Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 5

3:1-12 - CHỨC VỤ CỦA GIĂNG BÁP-TÍT

1 Lúc ấy, Giăng Báp-tít đến giảng đạo trong đồng vắng xứ Giu-đê, 2 rằng: Các ngươi phải ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần! 3 Ấy là về Giăng Báp-tít mà đấng tiên tri Ê-sai đã báo trước rằng:

Có tiếng kêu trong đồng vắng:

Hãy dọn đường Chúa,

Ban bằng các nẻo Ngài.

4 Vả Giăng mặc áo bằng lông lạc đà, buộc dây lưng bằng da; ăn, thì ăn những châu chấu và mật ong rừng. 5 Bấy giờ, dân thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, và cả miền chung quanh sông Giô-đanh đều đến cùng người; 6 và khi họ đã xưng tội mình rồi, thì chịu người làm phép báp tem dưới sông Giô-đanh.

7 Bởi Giăng thấy nhiều người dòng Pha-ri-si và Sa-đu-sê đến chịu phép báp-tem mình, thì bảo họ rằng: Hỡi dòng dõi rắn lục kia, ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn giận ngày sau? 8 Vậy, các ngươi hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn, 9 và đừng tự khoe rằng: Áp-ra-ham là tổ chúng ta; và ta nói cho các ngươi rằng Đức Chúa Trời có thể khiến đá nầy sanh ra con cái cho Áp-ra-ham được. 10 Bây giờ cái búa đã để kề rễ cây; vậy hễ cây nào không sanh trái tốt, thì sẽ phải đốn và chụm. 11 Về phần ta, ta lấy nước mà làm phép báp-tem cho các ngươi ăn năn; song Đấng đến sau ta có quyền phép hơn ta, ta không đáng xách giày Ngài. Ấy là Đấng sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa. 12 Tay Ngài cầm nia mà dê thật sạch sân lúa mình và Ngài sẽ chứa lúa vào kho, còn rơm rạ thì đốt trong lửa chẳng hề tắt.

13 Khi ấy, Đức Chúa Jêsus từ xứ Ga-li-lê đến cùng Giăng tại sông Giô-đanh, đặng chịu người làm phép báp-tem. 14 Song Giăng từ chối mà rằng: Chính tôi cần phải chịu Ngài làm phép báp-tem, mà Ngài lại trở đến cùng tôi sao! Đức Chúa Jêsus đáp rằng: 15 Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy. Giăng bèn vâng lời Ngài. 16 Vừa khi chịu phép báp-tem rồi, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bò câu, đậu trên Ngài. 17 Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.

 

1. “Nước thiên đàng” nói đến điều gì? “Nước thiên đàng đã đến gần” nghĩa là thế nào?

2. Theo câu 3, danh hiệu và chức vụ của Giăng Báp-tít là gì?

3. Y phục và thức ăn của Giăng là gì và mang ý nghĩa gì?

4. Theo câu 6, phép báp-têm của Giăng mang ý nghĩa gì?

5. Xin cho biết ý nghĩa lời cảnh cáo của Giăng với người Pha-ri-si và người Sa-đu-sê (c. 7-10)?

6. Xin cho biết sự khác nhau giữa phép báp-têm của Giăng và của Chúa Giê-xu. “Làm phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa” nghĩa là gì?

7. Xin giải thích câu 12.

Cuộc đời Chúa Giê-xu trong Phúc Âm Ma-thi-ơ có thể chia làm ba phần chính:

1. Phần Giới Thiệu                          1:1 - 4:16

2. Giai Đoạn Đầu Của Chức Vụ      4:17 - 16:20

3. Cao Điểm Của Chức Vụ             16:21 - 28:20

Việc chia Ma-thi-ơ thành ba phần như vậy dựa trên cụm từ: Từ lúc đó (4:17) Từ đó (16:21).

Phần giới thiệu gồm hai phần:

·      Gia phả và giáng sinh (1:1-2:23)

·      Chuẩn Bị Chức Vụ (3:1-4:16)

Chức vụ của Chúa Giê-xu được chuẩn bị qua chức vụ của Giăng Báp-tít (Giăng là tên, Báp-tít nghĩa là người làm lễ báp-têm). Giăng Báp-tít được mô tả trong sách tiên tri Ê-sai là tiếng kêu trong đồng vắng (c. 3a). Khi được hỏi, ông Giăng cũng nhận mình chỉ là tiếng của người kêu trong đồng vắng (Giăng 1:23). Nhiệm vụ của ông Giăng là dọn đường Chúaban bằng các nẻo Ngài. Ông Giăng đã giới thiệu Chúa Giê-xu cho dân chúng và các môn đệ của mình (Giăng 1:29; 35-36). Giăng cũng chuẩn bị lòng người bằng cách kêu gọi họ ăn năn và để đánh dấu cho thái độ ăn năn, Giăng làm phép báp-têm cho họ (c. 6).

Lời giảng của Giăng, chuẩn bị cho chức vụ của Chúa Giê-xu là kêu gọi mọi người ăn năn: Các ngươi phải ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần! Nước thiên đàng hay “vương quốc thiên đàng” là một thành ngữ đặc biệt trong Phúc Âm Ma-thi-ơ. Trong Mác và Lu-ca thành ngữ nầy là nước Đức Chúa Trời. Sách Ma-thi-ơ được viết cho người Do-thái, người Do-thái vì lòng tôn kính Danh Đức Chúa Trời nên thường tránh dùng danh hiệu của Chúa mà dùng danh hiệu tương đương. Nước thiên đàngnước Đức Chúa Trời vì vậy đồng nghĩa với nhau và nói đến quyền cai trị của Đức Chúa Trời, nghĩa là Đức Chúa Trời ngự trị và cai trị đời sống của con dân Chúa. Vương quốc nầy hay quyền cai trị nầy đi liền với Chúa Giê-xu và vì vậy khi Giăng Báp-tít rao giảng, Nước thiên đàng đã đến gần, ngụ ý rằng Chúa Giê-xu sắp đến và quyền cai trị của Đức Chúa Trời cùng đến với Ngài. Nước thiên đàng vừa mang ý nghĩa tương lai (Ma-thi-ơ 25:31, 34; 26:29) nhưng cũng mang ý nghĩa hiện tại như chúng ta sẽ thấy trong chức vụ của Chúa Giê-xu.

Y phục của Giăng nhằm mô tả ông là một người sống đơn giản và thức ăn là những thứ dễ tìm trong  hoang mạc. Áo bằng lông lạc đà là thứ y phục thô sơ, rẻ tiền. Dây lưng bằng da là da thú đã khô dùng để cột áo lại. Mặc áo bằng lông thú và thắt lưng da là hình ảnh của tiên tri Ê-li (II Các Vua 1:8) và cũng là trang phục của các tiên tri (Xa-cha-ri 13:4). Giăng Báp-tít đã xuất hiện như “Ê-li tái thế” dựa trên lời tiên tri trong Ma-la-chi 3:5. Châu chấu là loại côn trùng được kể là tinh sạch, có thể dùng làm thức ăn (Lê-vi ký 11:22). Mật ong rừng là loại mật ong hoang, không phải do người nuôi ong cung cấp. Cả hai loại thức ăn nầy đến từ đồng vắng, nơi Giăng thi hành chức vụ.

Chức vụ của Giăng gồm hai phần: (1) Kêu gọi ăn năn, c. 1-2. (2) Làm phép báp-têm, c. 5-6.

Động từ báp-têm nghĩa là “nhúng dưới nước” hay “dầm mình trong nước.” Đây là nghi lễ dành cho Dân Ngoại (những người không phải Do-thái) khi họ quy đạo. Bây giờ Giăng cử hành lễ báp-têm cho người Do-thái, chứng tỏ họ có lòng ăn năn thật (c. 6). Lễ báp-têm của Giăng vì vậy đi chung với lòng ăn năn, hối cải. Một người chịu để cho Giăng làm phép báp-têm nghĩa là người đó thật sự ăn năn tội của mình. Báp-têm không phải là lễ rửa tội nhưng là nghi lễ bên ngoài chứng tỏ lòng ăn năn thật bên trong. Chính vì vậy mà khi thấy những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê đến nhận báp-têm, Giăng biết họ chỉ làm bộ bề ngoài để chứng tỏ mình là người sùng đạo, nên ông đã nghiêm khắc cảnh cáo họ: Hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn (c. 8).

Hai nhóm lãnh đạo tôn giáo nổi bật trong thời Chúa Giê-xu là Pha-ri-siSa-đu-sê. Pha-ri-si mang ý nghĩa “biệt lập” hay “ly khai” ngụ ý tách rời khỏi nếp sống trần tục, quay về với luật pháp của Chúa và tuân giữ luật của Chúa cách nghiêm minh. Bắt đầu với khuynh hướng tốt đẹp, nhưng về sau phần nhiều trong nhóm họ trở thành những người đạo đức giả, chỉ tuân giữ luật bề ngoài để khoe khoang và thường lên án, chỉ trích người khác. Họ cũng là nhóm người nhấn mạnh đến các luật truyền khẩu mang tính cách lễ nghi và bỏ qua tinh túy của luật pháp. Sa-đu-sê là những người thuộc dòng dõi quý tộc, nhiều người trong nhóm Sa-đu-sê là gia đình của các thầy tế lễ. Chữ Sa-đu-sê có lẽ phát xuất từ tên thầy tế lễ Xa-đốc (II Sa-mu-ên 8:17). Nhóm Sa-đu-sê giàu có, có khuynh hướng tự do. Họ xung khắc với nhóm Pha-ri-si và phủ nhận luật truyền khẩu. Cả hai nhóm lãnh đạo tôn giáo nầy có ảnh hưởng lớn trên đời sống dân chúng lúc bấy giờ.

Nhiều người trong cả hai nhóm nầy đã đến để được Giăng làm phép báp-têm, đây là phép báp-têm chứng tỏ lòng ăn năn (c. 6). Nhưng những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê nầy, dưới cái nhìn của Giăng, ông biết họ đến chịu báp-têm cốt chỉ để tránh khỏi cơn giận ngày sau (c. 7) mà thiếu lòng ăn năn thật. Họ nghĩ rằng chỉ cần đến nhận báp-têm là thoát khỏi cơn thạnh nộ của Chúa. Ngày sau chẳng những mang ý nghĩa tương lai nhưng cũng nói đến tính cách chắn chắn về sự hình phạt của Chúa. Giăng gọi họ là dòng dõi rắn lục (rắn thì sinh rắn) tương tự như việc Chúa Giê-xu gọi những người Giu-đa là “dòng dõi của ma quỷ” (Giăng 8:44). Điều Giăng Báp-tít kêu gọi là Hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn (c. 8) nghĩa là nếu muốn nhận lễ báp-têm thì phải có lòng ăn năn thật, bày tỏ cụ thể trong đời sống. Đây cũng là nguyên tắc áp dụng cho tất cả mọi người.

Điều người Do-thái, đặc biệt là nhóm Pha-ri-si và Sa-đu-sê, tự hào nhất là họ kể mình là con cháu Áp-ra-ham (c. 9). Họ quan niệm rằng, hễ sinh ra là người Do-thái thì không thể nào bị từ bỏ cả. Tuy nhiên, ở đây Giăng cảnh cáo họ, Ta nói cho các ngươi rằng Đức Chúa Trời có thể khiến đá nầy sanh ra con cái cho Áp-ra-ham được (c. 9b). Câu nầy cho thấy quyền năng của Đức Chúa Trời, đồng thời cho thấy Chúa không cần đến họ để hoàn thành mục đích của Ngài. Chữ đá nầy hàm ý Giăng chỉ vào đám đá nằm trong đồng vắng và nói với họ rằng qua những vật vô tri nầy, Đức Chúa Trời cũng có thể hoàn thành mục đích của Ngài, không cần đến họ. Câu nầy tương tự như lời Chúa Giê-xu nói với những người Pha-ri-si trong dịp Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem (Lu-ca 19:40).

Lời cảnh cáo tiếp theo là câu, Bây giờ cái búa đã để kề rễ cây, vậy hễ cây nào không sanh trái tốt, thì sẽ phải đốn và chụm (c. 11). Ở trên, Giăng nói, Hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn (c. 8) và ở đây ông nói, Hễ cây nào không sanh trái tốt, hàm ý không kết quả xứng đáng với sự ăn năn. Khi một người không kết quả xứng đáng với sự ăn năn, không sinh trái tốt, thì điều gì xảy ra? Cái búa đã để kề rễ cây. Hai điều quan trọng trong câu nầy: (1) Cái búa ĐÃ để kề rễ cây, cho thấy án phạt của Chúa sẽ xảy ra ngay, không nhất thiết là chuyện phải chờ đến tương lai. (2) Thường muốn chặt cây, cái búa phải để cao hơn mặt đất nhưng kề RỄ cây nói đến bị chặt từ gốc, từ nguồn cung cấp sự sống. Đây là lời cảnh cáo nghiêm trọng về tội lỗi. Chúng ta không thể coi thường tội lỗi mà thiếu đi lòng ăn năn thật, thể hiện cụ thể (sinh trái tốt). Thiếu trái tốt, chúng ta sẽ bị đốn từ gốc và đốt cháy trong lửa, hình phạt kinh khiếp vì thiếu lòng ăn năn thật, từ bỏ tội lỗi!

Sau lời cảnh cáo người Pha-ri-si và Sa-đu-sê, Giăng nói chung với mọi người (Lu-ca 3:16-17), so sánh phép báp-têm của ông và của Chúa Giê-xu. Trước hết, ông cho thấy mình thua kém Chúa: Đấng đến sau ta có quyền phép hơn ta và: Ta không đáng xách giày Ngài. Giăng xác nhận phép báp-têm của ông là phép báp-têm bằng nước, mang ý nghĩa ăn năn. Còn Chúa Giê-xu sẽ làm phép báp-têm cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa (c. 11b). Chữ bằng (nguyên văn là en) trong câu bằng Đức Thánh Linh là cùng một chữ với những chữ lấy nước mà làm: Giăng làm báp-têm bằng (en) nước, Chúa Giê-xu làm báp-têm bằng (en) Thánh Linh. Làm phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh nghĩa là người tin Chúa Giê-xu kinh nghiệm được sự sống và sức mạnh của Chúa Thánh Linh như lời hứa trong Giô-ên 2:28 và thành sự thật trong ngày lễ Ngũ Tuần (Công vụ 2:1-4). Trong ngày lễ Ngũ Tuần, lúc Chúa Thánh Linh giáng lâm cũng có lưỡi như lưỡi bằng lửa xuất hiện. Lửa mang ý nghĩa thanh tẩy. Làm phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa vì vậy nghĩa là người tin Chúa Giê-xu sẽ nhận được sự sống và sức mạnh thay tẩy từ nơi Chúa Thánh Linh khi Ngài ngự trong lòng những người tin Ngài. Câu 12 cũng nhắc đến lửa nhưng đây là lửa hình phạt đời đời dành cho những người không tin.