Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Quyền Năng Tha Thứ và Biến Đổi

Công-vụ Các Sứ-đồ 9:1-22

"Nhưng nhờ ân sủng Đức Chúa Trời mà tôi được như ngày nay và ơn Ngài ban cho tôi không phải vô ích đâu, trái lại tôi đã làm việc khó nhọc hơn tất cả những người khác. Thật ra không phải chính tôi mà là ân sủng Đức Chúa Trời đã hành động trong tôi" (1 Cô-rinh-tô 15:10).

Câu hỏi suy ngẫm: Trước khi đầu phục Chúa, ông Sau-lơ là người thế nào? Chúa có ý định tốt lành nào dành cho ông? Điều gì bắt phục con người cứng cỏi của ông Sau-lơ? Khi được tha thứ và biến đổi, ông Sau-lơ có lối sống nào minh chứng cho điều đó?

Trước khi được biến đổi, ông Sau-lơ là người từng nghĩ phải tìm đủ cách chống lại Danh Giê-xu ở Na-xa-rét. Ông thỏa mãn về cái chết của ông Ê-tiên, thích thú trong việc bắt các tín hữu bỏ tù, sung sướng trong việc tàn sát và đe dọa các môn đệ theo Chúa; thế nhưng để thu phục con người ấy, Chúa Giê-xu chỉ hỏi: "Sau-lơ! Sao ngươi bắt bớ Ta?", Chúa Giê-xu không làm hại gì đến người ấy ngoài việc khiến người bị mù tạm thời trong ba ngày, rồi lại sai tiên tri của Ngài đến để chữa lành. Chúa luôn luôn có chương trình tốt đẹp dành cho người Ngài đã tha thứ.

Tiên tri A-na-nia than phiền với Chúa về ông Sau-lơ: "Lạy Chúa, con đã nghe nhiều người nói về người nầy, về bao nhiêu việc ác ông ta đã làm cho các thánh đồ tại Giê-ru-sa-lem. Bây giờ ở đây, ông ta đã được các thượng tế ủy quyền để bắt giam tất cả những người kêu cầu danh Chúa!" (câu 13-14), nhưng Chúa nhìn thấy từ nơi con người chống đối nầy khả năng trở thành "công cụ" cho Chúa (câu 15) để truyền bá Phúc Âm cho Dân Ngoại.

Chúa Giê-xu tỏ mình cùng ông Sau-lơ rất dịu dàng: "Hãy đứng dậy, vào trong thành, người ta sẽ nói cho ngươi mọi điều phải làm" (câu 6), ông Sau-lơ chợt nhận ra rằng Chúa Giê-xu không phải là một linh thần hung dữ, muốn báo thù. Ngài thật hiền lành. Đức tính đó đã ảnh hưởng bên trong cuộc đời những con cái Ngài mà ông Sau-lơ chứng kiến: Ông Ê-tiên không đáp một lời khi bị ném đá chết; như những môn đệ Chúa mà ông Sau-lơ bắt bỏ tù, họ chịu đựng chứ không phản kháng; như ông A-na-nia chân tình tìm đến đặt tay cầu nguyện cho mắt mình được mở ra,... giờ đây sự hiền lành đó của Chúa chinh phục trái tim bướng bỉnh của ông. Ngay sau khi mắt mở ra và có thể nhìn thấy, thì ông Sau-lơ cũng đã mở lòng mình để mời Chúa ngự trị, và lập tức xác định lòng tin nơi Chúa Giê-xu bằng nghi lễ báp-tem. Rồi từ đó, cuộc đời ông Sau-lơ đã chuyển sang một hướng mới: Đi với Chúa Giê-xu cho đến chết.

Sự tha thứ của Chúa biến đổi cuộc đời và tâm chí con người, thay đổi lối sống và hướng đi người đó ngay lập tức chứ không cần thời gian luyện tập, khiến người khác cũng nhận biết và phải ngạc nhiên về năng quyền biến đổi. Nếu không phải là sự biến đổi lạ lùng thì không thể nào một người đang hết mực tìm cách chống đối Chúa Giê-xu mà chỉ vài ngày sau lại đi ra hội đường để công khai rao giảng về Chúa Giê-xu; vài ngày trước vẫn còn nhân danh quyền lực để bức hại các môn đệ Chúa Giê-xu một cách thích thú, mà vài ngày sau lại bênh vực Danh Chúa Giê-xu, bắt bẻ và đối nghịch với quyền lực đã sử dụng mình (câu 20-22).

Bạn nghĩ gì về quyền năng biến đổi của Chúa trên cuộc đời mình khi xác định rằng mình đã được tha thứ? Người khác có nhận ra sự biến đổi đó trong cuộc đời bạn không? Kể từ khi nhận sự tha thứ, bạn đã chuyển đổi hướng đi đời mình vào những mục đích nào?

Kính lạy Đức Giê-hô-va, nếu Ngài cố chấp sự gian ác, thì, Chúa ôi! Ai sẽ còn sống? Nhưng Chúa có lòng tha thứ cho, để người ta kính sợ Chúa. Thật cảm tạ Ngài.

(c) 2024 svtk.net