Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 39

10:5-15 - CÔNG TÁC TRUYỀN GIÁO

5 Ấy đó là mười hai sứ đồ Đức Chúa Jêsus sai đi, và có truyền rằng: Đừng đi đến dân ngoại, cũng đừng vào một thành nào của dân Sa-ma-ri cả; 6 song thà đi đến cùng những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên. 7 Khi đi đường, hãy rao giảng rằng: Nước thiên đàng gần rồi. 8 Hãy chữa lành kẻ đau, khiến sống kẻ chết, làm sạch kẻ phung, và trừ các quỉ. Các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không.

9 Đừng đem vàng, hoặc bạc, hoặc tiền trong lưng các ngươi; 10 cũng đừng đem cái bao đi đường, hoặc hai áo, hoặc giày, hoặc gậy; vì người làm việc đáng được đồ ăn. 11 Các ngươi vào thành nào hay là làng nào, hãy hỏi thăm ai là người đáng tiếp rước mình, rồi ở nhà họ cho đến lúc đi. 12 Và khi vào nhà nào, hãy cầu bình an cho nhà ấy; 13 nếu nhà đó xứng đáng, thì sự bình an các ngươi xuống cho; bằng không, thì sự bình an các ngươi trở về các ngươi. 14 Nếu ai không tiếp rước, không nghe lời các ngươi, khi ra khỏi nhà đó, hay là thành đó, hãy phủi bụi đã dính chân các ngươi. 15 Quả thật, ta nói cùng các ngươi, đến ngày phán xét, thì xứ Sô-đôm và xứ Gô-mô-rơ sẽ chịu đoán phạt nhẹ hơn thành ấy.

 

1. Tại sao Chúa không cho các sứ đồ đi đến Dân Ngoại hay người Sa-ma-ri (c. 5)?

2. “Các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không” (c. 8b) mang ý nghĩa gì?

3. Xin cho biết lý do tại sao Chúa truyền những mệnh lệnh trong câu 9-10.

4. Cách xử sự Chúa nói trong câu 11-14 cho thấy nguyên tắc gì về cách chúng ta ứng xử với người ngoại?

5. Tại sao Chúa nói Sô-đôm và Gô-mô-rơ sẽ chịu đoán phạt nhẹ hơn (c. 15)?

 

Mạng lệnh của Chúa Giê-xu cho mười hai sứ đồ: Đừng đi đến dân ngoại cũng đừng vào một thành nào của dân Sa-ma-ri cả (c. 5) nhằm giới hạn địa bàn hoạt động của các sứ đồ lúc bấy giờ chứ không có ý phân biệt. Trong đại mạng lệnh (28:19) Chúa truyền: “Hãy đi dạy dỗ MUÔN DÂN...” và trong Công vụ 1:8 Chúa bảo phải làm chứng về Chúa tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri cho đến cùng trái đất. Mạng lệnh trong câu 5 hàm ý các sứ đồ chỉ hoạt động trong vùng Ga-li-lê vì đi về phía Bắc và phía Đông là xứ của Dân Ngoại và phía Nam là Sa-ma-ri. Con chiên lạc mất (c. 6) nhắc lại ý của 9:36 và trong giai đoạn nầy, nhiệm vụ của các sứ đồ giới hạn cho người Do-thái (nhà Y-sơ-ra-ên).

Các sứ đồ rao giảng cùng một sứ điệp như Giăng Báp-tít và Chúa Giê-xu giảng trước đó (3:2; 4:17). Bốn công tác các sứ đồ được Chúa giao phó là: chữa lành kẻ đau, khiến sống kẻ chết, làm sạch kẻ phung và trừ các quỷ (c. 8a). Các sứ đồ có thể làm được những điều nầy vì họ nhận được quyền phép hay thẩm quyền của Chúa (c. 1).

Các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không (c. 8b) là câu khẩu hiệu Chúa muốn các sứ đồ phải luôn luôn tâm niệm khi ra đi truyền giáo. Đã được lãnh không nhắc cho họ nhớ những gì Chúa đã làm cho họ. Được làm môn đồ Chúa không phải do cố gắng hay đóng góp của họ nhưng bởi ơn của Chúa. Ghi nhớ như vậy họ sẽ ra đi với tinh thần rộng rãi, cởi mở. Làm việc không phải vì bị bắt buộc hay để nhận lãnh cho mình một lợi ích cá nhân nào. Họ được nhắc nhở rằng Chúa đã đối xử với họ thế nào, họ cũng phải đối xử với người khác như vậy. 

Các câu 9-10 nói về sự trang bị của các sứ đồ khi ra đi truyền giáo: Đừng đem vàng, hoặc bạc, hoặc tiền trong lưng các ngươi. Cũng đừng đem cái bao đi đường, hoặc hai áo, hoặc giày, hoặc gậy… Những lời dặn dò của Chúa Giê-xu cho các sứ đồ trong phân đoạn nầy đặc biệt dành cho sứ vụ giới hạn của họ tại Ga-li-lê lúc bấy giờ. Về sau Chúa đã dặn họ những điều khác với những điều nầy (Lu-ca 22:36). Chúng ta dựa vào những lời dặn dò nầy để rút ra những nguyên tắc áp dụng chung chứ không phải theo đúng từng lời một vì lời dặn nầy của Chúa chỉ cho sứ vụ tại Ga-li-lê của các sứ đồ lúc đó mà thôi. Vàng, bạctiền là phương tiện để chi dùng. Chúa Giê-xu muốn các sứ đồ ra đi trong ý nghĩa tự nguyện và nhờ cậy Chúa chu cấp phương tiện cho mình qua đối tượng mình phục vụ (c. 10b). Bao đi đường, hai áo, giàygậy cũng mang những ý nghĩa tương tự, nghĩa là ra đi công tác, phục sức đơn giản, không mang theo nhiều thứ cồng kềnh, không cần thiết.

Chúa dặn các sứ đồ cách ứng xử với những người họ ra đi truyền giảng trong câu 11-14. Nguyên tắc ở đây tương tự như nguyên tắc trong 7:6, hàm ý chúng ta chỉ dành Lời Chúa cho những người sẵn sàng tiếp nhận (đáng tiếp rước, xứng đáng) và không phải bận tâm với những người khước từ (không tiếp rước, không nghe lời). Ở nhà họ cho đến lúc đi (c. 11b) hàm ý là khi đến một khu vực hay một thôn xóm nào, chỉ nên ở một chỗ, không nên đến nhiều nơi, quấy rầy nhiều người và có thể gây tiếng xấu. Sự bình an hay ơn phước các sứ đồ đem đến chỉ có hiệu quả khi người ta tiếp nhận (sự bình an các ngươi xuống cho). Người khước từ Lời Chúa thì hậu quả sẽ là không được gì cả, kể như những lời cầu chúc bình an hay ơn phước trở lại nơi người cầu chúc (trở về các ngươi). Một hành động khác Chúa nói với các sứ đồ là phủi bụi đã dính chân các ngươi tại những nơi người ta khước từ (c. 14). Người Do-thái thường phủi bụi nơi chân khi họ từ vùng đất của Dân Ngoại về vì họ cho là đã bị ô uế tại vùng đất Dân Ngoại. Phủi bụi đã dính chân vì vậy hàm ý coi những nơi đó như vùng đất của Dân Ngoại, ô uế và sẽ phải bị đoán phạt. Phao-lô và Ba-na-ba đã làm như vậy tại thành An-ti-ốt, xứ Bi-si-đi khi người Do-thái tại đó khước từ lời giảng của Phao-lô (Công vụ 13:51).

Sô-đômGô-mô-rơ là hai thành phố tội lỗi trong Cựu Ước đã bị Đức Chúa Trời hình phạt nặng nề nhưng Chúa Giê-xu cho thấy khước từ Phúc Âm của Chúa là tội nghiêm trọng hơn. Đó là ý nghĩa của câu: Xứ Sô-đôm và xứ Gô-mô-rơ sẽ chịu đoán phạt nhẹ hơn thành ấy (thành ấy là thành không tiếp rước, không nghe lời các ngươi, c. 14).