Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 31

Hãy Nghĩ Đến Những Điều Bất Khả Thi

Ê-sai 19:1-25

“Trong ngày đó, sẽ có con đường cái đi từ Ai Cập đến A-si-ri; người A-si-ri sẽ đến Ai Cập, người Ai Cập sẽ đến A-si-ri. Người Ai Cập và người A-si-ri sẽ cùng nhau thờ phượng Đức Giê-hô-va” (câu 23).

Câu hỏi suy ngẫm: Tiên tri Ê-sai mô tả hình phạt Đức Chúa Trời dành cho Ai Cập như thế nào? Sau đó ông nói những điều mới nào về Ai Cập? Bạn nghĩ rằng những điều nầy có thể xảy ra không? Vì sao?

Hôm nay lời tiên tri hướng đến Ai Cập là nước văn minh nhất của thế giới vào thời Tiên tri Ê-sai. Đầu tiên là những hình ảnh quen thuộc được sử dụng để mô tả sự đoán phạt của Đức Chúa Trời: Sự tan rã và sự xung đột nội bộ đi kèm với những lễ nghi tôn giáo vô ích. Nguồn nước sông Nin bị cạn kiệt khiến nền công nghiệp, nông nghiệp và ngư nghiệp sa sút trầm trọng (câu 5-10). Giới lãnh đạo Ai Cập thiếu sáng suốt trong việc điều hành đất nước, khiến cho tình trạng của Ai Cập càng thêm tồi tệ (câu 11-15). Ai Cập suy sụp là điều dễ hiểu, không phải là ngẫu nhiên mà bởi bàn tay của Đức Chúa Trời hành động.

Dù chủ đề về sự đoán phạt Ai Cập vẫn tiếp tục, nhưng sau đó Tiên tri Ê-sai nói đến một số điều mới xảy ra cho đất nước nầy trong ngày của Đấng Mết-si-a. Đầu tiên, người Ai Cập sẽ kính sợ Đức Chúa Trời và sợ dân Giu-đa (câu 16-17). Kế đến, khác với thời ông Môi-se, năm thành phố của Ai Cập sẽ ăn năn, quay trở lại và trung thành với Đức Chúa Trời. Thứ ba, một bàn thờ được thiết lập tại Ai Cập và các của lễ được dâng lên để tôn thờ Ngài (câu 19, 21). Thứ tư, điều quan trọng hơn hết là không chỉ có Ai Cập mà cả A-si-ri cũng thờ phượng Đức Chúa Trời (câu 23). Một xa lộ hữu nghị sẽ nối liền hai đất nước nầy lại với nhau để sự thờ phượng Đức Chúa Trời thuận lợi hơn. Cả ba nước Ít-ra-ên, Ai Cập, và A-si-ri chung sống hòa bình, cùng nhau thờ phượng Đức Chúa Trời và trở thành nguồn phước cho thế gian (câu 23-25).

Có thể chúng ta nghĩ: Không có mấy hy vọng để những đất nước, những con người thù nghịch nhau ngàn đời nầy có thể thay đổi để trở nên thân thiện và chung sống hòa bình. Tuy nhiên, trong đức tin Cơ Đốc những trở ngại như thế có thể vượt qua. Bởi ân sủng của Chúa, những con người sống thù địch với đạo lành, hung bạo, phạm thượng sẽ được thay đổi (1 Ti-mô-thê 1:12-14). Bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, từng Cơ Đốc nhân bỏ qua sự phân tranh, bất hòa, khác biệt giữa con người để đem thế giới nầy làm hòa lại với Đức Chúa Trời và với nhau.

Bạn sẽ đáp ứng thế nào và bắt đầu ra sao, nếu có sự thù địch đến từ phía người khác mà Đức Chúa Trời muốn bạn dấn thân hòa giải vì lợi ích của việc rao truyền Phúc Âm?

Lạy Chúa, con tin nơi quyền năng biến cải của Ngài. Xin tiếp tục hành động qua con và Hội Thánh con để đem thế giới thù địch nầy đến với Ngài.

(c) 2024 svtk.net