Trang Chủ :: Chia Sẻ

Thơ 697

Nhớ Những Ngày Xưa




Kinh Thánh: Thi-thiên 90: 12; Hê-bơ-rơ 11: 16

Nhớ những ngày xưa, tuổi chín mười
Chăn trâu, tắm suối thật vui tươi
Đi học “cúp cua”, chơi đánh trổng(1)
Tuổi thơ hồn nhiên thế mà thôi...

Nhớ những ngày xưa, tuổi đôi mươi
Bỏ áo thư sinh đến xứ người(2)
Súng vác trên vai vào trận mạc
“Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”(3)...

Nhớ những ngày xưa, làm giáo làng(4)
Xe đạp cọc cạch, chẳng cao sang
Phấn trắng, bảng đen truyền kiến thức
Tâm hồn trong sạch thật bình an...

Nhớ những ngày xưa, thời khó nghèo(5)
Mọi người sống trong cảnh gieo neo
Cơm không đủ ăn, đồ thiếu mặc
“Lao động vinh quang” khẩu hiệu nêu(6)...

Nhớ những ngày xưa, nghĩ ngày nay
Chúa cho còn sống, nhớ đếm ngày(7)
Đừng quên ơn Chúa không xiết kể(8)
Sống đời tạm nầy, hướng đời sau(9)...

Đầu Xuân mới 2023!
Bình Tú Ngọc

(1): “Cúp cua” là trốn học, đi chơi. “Đánh trổng”: Là một trò chơi dân gian yêu thích của trẻ em vùng Quảng Nam, gồm hai khúc cây tròn, nhỏ, một dài, một ngắn. Người chơi lấy cây dài đánh cây ngắn đi xa, và người kia phải chụp được cây ngắn đó ở trên không, thì sẽ trở thành người đánh. Nếu không chụp được cây ngắn, thì cứ bị phạt chụp khi nào được mới trở thành người đánh, và người kia phải đi chụp.
(2): Năm 1979: Vừa tốt nghiệp Tú Tài xong là phải đi lính chiến đấu tận bên xứ Cambodia 5 năm dài đăng đẵng.
(3): “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.” (Lương Châu Từ của Nhà Thơ Vương Hàn, Trung Quốc)
(Nghĩa là:“Say nằm bãi cát chớ cười/ Xưa nay chinh chiến mấy ai đã về.” (Trần Trọng Kim dịch)
(4): Từ 1987-1992: Làm Giáo Viên Văn Chương dạy tại Trường Trung Học Cơ Sở Bình Trung II, (Huyện Thăng Bình, Tỉnh Quảng Nam)
(5): Thời bao cấp Hợp Tác Xã Nông Nghiệp từ những năm sau biến cố 1975 đến cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước là thời kỳ đói khổ kinh khiếp.
(5): “Lao động là vinh quang.” là câu khẩu hiệu được giăng khắp nơi trong thời bao cấp, ai cũng thuộc lòng.
(7): Ý từ Thi-thiên 90: 12
(8): Ý từ II Cô-rinh-tô 9: 15
(9): Ý từ Hê-bơ-rơ 11: 16