Nếu chúng ta cố chấp theo thuyết hoàn hảo suốt đời chúng ta và nhấn mạnh rằng tất cả mọi người chung quanh chúng ta phải làm cho hợp các tiêu chuẩn chúng ta nêu ra thì chúng ta không tránh khỏi sự thất bại trong gia đình và cuộc sống xã hội. Nếu chúng ta bị chiếm hữu bởi chủ trương nhấn mạnh rằng "Tôi là tốt nhất, cho nên anh phải làm y như tôi làm", thì sự chia rẽ sẽ xảy ra với bất cứ việc gì ta làm. Khi chúng ta giải hòa với bạn bè và bà con, đồng thời chấp nhận đường lối họ cách khoan dung và quảng đại, chúng ta sẽ tìm được sự vui mừng đích thực của chúng ta trong đời sống.
Chúa Jesus dạy chúng ta vai trò quan trọng của tinh thần thông cảm trong đời sống chúng ta qua ví dụ về người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (Giăng 8:3-11). Người Pharisi và các giáo sư dạy luật xuất hiện trong câu chuyện nầy đều là những nhà cầu toàn, cố phán xét mọi sự theo nguyên tắc của luật pháp. Họ không có khả năng thông cảm người đàn bà khốn khổ, nhưng chỉ có cặp mắt chăm vào hành động phạm pháp vì phạm luật lệ của họ. Đối với những người hay phán xét mọi sự theo nguyên tắc luật pháp, họ sẽ luôn luôn phê phán người khác và vạch ra lỗi lầm của người khác.
Chúa Jesus có lòng thương xót đối với người đàn bà. Ngài không nhìn bà dưới ánh sáng của luật pháp, nhưng dưới ánh sáng của sự thương xót. Ngài thấy cả con đường người đàn bà đã di qua cho đến khi bà sa vào chỗ phạm tội, nhưng đồng thời Ngài cũng nhìn thấy khải tượng về tương lai của bà như một người được sự tái sanh
(Giăng 3:17), "VẢ, ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ SAI CON NGÀI ĐẾN THẾ GIAN, CHẲNG PHẢI ĐỂ ĐOÁN XÉT THẾ GIAN ĐÂU, NHƯNG HẦU CHO THẾ GIAN NHỜ CON ẤY MÀ ĐƯỢC CỨU ". Nhản quan của chúng ta và thế giới chung quanh sẽ khác biệt lớn lao tùy theo chúng ta nhìn thế giới đó với nhản quan tích cực hay tiêu cực. Nếu chúng ta nhìn thấy mọi người và mọi sự qua đôi mắt thương xót, tự đặt mình vào hoàn cảnh người đó và nhận biết Chúa Jesus đã tha thứ cho chúng ta, thi chúng ta sẽ tha thứ lỗi lầm của người khác cùng chấp nhận họ trong hoàn cảnh của họ. Hơn nữa, chúng ta còn có thể chịu đựng được lỗi lầm của họ và những gánh nặng khác. Nếu chúng ta sống với lòng thương xót đối với người khác, cảm thông và tiếp nhận họ, các kết quả sẽ xảy đến trong đời sống chúng ta để gây dựng. Chúng ta tất cả đều là những tội nhân đã được Đức Chúa Trời tha thứ và bây giờ chúng ta đang hết lòng hết sức hầu việc Chúa.
Tại vườn thú quốc gia Yellow Stone ở Hoa Kỳ, những thú hoang được phép sống trong những cánh đồng trống. Mỗi ngày vào buổi sáng, những con thú như sói, chồn, cáo đều ăn trong một khu đầm lầy rộng lớn. Khi có một con gấu xuất hiện, tất cả những con vật đó đều tránh ra và đứng nhìn con gấu ăn. Nhưng con gấu to lớn và dữ tợn đến nổi các thú vật khác đều sợ chúng, ngoại trừ con chồn hôi nhỏ bé. Con chồn hôi ăn tự nhiên bên cạnh con gấu và con gấu không thèm để ý đến nó. Con chồn hôi thì không thể địch lại con gấu bằng sức lực, nhưng con gấu biết rằng nếu nó làm cho chồn hôi thù nghịch, chồn sẽ phóng vào mình nó một thứ mùi chống trả và mùi hôi đó sẽ dính vào mình con gấu trong một thời gian rất lâu. Việc nầy khiến gấu phải hành động như là nó không hề thấy chồn hôi. Ngay cả con gấu thô kệch cũng có đủ khôn ngoan để tránh những chuyện gây phiền hà không tốt xảy ra.
Có nhiều người ngày nay sống theo sự công bình riêng và họ thường cải cọ về những điều thường không quan trọng. Vì cớ sự hòa bình, ta nên tránh xa những cuộc tranh chấp như thế. Trong một khía cạnh nào đó nó giống như con chồn hôi. Người ta có kinh nghiệm hay đoạn tuyệt với những người như thế, và hậu quả là những sự cô đơn cho những con người như vậy. Thuyết hoàn hảo không phải là một mỹ đức của Đức Chúa Trời. Nếu Đức chúa Trời phán xét thế gian qua con mắt của một người theo thuyết hoàn hảo thi không một ai hoàn hảo ở trên mặt đất nầy. Chúng ta phải từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo để chúng ta có thể mang trái thịnh vượng với Đức Chúa Trời ngự trị trong lòng ta.
Paul Yonggi Cho