Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 111

Di Ngôn Tình Yêu

Từ bài giảng luận "Chúa Hầu Việc"

CN Sep 01, 2013 - Hội Thánh Norwalk

1 Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng.

34 Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. 35 Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta. (Giăng 13:1,34,35)

(Câu gốc chính thức ở Ma-thi-ơ 20:28, đề nghị đọc trọn Giăng 13:1-20)

"Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng". Bởi tình yêu, Chúa Giê-xu đã sẵn lòng cỡi bỏ chiếc áo sư phụ, vấn khăn ngang lưng để nên một đầy tớ trước các môn đệ của mình. Bởi tình yêu, Chúa làm công việc rửa chân cho các môn đồ không phải để biểu diễn một nghi thức, nhưng với cả tấm lòng mong muốn họ cũng yêu thương và săn sóc nhau như chính Ngài đã yêu họ. Một di ngôn được minh hoạ bằng hành động, nhưng di ngôn không gói gọn trong hành động ấn tượng đó, Chúa Giê-xu muốn nói nhiều hơn khi Ngài kết thúc công việc khác thường này bằng lời nhắn nhũ: "nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi, thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau. Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi" (câu 14,15).

Trong bối cảnh này tôi chỉ thấy có hai đối tượng, đúng hơn là hai thành phần. Một bên là Chúa và bên kia là những người thuộc về Chúa. Trước mặt Chúa, không có sự phân chia giai cấp trong cộng đồng Cơ đốc. Thế thì, điều Chúa phán rất rõ ràng: "các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau". Tôi không thể vin vào việc Chúa rữa chân cho các môn đồ mà yêu cầu các bậc trưởng thượng phải rữa chân cho tôi, và tôi cũng không có quyền từ chối việc chính mình phải làm công việc rữa chân cho bất cứ anh em nào của tôi trong Chúa. Tôi phục vụ anh em tôi, và anh em tôi phục vụ lẫn nhau bởi vì chúng ta học điều đó từ tình yêu của Chúa. Chúng tôi phải làm công việc đầy tớ lẫn cho nhau bằng tình yêu; chứ không phải vì bổn phận, nghi thức hay một điều luật bó buộc nào ngoài món nợ yêu thương nhau.

Ngày trước, Chúa Giê-xu đã rửa chân cho hết tất cả các môn đồ theo Ngài, Chúa rửa chân cho anh cả Phi-e-rơ, Chúa cũng rửa chân cho kẻ phản bội Giu-đa Ích-ca-ri-ốt nữa. Mọi người đều bình đẳng trước mặt Chúa, dù cho Chúa đã biết trước ai là người sẽ phản bội, ai là người sẽ chối Ngài. Chúa biết mọi người sẽ trốn chạy, bỏ mặc Ngài trực diện với cơn nguy biến không lối thoát, nhưng Ngài vẫn yêu và dạy cho họ yêu, một tình yêu được định nghĩa bằng hành động chứ không chỉ bằng môi miếng. Hình ảnh người thầy đáng kính cúi xuống để rửa chân cho từng môn đệ sẽ theo họ suốt cả một đời hầu việc Chúa, để nhắc nhở họ cũng phải làm như vậy đối với anh em mình khi không còn có cơ hội nào để được rữa chân cho Thầy mình nữa. Chúa không cần tôi trực tiếp hầu việc Chúa, Chúa muốn thấy tôi yêu Ngài qua mọi việc tôi làm cho anh em tôi, tận tâm tận tuỵ như tôi đang làm cho chính Thầy mình. Tôi có đang hầu việc Chúa trong tinh thần "rửa chân cho nhau" không?

Nếu ai đó hỏi tôi rằng tôi có yêu Hội Thánh, tôi có yêu anh em mình trong Chúa, hay không? Câu trả lời là có, không thể khác hơn. Tuy nhiên, điều tôi phải làm còn nhiều hơn thế nữa, theo gương Chúa Giê-xu: "Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng". Tôi yêu Hội Thánh của tôi, nhưng có thật là tôi sẽ yêu cho đến cuối cùng? Tôi yêu Hội Thánh khi nơi này phát triển và có tiếng tốt, đến khi có biến cố gì đó xảy ra, thái độ của tôi ra sao? Tôi sẽ tìm một nơi yên lành hơn, có ơn hơn, vui vẻ hơn, phước hạnh hơn? Ở đâu cũng là Hội Thánh của Chúa kia mà! Như vậy là yêu cho đến cuối cùng sao? Tôi yêu anh em tôi trong Chúa lắm, tôi sẵn sàng hợp tác trong mọi công việc, tôi đóng góp những gì tôi có, tôi cầu nguyện, chăm sóc, nâng đỡ ... anh em tôi luôn luôn. Đến khi có điều gì đó không đồng tâm, đồng tư tưởng, không còn hiệp ý nhau thì tôi có còn đồng tình yêu thương anh em? Khi sóng gió nổi lên, tôi có còn yêu anh em tôi cho đến cuối cùng không? Tôi sẽ vẫn cứ gần gũi, nhưng lòng thì xa cách lắm; tôi vẫn luôn tay bắt mặt mừng nhưng cay đắng hậm hực mãi bám theo tôi? Không thể như thế được, tình yêu mà tôi cần phải có trọn đời sống mình là tình yêu giống như Chúa đã đối đãi tôi, Ngài yêu cho đến cuối cùng. Nói cách khác, chỉ có tôi thôi không yêu Chúa chưa không bao giờ Chúa hết yêu tôi. Tôi phải rửa chân cho anh em tôi và anh em tôi cũng sẽ rửa chân cho tôi, để những người thuộc về Chúa sẽ là một tập thể thánh, tập thể của những người được tinh sạch đều bởi sống với nhau bằng tình yêu thật từ nơi Chúa.

Phục vu anh em, tôi có thể làm tốt. Rửa chân, làm tôi tớ cho anh em, tôi có thể làm chuẩn không cần chỉnh. Tuy vậy, tôi có giữ được tình yêu anh em mình cho đến cuối cùng như Chúa không? Tôi phải luôn đặt câu hỏi đó với lòng mình. Điều này không dễ để bây giờ tôi dám xác nhận dứt khoát, ngay cả với chính tôi. Tôi còn phải học nhiều lắm với Chúa.