Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 701

Sức Mạnh Của Lời Nói

Nhân vì các cừu địch của Chúa, Chúa do miệng trẻ thơ và những con đương bú mà lập nên năng lực Ngài (Thi Thiên 8:2)

Chúa đã định là chúng ta phải có quyền năng trên kẻ thù của chúng ta qua những lời từ môi miệng chúng ta. Lời nói của chúng ta có ý nghĩa và hiệu quả hơn chúng ta nghĩ. Đó là lý do tại sao chúng rất quan trọng. Thướng thì chúng ta hay hạ thấp giá trị của lời nói khi nói rằng: "Ồ, đó chỉ là điều tôi nói thôi, tôi không thực sự có ý như vậy." Những thất vọng, thổi phồng, rào cản thông tin từ mọi phía, vô tuyến, báo chí và những thứ tương tự, tất cả đều góp phần trong việc làm giảm giá trị lời nói của chúng ta. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời xem xét những lời nói của chúng ta trong một cách hoàn toàn khác.

Chúa Jesus nói trong Ma-thi-ơ 12:36 rằng chúng ta sẽ phải trả lời về mọi lời hư không (bản tiếng Anh-lời nói cẩu thả-ND). Đối với Chúa Jesus mọi lời nói đều quan trọng. Tại sao? Bởi vì cả vũ trụ được tồn tại và duy trì bởi lời nói. Khi Đức Chúa Trời tạo dựng thế giới, Ngài đã làm điều đó qua những lời đầy đức tin. Ngài đã có một khải tượng, một kế hoạch ở trong lòng, để tạo dựng nên vũ trụ và làm con người theo hình tượng Ngài. Con người cần phải tể trị tạo vật, trở nên cộng sự của Đức Chúa Trời và phản chiếu vinh hiển của Ngài.

Những lời Đức Chúa Trời mang quyền năng của Ngài. Hê-bơ-rơ 1:3 nói rằng Chúa Jesus, Con Ngài, lấy lời có quyền phép Ngài nâng đỡ muôn vật. Kinh Thánh nói Đức Chúa Trời tạo dựng con người theo hình tượng của chính mình. Giống như Ngài cai quản và tể trị trên tạo vật, con người cũng tể trị như người quản trị của Ngài, dưới quyền Ngài. Đức Chúa Trời cai quản như thế nào? Bằng lời nói của Ngài! Con người cần tể trị ra sao? Bằng những lời nói! Vì lý đó, lời nói của chúng ta là vô cùng quan trọng, quan trọng hơn cách chúng ta thường nghĩ.

2 Cô-rinh-tô 4:13 nói: " như lời Kinh Thánh rằng: Ta đã tin cho nên ta nói, cũng vậy, chúng tôi tin, cho nên mới nói". Những lời nói của bạn liên quan tới đức tin nhiều hơn bạn nhận thức được. Trên đất này, chúng ta nhận được sự đáp lời cầu nguyện, phép lạ, thay đổi ngoại cảnh và chiến thắng trên những sự tấn công bởi đức tin (Rô-ma 12:3). Nhưng đức tin không phải lúc nào cũng hoạt động. Chỉ khi đức tin hoạt động, nó mới giải phóng quyền năng của Đức Chúa Trời và những phép lạ mới xảy ra.

Vai trò liên tục của sự tuyên xưng của chúng ta: Quyền năng của Đức Chúa Trời được giải phóng khi bạn tuyên xưng bằng mội miệng, bởi đức tin và sự xác quyết hoàn toàn trong lòng, điều Đức Chúa Trời nói về bất kỳ một sự vật nào, trong khi điều đó vẫn chưa nhìn thấy được. Khi Lời Đức Chúa Trời liên quan đến bất kỳ một nhu cầu, nan đề hoặc hoàn cảnh đặc biệt nào đầy dẫy lòng bạn, một sự xác quyết nảy sinh bên trong, rằng mọi việc sẽ trở nên giống như những gì Đức Chúa Trời đã nói.

Khi Đức Chúa Trời phán thì đức tin vào những lời hứa của Ngài lớn lên. Đức tin trong lòng trở nên sự xác quyết rằng sự việc sẽ trở nên như điều Đức Chúa Trời đã nói. Từ sự đầy dẫy trong lòng mà miệng nói ra. Đó là lý do tại sao Phao-lô nói trong 2 Cô-rinh-tô 4:13, "tôi tin, cho nên tôi nói". Chúng ta nói về điều gì? Chúng ta nói điều Lời Đức Chúa Trời nói và khi chúng ta làm như vậy thì lời hứa của Đức Chúa Trời liên quan đến hoàn cảnh của chúng ta sẽ có tác dụng. Khi Lời Đức Chúa Trời ở trên lưỡi của chúng ta thì quyền năng vô địch của Ngài sẽ làm phép lạ.

Rô-ma 10:10 nói: vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi. Sự tuyên xưng bởi môi miệng phóng thích quyền năng cứu rỗi của Đức Chúa Trời, và điều này bao gồm sự giải cứu, bảo vệ, giữ gìn, chữa lành và tâm trí lành mạnh. Đó là ý nghĩa của sự cứu rỗi.

Mỗi chúng ta đều có những nan đề và khó khăn trong cuộc sống của mình. Những mũi tên lửa của ma quỷ nhắm vào tất cả mọi người. Khi sự khó khăn nổi lên, thường thì đó là ma quỷ đã dỗ dành chúng ta nói điều ma quỷ nói về nan đề, thay vì nói điều Đức Chúa Trời nói, tức điều hiển nhiên là giải pháp.

Ma quỷ biết rằng chúng ta được kêu gọi cai trị như những vị vua trong cuộc sống và chúng ta có thể tể trị trên ngoại cảnh bởi lời nói của chúng ta. Đó là lý do tại sao nó muốn làm đầy miệng chúng ta bằng những lời vô tín, nghi ngờ, chán nản, sợ hãi, bệnh tật thù hận, ghen tỵ và chỉ trích. Nếu bạn liên tục nói ra những điều đó, quyền năng của Đức Chúa Trời sẽ bị trói buộc trong cuộc sống bạn và bạn sẽ cho phép Sa-tan cơ hội để tạo nên những điều ấy trong và xung quanh bạn. Nó biết quyền năng tạo dựng của lời nói của bạn, và nó muốn sử dụng những lời nói ấy để lan truyền vương quốc của nó và nhân lên những trái ác.

Kinh Thánh kêu gọi chúng ta cầm giữ một cách chẳng chuyển lay đức tin và sự trông cậy, tức "sự tuyên xưng tốt lành" của chúng ta (Hê-bơ-rô 10:23,4:14; 1 Ti-mô-thê 6:13). Tuyên xưng có nghĩa là "nói giống như". Chúng ta cần nói những điều giống như Đức Chúa Trời nói về hoàn cảnh của mình, không quan trọng là chúng có vẻ như thế nào. Khi làm vậy, chúng ta công bố giải pháp cho nan đề và nói điều Đức Chúa Trời nói, chứ không nói điều ma quỷ nói, và cầm giữ sự tuyên xưng ấy là một cách chẳng chuyển lay, biết rằng Đấng đã hứa cùng chúng ta là thành tín, thì Lời Đức Chúa Trời trên môi miệng chúng ta sẽ buộc kẻ thù phải câm lặng. Quyền năng của Đức Chúa Trời sẽ được phóng thích và "hòn núi" của chúng ta sẽ biến mất.

Do đó, mỗi Cơ Đốc Nhân cần kiểm soát cái lưỡi của mình và gìn giữ trong sạch của nó. Gia-cơ 3:2 nói:Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn, hay hãm cầm cả mình. Câu 4 mô tả những chiếc tàu, dầu cho lớn đến mấy mặc lòng, và bị gió mạnh đưa đi thây kệ, một bánh lái rất nhỏ cũng đủ cạy bát (lèo lái) nó, tùy theo ý người cầm lái. Bạn là người lái tàu và cái lưỡi của bạn, dù là một phần nhỏ trong thân thể, hoạt động như bánh lái, dẫn bạn đi bất kỳ nơi nào bạn muốn.

ULF EKMAN (Theo Đời Sống Chiến Thắng)