Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 2

Các Nguyên Tắc của Cuộc Đua

I Cô-rinh-tô 9:15-27

“Vậy, hãy chạy thế nào để anh em có thể đoạt giải” (câu 24b BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Trong phân đoạn nầy Sứ đồ Phao-lô đưa ra ba nguyên tắc nào cho cuộc đua của chúng ta (câu 17-25)? Công bố Phúc Âm là bổn phận hay đặc quyền? Sứ đồ Phao-lô làm cách nào để không mất đặc quyền nầy (câu 22-23)? Trở nên mọi cách cho mọi người có nghĩa gì? Làm sao bạn hòa đồng với mọi thành phần bạn công bố Phúc Âm cho họ? Trong cuộc đua, Sứ đồ Phao-lô đặt kỷ luật ở mặt nào của đời sống? Bạn có “giữ kỷ luật trong mọi sự” không? Điểm nào cần phát huy? Điểm nào cần chỉnh sửa?

Trong sứ mệnh Chúa giao phó cho Sứ đồ Phao-lô, ông đã cẩn thận noi theo các nguyên tắc để có thể lãnh thưởng khi ông chạy xong cuộc đua của ông.

Nguyên tắc thứ nhất là rao giảng Tin Lành một cách tự nguyện. Ông nói: “Nếu tôi tự nguyện làm việc nầy thì được thưởng; còn nếu không tự nguyện, Chúa cũng vẫn giao sứ mệnh cho tôi. Thế thì phần thưởng của tôi là gì? Ấy là khi rao giảng Tin Lành, tôi rao giảng không công, không đòi hỏi quyền lợi nào của người rao giảng Tin Lành” (câu 17-18). Công bố Phúc Âm là mệnh lệnh Chúa Giê-xu dành cho tất cà con dân Chúa. Vì vậy, đó là bổn phẩn mà cũng là đặc quyền. Bổn phận vì là mệnh lệnh cho từng cá nhân tín hữu. Đặc quyền vì chỉ những người tin Chúa Giê-xu mới được thi hành công tác này. Vì đặc quyền nên Sứ đồ Phao-lô nói ông không đòi hỏi quyền lợi. Ơn Chúa là phần thưởng chứ không phải tiền công, ông làm việc không nhằm lợi nhuận. Điều nầy giúp tín hữu thấy được sự đóng góp của mình là góp phần cho những phần thưởng của thiên đàng. Trong sự phục vụ Chúa, Ngài muốn chúng ta làm điều đó cách tự nguyện chứ không phải vì bị ép buộc. Nếu chúng ta không đáp ứng sự kêu gọi của Chúa để phục vụ Ngài, thì Ngài dùng người khác để hoàn tất công việc của Ngài. Nhưng nếu chúng ta vui lòng tự nguyện thi hành chức vụ mà Chúa ủy thác cho thì chúng ta có lời hứa của Chúa rằng: “Ai phục vụ Ta, thì Cha Ta ắt tôn quý người” (Giăng 12:26).

Nguyên tắc thứ hai là hòa đồng với mọi người. Để có thể chinh phục họ cho Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ông nói: “Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người để có thể cứu được vài người, không cứ cách nào. Tôi làm mọi sự vì Tin Lành để có thể cùng chia sẻ phước hạnh của Tin Lành” (câu 22b-23). Hòa đồng với mọi người không phải là sống hai mặt, nhưng là sống với họ, suy nghĩ giống họ, nói cùng ngôn ngữ của họ. Người nông dân suy nghĩ, nói năng khác công nhân; thầy giáo suy nghĩ, nói khác bác sĩ. Chúng ta chỉ có thể giúp người khác hiểu về Chúa khi chúng ta có cùng suy nghĩ, ngôn ngữ của họ, để kết bạn với họ. Muốn đem sự cứu rỗi đến cho loài người, Chúa Giê-xu đã nhập thể làm người và sống giữa vòng nhân loại. Chúa làm bạn với những người có tội, nhưng Ngài không hề phạm tội. Nếu chúng ta muốn chinh phục người chưa biết Chúa Giê-xu cho Ngài thì chúng ta cũng phải hòa đồng với họ, nhưng không bao giờ đồng hóa với thế gian.

Nguyên tắc thứ ba là kỷ luật trong mọi sự. Để có thể đoạt giải. Ông nói: “Tất cả các vận động viên phải tự buộc mình trong kỷ luật. Họ chịu vậy để được mão miện tạm thời dưới thế. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão miện vĩnh cửu” (câu 25). Sứ đồ Phao-lô không nói chỉ chịu kỷ luật thuộc linh, mà “kỷ luật trong mọi sự.” Chúng ta phải kỷ luật thân xác, tinh thần và tâm linh. Chúng ta phải tự kỷ luật và chịu kỷ luật để đạt được vương miện không hư nát. Chúng ta cần làm công việc Chúa cách dư dật luôn và phải có kỷ luật để tận dụng những cơ hội Chúa cho mà phục vụ Ngài, vì biết rằng công khó của chúng ta trong Chúa chẳng phải là vô ích.

Bạn áp dụng những nguyên tắc Sứ đồ Phao-lô nêu ra bằng cách nào? Sống với nguyên tắc nầy đem lại kết quả nào cho cuộc đời bạn?

Lạy Chúa, xin giúp con áp dụng những nguyên tắc vừa học vào đời sống con mỗi ngày.

(c) 2024 svtk.net