Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 12

Cai Trị Ngay Thẳng và Công Bằng

II Sa-mu-ên 8:1-18

“Đa-vít trị vì trên toàn cõi Y-sơ-ra-ên, thực thi công lý và bình đẳng cho toàn dân” (câu 15 BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Tác giả muốn nói lên điều gì khi tóm tắt những chiến thắng của Vua Đa-vít? Vua Đa-vít đã cai trị Ít-ra-ên như thế nào? Theo bạn tiêu chuẩn hàng đầu của một người lãnh đạo là gì?

Đã là chiến tranh thì không thể nào tránh khỏi đau thương, mất mát. Tác giả tóm tắt những cuộc chiến ở đây để nói lên rằng vương quốc của Vua Đa-vít ngày càng lớn mạnh với sự phò trợ của Đức Chúa Trời. Chiến thắng vang dội của Vua Đa-vít không chỉ do tài thao lược và dũng khí của ông, mà do ý định của Đức Chúa Trời nhằm ban sự hòa bình, thịnh vượng cho dân tộc mà Ngài đã chọn lựa và lập giao ước với họ.

Vua Đa-vít chiến thắng nhiều dân tộc trong vùng, mở mang bờ cõi ra bốn phía. Phía tây đánh bại người Phi-li-tin (câu 1); phía đông đánh người Mô-áp (câu 2), trong những cuộc chiến thời đó, quân thắng trận thường tiêu diệt toàn bộ quân bại trận, nhưng với Mô-áp thì Vua Đa-vít chỉ tiêu diệt hai phần ba, chừa lại một phần ba phải đóng thuế cho vua; phía bắc chinh phục người A-ram và Sy-ri (câu 3-13); và phía nam bắt phục dân Ê-đôm (câu 12-14). Ngoài ra, Vua Đa-vít còn đánh bại người A-ma-léc. Nhìn lại những chiến thắng đó, chúng ta thấy đây là cách Đức Chúa Trời dùng Vua Đa-vít để hoàn thành giao ước của Ngài với dân Ít-ra-ên qua ông Áp-ra-ham (Sáng Thế Ký 12:1-3).

Có thể nói Vua Đa-vít là người lãnh đạo anh minh, vì ông lấy công lý, bình đẳng, ngay thẳng mà cai trị người Ít-ra-ên. Cai trị ngay thẳng và công chính là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu của một vị vua hùng mạnh ở vùng Cận Đông vào thời xa xưa. Việc cai trị như thế bao gồm những cải cách nhằm giảm thiểu sự áp bức và bóc lột. Danh sách trong các câu 16-18 cho chúng ta biết những nhân vật hàng đầu trong nội các của Vua Đa-vít. Dù là một nhóm nhỏ nhưng họ đã giúp đỡ Vua Đa-vít ngay từ những ngày đầu để quản trị những vùng đất mới ngày càng được mở rộng. Bất cứ sự tăng trưởng hay phát triển nào, dù trong tổ chức Hội Thánh hay ở bên ngoài, đều cần sự hỗ trợ của nhiều người. Sự thành công của Vua Đa-vít trong việc quản trị Ít-ra-ên phần nào nhờ vào những người có trách nhiệm, tài năng, tin kính san sẻ công việc lãnh đạo với ông.

Qua bài học nầy, bạn cầu nguyện thế nào và những điều gì cho giới lãnh đạo Hội Thánh và đất nước của bạn?

Lạy Chúa, con cầu nguyện cho những người lãnh đạo Hội Thánh được ơn Chúa để phát triển Hội Thánh Ngài và giới lãnh đạo đất nước của con chăn dân trị nước trong sự ngay thẳng và công chính nhằm đem lại sự thịnh vượng cho toàn dân.

(c) 2024 svtk.net