Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 3

Kết Quả của Sự Nhận Biết

Thi-thiên 86:1-17

"Lạy Đức Giê-hô-va, xin dạy con đường lối của Chúa, thì con sẽ đi theo chân lý của Ngài; xin khiến lòng con kính sợ Danh Ngài" (câu 11).

Câu hỏi suy ngẫm: Lời cầu xin của ông Đa-vít qua Thi-thiên nầy cho thấy ông nhận biết gì về Đức Chúa Trời? Ông đã có đáp ứng gì theo sự nhận biết đó? Nhận biết của bạn về Chúa có ảnh hưởng gì trên đời sống bạn? Bạn có những cam kết gì khi nhận biết về Ngài?

Thi-thiên nầy thường được dùng như lời cầu nguyện trong lúc khốn cùng, thiếu thốn và khi gặp gian truân. Chúng ta đọc Lời Chúa không chỉ vì những nhu cầu hiện tại của bản thân, mà trang bị chính mình đối mặt với những hiểm nguy trong tương lai và giúp đỡ người khác.

Ông Đa-vít đang trải qua các mối nguy khi Vua Sau-lơ xem ông là thù địch. Với các Thi-thiên dạng than thở, phần lớn nội dung diễn tả sự khốn cùng, thiếu thốn, nhưng Thi-thiên 86, trong những lời than thở đó, ông Đa-vít còn hướng sang sự nhận biết bản tính của Đức Chúa Trời, và nhận biết đó đã trở nên một bài ca ngợi (câu 12-13). Đây là một sự nhận biết với lòng biết ơn về các thuộc tính của Đức Chúa Trời, một lời tuyên bố về tình yêu của tác giả đối với Ngài.

Trong phân đoạn đầu, câu 1-6 tác giả đóng khung lời cầu nguyện nầy trong sự nhận biết: Chúa lắng nghe lời khẩn nguyện (câu 1, 6). Vì Chúa lắng nghe nên trong lúc khốn cùng, thiếu thốn, nguy nan (câu 1), ông tin Chúa bảo vệ, Chúa giải cứu (câu 2), Chúa ban sự vui mừng cho linh hồn khốn khổ của ông (câu 4). Ông tin những điều đó vì Chúa là Đấng Thương Xót (câu 3), Đấng Thiện Lành, Nhân Từ, Tha Thứ (câu 5). Khi nhận biết những bản tính đó của Chúa như tác giả đã nhận biết, chắc chắn chúng ta cũng tin Chúa lắng nghe và nhậm lời khẩn nguyện của chúng ta.

Phân đoạn hai, câu 7-13 tác giả cho biết Chúa là Đức Chúa Trời vĩ đại và độc nhất. Vì vậy câu 11 và 12 tác giả cầu xin Đức Chúa Trời dạy ông đường lối của Ngài. Kinh Thánh thường miêu tả "đường lối" là lối sống, cách cư xử của một người. Tác giả mong được Chúa dạy ông "đường lối" đẹp lòng Ngài, để ông biết cách "đi theo chân lý của Ngài." Ông bày tỏ sự khao khát sống theo Lời Chúa, một thái độ vâng phục của người yêu mến Ngài. Ngoài ra, ông Đa-vít cũng xin Chúa cho ông một lòng (hết lòng BTTHĐ) kính sợ Danh Ngài. Từ "một lòng - hết lòng" thể hiện ý trung thành trọn vẹn trong suy nghĩ lẫn tình cảm. Tác giả bày tỏ mong ước chân thành kính sợ Chúa. Kết quả tất yếu của một tấm lòng như vậy là ước muốn tôn vinh, ca ngợi Chúa "hết lòng" và "mãi mãi."

Phân đoạn ba, câu 14-17 tác giả cho thấy người nhận biết Đức Chúa Trời với các thuộc tính của Ngài như nhân từ, thương xót, chân thật, chậm nóng giận, và hay làm ơn (câu 15), sẽ tràn đầy lòng biết ơn và yêu mến Ngài. Người đó sẽ hết lòng vâng phục, kính sợ Chúa, và tôn vinh Danh Chúa trọn cuộc đời mình. Đời sống này chắc hẳn được Chúa vui lòng và đáp lời cầu xin. Như vậy, một đời sống nhận biết Chúa là một đời sống được Chúa vui lòng.

Nhận biết của bạn về Chúa như thế nào? Hãy tận dụng những cơ hội Chúa cho để học và nhận biết về Chúa ngày càng nhiều hơn, hầu kinh nghiệm những ơn phước của đời sống được Chúa vui lòng.

Lạy Chúa, xin bày tỏ về Ngài, giúp con nhận biết Chúa ngày càng nhiều hơn. Xin cho con ngày càng yêu Chúa hơn để sống vâng phục, kính sợ, và tôn vinh Danh Ngài trọn đời con.

(c) 2024 svtk.net