Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 46

12:9-21 - HÃY GIƠ TAY RA!

9 Đức Chúa Jêsus đi khỏi nơi đó, bèn vào nhà hội. 10 Ở đó, có một người teo một bàn tay. Có kẻ hỏi Ngài rằng: Trong ngày Sa-bát, có phép chữa kẻ bịnh hay không? Ấy là họ có ý kiếm dịp kiện Ngài. 11 Ngài bèn phán cùng họ rằng: Ai trong vòng các ngươi có một con chiên, nếu đang ngày Sa-bát, bị té xuống hầm, thì há không kéo nó lên sao? 12 Huống chi người ta trọng hơn con chiên là dường nào! Vậy, trong ngày Sa-bát có phép làm việc lành. 13 Đoạn, Ngài phán cùng người tay teo rằng: Hãy giơ tay ra. Người liền giơ tay, thì tay nầy cũng lành như tay kia.

14 Những người Pha-ri-si đi ra ngoài rồi, bàn với nhau, lập mưu đặng giết Ngài. 15 Song Đức Chúa Jêsus biết điều ấy, thì bỏ đi khỏi chỗ đó; có nhiều người theo, và Ngài chữa lành cả. 16 Ngài cấm ngặt họ đừng cho ai biết Ngài; 17 để được ứng nghiệm lời đấng tiên tri Ê-sai đã nói rằng:

18 Nầy, tôi tớ ta đã chọn,

Là người mà ta rất yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng.

Ta sẽ cho Thánh Linh ta ngự trên người,

Người sẽ rao giảng sự công bình cho dân ngoại.

19 Người sẽ chẳng cãi lẫy, chẳng kêu la,

Và chẳng ai nghe được tiếng người ngoài đường cái.

20 Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã gãy, chẳng tắt ngọn đèn gần tàn,

Cho đến chừng nào người khiến sự công bình được thắng. 

21 Dân ngoại sẽ trông cậy danh người. 

 

1. Câu hỏi, “Trong ngày Sa-bát, có phép chữa kẻ bịnh hay không” (c. 10) được đặt ra với dụng ý gì?

2. Xin cho biết lý luận của Chúa Giê-xu khi trả lời câu hỏi trên ((c. 11-12).

3. Tại sao Chúa chữa lành cho người teo tay mà những người Pha-ri-si lại muốn giết Ngài (c. 14)?

4. Tại sao câu 16 lại được cho là “để được ứng nghiệm lời Đấng tiên tri Ê-sai đã nói” (c. 17)?

 

Hai câu chuyện liên tiếp (c. 1-8 và 9-14) đều liên quan đến vấn đề ngày Sa-bát, Chúa Giê-xu và người Pha-ri-si. Người Pha-ri-si luôn luôn tìm dịp để bắt bẻ Chúa hay kiện cáo Ngài về vấn đề giữ ngày Sa-bát. Lần trước là việc các môn đồ của Chúa bứt bông lúa mì trong ngày Sa-bát (c. 1-8), lần nầy là việc Chúa chữa lành cho người bị teo tay, cũng trong ngày Sa-bát (c. 9-14). Câu chuyện bắt đầu với sự hiện diện của một người bị teo bàn tay trong nhà hội (c. 9-10a). Chữ teo trong nguyên văn nghĩa là “khô,” như một cành cây khô. Có lẽ người nầy bị chứng co gân, tay bị liệt hay bàn tay bị co quắp lại. Những người Pha-ri-si đoán rằng thế nào Chúa Giê-xu cũng sẽ chữa lành cho ngưòi nầy, cũng có thể là họ cố ý đem người nầy đến để gài bẫy Chúa. Một lần nữa cho thấy tấm lòng thiếu thương xót của họ mà Chúa vừa nhắc đến (c. 7).

Có kẻ hỏi Ngài rằng, hay: “Họ hỏi Ngài rằng” (Bản Hiệu Đính).  “Họ” đây là người Pha-ri-si. Mục đích của câu hỏi là họ có ý kiếm dịp kiện Ngài (c. 10c). “Kiện” cũng mang ý nghĩa tố cáo hay vu khống. Luật truyền khẩu của người Pha-ri-si cho phép chữa bệnh trong ngày Sa-bát nếu bệnh đó nguy đến tính mạng. Bệnh không nguy hiểm mà chữa trong ngày Sa-bát thì bị kể là phạm luật. Chính vì bệnh nầy không nguy đến tính mạng mà người Pha-ri-si muốn gài bẫy Chúa. Chúa Giê-xu đã trả lời dựa trên chính luật lệ của họ. Chúa biết rằng người ta được phép cứu một con vật nếu con vật đó lỡ bị rớt xuống hầm hố trong ngày Sa-bát (c. 11). Lý luận của Chúa không phải là giữa tình trạng lâm nguy hay không lâm nguy mà là giữa người và vật. Con vật bị rơi xuống hố trong ngày Sa-bát mà còn đáng cứu huống chi là con người (Người ta trọng hơn con chiên là dường nào, c. 12a). Chúa Giê-xu kết luận: Vậy, trong ngày Sa-bát có phép làm việc lành (c. 12b). Luật ngày Sa-bát, theo Chúa Giê-xu, không phải là “không được làm điều gì” nhưng là “phải làm điều gì.” Với lý luận đó, Chúa Giê-xu đã chữa lành cho người bị teo tay bằng một mạng lệnh của Ngài: Hãy giơ tay ra! (c. 13a).  Việc chữa lành nầy không nhắc gì đến đức tin của người bệnh vì câu chuyện nầy nhằm nhấn mạnh về tranh chấp giữa Chúa Giê-xu và người Pha-ri-si. Chính vì vậy mà những người Pha-ri-si đi ra ngoài rồi bàn với nhau lập mưu đặng giết Ngài (c. 14).

Cuối cùng Chúa Giê-xu cũng sẽ chịu chết vì người Do-thái chống đối Ngài nhưng chưa đến thời điểm nên Chúa đã tránh họ. Dù vậy, những ai theo Chúa, Ngài đều chữa lành cho họ cả (c. 15). Để tránh việc nhận thức Chúa là Đấng Mê-si-a theo nghĩa chính trị, Chúa Giê-xu đã cấm ngặt họ đừng cho ai biết Ngài (c. 16). Sứ đồ Ma-thi-ơ đã dựa vào điều nầy để cho thấy rằng như vậy là ứng nghiệm lời đấng tiên tri Ê-sai đã nói (c. 17).  Lời tiên tri trong Ê-sai được ứng nghiệm trong ý nghĩa nào? Ma-thi-ơ nhiều lần trích những lời tiên tri trong Cựu Ước được ứng nghiệm trong cuộc đời Chúa Giê-xu, riêng lần nầy lời trích nói đến đặc tính của Chúa Giê-xu trong hình ảnh Người Đầy Tớ trong tiên tri Ê-sai để đối chiếu với sự chống đối của người Pha-ri-si. Lời trích nầy cho thấy Chúa Giê-xu nhu mì, không khoe khoang, đầy lòng thương xót và cuối cùng chiến thắng (c. 18-21).

Người sẽ chẳng cãi lẫy (c. 19a) nói lên đặc tính ôn hoà của Chúa. Chúa nói thẳng, chống lại bất công và tội lỗi nhưng là nói lên chân lý, không phải luận chiến. Chẳng kêu la (c. 19b) nói lên đặc tính yên lặng của Chúa, không ồn ào trong ý nghĩa khoe khoang, cho mình là quan trọng. Câu tiếp theo cho thấy điều đó: Chẳng ai nghe được tiếng người ngoài đường cái, nghĩa là “không rêu rao ngoài phố cho mọi người đều biết” (c. 19c).

Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã gãy, chẳng tắt ngọn đèn gần tàn (c. 20) cho thấy tấm lòng nhân từ, đầy thương xót của Chúa. Bản Kinh Thánh tiếng Việt trong Ê-sai dịch câu nầy gần với ý nghĩa trong nguyên văn hơn: “Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã giập và chẳng dụt tim đèn còn hơi cháy” (Ê-sai 42:3a). “Cây sậy đã giập” và “tim đèn còn hơi cháy” nói lên những hoàn cảnh cùng khốn. Sậy là giống cây yếu ớt mà lại là cây sậy đã giập. “Tim đèn còn hơi cháy” chẳng những không còn toả nhiều ánh sáng mà còn ra khói, khó chịu. Một tim đèn như vậy không còn giá trị và có thể bị vứt bỏ dễ dàng. Đối với con người trong những hoàn cảnh cùng khốn đó, Chúa vẫn thương xót, không loại bỏ.

Hai câu còn lại trong lời trích từ Ê-sai (c. 20b-21) cho thấy Chúa sẽ đạt đến mục đích cuối cùng của Ngài: “Cho đến chừng Người đưa công lý đến chiến thắng” (Bản Hiệu Đính). Và sứ mạng của Chúa sẽ không chỉ giới hạn cho người Do-thái mà thôi: Dân Ngoại sẽ trông cậy Danh Người (c. 21).