chúa Giê-xu nhắc lại câu chuyện này trong Ma-thi-ơ 12:1-4, không phải Chúa đồng tình với việc nói dối, nhưng Ngài chỉ dùng việc ông Đa-vít ăn bánh thánh, là bánh chỉ dành riêng cho thầy tế lễ, để dạy mọi người hiểu rằng ngày Sa-bát đặt ra là để phục vụ cho lợi ích chứ không phải chất gánh nặng lên con người.

Cuộc đời ông Đa-vít phải trải qua nhiều cam go, cay đắng, khổ cực nên ông tích lũy rất nhiều kinh nghiệm sống để trở nên người hữu dụng cho Chúa sau này. Chúng ta có thể thấy Chúa rèn luyện một người để sử dụng người ấy hiệu quả hơn, do đó khi ở trong những hoàn cảnh khó khăn, bi đát, xin Chúa cho chúng ta có cái nhìn vượt lên trên hoàn cảnh để thấy chương trình và ý định đời đời của Ngài trên đời sống chúng ta.

Bạn có kinh nghiệm trong quá khứ Chúa đã rèn luyện bạn qua những hoàn cảnh khó khăn nào không? Lúc đó bạn đã phản ứng thế nào? Bây giờ thì sao?

Lạy Chúa, xin mở mắt tâm linh con để nhìn xa hơn, cao hơn hoàn cảnh hiện tại, hầu cuộc đời con được rèn luyện để hữu dụng cho Chúa nhiều hơn.

(c) 2024 svtk.net