Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 27

8:1-4 - "NẾU CHÚA MUỐN..."

1 Khi Đức Chúa Jêsus ở trên núi xuống, có đoàn dân đông lắm theo Ngài. 2 Nầy, có một người phung đến gần, lạy Ngài, mà thưa rằng: Lạy Chúa, nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi sạch được. 3 Đức Chúa Jêsus giơ tay rờ người, mà phán rằng: Ta khứng, hãy sạch đi. Tức thì người phung được sạch. 4 Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng người rằng: Hãy giữ, chớ nói cùng ai; song hãy đi tỏ mình cùng thầy cả, và dâng của lễ theo như Môi-se dạy, để làm chứng cho họ.

 

1. “Khứng” ( c. 2) nghĩa là gì? Người phung hàm ý gì khi nói: “Nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi sạch được”?

2. Trong câu chuyện nầy, tại sao không nói “được lành bệnh” hay “được chữa lành” mà lại “được sạch”?

3. Chúa Giê-xu có cần đụng đến người phung để chữa lành cho người nầy không? Tại sao Chúa lại “giơ tay rờ người”?

4. Mạng lệnh của Chúa cho người phung trong câu 4 mang ý nghĩa gì?

 

Sau một phần dài (Chương 5-7) ghi những lời dạy của Chúa Giê-xu, hai chương tiếp theo (8-9) ghi lại những việc Chúa làm, chủ yếu là chữa bệnh. Giảng dạy và chữa bệnhhai chức vụ chính của Chúa Giê-xu. Hai điều nầy đi song song với nhau như lời mở đầu và kết thúc của phần nầy (4:23; 9:35).

Chúa Giê-xu ở trên núi xuốngcó đoàn dân đông lắm theo Ngài (c. 1) cho thấy đây là phần tiếp theo của 4:25 và 5:1. Việc người phung đến gần là chuyện lạ vì bệnh phung bị kể là bất khiết, người mắc bệnh phải tránh xa mọi người (Lê-vi ký 13:45-46). Người phung nầy không kể luật lệ mà đến với Chúa có lẽ vì đã nghe về quyền năng của Chúa và bây giờ với đức tin, ông bạo dạn đến với Chúa với hy vọng được chữa lành. Câu ông thưa với Chúa: Nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi sạch được cho thấy đức tin của ông nơi Chúa nhưng cảm biết mình không đáng được sự chữa lành của Ngài nên không dám đưa ra lời thỉnh cầu mà chỉ nói lên nguyện vọng hay ước ao của mình. Câu người phung nói hàm ý, “Con biết Chúa có thể chữa lành con nhưng chữa lành hay không là tùy nơi Chúa, con không dám đòi hỏi.” Khứng mang ý nghĩa sẵn lòng, chịu làm, muốn làm.

Đụng đến người phung theo luật là bị lây ô uế (Lê-vi ký 5:3) và Chúa Giê-xu cũng không cần phải giơ tay rờ mới chữa lành được. Nhưng Chúa đã giơ tay rờ để bày tỏ lòng thông cảm với người bệnh. Suốt cả đời có lẽ chưa bao giờ có một bàn tay nào đưa ra đụng đến người nầy nên bây giờ người đó cảm nhận được lòng thương xót của Chúa khi bàn tay của Chúa đụng đến mình. Mạng lệnh chữa lành của Chúa trong nguyên văn chỉ có hai chữ nhưng đầy đủ ý nghĩa.  Ta khứng nói lên sự sẵn lòng của Chúa. Và, Hãy sạch đi là một mạng lệnh cho bệnh phung tan biến, chứng tỏ quyền năng của Chúa trên bệnh tật.

Dù phung là một bệnh nhưng cả Chúa Giê-xu và người phung đều ý thức sâu xa hơn rằng, đây là sự ô uế. Vì vậy chữa lành bệnh phung mang ý nghĩa được sạch, được thanh tẩy. Mạng lệnh của Chúa cho người phung trong câu 4 hàm ý bảo người đó việc phải làm đầu tiên là đi tỏ mình cùng thầy cả theo luật Môi-se (Lê-vi ký 14:1-2) để có thể trở lại đời sống bình thường, không còn bị loại trừ ra ngoài trong xã hội nữa.  Hãy giữ, chớ nói cùng ai là hối thúc người đó phải lo đi gặp thầy tế lễ ngay chứ đừng đi nói với ai. Nhưng đây cũng là mạng lệnh chúng ta thấy nhiều lần trong các sách Phúc Âm Chúa Giê-xu căn dặn những người Ngài chữa lành để người ta không lầm tưởng rằng Chúa chỉ là người làm phép lạ và là người đến để giải phóng đất nước khỏi người La-mã về mặt chính trị.