Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 35

Ra Khỏi

Từ bài giảng luận "Ra Khỏi Xứ Ai-Cập"

CN March 11, 2012 – Hội Thánh Norwalk

Đức Chúa Trời lại phán rằng: Nhưng ta sẽ đoán xét dân đã bắt chúng nó làm tôi, kế đó, chúng nó sẽ ra khỏi, và thờ phượng ta trong nơi nầy. (Công Vụ 7:7)

-- Cũng đọc thêm Sáng-thế ký 15:13,14 và Xuất Ê-díp-tô ký 6:1-13 --

Chấp sự Ê-tiên đã dẫn giải lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên để nói đến sự bội nghịch của người đương thời, bởi vì họ cũng hành động giống như tố tiên họ trước kia. Đây là một giai đoạn lịch sử rất quan trọng của tuyển dân, chính tay Đức Giê-hô-va đã giải cứu toàn thể dân sự của Ngài khỏi ách nô lệ dài đăng đẳng và đưa Y-sơ-ra-ên trở về vùng đất hứa của giao ước.

Ý định của Giê-hô-va Đức Chúa Trời rất rõ ràng. Ngài muốn họ là con dân của Ngài và họ phải nhận biết Chúa Hằng Hữu là Đấng họ phải hết lòng kính thờ, Đấng mang lại tự do và hạnh phúc cho họ từ đời này sang đời sau, y như lời giao ước thành tín của Ngài.

Không thể nào nói khác đi được, hai hành động "ra khỏi""thờ phượng Chúa" vẫn là mệnh lệnh Chúa truyền cho tôi hôm nay. Tuy có khác biệt về hoàn cảnh, thời đại, dân tộc, tính chất … giữa tôi, một cá thể so với một dân tộc có bản sắc rất riêng biệt của 12 chi phái Y-sơ-ra-ên; nhưng Lời Chúa từ đời này sang đời kia không bao giờ thay đổi. Thánh Kinh không chỉ nói về dân Do thái ngày xưa, Thánh Kinh vẫn luôn có hiệu lực và vẫn còn cứ phán dạy cho chính tôi ngày hôm nay.

Ngày xưa, dân Y-sơ-ra-ên hoàn toàn ra khỏi lãnh địa Ê-díp-tô để đi đến một xứ của Lời Hứa. Ê-díp-tô đối với tôi hôm nay là một Ai-cập thuộc linh, một ví sánh để ám chỉ những thế lực đang đặt áp lực nặng nề trên đời sống tôi và có khi tôi chẳng cảm nhận được điều đó; nhưng nó thật sự ảnh hưởng nặng nề, trói buộc tôi, xích xiềng tôi lại, và tôi khó lòng thoát khỏi ách nô lệ vô hình điều khiển tôi từ ngày này qua ngày khác. Bốn trăm năm nô lệ làm Y-sơ-ra-ên mòn mỏi, suy kiệt; dù không bị hoàn toàn đồng hóa với ngoại bang nhưng hình như họ có bị lây nhiểm và chấp nhận nhiều thứ từ dân tộc thống trị mình. Có thể ngày nay tôi tưởng mình là một người tự chủ, đang sống tự do, tự mình quyết định mọi sự cho đời sống mình; nhưng biết đâu tôi đang là nô lệ cho một quyền lực vô hình: tiền tài, danh vọng, một mục tiêu vật chất hay một cái gì đó chiếm trọn mọi sinh hoạt của tôi và điều khiển tôi. Có khi tôi cho rằng mình thuộc về Chúa, tôi tự mãn rằng Chúa đang ngự trên ngai cao nhất của lòng tôi, tôi sống như một người luôn hướng về tâm linh; nhưng than ôi! Nếu không cẩn trọng, tôi vẫn khó thoát khỏi bàn tay pha-ra-ôn của một Ê-díp-tô chống nghịch lại với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Và như thế, tôi vẫn chưa chịu "ra khỏi", cứ sống chung và bị tác động trực tiếp từ Ê-díp-tô mà tôi cứ nghĩ rắng mình đã rời bỏ nó từ lâu lắm rồi.

Tưởng không khó khi nói "thờ phượng Chúa", nhưng thật ra tôi phải dành trọn một đời học tập và dè giữ. Khi còn ở với Ê-díp-tô, Y-sơ-ra-ên không tránh khỏi nhìn thấy và rất có thể bị dẫn dụ theo cách thờ phượng của những kẻ không nhìn biết Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Bốn trăm năm đâu phải thời gian ngắn ngủi. Biết bao nhiêu cơ cực, biết bao nhiêu nhu cầu; để so sánh, để mong chờ và bị khuyến dụ với hi vọng cuộc đời mình khá hơn. Ngày nay, tôi không sống kiếp nô lệ như dân của Chúa xưa kia, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi dễ dàng "thờ phượng Chúa" một cách chân chính. Đời sống càng phát triển, nhu cầu càng lúc càng gia tăng. Tôi làm ngơ sao đành khi thấy người ta không hơn gì mình mà có quá nhiều phương tiện hổ trợ công việc lẫn cuộc sống riêng tư. Tôi đang làm công việc nhà Chúa, tôi dặn lòng rằng phải khôn ngoan để làm cho công việc Chúa phát triển, để "bằng chị bằng em"; và thế là dần dần tôi hướng tâm hồn về một công việc, một kế hoạch, một công trình, một tổ chức hay một gì đó mang danh Chúa để thực hiện mục đích chính do tôi chủ trương. Tôi "thờ phượng Chúa" theo cách tôi cho là tốt nhất nhưng biết đâu đó chẳng phải là cách Chúa muốn tôi, một tôi tớ của Chúa, làm như vậy.

Tôi không thể thất vọng vì sự yếu đuối và thất bại của mình, Chúa còn chỉ cho tôi một điều khác: Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã dùng một Môi-se chấp nhận ra khỏi quyền lực và danh vọng Ê-díp-tô, một Môi-se "chẳng phải một tay nói giỏi vì miệng lưỡi hay ngập ngừng" (Xuất 4: 10), "một kẻ vụng miệng" (Xuất 6:12); để đem một đoàn dân đông đảo, không mấy tôn trọng ông, thoát khỏi 400 năm nô lệ. Chúa không dùng đến một đạo quân lớn, một tập đoàn, hay một nhóm người xuất sắc nổi trội … Chúa chỉ cần một tấm lòng nhìn biết Chúa và làm theo mọi điều Ngài phán dạy. Sẽ không có một Môi-se hay một Giô-suê thứ hai trên trái đất này để tôi nhờ cậy, nhưng chắc chắn Chúa vẫn cho tôi có những người anh em bên cạnh tôi; để nhắc nhở, khuyên lơn, an ủi, và cũng để dẫn tôi đi đúng hướng, thẳng tiến về miền Đất Hứa.