*Kinh Thánh: Sáng Thế Ký 1: 27; Thi-thiên 95: 6; Giăng 4: 23, 24; I Cô-rinh-tô 3: 16, 17
Thờ Trời là một nhu cầu tâm linh không thể thiếu của hầu hết các dân tộc trên thế giới nầy từ xưa cho đến nay.
Tại sao con người lại có nhu cầu thờ Trời?
Câu trả lời không lấy gì làm khó khăn, ấy là tại vì chính Ông Trời đã sáng tạo nên con người chúng ta cũng như muôn loài vạn vật.
Giống như người con phải hiếu kính cha mẹ, mà không cần phải thắc mắc hay lý luận gì cả, bởi vì cha mẹ là người đã sinh thành ra mình, thì con người phải thờ Trời vậy.
Dù bạn là ai, thuộc dân tộc nào trên thế giới nầy và đang theo một tôn giáo nào đi chăng nữa, bạn cũng dễ dàng nhận thấy chân lý nầy, khi một người gặp tai nạn hay chuyện gì bất trắc nguy hiểm đến tính mạng, thì tự nhiên người đó sẽ bật kêu lên mấy tiếng “Trời ơi, cứu tôi!”, chứ không kêu một ai khác. Vì sao, câu trả lời cũng rất tự nhiên là vì chính Ông Trời đã tạo nên mình.
Khi Đức Chúa Trời tạo nên con người, Ngài set up (đặt để) hình ảnh của Ngài trong tâm hồn của họ. Kinh Thánh cho biết: “Đức Chúa Trời dựng nên loài người theo hình Ngài. Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời. Ngài dựng nên người nam cùng người nữ” (Sách Sáng Thế Ký, chương 1, câu 27).
Có thể nói một cách mạnh mẽ rằng dân tộc Việt Nam chúng ta là một dân tộc có truyền thống thờ Trời rất sâu đậm trong tâm khảm.
Qua kho tàng ca dao, tục ngữ tuyệt vời của ông cha ta, chúng ta dễ dàng nhận thấy tấm lòng thờ Trời được hiện lên rất rõ:
+ Cho dù Trời hại mới hư,
Dù ai có hại cũng như phấn dồi
+ Ở xởi lởi Trời gởi cho,
Ở bo bo Trời lấy lại
+ Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp
+ Con chim nó hót trên cao,
Ông Trời không có làm sao có mình,
Con chim nó hót trên cành,
Ông Trời không có có mình làm sao?
+ Trời nào có phụ ai đâu,
Hay làm thì giàu, có chí thì nên.
+ Trời cho không thấy, Trời lấy không hay
+ Người tính không bằng Trời tính
+ Thấp cổ kêu không thấu Trời
+ Trời sinh voi, Trời sinh cỏ
...
Trong văn chương bác học, chúng ta cũng thấy tấm lòng thờ Trời được hiển hiện một cách tự nhiên trong nhiều câu thơ của các nhà thơ:
+ Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách Trời,
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
(Lý Thường Kiệt)
+ Gẫm hay muôn sự tại Trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân,
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao,
Có đâu thiên vị người nào,
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.
(Kiều – Nguyễn Du)
+ Giang sơn còn nặng gánh tình,
Trời chưa cho nghỉ thì mình cứ đi,
Bao giờ Trời bảo thôi đi,
Giang sơn cất gánh ta thì nghỉ ngơi.
(Nguyễn Công Trứ)
...
Trong các Nhà Thơ Việt Nam, có người cho rằng Nguyễn Du là Nhà Thơ nói về đạo Trời nhiều hơn bất cứ ai:
“Nguyễn Du đã nhắc đến “Trời” trong suốt tác phẩm của mình. Hầu như những câu thơ hay nhất, thâm trầm, sâu sắc nhất đều có yếu tố “Ông Trời”... Nói về đạo Trời, Nguyễn Du có lẽ là một trong những nhà thơ nhắc đến Trời nhiều nhất.”(1)
Khi nói về tấm lòng thờ Trời của người dân Việt, một Nhà Nghiên Cứu đã nhận xét rằng:
“Dân Việt Nam là dân hữu thần, sống rất gần gũi với Trời. Từ khi chào đời tới khi qua đời, người ta nói rất nhiều tới Trời xanh cao cả trên đầu, qua trời xanh đó, người ta nhận rằng có Đấng Tối cao dựng nên trời đất, cai quản vũ trụ, nhất là loài người.”(2)
Một Nhà Nghiên Cứu khác cũng có một nhận xét tương tự về tấm lòng thờ Trời ấy của người Việt Nam:
“Ngày nay, xã hội đã phát triển, một số tín ngưỡng cổ sơ đã không còn tồn tại, nhưng tín ngưỡng thờ Trời vẫn mãi còn trong tâm thức người dân Nam Bộ nói riêng, người dân Việt Nam nói chung.”(3)
Đại Thi Hào của người Do-thái ngày xưa là vua Đa-vít đã từng kêu gọi mọi người hãy cùng đến tôn thờ Đức Chúa Trời: “Hãy đến, cúi xuống mà thờ lạy. Khá quỳ gối xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, là Đấng Tạo Hóa chúng tôi” (Sách Thi-thiên, chương 95, câu 6).
Cho dù là người Do-thái hay người Việt Nam, hoặc là bất cứ một dân tộc nào khác, thì tấm lòng thờ Trời đều được thể hiện khá rõ ràng, tuy mỗi một dân tộc đều có cách thể hiện riêng của họ.
Tấm lòng thờ Trời của người Việt Nam thật rất đáng quý, vì nó cho thấy người Việt là một dân tộc giàu nhân nghĩa, trọng nguồn cội.
Người Việt Nam thường nhắc nhở nhau không được quên nguồn cội, gốc gác của mình qua nhiều câu nói rất sâu sắc:
+ Uống nước nhớ nguồn
+ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Uống nước nhớ người đào giếng
+ Cây có cội, nước có nguồn
+ Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Người Việt có truyền thống thờ Trời, luôn luôn suy nghĩ đến nguồn cội của mình để nhớ, để biết ơn. Tuy nhiên, truyền thống thờ Trời đó, tinh thần biết ơn nguồn cội đó chỉ mới xuất phát từ trong bản tánh tự nhiên mà Đức Chúa Trời đã đặt để (set up) trong họ khi Ngài tạo nên họ. Truyền thống ấy, tinh thần ấy nếu được Kinh Thánh soi sáng thì sẽ rất tuyệt vời.
Khi người thiếu phụ Sa-ma-ri gặp Chúa Giê-su và chuyện trò với Ngài, bà hãnh diện... khoe rằng tổ phụ bà thờ Đức Chúa Trời trên hòn núi Ga-ri-xim, thì Chúa Giê-su đã bày tỏ cho bà biết cách thờ phượng Đức Chúa Trời đúng nghĩa không phải là ở một nơi chốn, địa điểm nào, (không phải trên núi Ga-ri-xim hay là tại thành Giê-ru-sa-lem) mà bèn là trong tâm hồn của mình:
“Nhưng giờ hầu đến và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: Ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy. Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy” (Sách Giăng, chương 4, câu 23, 24)
Nhận biết Ông Trời là Đấng tối cao và có tấm lòng thờ Trời là tốt nhưng chưa đủ. Người Việt cần phải biết cách thờ Trời đúng đắn theo như Kinh Thánh bày tỏ, theo như Con Trời là Chúa Giê-su đã chỉ dẫn, đó là “lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha” vì đó là cách thờ phượng duy nhất mà Cha Ngài ưa thích.
Phao-lô cũng đã học theo tấm gương thờ phượng Đức Chúa Trời của Con Ngài là Chúa Giê-su và ông đã khuyên những người tin Chúa về sự thờ phượng phải lẽ như sau:
“Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em” (Sách Rô-ma, chương 12, câu 1). “Sự thờ phượng phải lẽ” ở đây chính là sự thờ phượng thật, trong nguyên văn là sự thờ phượng căn bản.
Như vậy, thờ Trời đúng và đẹp lòng Ngài ấy là lấy tấm lòng mà thờ phượng, chứ không phải lập bàn thờ để thờ. Đền thờ của người thờ Trời là chính thân thể của họ. Kinh Thánh cho biết rất rõ ràng: “Anh em chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao? Ví có ai phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy họ, vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh mà chính anh em là đền thờ” (Sách Cô-rinh-tô thứ nhứt, chương 3 câu 16, 17).
Mong ước rằng ngày càng có nhiều người dân Việt Nam tìm đọc Kinh Thánh để biết cách thờ Trời đúng đắn như đáng phải thờ, chứ không phải theo cách “xưa bày nay bắt chước” như bao nhiêu năm qua, thì chắc chắn dân Việt mình sẽ được Ông Trời ban phước chẳng sai!
Tôi là người thuộc họ Nguyễn – Đình ở làng Ngọc Phô, Xã Bình Tú, Huyện Thăng Bình, Tỉnh Quảng Nam. Cảm tạ Chúa, cha mẹ tôi đã tin Trời và thờ Trời. Tôi đã tin Trời và thờ Trời. Gia đình tôi đã tin Trời và thờ Trời. Tôi cũng ước ao ngày càng có nhiều người trong dòng họ Nguyễn – Đình của tôi tìm đọc được Kinh Thánh để biết, rồi đem lòng tin trọn vẹn mà thờ Trời theo như cách Kinh Thánh dạy để dòng họ tôi cũng được Ông Trời ban phước một cách dồi dào!
California, Tháng 11/ 2023!
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu
(1): chunom.net/Truyen-Kieu-Ngam-hay-muon-su-tai-Troi-Troi-kia-da-bat-lam-nguoi-co-than-37.html
(2): http://e-cadao.com/tieuluan/tinnguong/ongtroicuannguoivietnamquacadaotucngu.htm
(3): http://nhipcautamgiao.net/tin-nguong-dan-gian/ong-troi/tin-nguong-tho-troi-o-nam-bo/