Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 16

Nhận Thức của Tâm Trí Mới

Ê-phê-sô 4:30-5:2

"Anh chị em là con yêu dấu của Đức Chúa Trời, hãy cố gắng trở nên giống Chúa" (câu 1 BDM).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô đưa ra những cách cư xử nào chúng ta cần phải có đối với Chúa, với bản thân, và các anh chị em trong Hội Thánh? Làm sao thực hiện được khi chúng ta không có khả năng? Làm sao để bạn thật sự tha thứ người khác như Đức Chúa Trời tha thứ bạn trong Đấng Cơ Đốc?

Với Chúa, người có tâm trí mới là người bắt đầu nhận thức sự hiện hữu của Chúa Thánh Linh trong đời sống mình. Chính Ngài là Đấng dạy chúng ta gọi Đức Chúa Trời bằng Cha, là Đấng chỉ dạy thấu đáo chân lý cao siêu khó hiểu, là Đấng hướng dẫn từng chi tiết cuộc sống cho xứng đáng trước mặt Chúa, là Đấng vùa giúp mọi nhu cầu, là Đấng nhắc nhở trước mỗi cám dỗ, là Đấng khuyên bảo sau mỗi lần phạm tội, là Đấng cầu thay trong mọi lần yếu đuối, là Đấng an ủi khi gặp hoạn nạn, là Đấng ấn chứng đến ngày cứu chuộc... nên người có tâm trí mới không thể làm buồn lòng Chúa Thánh Linh được.

Với bản thân, người có tâm trí mới nhận thức Chúa là Đấng san sẻ mọi hoạt động trong đời sống chúng ta nên Ngài biết tâm trạng, xúc cảm của chúng ta, vì thế Ngài muốn chúng ta nhận biết những thứ tình cảm xuất phát từ bản chất tội lỗi nếu còn níu kéo, còn dung dưỡng, chúng ta trở thành miếng mồi của ma quỷ. Người tin Chúa có thể có những người thù ghét mình bên ngoài, nhưng khi người ấy ghen ghét tức là đã đem kẻ thù vào lòng mình. Những phản ứng do tâm trí xác thịt dày vò bên trong làm chúng ta khốn khổ, mất vui mừng, rồi bị ma quỷ lợi dụng, như là cay đắng, thịnh nộ, giận hờn, kêu rêu, xúc phạm, toan tính hung ác... tất cả điều đó là phương tiện cho ma quỷ, nên cần được loại bỏ. Chúa Thánh Linh ngự trong chúng ta không thể bị ô uế vì những xúc cảm đó.

Với anh chị em trong đức tin, người có tâm trí mới nhận biết bản tính Chủ mình, nhận biết những điều làm Chúa vui lòng, và nhận biết ý muốn của Chúa trong cách sống với anh chị em trong thân thể Chúa phải khác biệt hơn người thế gian, vì chúng ta được biệt riêng sống cho Chúa. Vì vậy, phải tập tành sống nhân từ theo bản tính của Đức Chúa Trời; sống thương cảm lẫn nhau vì chính mình đã được Chúa thương xót; biết tha thứ theo tiêu chuẩn tha thứ mà Chúa đối xử với mình. Chúa là Cha chúng ta, Ngài luôn muốn con cái Ngài sống hòa thuận với nhau. Cần nhớ khi chúng ta không sống với tâm trí mới, không những Chúa Thánh Linh buồn lòng, mà Chúa Giê-xu là Đấng chết vì tội chúng ta, và Đức Chúa Trời là Đấng tha tội cho chúng ta cũng rất đau lòng.

Tất cả những điều trên không tự nhiên mà có được. Con dân Chúa có thể biết nhưng không có khả năng thực hành. Từ sau năm 1990, một khẩu hiệu do Dan Seaborn ở Holland, bang Michigan đưa ra, đã nhanh chóng phổ biến trong cộng đồng con dân Chúa tại Mỹ là WWJD (What Would Jesus Do) nhắc nhở mọi tín hữu trong sinh hoạt thường nhật của cuộc sống hãy suy nghĩ: Nếu là Chúa Giê-xu, Ngài sẽ có thái độ nào trong tình huống nầy, để chính mình cũng cư xử giống như Ngài. Khẩu hiệu đó được làm thành dây chuyền đeo cổ, mẫu in áo thun, nhãn hiệu trên bút, bích chương trên tường... rất nhiều người nhìn vào khẩu hiệu nầy và được nhắc nhở. Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh rằng, điều quan trọng cho con dân Chúa là phải có tâm trí nhận thức mình là con cái yêu dấu của Đức Chúa Trời và tình yêu Chúa dành cho chính mình. Ý thức nầy rất quan trọng, cần thiết và luôn luôn phải có khi chúng ta vẫn còn sống trên đất. Ý thức nầy giúp chúng ta sống một lối sống tích cực, một lối sống giống như Chúa của mình. Người đã quên ý thức mình là con Đức Chúa Trời, đồng thời cũng quên việc Chúa làm sạch tội mình, và đánh mất mục đích của cuộc sống.

Những sinh hoạt Cơ Đốc của bạn đang được điều khiển theo chiều hướng nào? Bạn có tâm trí nhận thức được điều đáng phải hành động trong đời sống mình theo cách Chúa muốn chưa? Còn ai trong anh chị em mình mà bạn chưa tha thứ không?

Lạy Chúa, trước mặt Ngài con chỉ là người dại dột. Xin dạy con biết điều mình phải làm và giúp con thấy vị trí Chúa đặt để con trên đất nầy là làm muối và ánh sáng cho thế gian.

(c) 2024 svtk.net